Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mối nhân duyên

Cập nhật: 17:30 ngày 06/08/2022
(BGĐT)- Thằng bé lầm lì cúi gằm mặt xuống bàn. Từ lúc vào phòng nó chỉ một mực nói: “Con không lấy”, “Không phải con” nhưng lại chẳng thể đưa ra được lý do gì để thanh minh cho việc cả buổi sáng nó quanh quẩn bên ngoài căn phòng này để làm gì. 

Bố nó ngồi bên cạnh không giữ được bình tĩnh liền đứng phắt dậy đập bàn quát:

- Không phải mày lấy thì mày đứng rình mò ở cửa làm gì. Bao nhiêu người đều nhìn thấy.

{keywords}

Minh họa: Hiền Nhân.

Nam, tên người đàn ông, có vóc dáng cao gầy, chỉ tầm ngoài 40 tuổi nhưng mái tóc anh đã điểm những sợi bạc. Gương mặt lúc nào cũng trầm ngâm như chất chứa nhiều tâm sự. Chính những người sâu lắng như vậy, lúc nổi nóng lại càng đáng sợ. Mai biết vậy nên vội vàng đi vào phòng:

- Anh cứ bình tĩnh, có gì thì từ từ nói, em cũng nghĩ không phải cháu lấy đâu. Nếu đúng cháu lấy thì cháu đã nhận rồi.

Anh quay sang nhìn bác sĩ Mai. Ánh mắt họ chạm vào nhau. Mai thoáng chút bối rối khi thấy ánh mắt hơi lạ của anh khi nhìn vào mắt cô. Phải mất vài giây Nam mới như sực tỉnh, anh luống cuống tỏ vẻ ngại ngùng, muốn thanh minh với cô điều gì nhưng cổ họng cứ nghẹn lại. Mai khẽ đến bên thằng bé nói:

- Cô tin cháu. Không sao đâu, chỉ là bố cháu muốn hỏi cho rõ mọi việc thôi mà.

Cả trưa nay, bác sĩ Mai cặm cụi ngồi làm bệnh án cho mấy bệnh nhân mới chuyển vào. Chị vừa mới đi tập huấn chuyên môn hai tuần về nên cũng muốn tranh thủ giờ nghỉ trưa để xem lại bệnh án của các bệnh nhân trong khoa. Bất giác, chị cảm nhận như có ai đó đang nhìn mình. Chị quay ra thì thấy bóng dáng một thằng bé chạy vụt đi. Hơi tò mò vì không biết thằng bé đó ở đâu và đứng đó làm gì, nhưng cả chồng bệnh án còn chưa xong khiến chị mau chóng quên ngay những điều thắc mắc. 

Một lúc sau cô y tá hớt hải chạy vào báo với chị bệnh nhi ban nãy bị sốt co giật vào viện giờ lại sốt cao. Chị chỉ kịp vơ vội cái ống nghe rồi cuống cuồng chạy theo cô y tá. Sau khi bệnh nhân ổn định, chị quay trở lại phòng trực thì phát hiện ra chiếc điện thoại iphone đời mới chị vừa mua để trên bàn đã không cánh mà bay. 

Cô y tá nói rằng lúc cô ấy chạy vào gọi chị thì thấy thằng bé đi chăm em ở phòng bệnh 304 đang đứng lấp ló ở cửa sổ nhìn vào phòng. Mấy người nhà bệnh nhân ở phòng bệnh gần đó cũng nói từ sáng tới giờ cứ thấy thằng nhỏ lởn vởn bên ngoài phòng trực mãi. Nhưng chỉ nghĩ trẻ con tò mò điều gì đó, ai ngờ nó lại có tính tắt mắt như vậy. Chiếc iphone đó đâu có ít tiền, bằng cả một chiếc xe máy.

Thằng bé vẫn giữ vẻ mặt lầm lì. Không muốn để nó ở lại bên cạnh người bố trong lúc đang nóng giận, bác sĩ Mai liền bảo với nó:

- Giờ con đưa cô về phòng bệnh của em con để cô khám bệnh cho em bé nha.

Thằng bé khẽ gật đầu rồi lầm lũi đứng dậy bước đi.

Nam ngồi lại một mình trong phòng trực. Chưa bao giờ anh cảm thấy mình lại bất lực trước thằng con trai như lúc này. Anh thấy có lỗi với người vợ quá cố của mình. Từ ngày mẹ mất, nó trở nên thay đổi tính tình. Lầm lì, ít nói lại còn lao vào điện tử nữa. Mấy lần, thằng nhỏ bỏ học theo đám bạn đi chơi điện tử khiến anh phải tức tốc phóng xe đi tìm khắp các tiệm nét trong thị trấn. Những trận mưa đòn xuống người mà nó vẫn không chừa. 

Đánh nó mà tim anh cũng như rỉ máu. Nhiều đêm anh đau đớn nhìn ảnh vợ mà nước mắt chực trào ra. Chị là mối tình đầu và cũng là mối tình duy nhất của anh. Trước chị anh chưa từng yêu ai và khi chị không còn anh cũng nghĩ rằng sẽ không ai có thể thay thế được chị trong trái tim anh. Chị đi, bỏ lại cho anh hai đứa con nhỏ dại, còn cả khoản nợ vay mượn lúc chữa bệnh cho chị. Nhưng gánh nặng cơm áo gạo tiền cũng không khiến anh mệt mỏi bằng việc phải dạy dỗ bọn trẻ thế nào. Bé My lúc mẹ mất nó mới 3 tuổi, chưa biết gì lắm. 

Nhưng thằng cu Minh lúc đó đã lên 7 rồi nên nó sớm hiểu nỗi đau khi mất đi người mẹ là như thế nào. Có lẽ anh hụt hẫng, trống trải bao nhiêu thì nó cũng như vậy. Hồi đầu, nó còn cả ngày giam mình trong phòng không nói chuyện với ai. Anh cố xốc lại tinh thần để làm chỗ dựa cho các con. Nhưng rồi công việc bộn bề cũng cuốn anh đi. Anh không thể dành nhiều thời gian ở bên con, tâm sự với con như lúc chị còn sống, khiến thằng bé trở nên bướng bỉnh lúc nào không hay.

- Anh Nam à! Bác sĩ Mai trở lại phòng. Em vừa khám cho bé My rồi, sức khoẻ của con đã ổn định, ngày mai con có thể ra viện.

Anh từ từ đứng dậy, không dám nhìn thẳng vào cô. Anh nói:

- Thưa bác sĩ, tôi thành thật xin lỗi cô về chuyện chiếc điện thoại. Lát tôi về sẽ hỏi lại cháu. Tôi hứa bằng giá nào cũng sẽ trả chiếc điện thoại lại cho cô.

Mai vội vàng đỡ lời:

- Đã biết thực hư thế nào đâu anh. Chúng ta không nên vội vã kết tội cho cháu. Thú thực với anh là em không nghĩ cháu Minh lấy đâu ạ.

Mai mỉm cười nói thêm: - Anh yên tâm, em cũng báo cáo với lãnh đạo bệnh viện là việc này để cá nhân tự giải quyết rồi ạ.

Thấy bố thằng bé có vẻ vẫn rất lo lắng, ái ngại, Mai lại động viên:

- Chiếc điện thoại có đáng là bao đâu anh. Mất rồi thì thôi ạ. Lần sau em sẽ cẩn thận hơn. Anh đừng nghĩ gì, cũng đừng bắt bẻ thằng nhỏ nữa. Tội nghiệp, nó không phải đứa trẻ hư đâu. Em thấy nó cũng rất tình cảm.

Câu nói của cô khiến Nam lại cảm thấy như chính mình mới là người cần được nhận sự an ủi trong lúc này. Anh vốn là người có lòng tự trọng rất lớn. Dù cuộc sống chật vật, nhưng anh vẫn luôn tự nhủ “nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Được giao trực tiếp quản lý các công trình xây dựng trong công ty, nếu là người cơ hội thì anh đã có thể đổi đời rồi. 

Cũng có vài đồng nghiệp rỉ tai anh bày cách móc nối để ăn bớt nguyên vật liệu xây dựng, rồi chia chác. Anh gạt phăng. Họ bảo anh dốt, bảo anh là gã hâm, đã được vào vị trí đó mà không biết tranh thủ kiếm tiền. Anh chả bận tâm, cứ sống đúng với nguyên tắc của mình. Cũng chính vì nguyên tắc như vậy, nên sự việc xảy ra lần này khiến anh vô cùng đau đớn.

***

Sáng hôm sau, bé My được ra viện. Cả buổi sáng anh cứ quanh quẩn, cố nấn ná để tìm bác sĩ Mai, muốn chào và nói với cô ấy một tiếng, chứ không thể cứ thế mà đi được. Anh hỏi cô y tá thì được biết bác sĩ Mai sáng nay bận hội chẩn một ca bệnh khó. Anh xin mẩu giấy, viết vội dòng địa chỉ nhà cùng một lời hứa chắc nịch: “Tôi nhất định sẽ trả chiếc điện thoại cho cô”. Sau đó, anh nhờ cô y tá chuyển lại cho bác sĩ Mai. Có như vậy anh mới yên tâm đi về.

Từ lúc xảy ra chuyện, anh ăn không ngon, ngủ không yên, đầu óc không thôi nghĩ tới chuyện này. Anh cũng dùng đủ mọi cách mà thằng bé vẫn nhất định không chịu đưa chiếc điện thoại ra. 

Anh ngồi nhẩm tính, cộng cộng trừ trừ. Nhận lương tháng này và cả vay thêm chỗ cậu Huy hôm qua đã đồng ý rồi, xin ứng trước tiền thưởng quý cũng đủ tiền mua chiếc điện thoại mới. Thôi thì “con dại, cái mang”, thà tằn tiện, vất vả thêm một chút chứ không thể để người ta nghĩ mình trốn tránh trách nhiệm được.

Anh nhìn lên tấm ảnh của chị treo trên tường. Những ngày tháng có chị thật hạnh phúc biết bao. Chị là người phụ nữ đảm đang, chu đáo và tỉ mỉ lo cho chồng con từ những thứ nhỏ nhặt nhất. Chính vì vậy, khi chị không còn nữa thì cả 3 bố con anh đều hụt hẫng, chếnh choáng.

- Chào anh!

Một giọng nói nhỏ nhẹ cất lên ngoài cửa khiến anh giật mình. Thì ra là bác sĩ Mai. Anh lúng túng vơ vội mấy thứ đồ đạc bừa bộn bày trên bàn ghế, rồi mời cô vào nhà. Mai nhìn một lượt quanh căn nhà nhỏ rồi bất ngờ dừng lại ở tấm ảnh chân dung của người phụ nữ treo trên tường. Cô sững lại bởi người phụ nữ trong ảnh sao lại giống mình đến thế. Nam thấy bác sĩ Mai đứng ngây người nhìn tấm ảnh thì cũng hiểu ra ngay những thắc mắc của cô, liền nói:

- Đó chính là mẹ của hai đứa nhỏ. Cô ấy mất cách đây đã 5 năm rồi.

Mai lặng người đi không dám hỏi thêm gì về người đã khuất sợ khơi lại nỗi đau trong anh. Cô nhẹ nhàng ngồi xuống ghế.

- Em đến đây để báo với anh một tin, vừa nãy phía công an có liên hệ với bệnh viện là đã tìm được chiếc điện thoại của em. Họ bắt được một thanh niên chuyên trà trộn vào các bệnh viện để trộm cắp tài sản.

Nam nghe đến đây, mắt anh rưng rưng, vừa mừng, vừa tủi. Thật may mắn vì con trai mình đã không làm điều xấu. Nhưng anh cảm thấy có lỗi vô cùng vì đã trách nhầm con. Mai biết được tin liền vội vàng tìm đến đây ngay theo địa chỉ trên mẩu giấy anh để lại vì cô hiểu người cha này sẽ rất cắn rứt lương tâm. Cô xót xa nhìn anh. 

Người đàn ông vốn rất rắn rỏi thì nay lại không thể giữ nổi cảm xúc trước một người phụ nữ. Ngay lần đầu tiên nhìn thấy cô, trái tim anh đã thảng thốt vì từ khuôn mặt đến dáng hình cô có rất nhiều nét giống người vợ đã mất của anh. Họ giống nhau đến kỳ lạ. Giờ cô lại ngồi trước mặt anh trong không gian rất gắn bó này, làm cho anh nhớ vợ đến nao lòng. Đoạn Nam nói:

- Cô có nhiều nét rất giống cô ấy. Vừa nói anh vừa nhìn lên bức ảnh chân dung của vợ trên tường.

- Vâng, lúc bước vào nhìn thấy tấm ảnh em cũng giật mình. Giờ thì em hiểu tại sao cháu Minh hôm đó lại quanh quẩn đứng bên ngoài phòng trực rồi anh.

Nam nhìn Mai khẽ gật đầu: “Phải rồi, chắc thằng bé cũng cảm nhận được điều này khi nhìn thấy cô. Thế mà nó nhất định không chịu nói ra, để mọi người nghĩ oan cho nó. Mà sao tôi lại không nghĩ đến điều này cơ chứ”. Nam ôm đầu khổ sở.

Minh đứng bên ngoài đã nghe hết cuộc trò chuyện giữa bố và bác sĩ Mai. Nó khẽ gạt giọt nước mắt vừa trào ra. Nó nhất định không nói ra lý do tại sao cứ quanh quẩn bên ngoài phòng bác sĩ Mai hôm đó là tại vì nó không muốn nhắc tới mẹ làm bố đau lòng, không muốn bố lo lắng khi biết rằng nó rất nhớ mẹ. 

Lúc nhìn thấy bác sĩ Mai thoáng qua trước cửa phòng bệnh của em gái, nó đã suýt nữa thì buột miệng gọi “Mẹ ơi!”. Nó vội chạy theo rồi cứ đứng ngoài cửa nhìn bác sĩ Mai như để được tìm lại một chút hình bóng quen thuộc của mẹ trong ký ức non nớt cho thỏa nỗi nhớ thương.

***

Sau bữa đó, thi thoảng bác sĩ Mai lại ghé thăm ba bố con Nam. Có cô, căn nhà nhỏ tràn ngập tiếng cười. Căn nhà thiếu bàn tay người phụ nữ nên mọi thứ lộn xộn làm sao. Lần nào cô đến cũng đều lau chùi, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng. Bé Minh ngoan hẳn lên. Gia đình, bạn bè đều mừng cho họ. Bác sĩ Mai vốn cũng đã một lần lỡ dở. 

Trái tim bị tổn thương khiến cô từng nghĩ sẽ dồn hết tâm trí vào sự nghiệp, vào những bệnh nhân của mình mà không tính đến những chuyện khác nữa. Nhưng từ lúc gặp bố con Nam, trái tim cô như được sưởi ấm, thổn thức, yêu thương. Dường như giữa họ có một sợi dây vô hình gắn kết mà người ta gọi đó là mối nhân duyên ở đời.

Truyện ngắn của Việt Nga

Giấc mơ
(BGĐT) - Đêm qua mưa to. Buổi sáng trở dậy, Hoan lẩm bẩm: Tạnh mưa là phun thuốc được rồi. Năm ngoái cả vườn vải thiều mất hết. Người ta hồ hởi, nhễ nhại mồ hôi chở vải đi bán, rồi hối hả về tranh thủ thồ chuyến nữa, còn cô ngồi nhà, ủ ê, lo bữa ăn đứt đoạn... Đời người sống bằng nghề làm vườn có nhiều nỗi trớ trêu thật khó diễn tả.
Dưới tán cây vải tổ
(BGĐT)- Dưới gốc cây vải, cụ gọi là cây vải đầu tiên của gia đình, chứ nhiều người gọi là cây vải tổ. Cụ dáng thanh mảnh, quắc thước, da dẻ hồng hào, mái tóc trắng phau; cây cao to, cành lớn, tán rộng, lá xanh đậm.
Người bán bún rong
(BGĐT) - “Hết sạch bún rồi!”, Thuận oang oang ở bậc cửa khi từ chợ cóc về. Lạ nhỉ. Tôi đã bảo bà ấy từ sáng sớm cơ mà. Tôi vội chạy bổ ra chợ chỉ cách nhà vài chục thước.
Hoa muống biển nở muộn
(BGĐT) - Đôi tay nhỏ bé mềm mại với những ngón thon dài của Dung bất ngờ nắm lấy tay Sinh, đôi mắt biết nói như muốn bảo, hãy đi với em, đến chỗ có hoa muống biển, em sẽ chỉ cho anh thấy vẫn còn hoa muống biển nở muộn đẹp đến thế nào. 


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...