Thứ năm, 02/05/2024
Bắc giang 23 °C / 23 - 25 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Gợi mở nhiều giải pháp phát triển du lịch vùng Tây Yên Tử

Cập nhật: 15:34 ngày 08/09/2022
(BGĐT) - Sáng 8/9, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Giang chức hội nghị khoa học tư vấn, phản biện “Đề án phục dựng con đường hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, giai đoạn 2022-2030”.

Tham dự hội nghị có nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Tiến sĩ Hoàng Thị Hoa, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Tiến sĩ Phí Vĩnh Tường, Quyền Viện trưởng, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam; một số nhà quản lý, chuyên gia nghiên cứu của Tổng cục Du lịch, Viện Trần Nhân Tông. Cùng dự có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện Lục Nam.

{keywords}

Quang cảnh hội nghị.

Theo dự thảo Đề án, mục tiêu nhằm tái hiện con đường hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, con đường bộ hành tâm linh độc đáo nhất tại Việt Nam, kết nối các điểm du lịch tâm linh, lịch sử nổi tiếng của tỉnh Bắc Giang và Thiền phái Trúc Lâm, trở thành điểm sáng của du lịch Bắc Giang và lan toả ra cả nước. 

Làm rõ giá trị di sản nổi bật của vùng đất Tây Yên Tử Bắc Giang, tôn vinh giá trị di sản Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử và di tích, danh thắng Tây Yên Tử. Đề xuất phương án để thu hút được 2,5 triệu lượt du khách/năm đến trải nghiệm vào năm 2030.

{keywords}

Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại hội nghị. 

Đề án cũng đề ra một số nhiệm vụ, trong đó thành lập các đoàn khảo sát, gồm các chuyên gia kiến trúc và du lịch, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức khảo sát toàn bộ tuyến đường từ chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) đến các xã, gồm Cẩm Lý, Huyền Sơn, Nghĩa Phương, Vô Tranh, Trường Sơn, Lục Sơn (Lục Nam) và chùa Đồng (Quảng Ninh) nhằm phục dựng một tuyến đường rõ ràng, liền mạch, nối các điểm di tích lại với nhau, định vị được GPS, lập được bản đồ…

Nhìn chung, các đại biểu tán thành về sự cần thiết xây dựng Đề án nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn vùng Tây Yên Tử, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH ở các địa phương; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến, gợi mở những giải pháp quý báu, có chất lượng. 

Nhà sử học Dương Trung Quốc đề nghị trong Đề án cần làm rõ thêm không gian phát triển du lịch, đề cập tới công tác bảo tồn di sản. Quan tâm nhiều hơn tới cơ sở khoa học của việc xây dựng Đề án, nghiên cứu đánh giá tác động môi trường, xã hội; cần khai thác thêm yếu tố lễ hội trong phát triển du lịch. Mặt khác, gắn kết chặt chẽ giữa các điểm di tích giữa hai tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh. 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Châm, đơn vị xây dựng Đề án cần làm rõ thêm các yếu tố văn hóa (di sản, tài nguyên nhân văn…) để có thể khai thác, phát triển du lịch. Ngoài việc tạo dựng các câu chuyện về Phật hoàng Trần Nhân Tông cần mở rộng hơn ở các nội dung khác, nhất là liên quan đến dấu vết, hồi ức, văn hóa, tâm linh, lễ hội, phong tục tập quán của các cư dân vùng Tây Yên Tử để trở thành sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo. Trong giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch chú ý đến việc bồi dưỡng kiến thức về văn hóa, lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng cho đội ngũ làm du lịch. 

Theo Tiến sĩ Hoàng Thị Hoa, đơn vị xây dựng cần tổng hợp các nguồn tư liệu của tỉnh Bắc Giang đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh phê duyệt liên quan đến phát triển du lịch trước đây để đưa vào Đề án. Các dự án xây dựng du lịch bên sườn Tây Yên Tử phải tạo sự khác biệt, chú ý đến vấn đề bảo tồn di sản, phát triển du lịch bền vững. 

Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong, Viện Trần Nhân Tông cho rằng, cần tiến hành điều tra xã hội học, thu thập thông tin về nhu cầu của nhân dân, doanh nghiệp lữ hành trong vùng dự kiến triển khai dự án; nghiên cứu đầy đủ hiện trạng, xây dựng niên biểu Tam tổ Trúc Lâm, nhất là những điểm chùa, nơi ghi dấu ấn của Tam tổ ở vùng Tây Yên Tử để bổ sung cơ sở khoa học xây dựng Đề án.

Tiến sĩ Phùng Văn Minh, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang đề nghị cần đánh giá sâu hơn hiệu quả đề án, điều kiện tự nhiên, xã hội, kinh tế, cơ sở hạ tầng, tiềm năng phát triển du lịch của vùng quy hoạch triển khai Đề án. Làm rõ sự khác biệt giữa du lịch tâm linh của Bắc Giang với du lịch tâm linh ở các địa phương khác trong nước và quốc tế để có định hướng đầu tư, phát triển.

Nhiều ý kiến đề xuất xem xét tên gọi, bố cục của Đề án sao cho phù hợp. Cùng đó, phải có một quy hoạch xây dựng đầy đủ, hoàn chỉnh (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết); có các chuyên gia tư vấn trong quá trình xây dựng; đẩy mạnh công tác truyền thông, liên kết vùng, nhất là Hà Nội và Quảng Ninh để cùng phát triển.

Trên cơ sở ý kiến tham luận, phản biện của các đại biểu, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổng hợp, báo cáo trình UBND tỉnh nghiên cứu, xem xét  quyết định.

Tin, ảnh: Phương Ngân

Bắc Giang đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch sườn Tây Yên Tử
(BGĐT) - Nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch sườn Tây núi Yên Tử, cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng các địa phương trong tỉnh Bắc Giang huy động nguồn lực, đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch. 
Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử
(BGĐT) - UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu du lịch (KDL) tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, huyện Sơn Động (tỷ lệ 1/500).
Khởi công xây dựng tòa tháp chuông Tây Yên Tử
(BGĐT) - Sáng 15/5, tại Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, huyện Sơn Động (Bắc Giang), Ban Quản lý xây dựng Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử tổ chức lễ khởi công xây dựng tòa tháp chuông Tây Yên Tử.
Phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết xây dựng KĐT phía Nam, thị trấn Tây Yên Tử
(BGĐT) - UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết dịnh phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị (KĐT) phía Nam, thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động (tỷ lệ 1/500).
Hội thảo phát triển du lịch vùng Tây Yên Tử "theo dấu chân Phật Hoàng"
(BGĐT)-Chiều 11/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Bắc Giang tổ chức hội thảo xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng vùng "Di tích danh thắng Tây Yên Tử" và "Con đường bộ hành của các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử". 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...