Thứ sáu, 31/05/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Liên kết nâng chất lượng y tế cơ sở

Cập nhật: 08:31 ngày 15/05/2024

BẮC GIANG - Thực hiện Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” (Đề án 1816) của Bộ Y tế, các bệnh viện tuyến tỉnh duy trì đưa hàng chục lượt cán bộ, bác sĩ về cơ sở. Nhờ đó, chất lượng khám, chữa bệnh tại cơ sở được nâng lên, người dân được thụ hưởng dịch vụ y tế tốt hơn tại địa phương.

Triển khai nhiều chương trình phối hợp

Huyện Yên Dũng có khoảng 100 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối phải duy trì chạy thận nhân tạo. Hằng tuần, những bệnh nhân này đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện tuyến T.Ư 3 lần để điều trị. Nhằm giúp người bệnh không phải di chuyển xa, giảm chi phí, năm 2023, UBND huyện Yên Dũng bố trí 6,5 tỷ đồng từ ngân sách hỗ trợ Trung tâm Y tế huyện lắp đặt 10 máy chạy thận và 1 hệ thống lọc nước RO.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật chạy thận nhân tạo cho Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng.

Để vận hành thiết bị, trung tâm ký chương trình phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh về việc cử cán bộ, bác sĩ hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện quy trình lọc máu cho bệnh nhân suy thận. Cùng với đào tạo bác sĩ, trong suốt quá trình lắp đặt, vận hành thử, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cử bác sĩ Nghiêm Tam Dương, Trưởng Khoa Nội thận - Lọc máu trực tiếp về hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật.

Trong tháng đầu đưa kỹ thuật này vào triển khai, bác sĩ Dương luôn có mặt theo dõi suốt ca lọc máu của các bệnh nhân. Nhờ đó, sau 3 tháng hoạt động, Trung tâm đã làm chủ kỹ thuật, duy trì chạy thận nhân tạo cho 15 bệnh nhân, không để xảy ra biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe. Anh Ngô Văn M (SN 1993), trú tại xã Tư Mại (Yên Dũng) cho biết: “Phát hiện bản thân bị suy thận mạn tính từ năm 2021, tôi đăng ký lập hồ sơ theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Từ tháng 2/2024, tôi chuyển về chạy thận tại Trung tâm Y tế huyện nên quãng đường đi gần hơn, tôi không phải xếp hàng chờ lâu như trước”.

Thực hiện Đề án 1816, những năm qua, các bệnh viện tuyến tỉnh triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ tuyến cơ sở. Tìm hiểu tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang được biết, căn cứ vào chương trình phối hợp, hằng năm, bệnh viện đều cử cán bộ, bác sĩ về 10 huyện, thị xã, TP tập huấn, hướng dẫn và trực tiếp khám, phát hiện, thu dung điều trị người mắc bệnh lao ngay tại cơ sở.

Chỉ riêng năm 2023, bệnh viện đã khám cho hơn 51 nghìn lượt người, qua đó phát hiện gần 1,7 nghìn trường hợp mắc các bệnh lao. Tương tự, trung bình mỗi năm, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang cử gần chục lượt bác sĩ về trung tâm y tế các huyện, thị xã, TP và các bệnh viện tư nhân hỗ trợ khám, điều trị, triển khai các kỹ thuật mới, khó như: Phẫu thuật nội soi phụ khoa cơ bản, giảm đau bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng, gây mê hồi sức trong phẫu thuật sản phụ khoa, soi chẩn đoán và điều trị tổn thương cổ tử cung...

Bác sĩ Thân Ngọc Bích, Trưởng Khoa Phụ (Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang) cho biết: “Hơn 10 năm qua, năm nào tôi cũng về hỗ trợ các trung tâm y tế tuyến huyện, mỗi năm ít nhất 1 tuần, nhiều là 3 tháng. Mỗi dịp như thế, tôi và các đồng nghiệp cảm thấy rất vui khi được chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật mới, hỗ trợ các bác sĩ nâng cao năng lực khám, điều trị bệnh, giúp người dân được điều trị hiệu quả, tiết kiệm chi phí ngay tại địa phương”.

Lựa chọn nội dung hỗ trợ phù hợp

Theo Sở Y tế, Đề án 1816 đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới cũng như vị thế, uy tín của các cơ sở khám, chữa bệnh tại địa phương. Nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu lần đầu tiên được thực hiện tại tuyến huyện đã mang đến cơ hội khám, chữa bệnh thuận lợi cho người bệnh như: Xét nghiệm suy tuyến giáp, phẫu thuật nội soi cắt tử cung hoàn toàn (Trung tâm Y tế Lục Nam); phẫu thuật nội soi cắt u buồng trứng và phần phụ, tán sỏi thận qua niệu quản, phẫu thuật nội soi tai-mũi-họng (Trung tâm Y tế thị xã Việt Yên); phẫu thuật khâu lỗ thủng dạ dày - tá tràng bằng phương pháp nội soi, mổ mang thai ngoài tử cung bằng phương pháp nội soi, thay thủy tinh thể bằng phương pháp phaco (Trung tâm Y tế huyện Sơn Động)…

Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Sơn Động phẫu thuật thay thủy tinh thể bằng phương pháp phaco.

Nhờ triển khai các kỹ thuật cao, hiện đại, chất lượng khám, điều trị tại các cơ sở y tế được nâng lên, người dân không phải lên tuyến trên, giúp giảm chi phí cho người bệnh và giảm áp lực cho các bệnh viện.

Đề án 1816 đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới cũng như vị thế, uy tín của các cơ sở khám, chữa bệnh tại địa phương. Nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu lần đầu được triển khai, thực hiện tại tuyến huyện.

Mặc dù vậy, công tác khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế tuyến huyện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiếu nhân lực có trình độ. Tại một số trung tâm y tế còn thiếu bác sĩ có chuyên môn tay nghề cao thuộc các chuyên khoa như: Sản, nhi, tâm thần, lao… Do đó, nhu cầu liên kết đào tạo, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật rất lớn. Để khắc phục những hạn chế, căn cứ vào nhu cầu thực tế, ngay từ đầu năm 2024, các bệnh viện tuyến tỉnh đã chủ động ký kết chương trình phối hợp với các cơ sở y tế tuyến huyện về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuyển giao kỹ thuật.

Cụ thể, năm nay, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang tập trung đào tạo, hỗ trợ Trung tâm Y tế các huyện: Sơn Động, Yên Thế, Lục Ngạn, Hiệp Hòa kỹ thuật phẫu thuật nội soi phụ khoa cơ bản, giảm đau bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng, cấp cứu nhi khoa, gây mê hồi sức trong phẫu thuật sản phụ khoa. Tương tự, cùng với duy trì 32 chương trình phối hợp đào tạo cán bộ y tế tuyến dưới, năm nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh xác định tập trung chuyển giao kỹ thuật chạy thận nhân tạo cho Trung tâm Y tế thị xã Việt Yên và huyện Lạng Giang; bồi dưỡng kỹ thuật giám định y khoa cho Trung tâm Y tế huyện Tân Yên...

Bác sĩ Hoàng Chí Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Để tăng hiệu quả, chúng tôi xây dựng kế hoạch, điều phối cán bộ đi công tác theo những mục tiêu, yêu cầu của các địa phương. Sau chuyển giao, chúng tôi tăng cường giám sát, đào tạo liên tục nhằm duy trì hiệu quả các kỹ thuật mới, chuyên sâu. Với những cán bộ được cử về cơ sở, chúng tôi yêu cầu thường xuyên báo cáo công việc với lãnh đạo bệnh viện và giữ mối liên hệ với cơ sở để kịp thời nắm bắt, trao đổi thông tin khi cần thiết”.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Chia sẻ:
lien-ket-nang-chat-luong-y-te-co-so-075440.bbg

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...