Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thị trường vải thiều
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vải đỏ, áo xanh, nhiệt thành tuổi trẻ - Bài 2: Mùa hè của cống hiến và sẻ chia

Cập nhật: 22:40 ngày 25/06/2021
(BGĐT) - Do dịch bệnh, chưa bao giờ Lục Ngạn- thủ phủ vải thiều lại thiếu nhân công bẻ vải như hiện nay. Hơn một nghìn thanh niên, cả lực lượng tại chỗ và lực lượng tình nguyện đến từ nhiều nơi trong tỉnh và tỉnh bạn đã kịp thời có mặt, giúp người dân thu hoạch vải thiều. Hình ảnh những chiếc áo xanh thấm đẫm mồ hôi trên đồi vải chín đỏ thực sự gây ấn tượng và có sức lan tỏa lớn với cộng đồng.

Xuyên đêm hái vải

Huyện Lục Ngạn có khoảng 15 nghìn ha trồng vải, sản lượng năm nay ước đạt 120 nghìn tấn. Mọi năm, vào mùa vải rộ, hàng nghìn lao động ở khắp nơi đổ về thu hoạch, vận chuyển đưa đi tiêu thụ… Năm nay vướng dịch, để bảo đảm an toàn, huyện không cho lao động ngoài vào làm thuê. Chỉ ai có giấy xác nhận âm tính với vi-rút SARS-CoV-2, chấp hành test mẫu 3 ngày/lần và tiêm phòng vắc xin mới được vào làm việc.

{keywords}

Chong đèn hái vải xuyên đêm của Đội thanh niên tình nguyện cấp tỉnh giúp nhân dân xã Quý Sơn. 

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lục Ngạn Cao Văn Hoàn cho biết: Để giải bài toán thiếu nhân lực, huyện đề nghị các đơn vị công an, quân đội đóng trên địa bàn tăng cường hỗ trợ bà con nhưng không thấm vào đâu với sản lượng vải cần thu hái. Giờ là lúc thanh niên thể hiện vai trò xung kích của mình.

Anh La Duy Thanh- Bí thư Huyện Đoàn chia sẻ: Ngay từ đầu vụ, thấy tình hình dịch dã phức tạp, chúng tôi xác định phải phát huy vai trò các đội tình nguyện tại chỗ. Xã nào làm giúp xã đó, mỗi xã huy động 30 đoàn viên thanh niên chuyên đi bẻ vải giúp các hộ nghèo, hộ bị cách ly y tế, neo người.

Đặc thù của cây vải là phải thu hoạch vào sáng sớm để mẫu mã và chất lượng quả tốt nhất nên đa phần người dân đều dậy từ tờ mờ sáng hái vải. Bà con dậy giờ nào thì thanh niên tình nguyện dậy giờ đấy, xuyên đêm hái vải.

{keywords}

Tranh thủ nghỉ hè, Nguyễn Thị Mỹ Linh- giáo viên Trường Tiểu học Thị trấn Tân An (Yên Dũng) về địa phương (xã Kiên Thành) giúp bà con hái vải. 

Gia đình chị Phùng Thị Nguyệt, thôn Đèo Cạn, xã Kiên Thành vừa bẻ mẻ vải đầu tiên. Con trai lớn đi bộ đội, con gái làm công nhân Khu Công nghiệp Quang Châu cách ly cả tháng nay chưa về, huy động anh em người nhà chỉ hộ được lúc nhát mà vườn vải chín đỏ rực cả quả đồi. Chị nhờ Đoàn xã, 10 bạn tới từ lúc tang tảng sáng. “Đứa nào đứa đấy đeo khẩu trang kín mít, chả biết con nhà ai mà cảm ơn. Mà hôm nay bẻ vải Thanh Hà, bó lâu công lắm vì nhiều lá, lá rai, tuốt mãi mới được bó. May có các cháu đến giúp chứ không chẳng biết nhờ ai.”- chị Nguyệt nói.

Phó Bí thư Đoàn xã Kiên Thành Tô Văn Thao thông tin thêm, mấy hôm nay xã bị phong tỏa do có ca F0 nhưng vải thì không phong tỏa được. Đúng lúc chín rộ, nếu không kịp thu hoạch thì công sức cả năm của bà con mất trắng. May sẵn có lực lượng tại chỗ này, ngày hai ca các bạn đi làm hộ nhà dân. Đêm nào cũng dậy từ 2, 3 giờ sáng đi hái vải.

{keywords}

Đoàn viên Công an huyện Lục Ngạn giúp dân thu hoạch vải thiều.

-Nhà các bạn đoàn viên chắc cũng có vải thu hoạch, vậy xã sắp xếp thế nào để các bạn vừa hoạt động được tình nguyện, vừa không bỏ việc nhà? Tôi hỏi.

Anh Thao bảo: - Đúng là vấn đề chị ạ! Chúng tôi xếp lịch so le, tuần 2 buổi với các bạn nhà có nhiều vải. Còn nhà bạn nào thu hoạch cơ bản rồi thì đi dày lịch hơn. Chứ không mang tiếng “việc nhà thì nhác, việc chú bác siêng năng” là hỏng.

Ở các xã vùng lòng hồ hay trên đèo, việc thu hoạch vải khó khăn hơn, phải chèo thuyền, leo đồi, lực lượng xung kích chính là đoàn viên Công an huyện, các đơn vị quân đội. Mỗi lực lượng mỗi thế mạnh, các bạn nam trèo cây bẻ vải, cây to phải đung đưa mới hái được; các bạn nữ vặt lá, bó, chặt cuống; sau đó cùng nhau hỗ trợ gia đình chở ra điểm cân/sấy.

{keywords}

Là Trưởng Ban chỉ huy tiền phương Phòng, chống Covid-19 tỉnh tại Lục Ngạn, mỗi lần đi cơ sở, tôi rất xúc động khi thấy thanh niên tình nguyện không quản nắng mưa, không sợ dịch bệnh tranh thủ từng ngày, từng giờ thu hoạch vải cho bà con. Càng trong gian khó, các bạn càng mạnh mẽ, kiên cường và truyền cảm hứng về sự lạc quan, cống hiến vô tư, tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ. Các bạn đã góp phần làm nên một mùa vải thiều thành công, ngay trong tâm dịch”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn

“Một bạn hái giỏi một ngày được hơn 1 tạ vải. Từ đầu vụ tới nay, với hơn 1.000 đoàn viên thanh niên tình nguyện tại chỗ, chúng tôi đã thu hoạch được hơn 1 nghìn tấn quả tươi giúp các gia đình phải cách ly y tế, nhà ít người. Con số kỷ lục từ trước tới nay”, Bí thư Huyện đoàn thông tin.

Đâu cần thanh niên có

“Nếu tính về hái vải, không lực lượng nào làm tốt và sẵn nhân công như Đoàn thanh niên. Các bạn có sức khỏe, nhiệt tình, lại đang kỳ nghỉ học, nghỉ hè…nên triển khai nhanh. Tuy nhiên, khi vào chính vụ, Lục Ngạn vẫn rất cần người, chúng tôi làm công văn nhờ Tỉnh Đoàn “chi viện”. Chỉ vài ngày sau, một đội thiện chiến gồm 60 bạn đã có mặt, sau khi xét nghiệm và bảo đảm đầy đủ các yêu cầu phòng dịch.”- Đồng chí Cao Văn Hoàn cho biết thêm.

Nhìn danh sách đội tình nguyện phản ứng nhanh cấp tỉnh về Lục Ngạn, nhiều bạn đến từ các tỉnh xa như Quảng Ninh, Lào Cai, Thanh Hóa; nhiều bạn hơi “cứng” tuổi, 37, 38 tuổi và cả những bạn còn rất trẻ, 17, 18 tuổi, ngay TP Bắc Giang. Có bạn làm nghề tự do, giáo viên, nhân viên văn phòng; nhiều bạn vẫn đang đi học.

“Tại sao chúng tôi chỉ chọn 60 người mà không nhiều hơn, trong khi danh sách tình nguyện có sẵn cả nghìn người? Vì các bạn này từng đi tình nguyện, thạo việc; thứ hai, quan trọng hơn, các bạn khỏe, không Covid, xét nghiệm nhiều lần. Hơn nữa, trong lúc dịch bệnh, không thể đưa ồ ạt thanh niên đi, để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho cả đội tình nguyện và cả người dân địa phương”- Bí thư Tỉnh Đoàn thông tin.

{keywords}

Một mùa hè không quên trên những đồi vải chín.

Có mặt tại Lục Ngạn theo đề nghị của huyện từ chiều 15/6, đoàn chia làm 2 tổ, 1 tổ đi xã Tân Hoa, 1 tổ đi xã Quý Sơn. Mỗi tổ lại chia nhiều nhóm, giúp nhà nào hái vải sẽ ăn, ở, sinh hoạt luôn nhà đó. Làm ‘cuốn chiếu”, mỗi nhà ít nhất 2 ngày, có nhà nhiều hơn, tùy tình hình và dự kiến hết 30/6, khi vải thu hoạch hòm hòm, đoàn mới rút quân.

Tới Lục Ngạn đúng vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm, hôm nào cũng 39, 40 độ; lên được hai hôm thì huyện có ca dương tính, phong tỏa 12/29 xã, thị trấn. Xã Quý Sơn- nơi đoàn đến tình nguyện cũng phải cách ly xã hội, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. “Trước khi khi bọn em xác định hết rồi, kể cả bị dương tính F0, nắng nóng thế nào. Cả nhóm ai cũng đen thui hết nhưng nhiệt tình thì chưa ai giảm”- Hà Văn Minh, 34 tuổi, trưởng nhóm tình nguyện xã Quý Sơn vui vẻ nói.

Minh quê ở Đông Triều (Quảng Ninh), lấy vợ thị trấn Chũ (Lục Ngạn). Từ lúc dịch Covid bùng phát, vợ làm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và ở luôn đó. Minh lái xe tắc-xi ở thành phố, bị cấm không được chạy, em đi làm tình nguyện luôn, con gửi bà ngoại. “Hơn tháng nay vợ chồng em không gặp nhau. Em lên Lục Ngạn tình nguyện, gần con mà chẳng dám gặp, vì Quý Sơn và cả thị trấn Chũ đều phong tỏa”, Minh tâm sự.

{keywords}

Thanh niên địa phương rất tích cực tham gia.

Đội tình nguyện bên xã Tân Hoa thì cơ bản là thanh niên tỉnh ngoài. Tuy không phải cách ly xã hội nhưng xã có gần 40 hộ neo người, cần trợ giúp hái vải. “Bọn em sẽ cố gắng giúp hết các gia đình này. Ngày chia hai ca, một ca làm từ 1, 2 giờ sáng. Một ca làm từ 4 giờ chiều. Mỗi ca ít nhất được từ 4 đến 6 tiếng. Như vậy mỗi ngày mỗi nhóm bẻ được tấn quả. Vải ở đây vẫn bán được, không phải sấy nên chúng em cố gắng tranh thủ từng ngày giúp bà con”, trưởng nhóm Nguyễn Văn Lưu (quê Vĩnh Phúc) thông tin.

Những ân tình đọng lại

Lục Ngạn đang bước vào những ngày thu hoạch vải thiều cuối vụ, ước đạt 90 nghìn tấn, bằng khoảng 75 % sản lượng. Trên các đồi vải, từ trong đêm tối cho tới tối khuya, vẫn thấp thoáng những mầu áo xanh chong đèn cùng bà con thu hái vải. Cả trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm hay mưa gió sấm chớp bất thường như mấy hôm nay, thanh niên tình nguyện vẫn cần mẫn, lặng lẽ ngồi vặt lá, bó vải.

“Các cháu rất có ý thức, ngoan và chịu khó. Nhà dân dậy giờ nào, cháu dậy giờ đó, không quản sớm hôm. Mà đi làm là không mang điện thoại, không nói chuyện riêng, tập trung cao độ. Con trai thành phố ở nhà chỉ biết học mà lên đây bẻ vải thoăn thoắt, chả kém gì bà con”. Chủ tịch UBND xã Quý Sơn Trần Văn Bản nhận xét như vậy khi chứng kiến Nguyễn Bùi Thái Sơn, 17 tuổi, học sinh chuyên Anh lớp 11, Trường THPT Chuyên Bắc Giang và các bạn đi hái vải ở thôn Hai Cũ.

{keywords}

Vải đỏ - áo xanh - tấm lòng vàng.

Các gia đình khi có thanh niên tình nguyện đến thu hoạch giúp đều xúc động và dành nhiều tình cảm biết ơn, quý mến chân thành với các bạn đoàn viên. Họ bảo, các cháu bỏ công bỏ việc, không quản khó khăn, không sợ dịch bệnh, không lo mưa nắng lên đây giúp mình. Ân tình ân nghĩa này thật khó quên!

Chương trình Thanh niên tình nguyện hè 2021 thật đặc biệt. Không có ngày khởi hành và chưa biết bao giờ kết thúc, vì còn dịch là còn thanh niên tình nguyện. Mạnh dạn đăng ký làm việc mới, kết nối, hỗ trợ bà con tiêu thụ vải thiều trên sàn thương mại điện tử, thu hoạch giúp các gia đình khó khăn khi vải chín. Thanh niên Bắc Giang đã thể hiện rõ tính tiên phong, thích ứng và tương trợ tốt với cộng đồng và lan tỏa, truyền tải đi những thông điệp yêu thương trong tâm dịch.

Vải đỏ- áo xanh- nhiệt thành tuổi trẻ. Đơn giản, bởi họ là thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên.

Hồng Sương - Tuyết Mai
Vải đỏ, áo xanh, nhiệt thành tuổi trẻ
(BGĐT) - Đến thời điểm này, vải thiều Bắc Giang đã tiêu thụ được hơn 170.000 tấn, đạt gần 86% tổng sản lượng. Trong điều kiện đặc biệt khó khăn, dịch bệnh Covid bùng phát dữ dội, việc vải thiều “xuôi chèo mát mái”, không phải “giải cứu”, giá bán ổn định là thành công rất lớn của tỉnh. 
Sự tự tôn của vải thiều Bắc Giang
Khi Bắc Giang quyết định gửi công văn đến Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị không dùng từ “giải cứu” để tuyên truyền trợ giúp tiêu thụ nông sản nói chung và vải thiều nói riêng, đó là một cột mốc đáng nhớ.
Mùa vải thiều 2021 thành công trong gian khó
(BGĐT) - Chưa bao giờ mùa vải thiều Bắc Giang lại đối mặt với khó khăn như năm nay do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tỉnh có cách làm mới, sáng tạo và đến nay đã tiêu thụ gần 90% sản lượng thuận lợi. Đây là dấu mốc quan trọng, khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn của tỉnh để có mùa vải thành công trong đại dịch.
Những lý do giúp vải thiều Bắc Giang tiêu thụ tốt trong 'bão' Covid-19
Xuất khẩu đường bộ thuận lợi, mở rộng thị trường phía Nam, đổi mới kênh bán hàng... đã giúp Bắc Giang tiêu thụ gần 90% tổng sản lượng vải thiều.
Ấn tượng về vải thiều Việt Nam trên xứ sở socola
Kể từ ngày 23/6, lô vải thiều Việt Nam đầu tiên đã được lên kệ tại siêu thị Carrefour của Bỉ. Đây là nỗ lực của công ty Vinamex và các đối tác trong nước nhằm đưa đặc sản trái cây của Việt Nam sang châu Âu, sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) được thực thi.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...