Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 33 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cổ tích mùa thu

Cập nhật: 07:05 ngày 25/09/2021
(BGĐT) - Con sông chảy qua làng uốn một đoạn như người đàn bà vừa mới bén duyên thì trở tính rồi xuôi đi mất hút. Trong sắc thu, những cánh đồng, mảnh vườn bị bỏ lại cứ tự vươn mình lên mà ra hoa, kết trái. Thu nghĩ, đến con sông cũng chỉ gắn cái làng này nhường ấy, thể nào bao người đã rời làng đi. Mùa thu, làng đẹp và vắng như trong cổ tích.

Thực ra, vùng này có lẽ chỉ mình cô mới nghĩ đến cổ tích. Chuyện là từ bé, Thu đã có một cuốn sách với câu chuyện như thế. Sách đã nhàu bởi mồ hôi tay, không có trang bìa và bị mất trang cuối. Từ khi đi học, biết chữ, cô đã đọc nó không biết bao nhiêu lần và đều tự hỏi: Kết thúc câu chuyện ấy là gì hỡi trang cuối? Như mẹ và cha cô họ là ai? Đang phiêu bạt nơi nào trong những cơn gió đang xao xác ngoài kia.

{keywords}

Minh họa: ĐINH HƯƠNG

Thu chỉ biết mình lớn lên trong vòng tay đưa nôi của ông nội. Một người đàn ông tóc bạc, hiền từ và khéo léo. Ông nội cô tuy không phải là một người giàu có nhưng lo cho Thu có được tất cả những thứ để không thua kém bạn bè cùng trang lứa. Duy chỉ có một điều không bao giờ cô bé nhận được là câu trả lời: “Bố mẹ con đâu?”.

Mỗi năm, khu vườn rộng mênh mông của ông lại rộn rã bởi tiếng những người buôn bán ở chợ vào lấy hàng. Từ chanh, bưởi cho đến na, hồng… thứ gì cũng phải cộng trừ tính toán mới khỏi bị nhầm lẫn. Một vụ thu hái đi qua nhẹ nhàng như thế cũng đủ hai ông cháu an nhàn cả năm.

Mùa này, đến giờ vẫn yên ắng, chốc chốc Thu lại ngó vào trong nhà. Bác Hải y tá đã khoác chiếc túi đi ra. Năm nay, tóc bác bạc thêm nhiều.

- Dạo này sức khỏe của ông nội cháu không được tốt.

Từ nhỏ đến giờ cứ mỗi khi cô đau ốm thì bác Hải và cái “bệnh viện xách tay” với những ống nghe, huyết áp, nhiệt kế và những viên thuốc nhỏ lại có mặt kịp thời. Thu không thể ngờ ông nội lại suy sụp nhanh đến thế. Những viên thuốc của bác Hải đều vô dụng. Ông cứ nằm nhìn ra cửa sổ về con đường hoa cúc đang nở vàng.

***

Đêm ấy, trời bỗng có mưa, một cơn mưa không lớn nhưng dai dẳng. Thu bắt đầu cảm nhận được sự vắng lặng của mùa này. Tối nay ho nhiều, ông không hút thuốc. Ông gọi Thu lấy cuốn sách trong ngăn kéo:

- Cháu tinh mắt đọc cho ông nghe.

Thu cẩn thận kéo ghế ngồi gần giường ông, hạ thấp chiếc đèn bàn để ánh sáng không làm ông chói mắt. Nhìn đôi mắt thâm quầng mệt mỏi của cháu, ông hỏi nhỏ:

- Mấy hôm nay chắc cháu thức khuya ôn thi phải không?

- Vâng, nhưng cháu cũng chưa biết nếu được đi học thì ai sẽ ở bên chăm sóc cho ông.

Nói rồi, Thu chợt nghĩ đến lúc chập tối, ông gọi cho mấy người thương lái hoa quả, họ đều kêu là do dịch bệnh hàng hóa ế ẩm nên chưa vào thu hoạch được. Cuộc sống của hai ông cháu vốn thuận buồm xuôi gió chưa bao giờ gặp những khó khăn đến thế. Thực ra cũng đã lâu lắm, có lẽ từ khi lên lớp 6, cô đã không còn đọc lại từng trang mà chỉ thường đem nó ra ngắm nghía. Giờ đây cô mới nhận ra cuốn sách này thật lạ bởi chỉ có chừng hơn hai mươi trang. Sách cũng không ghi nhà xuất bản, năm in.

Mùa thu ấy, trong khu vườn nơi căn nhà gỗ đã bóng nước thời gian, ai đi qua cũng thấy một ông lão ngồi thảnh thơi hút thuốc lào. Môt người đàn bà đang nấu nướng. Một cô gái đang cùng một người đàn ông tưới hoa. Trông họ như hai người bạn bởi sự ngô nghê đáng yêu của người đàn ông đó. Chẳng biết từ khi nào dân làng đều gọi đó là câu chuyện cổ tích của mùa thu.

Thu đọc lướt, loáng cái đã đến trang cuối cùng như người đang hăm hở chạy trên cánh đồng hoa thì đã thấy trước mặt là vực thẳm. Ông nội nhắm mắt, tay vân vê vầng trán đầy nếp nhăn:

- Đọc tiếp cho ông nghe nào!

Thu chợt khúc khích nhìn ông như một người bạn. Bấy lâu nay cũng chỉ có ông là bạn. Ông thường pha trò tinh nghịch bằng những câu hỏi vô lý thế. Không hiểu sao lần này, dù chỉ đọc lướt qua mấy chục trang sách cũ nhưng Thu thấy bâng khuâng trong lòng. Chàng trai trong câu chuyện và cô gái đã biến mất có cái gì xa xôi nhưng lại như họ đã từng sống ở đâu đây. Trong câu chuyện cũng có cái làng bình yên bên sông với sườn đồi thấp này, cũng những mùa hoa cúc vàng và căn nhà gỗ nhỏ này. Tự nhiên, như có ai xui khiến, Thu nhìn vào mép giấy rách của trang cuối cùng còn vương lại và cô bắt đầu đọc. Thu đọc những chữ không có trong sách mà đang vang lên trong tâm trí cô, trong tim cô. Ông nội thiếp dần vào giấc ngủ. Trán ông không còn sốt, trên môi ông còn vương một nụ cười.

Khi những chiếc xe của tư thương đã ra khỏi cổng, Thu mới đưa những nhát chổi quét sân. Cô muốn quét thật nhẹ để không làm ông nội tỉnh giấc. Từ hôm ở bệnh viện về ông khá mệt mỏi. Bác sĩ nói với cô khá nhiều vấn đề về tình trạng sức khỏe của một người già. Thu hiểu con người cũng như một chiếc lá. Mùa xuân là lộc biếc bé thơ bình yên. Mùa hạ vươn mình lên trong mưa nắng mà che chở cho đất đai, cho những mắt mầm bé nhỏ. Và mùa thu, lá sẽ chuyển sắc từng ngày để rồi cuối cùng gặp một cơn gió… điều mà Thu không dám nghĩ đến lại đang xao xác dưới lưỡi chổi miệt mài của cô…

Bỗng Thu ngước nhìn lên đã thấy bác Hải ngay trước cổng từ lúc nào.

- Bác, bác đây rồi, bác đi đâu mà lâu lắm cháu không thấy? Bác vào với ông cháu đi, nay vườn cũng thu hoạch rồi. Bác về cháu mừng quá.

- Bác… có việc phải lên đường gấp. Bác ghé qua đây là muốn trả lại cho cháu trang cuối của cuốn sách. Nhưng nhớ là cháu chỉ được mở nó ra khi bác đã đi rồi, hứa với bác như thế được không?

Thu nắm chặt mảnh giấy trên tay nhìn theo bóng chiếc xe của bác Hải đã khuất trên con đường hoa cúc. Từ phía sau, bàn tay ông nội đã đặt lên vai cô.

- Hãy đọc đi cháu. Đây là cuốn sách chính tay ông viết ra, nhờ người ta đánh máy và đóng lại, bọc bìa da. Nhưng bác Hải đã không chấp nhận được trang cuối cùng của nó nên đã xé đi và cương quyết mang theo bên mình. Bác ấy nói có thể tất cả những chiếc lá trong vườn sẽ rụng khi mùa thu đến nhưng cô gái tên Cúc ấy sẽ trở về, khi ấy cuốn sách trở thành câu chuyện cổ tích. Vì thế mà suốt bao năm qua, cháu đã không bao giờ được đọc trang cuối cùng ấy.

Thu lặng lẽ đọc rất nhanh. Một trang cuối thật buồn đúng như ông nội nói. Nhưng ở phía cuối trang giấy có nét bút mới ghi. Một số điện thoại mà bác Hải ghi: “Hãy gọi vào số điện thoại này, con sẽ có câu chuyện cổ tích cho riêng mình”.

***

Khi Thu vừa cất tiếng alo, đã nghe tiếng một người đàn bà tha thiết. Người đó chẳng mấy chốc đã có mặt trong căn nhà gỗ của hai ông cháu. Người ấy có khuôn mặt giống hệt Thu, ôm Thu vào lòng và kể lại tất cả.

Mười mấy năm nay, mẹ đã bỏ quê hương ra đi sau ngày cha Thu bị một trận lũ quét cuốn đi không tìm thấy xác. Ở vào độ tuổi ấy, mẹ Thu không thể nào chấp nhận được điều đó. Tưởng mọi chuyện mãi trôi đi, ai rồi cũng có một cuộc sống nhưng khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mẹ Thu và rất nhiều người xa quê được đón về cách ly và chữa trị. Tại đây, mẹ đã gặp một người quen là y tá tình nguyện. Một người đã theo đuổi mẹ Thu bao năm dù không được đáp lại. Người đó nói hãy trở về với căn nhà bình yên. Ở nơi ấy không có dịch bệnh, không có những bon chen. Nơi chỉ có hai ông cháu và mùa thu vàng hoa cúc.

- “Vì sao anh nghĩ em có thể trở về”- mẹ đã hỏi bác Hải như thế con ạ. Bác ấy nói là vì đã tìm thấy bố của con. Mai mình sẽ đi đón bố về. Dù bố không còn trí nhớ, không nhớ về con, về ông nội, về mẹ nhưng chúng ta chỉ cần có bố như một người bạn.

Và mùa thu ấy, trong khu vườn nơi căn nhà gỗ đã bóng nước thời gian, ai đi qua cũng thấy một ông lão ngồi thảnh thơi hút thuốc lào. Một người đàn bà đang nấu nướng. Một cô gái đang cùng một người đàn ông tưới hoa. Trông họ như hai người bạn bởi sự ngô nghê đáng yêu của người đàn ông đó. Chẳng biết từ khi nào dân làng đều gọi đó là câu chuyện cổ tích của mùa thu.

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương
Đơn thân
(BGĐT) - Chiều muộn. Đi làm về, vừa bước vào phòng, hắn liền nằm vật xuống giường trông thật mệt mỏi. Ganh ghét, tị hiềm, chửi mắng, xuề xòa trước mặt mà chơi khăm sau lưng,… chuyện công ty hầu như chẳng mấy khi mà vui vẻ được. Hắn làm công ty đã hai năm rồi mà vẫn cảm thấy bức bối. 
Quà Trung thu
(BGĐT) - Thời tôi nhỏ, vào những năm bao cấp, năm nào tới Trung thu trẻ em cũng được phát quà. Nhỏ chưa đi học thì nhận quà ở nhà văn hóa thôn. Lớn, đi học rồi sẽ được thầy cô mang quà ra lớp phát trước ngày Trung thu. 
Hy vọng nảy mầm
(BGĐT) - Ðêm đã khuya lắm rồi. Bốn bề yên tĩnh, chỉ có bầy dơi ăn đêm thỉnh thoảng thảng thốt bay ngang, lẫn vào vòm cây đen sẫm. Trăng giữa tháng hãy còn trong, tỏa ánh sáng ngời ngợi khắp nơi. Ðồi keo vừa tròn ba năm tuổi bạt ngàn đẫm dưới trăng, lai láng.

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...