Thứ tư, 01/05/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Pháp luật
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

“Cò giấy tờ” bủa vây, nhiều người mắc bẫy

Cập nhật: 10:05 ngày 18/08/2022
(BGĐT) - Thời gian qua, gần khu vực tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả (gọi tắt là bộ phận “một cửa”) của Công an tỉnh ở đường Hoàng Quốc Việt (TP Bắc Giang), xuất hiện nhiều người nhận làm dịch vụ các loại giấy tờ như, hộ chiếu, visa, căn cước công dân... rồi thu tiền, tiềm ẩn gây mất an ninh trật tự, bức xúc trong dư luận. Theo cách gọi nôm na, dân dã, những người làm “nghề” này được gọi là “cò”.

Hằng ngày, bộ phận “một cửa” của Công an tỉnh có khá đông người dân đến liên hệ làm việc. Đánh vào tâm lý muốn giải quyết nhanh, ngại thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC), nhiều “cò” ăn theo các loại dịch vụ làm visa, căn cước công dân, giấy phép lái xe... đã xuất hiện.

{keywords}

Người dân đến làm thủ tục tại bộ phận “một cửa” của Công an tỉnh.

Ngồi ở mấy quán nước quanh khu vực này, mỗi ngày chúng tôi chứng kiến hàng chục cuộc giao dịch giữa các “cò” với công dân để làm những loại giấy tờ trên. Bố con anh Dương Văn Tuấn ở xã An Dương (Tân Yên) vừa dừng xe máy ở chỗ gửi xe thì bị các “cò” lập tức vây quanh và đưa sang bên kia đường. 

Sau khi biết anh Tuấn đưa con trai là cháu Dương Ngọc Khánh (SN 2004) đến làm giấy tờ để chuẩn bị đi Hàn Quốc du học, “cò” N đưa ra thông tin rằng làm thủ tục sẽ rất khó khăn; đồng thời nhận làm giúp, với mức thu 100 nghìn đồng.

Tranh thủ lúc các đối tượng tản ra tìm “con mồi” khác, chúng tôi tiếp cận anh Tuấn để hỏi chuyện, anh kể: “Do chưa thông thạo thủ tục nên khi có người nói sẽ làm hộ, tôi đã nghe theo. Tại đây, họ chỉ khai hộ trên quy trình điện tử có mấy phút rồi bảo con trai tôi vào bộ phận tiếp nhận của Công an tỉnh làm những thủ tục tiếp theo”.

Một lát sau, cháu Dương Ngọc Khánh quay ra, tay cầm giấy hẹn và nói với phóng viên: “Cháu vào làm hộ chiếu và được hẹn nhận lại sau 12 ngày, lệ phí 200 nghìn đồng. Biết thủ tục đơn giản thế này cháu tự vào làm ngay từ đầu thì không tốn thêm tiền”.

{keywords}

Chủ quán nước, pho to, chụp ảnh (người khoanh tròn) kiêm nhận làm hộ thủ tục, giấy tờ để thu tiền của người dân.

Nhiều trường hợp khác đi xe khách, xe bus từ các huyện xuống TP Bắc Giang bị các đối tượng xe ôm kiêm “cò giấy tờ” giăng bẫy ngay từ các điểm dừng đỗ, trả khách. Những lái xe ôm đưa người đến, bàn giao cho các “cò”, nhận tiền mặt hoặc nhận chuyển khoản rồi lại nhanh chóng đi tìm khách khác, tạo thành vòng tròn khép kín, tinh vi.

Mức độ chuyên nghiệp của các "cò" thể hiện qua cách tiếp cận, cố tình đưa ra những khó khăn nếu người dân tự đi làm, gây hoang mang, lo lắng. Từ đó, những đối tượng này hứa sẽ giúp giải quyết với điều kiện người dân bỏ thêm tiền. Thậm chí, các “cò” còn in sẵn danh thiếp, với thông tin quảng cáo: “Chuyên làm visa đi Trung Quốc, làm thủ tục kết hôn với người nước ngoài; dịch vụ hộ chiếu - tư pháp các nước; dịch vụ căn cước công dân…”. 

Danh thiếp có đầy đủ họ tên, địa chỉ, số điện thoại của “cò”, người dân có nhu cầu chỉ cần liên hệ, thỏa thuận về mức tiền, ngày nhận lại giấy tờ. Sau nhiều ngày đeo bám, chúng tôi nhận thấy có ít nhất hai xe ôm, nhiều người trông giữ xe, bán nước… quanh khu vực “một cửa” của Công an tỉnh đang hành nghề này.

{keywords}

Có đối tượng còn in sẵn danh thiếp.

Thực tế cho thấy có một bộ phận người dân chưa quen với việc kê khai thông tin, làm hộ chiếu cũng như các loại dịch vụ khác qua môi trường mạng nên phải trực tiếp đến bộ phận "một cửa" của Công an tỉnh. Đây chính là những người mà các đối tượng “cò” nhắm đến. Ngay tại khu vực công quyền nhưng họ ngang nhiên hoạt động, tung thông tin nhiễu loạn, chèo kéo người dân, có dấu hiệu lừa đảo nhằm trục lợi.

Trong khi đó, tại bộ phận "một cửa" của Công an tỉnh, các TTHC được niêm yết công khai, hướng dẫn chi tiết; công dân có thể đánh giá sự hài lòng bằng nút bấm hoặc các mã QR và có số điện thoại đường dây nóng, zalo để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân.

Trao đổi với Thượng tá Đỗ Đức Trịnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh được biết, từ đầu năm đến nay lượng hồ sơ phải giải quyết rất lớn, riêng 6 tháng đầu năm đã lên đến gần 40 nghìn hồ sơ TTHC, trong đó cấp hơn 10 nghìn hộ chiếu phổ thông cho công dân Việt Nam; cấp gần 5,5 nghìn căn cước công dân… Để đáp ứng yêu cầu, các cán bộ của những bộ phận liên quan đều phải làm việc ngoài giờ, ngày nghỉ, bảo đảm các TTHC được giải quyết đúng quy trình, quy định, không để xảy ra tình trạng quá hạn hoặc trả lại, yêu cầu bổ sung nhiều lần.

Từ đầu tháng 7/2022 đến nay, lượng hộ chiếu phổ thông do Công an tỉnh Bắc Giang giải quyết cho công dân tăng đột biến, trung bình mỗi ngày cấp hơn 100 hộ chiếu. Nguyên nhân do nhu cầu đi xuất khẩu lao động, học tập và điều chỉnh thông tin hộ chiếu (từ số chứng minh nhân dân sang căn cước công dân) tăng mạnh.

Thượng tá Đỗ Đức Trịnh cũng cho biết, có xuất hiện tình trạng một số dịch vụ bên ngoài bộ phận "một cửa" như cà số khung, số máy, ép biển, hỗ trợ làm tờ khai thủ tục liên quan đến xuất nhập cảnh, đăng ký xe, gây phiền hà và phát sinh chi phí không chính thức cho công dân. Tuy nhiên, Công an tỉnh chưa phát hiện trường hợp cán bộ, chiến sĩ nào liên quan đến việc “bắt tay” với “cò” trong giải quyết TTHC.

Chính vì thế, khi có nhu cầu về làm các giấy tờ như trên, công dân cần vào trực tiếp bộ phận “một cửa” Công an tỉnh để được giải quyết, hướng dẫn cụ thể. Tuyệt đối không giao giấy tờ cá nhân cho các đối tượng “cò” vì nguy cơ bị mất, thất lạc rất cao hoặc có thể bị lợi dụng để sử dụng vào mục đích phi pháp, gây ảnh hưởng, thiệt hại cho bản thân.

Trước bất cập trên, đề nghị Công an tỉnh rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm đối tượng có hành vi lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân để lừa gạt lấy tiền, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự.

Bài, ảnh: Nhóm PV XDĐ-NC

Mua bán ô tô bằng giấy tờ giả, lĩnh án 12 năm tù
(BGĐT) - Ngày 27/7, TAND tỉnh Bắc Giang xét xử vụ án đối với bị cáo Nguyễn Trung Hiếu (SN 1996) trú tại tổ 1, phường Quyết Thắng, TP Sơn La (Sơn La) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Phát hiện đường dây làm giấy tờ giả liên tỉnh
Ngày 30/5, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) vừa phối hợp với công an các địa phương triệt phá đường dây làm giả giấy tờ từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân, đến hộ chiếu… do Phạm Duy Phong (sinh năm 1992) ở tỉnh Nghệ An cầm đầu.
Bắc Giang: Bắt giữ 2 tàu chở đất không có giấy tờ
(BGĐT) - Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh Bắc Giang) và Công an huyện Yên Dũng vừa bắt giữ 2 tàu chở 750 m3 đất không có giấy tờ.
Chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tờ giả
(BGĐT) - Thị trường bất động sản tại Bắc Giang đang sôi động và đã xuất hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền bằng cách làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất .
Bộ Công an cảnh báo thủ đoạn làm giả một số giấy tờ ngân hàng
Thời gian qua, lực lượng Công an phát hiện nhiều vụ việc các đối tượng có dấu hiệu làm giả Sao kê tài khoản, Cam kết cấp tín dụng, Xác nhận số dư tài khoản... của một số ngân hàng để chứng minh năng lực tài chính, hoàn thiện hồ sơ dự án xin cấp phép đầu tư hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...