Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lửa tầm xuân

Cập nhật: 17:50 ngày 28/01/2023
(BGĐT) - Đêm xuân rét thấu xương. Bếp lửa rừng rực đỏ. Chị dâu ngồi nghe tiếng trâu cọ sừng vào thoang chuồng, nhìn ngắm mấy đứa trẻ con ngủ trên nệm rơm quanh bếp, gương mặt như có sương mờ phủ lên.

Những sợi tóc xòa xuống một bên má sáng lấp lóa. Có những đốm lửa nhỏ bắt đầu nhen lên trong mắt chị. Chắc chị đang nhớ anh. Thời gian vợ chồng hơn 10 năm nhưng anh ở nhà đếm được từng ngày, có Tết anh không về vì phải trực chốt trên biên giới.

Chị luôn hiểu rõ là như thế, chịu xa vắng suốt rồi quen. Có lẽ chị cũng tự sắp xếp được sự bình thản trong lòng mình thì phải. Hiếm khi thấy chị buồn. Chỉ thấy chị tất tả, vội vã trong mọi việc. Chị ít khi hóng chuyện với ai - điều rất hiếm hoi ở làng này. Trâm ngồi im trong xó tối, nơi góc giường cũ của bà, trùm chăn nghe “đọc truyện đêm khuya”. Từ ngày viết lách lại hong hóng xem người ta có đọc truyện của mình không, rồi lại nghĩ mấy chị, mấy anh làng mình có nghe không, có nhận ra một phần đời mình chảy trôi đó không nhỉ? Nhìn chị dâu ngồi kia, cảm giác đám lửa đỏ nhảy từ bếp vào lòng chị, nôn nao, hoang hoải. Chị chắc đang mơ đến hoa mận trắng biên giới mùa xuân đầu tiên sau đám cưới đã lên đó chơi, hay mơ cái dải hoa tầm xuân mịn như nhung bữa nọ. Có đôi mắt của một đứa con gái đã nhìn thấy chị dâu yêu anh Bình nhiều cỡ nào. Tóc chị dính những sợi nhung từ bông tầm xuân trắng muốt. Con bé Trâm trèo lên bậc cửa gỡ cho và nháy mắt cười với người anh họ. Anh Bình phải xì ngay ra mấy đồng lẻ cho nó ăn quà, nó mà mách chuyện hai người ở bãi sông thì còn ra thể thống gì.

Không rõ Tết này anh có về không. Anh từng bảo đời quân ngũ đóng nơi biên ải thì khó mà trọn vẹn được với gia đình. Mỗi lần anh ngồi xếp bằng giữa sân nói chuyện đi bộ đội với bọn tau nhau lít nhít trong họ, chị dâu lại đứng cười, nhìn anh rất âu yếm, lâu lâu chị lại đến ngồi cạnh, dựa má vào vai anh. Trâm thần tượng anh chị lắm, từng ước ao sẽ có tình yêu như anh chị.

Chị là dâu trưởng trong họ. Ngôi nhà gỗ năm gian cổ kính này là nhà mà ông bà nội Trâm từng sống nên hầu như cuối tháng Chạp nào Trâm cũng vào ngủ nhà chị vài hôm. Trâm thèm mùi trầu thuốc của bà nội. Cái mùi theo Trâm suốt tuổi thơ. Trâm luôn xí phần ngủ trên cái giường tre kê cạnh cửa sổ, ngoài cửa là bụi cây lá gai và cái bể nước lớn. Bà nội đã kể cho Trâm đủ thứ chuyện về làng, về dòng họ mình trên cái giường này. Cảm giác có đêm nghe bà kể chuyện ma xong là thấy lũ ma bay dưới mưa phùn, nhòm vào trong nhà, làm cánh cửa kêu cót két. Bụi gai kia chứng kiến bao trò chơi của anh chị em nhà Trâm. Anh Bình chồng chị luôn là thủ lĩnh bày đủ thứ tinh quái, kinh dị nhất là trò thả con sâu cước lên áo mấy cô em gái. Trâm khóc bao lần vì sợ. Ngày anh cưới chị An, bọn Trâm nhăm nhe thả sâu vào áo chú rể, suýt bị mẹ cho trận đòn. Chị dâu hơn Trâm 10 tuổi, kém anh Bình 2 tuổi. Mãi sau này, lúc cưới chồng rồi Trâm mới thấy vợ chồng anh chị dạo đó ngoài hai mươi chút thì quá trẻ, đâu đã biết nhiều về đời sống.

Chị dâu mãi mới có con, ba đứa nheo nhóc lớn cùng gà lợn, lúa gạo, cám bã, rau củ. Chị bỏ việc làm cô giáo mầm non để ở nhà làm ruộng, chạy chợ. Chị đi dỡ khoai tây cả trưa, tối mịt mới về. Hình như chị và phụ nữ làng Trâm chỉ làm việc là chính, ăn ngủ và mọi nhu cầu khác là phụ. Quanh năm cặm cụi ngoài đồng. Chị dâu một mình chăm hai bác của Trâm, chăm ba đứa trẻ, làm mấy sào ruộng, thu vén việc nhà, lo mấy cái giỗ họ, chẳng còn thời gian làm dáng hay ngắm mình trong gương nữa. Tết người ta đụng lợn khắp làng, bác Trâm chống tay đi quanh quẩn trong ngõ than phiền con trai có như không. Bố Trâm luôn xuất hiện đúng lúc, bảo anh yên tâm, rồi có hết, nhà trưởng họ phải đàng hoàng, Tết con cháu còn về. Bố và mấy anh chị trong họ đến nhà bác thịt lợn, bó giò, vào ngày trước 30. Mỗi người một việc.

Trâm thấy nhà chị dâu Tết nào cũng đông người, mà sáng trưa chiều tối, ai đến chúc Tết cũng bắc mâm ăn. Nhìn cái bếp vô thiên lủng đồ ăn và đống bát đũa cạnh bể, Trâm rất hãi hùng. Tết chị cai quản bếp là chính. Nấu ăn, bày mâm, rửa bát dọn dẹp. Trâm nhớ đến chị là nhớ cảnh chị nói cười vội vã xếp đặt chỗ này chỗ kia. Trâm chưa bao giờ thấy bàn thờ nhà ai nhiều đồ thờ cúng đến vậy. Bánh chưng, hoa quả, bánh kẹo... con cháu mang đến bày cao ngất. Chị dâu cả ngày vùi mặt vào hàng tá việc. Như bây giờ kia, lũ trẻ ngủ hết rồi chị mới ngồi ngắm chúng. Trâm giật mình, mười mấy cái Tết chị dâu đã sống như thế này sao? Thanh xuân của chị đã sắp vèo qua? Tình yêu của chị có lẽ là vĩ đại khi cả năm anh về được một hai tháng là cùng. Phần nhiều là những đêm lẻ bóng. Như đêm nay, chị cứ ngồi vậy à? Hay làm gì bên đống lửa kia. Mùa đông còn có lửa thức chờ. Mùa hè thì thức với điều gì? Ai thức mãi như vậy được. Như đêm nay, chắc có đám tầm xuân thức cùng với chị. Anh đã trồng cho chị một rặng tầm xuân ngay cổng.

{keywords}

Minh họa: Hà Mi.

Trâm mò dậy đến ngồi hơ tay trên bếp. “Chị đi ngủ đi, khuya rồi còn gì”. “Cô không ngủ à, sao không cho chồng về cùng”? “Có phải lúc nào cũng cho chồng về đâu, trước Tết, em phải được về nhà em mấy hôm chứ, mai kia về lễ Tết bố mẹ thì cho về, bọn em đặt vé đi du lịch rồi, em sợ Tết phải chui vào bếp như chị lắm, bố mẹ chồng em cũng thoải mái”. “Trâm này, theo em thì nên làm thế nào”. “Thế nào là thế nào”. Trâm lờ mờ đoán ra, có lẽ chuyện mà bố mẹ nói hôm trước là thật, anh Bình có tình nhân. Chẳng lẽ? “Anh ấy không thú nhận gì đâu, chỉ bảo có thêm một đứa con cũng tốt, chị xử thế nào tùy chị. Khi nào gặp trực tiếp anh sẽ nói hết”. “Ôi trời ơi, chị còn phải đợi trực tiếp nữa cơ? Thế chị không lên xem có thật không à”? “Không, chị lên làm gì, khó xử ra, anh cô đằng nào Tết chẳng về”. Trâm nghĩ, chị dâu lạ thật, bao năm toàn để Tết nó ăn mình, chứ chị đâu được ăn được chơi gì. Cắm cổ lo việc nhà, chăm sóc người thân, làm ruộng, nấu nướng, đánh vật với lũ con. Lúc có dịp gặp nhau, chị khép nép đứng bên anh, nhìn tội làm sao. Anh thì cao lớn, cười hớn hở, chị gầy nhỏ, bẽn lẽn. May mà chị xinh đẹp nên thời gian dù rất phũ phàng cũng chưa làm nhan sắc rơi rụng. Chị giấu đi đôi bàn tay thô ráp vì làm nhiều. Anh túm lấy đưa lên mũi làm trò, mấy đứa con cười ngặt nghẽo. Lúc ấy, Trâm tin rằng, hạnh phúc luôn có thật trên đời, giản dị và ấm áp.

- “Thế chị định thế nào? Anh bảo bế em bé về cùng à?”. “Thì kệ thôi, cứ để anh cô về xem sao, xét cho cùng thì đứa bé có tội gì đâu”. “Nhỡ cô gái kia cũng về thì chị đuổi đi à”? “Chắc không dám vậy đâu”… Chị dâu bỏ lửng câu nói, quay mặt đi.

Ba mươi Tết. Họ hàng tập trung đông đủ ở nhà anh Bình. Lũ trẻ đùa nghịch đám hành tỏi, khoai lang đã héo vỏ trên sân. Ông cha bà chú ngồi trà nước, đám thanh niên choai và mấy đứa con gái xay giò, nấu ăn, bày cỗ. Mấy chị nạ dòng vo gạo, lau lá chuẩn bị gói bánh chưng. Trâm có nhiệm vụ canh lũ chó mèo. Dù đã lớn nhưng Trâm luôn được mọi người cưng chiều, coi là mọt sách, không thạo việc nhà nông thì làm mấy việc nhẹ nhàng. “Thế mà cũng có thằng nó rước đi cho kể cũng lạ”- anh Bình toàn trêu thế. Nhưng có lúc anh lại bảo, “thằng nào cưới được cô là hạnh phúc, vì cô chu đáo, tỉ mỉ, hiểu được tâm sự của người khác nhưng hơi lười”. Trâm cười ha ha vì Trâm không thể chăm như chị dâu được. Sau vụ anh mắc tội tày đình này, Trâm sẽ xui chị dâu tập thói quen đi chơi Tết chứ đừng có nhăm nhăm làm Tết để mà ăn Tết nữa.

Xe u oát đỗ xịch ngoài ngõ. Anh Bình mặc quân phục xuống xe, bế một đứa bé gái chừng hai tuổi vào nhà. Cậu lính trẻ vác trên vai cành hoa mận trắng và xách đủ thứ lỉnh kỉnh đi sau. Anh lái xe bê cả một thùng giấy lớn đựng quần áo, đồ dùng đi vào. Cả họ ngoảnh ra nhìn. Anh Bình cười tươi chào mọi người rồi đưa mắt tìm chị dâu. Chị không nói câu gì, ngoảnh đi. Bọn nhóc ào ra đu lên vai bố. “Ôi em bé của bố à” – thằng con lớn hồn nhiên hỏi. Anh Bình đưa đứa bé cho Trâm. Nó xinh quá, mắt đen láy, môi đỏ nhoẻn miệng cười, không hề lạ lẫm. Các cụ gọi anh Bình lên phản gỗ, vẻ rất nghiêm trọng chờ nghe chuyện. Ai cũng có biểu cảm trên khuôn mặt kiểu muốn nói “không còn ra thể thống gì”.

“Cô ấy là y tá, lúc đó dịch Covid-19 căng thẳng lắm, cô ấy hầu như làm cả ngày cả đêm, mất giữa lúc đi tăng cường cho bệnh viện dã chiến. Em bé gửi cho đồng nghiệp ở trạm”. “Nhà chồng, nhà đẻ đâu, ai khiến mày nuôi?”- ông chú họ hỏi anh Bình. “Nhà chồng, nhà đẻ không còn ai có thể nuôi giúp. Chồng cô ấy mất từ khi bé mới sinh cơ. Cháu nhận làm cha nuôi, vì thấy cũng tội quá, nhà mình quý người”… Lúc này chị dâu mới len lén lau nước mắt chạy ra. Anh Bình lấy trong túi áo đưa cho vợ một gói nhỏ bọc nhung đỏ cười bảo: “Phần em đây, em làm cơm mời mọi người nhé, sau anh nói chuyện”. Trâm theo chị dâu vào buồng. Trâm thả đứa bé lên bọc chị. Nó hồn nhiên áp má vào ngực chị dâu. Trâm dỡ cái bọc nhung ra, chao ơi, bộ trang sức bằng vàng mới coóng. Mặt dây chuyền hình nụ tầm xuân. Trâm đeo vào cổ chị dâu. Mắt chị long lanh ướt. Chị đưa tay vuốt ve từng nét trên khuôn mặt đứa bé. Trâm cũng cay sống mũi. Ai mà ngờ, anh Bình làm cả nhà như muốn vỡ tim…

Từ lúc nào, trên sân nắng, lũ trẻ quây lấy anh Bình ríu rít nhận kẹo. Mấy đứa nhỏ lâu mới được gặp bố cứ đu bám nhiệt tình. Tiếng nói cười lao xao. Các bà già chuyền tay nhau bế đứa bé. Chị An cất cẩn thận tờ giấy khai sinh và hồ sơ nhận con nuôi anh đưa cho vào tủ, quay ra bảo Trâm, “chị đã nói chuyện với cấp trên của anh Bình rồi, chị luôn tin anh cô”. Chị dâu thế mà đáo để, Trâm nhủ thầm. Trâm khẽ quay đi khi anh chạy vào ôm vội chị dâu một cái.

Ngoài kia, rặng tầm xuân như thắp lửa nồng nàn, ấm áp.

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Mai Phương

Chú mèo HC
(BGĐT) - Dạo này, Hà Linh thấy bà ngoại không được vui, lúc nào mặt cũng đăm chiêu vẻ đượm buồn.
Nguyệt gác mái đình
(BGĐT) -  Tâm tủm tỉm cười. Cái sự ngây thơ của người già dễ thương thật. Chả phải chính cô lập nick và tạo trang cho bà Yên vào giao lưu với mọi người trong nhóm quan họ đấy thôi. Đó là lý do Tâm muốn cả nhà về Giá Sơn. Cô sẽ chụp cho bà những bức ảnh thật đẹp ngay tại sân gạch nhà cụ ngoại, quay cảnh bà hát cùng với các liền chị liền anh...
Ôi con đê làng mình
(BGĐT) - Nhiều người con của làng ra đi, đều ao ước mong được về quê ngày Tết. Về để được đi lại con đê qua làng mình, thấm thía không khí xuân thắp lên từng ngọn cỏ, từng cánh cò, ngọn gió bình yên. Và thế nào, trong những ngày chuẩn bị Tết chả bắt gặp những chuyến xe chở đào quất, hoa đi qua lối đê rẽ vào làng.

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...