Chủ nhật, 19/05/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Quốc phòng
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thanh niên xung phong trên con đường huyền thoại

Cập nhật: 17:37 ngày 20/10/2021
(BGĐT) - Những năm tháng chiến tranh, hàng nghìn nam, nữ thanh niên Bắc Giang đã xung phong vào chiến trường, làm nhiệm vụ trên con đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Khi đất nước hoà bình, trở về quê nhà, họ viết tiếp bản hùng ca mới.

Ký ức tuổi xuân

Trong số hơn 3.300 hội viên Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Giang, nhiều người góp mặt trên tuyến đường này từ những ngày đầu khai thông, mở rộng hệ thống đường (năm 1959). Trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, thời tiết khắc nghiệt, những thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Bắc Giang vẫn kiên cường bám trụ trên con đường này để mở, để giữ con đường cho xe lăn bánh hướng tới chiến trường miền Nam. Với họ, ở nơi đại ngàn, mỗi cung đường, mỗi tấc đất đều in dấu bao kỷ niệm, có cả máu và nước mắt của các anh hùng, liệt sĩ. Có bao người nằm xuống khi tuổi mới mười tám, đôi mươi…

{keywords}

Những thanh niên xung phong ôn lại kỷ niệm thời thanh xuân trên con đường huyền thoại.

Ông Nguyễn Văn Huấn, Chủ tịch Hội nhớ lại: "Ngày chúng tôi đi, nam trẻ, nữ trẻ hồn nhiên, mang trong mình tinh thần nhiệt huyết. Nghĩ đến con đường ra trận mà háo hức vô cùng". Chính vì vậy mà nữ cựu chiến binh, thương binh 3/4 Nguyễn Thị Vinh đã xung phong vào đường Trường Sơn khi mới 16 tuổi. 

“Lúc đó tôi mới đang là học sinh lớp 8, nhỏ bé chỉ 40 kg, sợ không đủ cân, sợ bị ở lại quê nhà nên tôi đã cố tình nhét chì vào người để tăng cân. Chúng tôi - những người lính công binh mở đường, nguyện làm “tường đồng, vách sắt” kiên cường bám trụ, giành giật lại từng mét đường. Khi một đường bị đánh thì có ngay hai, ba đường mới được mở ra. Đường chạy đêm bị đánh thì có ngay đường kín được mở. Chúng tôi ngày đêm bám sát tuyến đường, phục vụ đắc lực cho các lực lượng hoàn thành nhiệm vụ”- bà Vinh kể.

Ký ức sâu đậm trên tuyến lửa Trường Sơn trong ông Nguyễn Đoan Hùng ở xã Đồng Tâm (Yên Thế) là những ngày tham gia vận chuyển gạo, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và cả thương binh. Khó có thể tưởng tượng ngày ấy một chiếc xe đạp chở được tận 1 tấn gạo, 1 xe đạp chở 6 thương binh. 

Để có được những kỳ tích này, bộ đội Trường Sơn đã rất sáng tạo. Bên cạnh “chế tạo” những chiếc xe để có vành, ghi đông, gác ba ga chắc chắn còn thành lập các “tổ tam tam” để hỗ trợ nhau mỗi khi lên đèo, vượt dốc. Ý chí cao lắm, vào Trường Sơn ai cũng thấy mình được lớn lên, trưởng thành mặc dù luôn đối mặt với bom rơi, đạn nổ. 

Ông Hùng cũng không thể quên những tháng ngày tham gia vận chuyển trên sông “Máy bay Mỹ quần thảo nhằm chặt đứt tuyến đường bộ huyết mạch. Gian nan, nguy hiểm, ác liệt đến tận cùng. Nhằm kịp thời đưa hàng hóa từ hậu phương ra tiền tuyến, đơn vị chúng tôi nhận nhiệm vụ vận chuyển bằng đường sông. Anh em phải vào rừng chặt những cây hồ lô dài để làm “đường ray” trên sông; lấy xà-beng đập dẹt làm dụng cụ để đóng thuyền; cắt mảnh thùng phi làm cưa; nhặt mảnh bom làm đinh; lấy dây bao tải đay bện lại rồi nhít chặt vào các kẽ hở trên thuyền mới đóng để tránh nước rỉ vào, hàng hóa được buộc chặt bởi 3 lượt túi ni-lông… Bằng sự sáng tạo ấy, 1 vạn tấn hàng hóa thả trôi sông Sê Păng Hiêng (Quảng Trị) đã được vận chuyển an toàn.

Viết tiếp bản hùng ca mới

Chiến tranh đã kết thúc gần nửa thế kỷ, hôm nay đây, tóc mỗi ngày một bạc, da thêm đồi mồi, mắt kém đi, chân chậm dần, nhưng những năm tháng là bộ đội Trường Sơn vẫn luôn là kỷ niệm đẹp. Khúc quân hành năm xưa là hành trang để mỗi người làm nhiều việc ý nghĩa cho hôm nay. 

Trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, thời tiết khắc nghiệt, những thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Bắc Giang vẫn kiên cường bám trụ trên con đường này để mở, để giữ con đường cho xe lăn bánh hướng tới chiến trường miền Nam. Với họ, ở nơi đại ngàn, mỗi cung đường, mỗi tấc đất đều in dấu bao kỷ niệm, có cả máu và nước mắt.

Là Chủ tịch Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Bắc Giang, bà Nguyễn Thị Vinh luôn trăn trở với những hội viên khó khăn, kém may mắn trong cuộc sống. Vì vậy, bà đã bàn bạc mở rộng hoạt động nghĩa tình Trường Sơn, nghĩa tình đồng đội, đoàn kết động viên giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất và cuộc sống.

Nhiều hội viên không lập gia đình, không có con, bị ảnh hưởng chất độc da cam, sống độc thân… đã được Hội thường xuyên thăm hỏi, động viên, cắt cử người chăm sóc. Mấy năm qua, Hội đã vận động được hơn 750 triệu đồng xây dựng 6 nhà tình nghĩa, sửa chữa 2 nhà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Năm nào dịp Tết, tháng Bảy tri ân, các hội viên đều có những hoạt động nghĩa tình dành tặng những người đồng đội, người lính năm xưa. 

Không chỉ nghĩa tình với những hội viên của mình, các hội viên còn nhiều lần chia sẻ với những cựu chiến binh, người dân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Cựu chiến binh Lê Xuân Kiên (SN 1947) bị địch bắt tù đày ở Phú Quốc. Gia đình ông Kiên sinh sống tại xóm Ổi 2, thôn Trung Xuân, xã Nghĩa Trung (Việt Yên) - là hộ đặc biệt khó khăn. Thấy hoàn cảnh ông Kiên như vậy, Hội đã kêu gọi ủng hộ hàng chục triệu đồng. 

Đáng chú ý, trước diễn biến phức tạp của đợt dịch bệnh Covid-19 thứ tư xảy ra trên địa bàn tỉnh hồi tháng 5 và tháng 6 vừa qua, Hội đã tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ, vận động quyên góp ủng hộ tiền và nhu yếu phẩm với tổng trị giá hơn 621 triệu đồng, góp phần cùng chính quyền và nhân dân trong tỉnh chống dịch.

Điểm chung nhất của bộ đội Trường Sơn là phong trào văn hóa, văn nghệ. Phát huy tinh thần “Tiếng hát át tiếng bom” năm xưa, các tổ chức Hội ở 10 huyện, TP đều có đội văn nghệ chuyên nghiệp, không chỉ phục vụ các hoạt động của hội mà còn được mời đi biểu diễn nhiều nơi. Ấn tượng nhất là Câu lạc bộ văn nghệ nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Bắc Giang. Câu lạc bộ thành lập năm 2011 gồm 15 chị em trở thành nơi giao lưu, gắn kết, chia sẻ niềm đam mê văn nghệ. 

Giọng ca vàng – hội viên Dương Thị Quang ở phường Trần Phú (TP Bắc Giang) bộc bạch: Dù đứng trên sân khấu hay biểu diễn giữa Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị), Nhà tù Phú Quốc, Bến phà Long Đại (Quảng Bình) lịch sử hay ven đường Trường Sơn huyền thoại… thì chị em chúng tôi vẫn tự tin say sưa cất những lời ca, tiếng hát ca ngợi sự trẻ trung, yêu đời, yêu nước của bộ đội Trường Sơn năm nào.

Bài, ảnh: Thu Phong
Phát huy truyền thống hào hùng của thanh niên xung phong
(BGĐT) - Theo Chỉ thị của Bác Hồ, ngày 15/7/1950, Đội thanh niên xung phong (TNXP) công tác Trung ương ra đời tại núi Hồng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Với tinh thần: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”, trong 2 cuộc kháng chiến và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, lực lượng TNXP đã đóng góp xứng đáng vào những chiến công, thành quả to lớn của dân tộc.
Bắc Giang: Gặp mặt kỷ niệm 70 năm sáng mãi ngọn lửa thanh niên xung phong
(BGĐT) - “70 năm sáng mãi ngọn lửa thanh niên xung phong” là chủ đề gặp mặt kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam, 15/7 (1950-2020) và 15 năm thành lập Hội Cựu TNXP tỉnh Bắc Giang. Lễ gặp mặt do Hội Cựu TNXP tỉnh phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức sáng 11/7 tại TP Bắc Giang.
Trang sử vàng của thanh niên xung phong
(BGĐT) - Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược được đánh dấu bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. Làm nên một phần chiến công đó có đóng góp không nhỏ của hàng nghìn thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh Bắc Giang. 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...