Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ấm áp nhà “ba cùng”

Cập nhật: 17:29 ngày 06/08/2022
(BGĐT)- Nối tiếp niềm vui sau mùa vải thiều thuận lợi, về huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) dịp này còn có nhiều câu chuyện vui thắm tình đoàn kết của cấp ủy, chính quyền, bà con nhân dân trong việc giúp hộ nghèo xóa nhà tạm. 

Những ngôi nhà “ba cùng” (gia đình cùng làm, nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ) được xây dựng đã nhân lên niềm vui trên vùng quả ngọt. Niềm mong mỏi, mơ ước về ngôi nhà kiên cố để an cư, yên tâm lao động sản xuất của nhiều hộ nghèo huyện Lục Ngạn đã trở thành hiện thực.

Cán bộ mặt trận đứng ra lo liệu

Phong Vân là một trong 11 xã vùng cao của huyện Lục Ngạn. Cùng với hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền và bà con nơi đây đang phát huy nội lực quyết tâm đưa xã nhà ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Vi Thị Hằng thuộc thế hệ 9X, là người địa phương nên thông thuộc địa hình các thôn, bản và hoàn cảnh từng hộ nghèo. 

{keywords}

Đoàn viên thanh niên xã Phong Vân giúp gia đình bà Vi Thị Nhâm ở thôn Chả xây nhà đại đoàn kết.

Chị cho biết, hầu hết các trục đường chính ở Phong Vân đều được trải bê tông nhưng vẫn còn nhiều ngõ xóm đường đất. Như lối rẽ vào nhà bà Vi Thị Nhâm, hộ được hỗ trợ xây nhà vẫn còn mấy chục mét nhỏ hẹp, dốc cua ngoằn ngoèo. Ngôi nhà 3 gian rộng gần 70 m2 được khởi công đầu tháng 7. 

Khi chúng tôi đến, gần 20 đoàn viên thanh niên địa phương cùng đội tình nguyện của Trường THPT Lục Ngạn số 4 đang dùng xe rùa chuyển vật liệu vào công trình. Một số bạn trẻ trộn vữa giúp cánh thợ xây nhanh tay thi công. Bí thư Chi đoàn Ma Văn Cường mặt đỏ bừng vì nắng nóng đưa khăn lau mồ hôi cho hay với quân số này, chừng 20 ngày nữa là ngôi nhà xây xong.

Chồng bị tai nạn giao thông mất cách đây gần chục năm, bà Nhâm sống cùng con trai trong ngôi nhà vách đất ọp ẹp ở cuối làng. "Nhiều lần địa phương đưa vào diện hỗ trợ xây nhà song gia đình không nhận vì quá túng thiếu, lo bữa ăn hằng ngày đã chật vật thì lấy đâu ra vài chục triệu đồng đối ứng xây nhà”, chị Hằng cho biết. 

{keywords}

Đoàn viên thanh niên Trường THPT Lục Ngạn số 4 vận chuyển gạch giúp hộ nghèo làm nhà ở.

Qua rà soát, toàn huyện có 21 trường hợp trong diện này. Năm nay, Thường trực Huyện ủy Lục Ngạn đã quyết định ban hành chính sách đặc thù đó là nâng mức hỗ trợ đối với gia đình đặc biệt khó khăn 100 triệu đồng/hộ.

Ngày khởi công đã cận kề mà gia đình không có tiền mua nguyên liệu (theo quy định, kinh phí hỗ trợ sau khi hoàn thành 2/3 công trình - PV), trực tiếp Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hoàng Văn Luyện đứng ra tín chấp với các đại lý kinh doanh mua vật liệu trả chậm. 

Thấy vậy, một số hộ kinh doanh đã ủng hộ gia đình bà Nhâm bao xi măng, khối cát, vài chục viên gạch và chi phí vận chuyển. Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, bà con trong thôn cũng thường xuyên giúp đỡ ngày công lao động.

Ở xã vùng cao Phong Vân có hơn một nửa số hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo, việc làm nhà với họ bao năm vẫn chỉ là giấc mơ xa vời nếu không có sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị. 

{keywords}

Ngôi nhà đại đoàn kết của bà Vi Thị Nhâm, thôn Chả, xã Phong Vân đang được thi công.

Trong câu chuyện xây nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo ở Phong Vân chúng tôi thấy rõ vai trò quan trọng của cán bộ mặt trận khi vừa đứng ra lo liệu mọi thủ tục xây nhà, kêu gọi các tấm lòng nhân ái của cộng đồng giúp đỡ và trực tiếp tìm mua nguyên, vật liệu, giám sát công trình. Nhờ vậy, từ năm 2019 đến tháng 7 năm nay, toàn xã đã có 30 gia đình được xây nhà mới.

Mở đường thoát nghèo

Tại xã Phong Minh, nhiều hộ nguy cơ nghèo “bền vững” nếu không có sự vào cuộc giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, anh em họ hàng. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cao Văn Dự nói: “Qua rà soát, Phong Minh còn hơn 100 hộ khó khăn về nhà ở, trong đó có 20 hộ thuộc diện neo đơn, bị khuyết tật, sức khỏe yếu và đặc biệt là không có nguồn đối ứng. Đảng ủy, UBND xã xác định đến năm 2025 phải xóa xong nhà tạm giúp bà con an cư”.

Từ đợt khảo sát thực tế cuối năm 2021, Thường trực Huyện ủy chỉ đạo MTTQ các cấp tập trung xóa nhà tạm cho gia đình anh Ngô Văn Đàn, hộ đặc biệt khó khăn ở thôn Cả. Nhờ vậy, gần một tháng nay, vợ chồng anh có ngôi nhà mới vững chắc. Chủ tịch MTTQ xã Nguyễn Thị Kho cho biết, với phương châm “vướng đâu gỡ đó”, cấp ủy, chính quyền hỗ trợ gia đình tách thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Có đất nhưng lại không có đường đi lại. Vậy là vừa làm nhà, cán bộ xã, thôn vừa huy động nhân lực đào đất, phạt cây, đưa máy múc vào mở con đường mới rộng hơn 3 m, dài gần 70 m từ nhà nối với trục đường thôn. Ngôi nhà đoàn kết này được MTTQ huyện hỗ trợ 100 triệu đồng, còn lại do MTTQ xã đứng ra vận động. 

{keywords}

Cán bộ xã Phong Minh chúc mừng vợ chồng anh Ngô Văn Đàn, thôn Cả có ngôi nhà mới.

Trong ngôi nhà mới, vợ chồng anh Đàn vui mừng cho biết: “Bao năm chúng tôi không dám mơ có ngôi nhà rộng rãi như thế này. Làm xong nhà, gia đình tôi còn được vay vốn để mua cặp bò nái về chăn nuôi”.

Thời gian làm nhà cho anh Đàn, bà Kho cùng cán bộ thôn Cả luôn tất bật đi đi, về về, da đen sạm vì nắng gió. Đây không phải lần đầu nữ Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã đứng ra làm "chủ thầu xây dựng" những ngôi nhà đại đoàn kết. Ghi chép cẩn thận, công khai, minh bạch nên bà được cấp ủy, chính quyền và nhân dân tín nhiệm. Với cách làm như vậy, từ năm 2019 đến nay xã đã hoàn thành 21 nhà đại đoàn kết, tổng kinh phí do MTTQ các cấp hỗ trợ hơn 700 triệu đồng.

Khơi sức dân lo cho dân

Những năm gần đây, KT-XH địa phương phát triển đã tạo thuận lợi cho cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp chăm lo cho người nghèo. 

Bà Dương Thị Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện chia sẻ: Ủy ban MTTQ huyện đăng ký nhiệm vụ trọng tâm xóa nhà tạm cho hộ nghèo với Ban Thường vụ Huyện ủy. Phương châm là “hộ gia đình cùng làm, nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ”, ưu tiên tăng mức hỗ trợ đối với những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 song với quyết tâm xóa nhà tạm cho hộ nghèo, Thường trực Huyện uỷ chủ trương hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 131 nhà đại đoàn kết ở 11 xã vùng cao, trong đó xây mới là 125 nhà, sửa chữa 6 nhà. 

Các ngôi nhà đều hoàn thành, đưa vào sử dụng đúng tiến độ. Tổng kinh phí 32,7 tỷ đồng, trong đó MTTQ huyện và các tổ chức thành viên hỗ trợ 3,3 tỷ đồng; anh, em dòng họ giúp đỡ, gia đình đối ứng là 18,3 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động của đoàn viên, hội viên và nhân dân đóng góp, quy thành tiền khoảng 11 tỷ đồng.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cao Văn Hoàn cho hay, giá trị mỗi ngôi nhà khoảng 150 -200 triệu đồng. Huyện hỗ trợ xây nhà mới đối với hộ nghèo ở vùng cao là 30 triệu đồng/hộ, vùng thấp 20 triệu đồng/hộ; những hộ đặc biệt khó khăn, không có khả năng đối ứng kinh phí được hỗ trợ mức 100 triệu đồng/hộ. 

Nguồn lực ban đầu của huyện chỉ chiếm một phần giá trị của công trình song lại có ý nghĩa to lớn, khơi dậy tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia đóng góp của cộng đồng và nội lực vươn lên của mỗi gia đình. 

Nhờ cách làm này mà kết quả xây nhà cho hộ nghèo của Lục Ngạn nhiều năm vượt xa so với chỉ tiêu cấp trên giao, năm 2021 đạt 300% kế hoạch. Năm 2022, huyện phấn đấu xây mới 133 nhà, hiện đã hỗ trợ, nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng 40 nhà với tổng kinh phí hỗ trợ 1,4 tỷ đồng. 93 căn nhà còn lại sẽ hoàn thành trong năm nay.

Hiện các xã, thị trấn vẫn còn gần 300 trường hợp khó khăn về nhà ở. Công tác vận động hỗ trợ nhà ở cho người nghèo luôn được Thường trực Huyện ủy coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. 

Nhiệm vụ này giao cho Ủy ban MTTQ huyện chủ trì, các đoàn thể phối hợp thực hiện, chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, vận động với phương châm “lấy sức dân để chăm lo cho dân”, tạo thành phong trào nhân văn sôi động, lan tỏa trong cả hệ thống chính trị, huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp, người quê Lục Ngạn đang công tác ở mọi miền Tổ quốc. 

Tiếp tục áp dụng tăng mức hỗ trợ theo hình thức “chìa khóa trao tay” với hộ hoàn cảnh đặc biệt, không có khả năng đối ứng về kinh phí, phấn đấu hết năm 2024 toàn huyện không còn hộ nghèo khó khăn về nhà ở.

Bài, ảnh: Khôi Nguyên - Hải Vân

Lục Ngạn: Hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở sau lũ
(BGĐT) - Sáng 17/5, đồng chí Cao Văn Hoàn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lục Ngạn (Bắc Giang) cùng đại diện lãnh đạo Liên đoàn lao động (LĐLĐ) huyện và Công ty TNHH một thành viên Dũng Năm đã đến trao tặng xi măng giúp gia đình anh Vi Hồng Vũ (SN 1981) thôn Chả, xã Phong Vân xây dựng nhà mới.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân ở Bắc Giang
(BGĐT) - Tỉnh ủy Bắc Giang vừa ban hành Công văn số 1226-CV/TU về việc tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dành cho công nhân trên địa bàn tỉnh.
Bắc Giang: 32 dự án đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở, nhà ở
(BGĐT) – Theo Sở Xây dựng Bắc Giang, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 32 dự án khu đô thị, khu dân cư, nhà ở đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở.
Xây dựng công trình nhà ở quy mô lớn sai phép và không có giấy phép xây dựng
(BGĐT) - Tại Khu đô thị mới phía Tây, thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) có trường hợp xây dựng công trình nhà ở quy mô lớn nhưng sai giấy phép và không có giấy phép xây dựng.
Xây dựng nhà ở xã hội dành cho công nhân: Công khai dự án, đẩy nhanh tiến độ
(BGĐT)-Xác định xây dựng nhà ở xã hội dành cho công nhân là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong định hướng phát triển của tỉnh thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 110-NQ/TU (gọi tắt là Nghị quyết 110) ngày 9/6/2021 về phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Sau hơn một năm triển khai, việc xây nhà ở xã hội cho công nhân đã có kết quả bước đầu song vẫn còn nhiều vướng mắc.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...