Thứ bảy, 11/05/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cái cúi đầu của quá khứ

Cập nhật: 19:48 ngày 30/07/2021
(BGĐT) - “Mẹ kể về hồi trẻ của mẹ cho con nghe đi?”.
Câu hỏi ấy cứ vẩn vơ mãi trong lòng. Tôi không biết vì sao cảm xúc lại hỗn loạn như thế. Kể từ khi được coi là một phụ nữ trưởng thành, tôi chưa từng nói với con điều gì về quá khứ của mình, giờ đây, tôi lại bối rối trước nụ cười trong trẻo của đứa trẻ trước mắt. Nó long lanh quá. Nó có màu mắt giống tôi. Thế nào bây giờ nhỉ?

Đành kể thôi. Dù chính tôi cũng chẳng nhớ hết.

Chợ ven sông được quây lại bằng mấy thanh tre và tấm bạt. Khoảnh đất bụi mù bốc lên từ cái xe chở cát làm đường lớn kế bên. Có con bé hai tay dang rộng che hết cả mặt trời bình minh.

{keywords}

Minh họa: ĐINH HƯƠNG

“Cá đây. Cá mới câu từ sông lên đây”.

“Cậu rao thế ai mua?”

Tôi quay lại. Cậu trai cúi đầu chào y như phim chưởng.

“Sến quá. Thôi đi. Tớ không phải là tiểu thư hay nữ hiệp mà cậu cúi chào kiếu đấy”.

Bàn tay sứt sẹo chạm nhẹ vào vai tôi. Tôi là đứa con gái không nhớ tuổi của mình. “Bố tớ bảo cậu mười hai tuổi đấy”, cậu nói.

“Chắc không?”

“Chuẩn rồi. Trông cậu sắp đến tuổi lênh khênh mà”.

“Thế nào là lênh khênh?”

“Thì cậu cao hơn này. Béo lên này”.

Tôi phì cười bởi câu nói ngô nghê của Khang. Tên cậu ấy rất hay. Là An Khang. Câu người lớn chúc nhau trên giấy gói cá. Mỗi khi nướng xong một con theo yêu cầu của khách, tôi bọc nó bằng một lớp giấy bạc rồi gói bên ngoài mấy tờ báo lấy ở nhà Khang.

“Đừng thấy tôi hay lảng vảng ở đây mà nghĩ là tôi thích bà đó”. Khang lúc nào cũng nói như thế. Tốt thôi, tôi cũng cần có một người bạn, dù cậu ta nhâng nháo đến đâu.

Chợ bám vào con sông mà sống. Sông không có màu phù sa đỏ rực như trên vô tuyến thường thấy. Cô phát thanh viên gọi đó là sông Hồng. Khang bảo, sông Hồng đi qua Hà Nội hùng vĩ. Ở đó, nhà cửa cao vút, to đùng, muốn ăn gì cũng có. Không như cái thị trấn nhỏ nhoi này. Cũng có thể. Làng tôi sâu trong thị trấn, nhưng đã lâu rồi tôi không về đó. Sống với cô chú nhà ngoại thích hơn. Họ chơi suốt và cáu kỉnh nhưng lại để tôi muốn làm gì thì làm. Sống một mình như thế. Ngày ngày, tôi đem hoa quả và cá lên bàn thờ thắp hương cho bố mẹ, ngồi trò chuyện và tự suy nghĩ mình có ngoan không. Cũng lâu từ khi tôi không nhớ về tuổi của mình.

“Cậu lên Hà Nội với tớ đi”.

“Dở hơi à".

Câu đầu tiên đốp vào mặt Khang. Thì ra nhà nó chuyển lên xứ phồn hoa ấy. “Không, không, tôi không quên bà đâu”. Ông cụ non liến thoắng như mọi ngày. Cũng đúng thôi, nhà ông giàu như thế, kiểu gì cũng mua được nhà trên đấy.

Khang bảo tôi đã mười lăm tuổi. Bà nhìn xem, con gái kiểu gì mà mặt với tay đen nhẻm như thế? Tôi nở nụ cười méo xệch, xoa xoa cái đầu bù xù của bạn. Quay mặt bước đi, để lại sau lưng tiếng gọi không còn được nghe thấy.

Đã mấy năm rồi chợ thị trấn không có gì thay đổi. Nơi đây chỉ mất đi một góc ồn ào của thằng nhóc con nhà khá giả, suốt ngày đem báo cũ đến cho con bạn gói cá cho người ta. "Có lẽ tôi nên kể thêm một chút về lịch sử hình thành của chợ cho ông nhỉ".

"Mày rảnh quá thì đi lấy thêm cá đi”.

“Làm gì có cá nữa mà lấy?”.

Tôi đưa cho Kiên cốc nước chè pha từ sáng. Đúng rảnh thật. Hai đứa trẻ ngồi ung dung uống nước chè trong tiếng đùng đùng. Sau ngày Khang đi, góc hàng cá xuất hiện thằng con trai nhếch nhác. Nó từ đâu đến, giương đôi mắt khinh khỉnh, chút chút liếc về con bé là tôi. "Dãi ông chảy ra hết kìa. Chắc thèm cá phỏng?". Kiên gật đầu nhè nhẹ, đưa tay lấy miếng cá để khách ăn thử. "Ngon đúng không?"

Cũng chẳng hiểu sao tôi đối xử với nó như thế. Nó khác với Khang. Chắc chắn vậy. Điểm giống duy nhất là cái cúi đầu chào tôi khi gặp. Nó cũng thích phim chưởng à? Xe trộn bê tông ngừng lại một lúc, vài phút sau có người đem máy khoan ra tìm chỗ cắm điện. Họ hứng chí lắm, đâu để tâm gì đến tiếng quát nạt, chửi bới của bà con trong chợ vang ra. Đấy, cứ làm đường của các ông đi, làm xong rồi mũi chúng tôi cũng hít vào một đống bụi, hỏng phổi hết.

Đúng thế, cái đứa nhem nhuốc trạc tuổi tôi là người trong toán công nhân làm đường. Cu cậu khoa trương lắm, hai tay cố nhích từng chút một kéo cái máy khoan ra, rồi ráng hết sức vác lên. È, è… sao mà nặng thế.

Cậu ta kêu như vậy đấy. Đang tức mà tôi cũng phá lên cười. Chẳng có gì buồn cười hơn thằng Kiên gầy giơ xương cử tạ bằng máy khoan. Ha ha ha… Thế là đủ cho buổi sáng mệt mỏi, đêm nào cũng dậy từ bốn giờ lấy cá.

“Làm bạn với tao đi”.

“ Thôi…”.

Tôi trả lời rất nhẹ. Ngày nào Kiên cũng lại gần, hít lấy hít để mùi cá nướng rồi đột ngột gào rất to câu nói sến súa đó. Kiên là chúa gây cười. Thằng cu này trông thế mà bạo gan phết. Dần dần các bà các chị bán hàng không ghét nó. Cũng chỉ là công việc. Công việc cả mà. Thứ công việc bất đắc dĩ kiếm tiền nhét vào mồm thôi. Cần mua gì thì bảo các cô các dì. Thế nhé, giờ thì ráng mà làm việc của mày cho xong để chúng tao giải phóng cái tai khốn khổ này.

Kiên nghe đống than vãn bằng một nụ cười. Chợ bên sông, hằng ngày con bé bán cá phải chịu ba thứ mùi hôi thối. Mùi khói, mùi bụi và mùi tanh. Mày nói vớ vẩn gì thế, mày bán cá thì phải chịu đựng mùi tanh là đúng rồi. Giống như tao làm công nhân thì phải hít bụi. Suy rộng ra, cầu thủ bóng đá thì phải bị ngã thôi.

Mớ lý luận thật buồn cười. Kiên cười phá lên. Không còn là cái ngoác miệng trong trẻo tôi thường thấy. Mày mấy tuổi rồi? Tao không biết. Tôi đưa chén trà lên nhấp một ngụm, làm điệu bộ y như phim cổ trang. Gớm! Kiên nhăn mặt, đưa cốc lên tu một hơi hết sạch. Uống thế này mới giống cao thủ võ lâm nhé.

Kiên sắp đi. Vậy là cả chợ được giải phóng. Chợ chỉ là mấy cái sạp quây bằng bạt nilon. Che cho kín kẻo bụi vào đồ ăn. Riêng cá nướng thì cứ thế phủi phủi là ăn tuốt tuồn tuột. Dạo này Kiên lại học đòi uống rượu. Nó thường bù khú cùng tên con trai già khằn. Lão đâu như thi trượt đại học, chán đời đi làm cửu vạn rồi phụ hồ, cuối cùng dạt về tốp công nhân này. Cũng chẳng hiểu sao họ làm đường nhanh thế, chắc chỉ tầm hơn tháng là xong. Thời gian quá ngắn phải không? Cũng sẽ quên nó thôi, như con bé quên đi người bạn thân thiết của mình.

“Còn lâu, tao không quên mày đâu”.

“Bây giờ thì mày nói thế. Đến lúc có đứa khác thì mày lại suốt ngày ngồi cạnh nó”.

“Không”.

Kiên gào lên. Cậu ta càng ngày càng ngồi sát tôi hơn. Tôi vụt đứng lên. Tao chơi với mày trong thời gian mày ở đây. Vậy còn chưa đủ à?

Kiên cúi gằm mặt. Cậu không nói gì, chỉ để hở đôi mắt chực trào ra một thứ gì đó. Tốp công nhân đã nghỉ làm. Đường ít bụi hơn. Xe lăn bánh tạo ra tiếng lạo xạo của đá. Sắp hết rồi.

Tôi kể chuyện này có hơi nhanh quá. Đúng thế. Nhớ mấy người bạn này xong cũng chỉ là một chút kỷ niệm của quá khứ. Trong lớp, tôi ngồi lơ đãng giương ánh mắt ra cửa sổ nhìn những đám mây chạy dài trên nền cát. Ý tôi là mấy đám mây nhỏ in bóng trên đất. Là tôi tưởng tượng thế thôi. Giữa tiếng lao xao, ồn ào của lũ học trò, tôi chỉ còn biết ngồi yên chờ đợi. Mỗi ngày đều trôi qua như thế. Đã có lúc tôi nghĩ ngợi mông lung, nếu tôi nhớ gì về cuộc đời đã qua của mình, sẽ chỉ còn những miền ký ức mờ nhạt, sẽ chỉ còn người bạn cùng chơi, cùng nói với nhau mấy câu chuyện bông phèng cho qua ngày. Dù làm việc vất vả đến đâu, dù đầu tắt mặt tối, thức khuya dậy sớm thế nào, chỉ cần về nhà, nhìn con gái là quên hết mệt mỏi.

Con bé đã hút hết hai hộp sữa. Uống nhiều quá cũng chẳng tốt cho sức khỏe. Ngày nào tôi cũng nói với con như thế. Đúng không mẹ? Mẹ lạ thật. Nếu là con thì dù thế nào con cũng đi tìm hai chú ấy. Chú Kiên với chú Khang đều đẹp trai đúng không? Không như bố đã béo ục ịch mà còn chẳng bao giờ có mặt ở nhà.

Con gái phụng phịu đưa vỏ hộp sữa cho tôi. "Đừng như thế, phải ra sọt rác mà vứt". Nó nhăn cái mặt, lè lưỡi ra trêu mẹ. Con bé học lớp hai, ngồi cạnh một cậu con trai khá chững chạc. Lần nào cậu cũng chào tôi rất lễ phép. Và cậu có nét gì đó giống cậu ấy, bạn cũ của tôi.

Đã bao giờ tôi thú nhận với con rằng tôi chơi với Kiên chỉ vì cậu ta có nét gì đó giống với Khang? Đó là bí mật sâu kín tôi không thể cho ai biết. Tôi cũng đã dần quên điều ấy. Có những thứ không thể cho ai biết, dù là một chi tiết nhỏ..

“Cháu chào cô Ngân ạ”.

“Cô chào cháu. Ôi Hoàng ngoan quá. Mà không cần cúi đầu như thế đâu cháu”.

“Bố cháu kể hồi bé hay cúi chào một cô bạn. Cô ấy nướng cá rất ngon...”

Bàn tay xoa đầu cậu bé bỗng run lên nhè nhẹ.

Truyện ngắn của Đinh Thành Trung
Một cõi đi về
(BGĐT) - Mấy hôm nay bà cụ Nhỡ nằm bệt trong buồng, toàn phải uống sữa, húp cháo loãng, nước ép hoa quả, biết người đến nhưng chỉ nhìn mà chẳng cất lời lên được. Cụ nhất quyết không đến bệnh viện dù con cháu năn nỉ. 
Vị muối
(BGĐT) - Nhiều người bảo biết gì khổ nấy. Ông Hỏa không công nhận. Thế ông biết buôn kiếm tiền nuôi vợ con cũng khổ à? Mấy chục năm bươn bả bán muối khiến mùi mồ hôi túa ra cũng xè xè mặn. 
Ở hai đầu nỗi nhớ
(BGĐT) - Ông Tư gác mái dầm, thả chiếc thuyền trôi nhẹ theo dòng nước. Trong lòng thuyền, vài con cá mắc lưới còn quẫy lẹt đẹt. Ông ngó mông lung ra mặt sông ngầu đỏ, miệng mím lại theo từng hồi cơn đau quặn lên từ dưới bụng. Sáng, mới đau lâm râm, bây giờ từng cơn dội lên, ông bủn rủn tay chân và không thèm gỡ lưới nữa. 
Trăng tỏa hương
(BGĐT) - Vân ngồi im lặng trước màn hình máy tính. Cả tòa soạn sáng đèn nhưng ai ở phòng nấy, không có tiếng nói chuyện. Chỉ có tiếng bước chân vội vã. Ngoài phố, yên tĩnh đến khác thường, không một bóng người, không tiếng xe đi, chỉ có tiếng hú dài của xe cứu thương. Lâu lâu có tiếng loa nhắc thông tin chống dịch. 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...