Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp cầu bạn đọc
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xem xét lại hồ sơ giải quyết chế độ cho tử sĩ Nguyễn Văn Phẳng

Cập nhật: 14:15 ngày 11/08/2021
(BGĐT) - Hội bạn chiến đấu bộ đội Pháo phòng không Trung đoàn 240,  Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không - Không quân khu vực Hà Bắc tha thiết đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại trường hợp ông Nguyễn Văn Phẳng (SN 1952), quê quán ở thôn Hà Mỹ, xã Chu Điện, huyện Lục Nam (Bắc Giang) bị tai nạn qua đời khi phục vụ chiến đấu mà chưa được giải quyết chế độ liệt sĩ.

Ông Ngụy Xuân Phương, Trưởng Ban liên lạc Hội bạn chiến đấu E 240 khu vực Hà Bắc thông tin: Ông Nguyễn Văn Phẳng hy sinh trong giai đoạn 1964 -1972, thời điểm quân và dân miền Bắc anh dũng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. 

{keywords}

Mẹ và em gái ông Nguyễn Văn Phẳng.

Tháng 7/1972, giặc Mỹ điên cuồng cho máy bay ném bom phá hoại miền Bắc, trong đó có Bắc Giang hòng ngăn cản hoạt động tiếp tế lương thực, vũ khí của ta từ các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới qua tuyến đường sắt Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn và phá hủy các mục tiêu quan trọng. Trước tình hình đó, Trung đoàn Pháo 240 nhận nhiệm vụ hợp đồng tác chiến, phối hợp với các đơn vị tên lửa, không quân đánh trả các đợt không kích của giặc Mỹ trên bầu trời Bắc Giang. 

Ngày 7/7/1972, lãnh đạo Trung đoàn 240 điều một số chiến sĩ của Đại đội 517 (trong đó có ông Phẳng) vào rừng lấy gỗ về gia cố hầm chỉ huy và nấu cơm cho bộ đội. Do đường trơn, xe ô tô chở gỗ bị lật, ông Phẳng bị thương nặng, mất vào chiều cùng ngày và được đưa về quê ở xã Chu Điện an táng.

Ông Tạ Văn Sâm, thôn Khả Lý Hạ, xã Quảng Minh (Việt Yên), đồng đội của ông Phẳng bộc bạch: “Đất nước thống nhất, chúng tôi người tiếp tục trong quân ngũ, người trở về xây dựng quê hương. Ngày 20/7/2020, anh em mới có dịp hội tụ đến thắp hương tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh và ai cũng bất ngờ khi biết đồng chí Phẳng vẫn chưa được xác nhận là liệt sĩ! Mẹ đồng chí ấy là cụ Nguyễn Thị Lắc nay đã 94 tuổi, mắt mờ, không còn minh mẫn, đang ở cùng con gái là bà Nguyễn Thị Sửu (em cùng mẹ khác cha của ông Phẳng) ở thôn Hồ Sơn 1, xã Bảo Sơn (Lục Nam), hoàn cảnh rất khó khăn. Chồng bà Sửu mất sớm, một nách nuôi 5 con nhỏ và mẹ già!”. 

Bao năm qua, cụ Lắc chưa được hưởng chế độ chính sách nào của Nhà nước về cái chết của ông Phẳng. Đây là lý do ông Sâm và hội bạn chiến đấu quyết định cùng gia đình phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét lại trường hợp ông Phẳng. Kèm theo đơn đề nghị còn có nhiều giấy xác nhận của các cựu binh đã tham gia chiến đấu cùng ông Phẳng như: Ông Ngô Văn Thức ở xã Hợp Đức (Tân Yên), nguyên Khẩu đội trưởng Trung đội 1 pháo cao xạ 57mm, người trực tiếp cử ông Phẳng đi làm nhiệm vụ lấy gỗ về làm hầm chỉ huy; ông Nguyễn Văn Thời ở quận Hồng Bàng (TP Hải Phòng), người được cử tham gia cùng ông Phẳng đi lấy gỗ nhưng may mắn thoát nạn…

Trong hồ sơ lưu tại Trung đoàn 240, ông Nguyễn Văn Phẳng thuộc đơn vị C517- E240- F363, cấp bậc binh nhì, chức vụ pháo thủ, nhập ngũ tháng 5/1972, hy sinh ngày 7/7/1972. Ngày 25/5/2021, Trung đoàn 240 đã xác nhận trường hợp của ông Phẳng là tử sĩ khi làm nhiệm vụ lấy củi cho đơn vị. Dù đã có thông tin, trả lời của đơn vị song những bạn chiến đấu năm xưa vẫn không khỏi băn khoăn vì ông Phẳng bị tai nạn khi làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, làm nhiệm vụ quốc phòng trong thời điểm chiến tranh ác liệt sao lại không được xác nhận là liệt sĩ(?). Các cựu chiến binh cho rằng, cán bộ làm chính sách Trung đoàn 240 thời điểm đó chưa làm đúng thủ tục, gây thiệt thòi cho gia đình ông Phẳng.

Khoản 1, Điều 17, Nghị định 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công, quy định điều kiện xác nhận liệt sĩ, trong đó người hy sinh thuộc một trong các trường hợp sau được xác nhận liệt sĩ: “… Trực tiếp phục vụ chiến đấu trong khi địch bắn phá: Tải đạn, cứu thương, tải thương, đảm bảo thông tin liên lạc, cứu chữa kho hàng, bảo đảm hàng hóa và các trường hợp bảo đảm chiến đấu; do ốm đau, tai nạn khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định pháp luật;…”. Đối chiếu với quy định trên, trường hợp ông Phẳng có thể đáp ứng quy định. 

Tuy nhiên, tại Khoản 2, Điều 17 lại quy định không xem xét xác nhận liệt sĩ đối với: “… Những trường hợp chết trước ngày 31/12/1994 trở về trước, cơ quan có thẩm quyền kết luận không đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ hoặc đã báo tử theo chế độ tử sĩ…”. Căn cứ vào quy định này, Ban CHQS huyện Lục Nam đã thông tin cho gia đình về việc không thể xem xét, đề nghị giải quyết chế độ liệt sĩ cho ông Phẳng.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Sửu bộc bạch: “Mẹ tôi kết hôn với ông Nguyễn Văn Bằng, sinh được anh Phẳng thì hai cụ ly hôn. Mẹ chuyển về Bảo Sơn sống sau đó mới có tôi. Còn cụ ông cũng có gia đình khác và hiện đã mất. Anh Phẳng tòng quân tham gia chiến đấu và chết khi đang làm nhiệm vụ đơn vị giao nhưng từ bấy đến nay mẹ tôi cũng như bố anh Phẳng chưa được hưởng chế độ gì. Đề nghị chính quyền, cơ quan chức năng xem xét lại trường hợp của anh Phẳng để mẹ tôi có thể thanh thản lúc cuối đời”. 

Lãnh đạo xã Chu Điện đã xác nhận nội dung đơn bà Sửu trình bày là thật. Trao đổi với phóng viên, đồng chí Đào Đình Phượng, Bí thư Đảng ủy xã Bảo Sơn cũng đề nghị Nhà nước xem xét, giải quyết chế độ liệt sĩ cho ông Phẳng để gia đình đỡ thiệt thòi.

Trước mong muốn của gia đình ông Nguyễn Văn Phẳng, các cựu chiến binh và chính quyền địa phương, đề nghị Ban CHQS huyện Lục Nam, Trung đoàn 240 và các cơ quan liên quan xem xét lại việc làm thủ tục, hồ sơ giải quyết chế độ cho ông Nguyễn Văn Phẳng, qua đó bảo đảm quyền lợi của người có công và thân nhân.

Bài, ảnh: Tuấn Dương
Gần 2 thập kỷ vẫn chưa thể xử lý dứt điểm kiến nghị của người dân
Năm 2004, người dân thôn Tứ, xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) thực hiện dồn điền đổi thửa theo chính sách của Nhà nước. Thế nhưng việc dồn điền đổi thửa lại xảy ra rất nhiều sai phạm, gần 20 năm qua người dân phải gửi đơn thư đi khắp nơi, nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết.
Dự án di dân vùng sạt lở tại thị trấn Nham Biền: Xác minh làm rõ sai phạm, bảo đảm khách quan, công bằng
(BGĐT) - Đây là quan điểm của lãnh đạo UBND huyện Yên Dũng (Bắc Giang) trước dư luận phản ánh tình trạng chưa khách quan, công bằng trong thực hiện dự án di dân vùng sạt sở khu vực xã Thắng Cương cũ, nay thuộc thị trấn Nham Biền.
Quản lý, bảo vệ rừng: Khắc phục bất cập trong xử lý vi phạm
(BGĐT) - Từ tháng 4/2021 đến nay, số vụ phát, phá rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, hầu hết các vụ việc đều khó tìm ra thủ phạm. Nếu tìm ra cũng mới dừng ở mức xử lý vi phạm hành chính nên tính răn đe chưa cao.
Lạng Giang: Thẩm phán có ”ngâm” án để bị đơn tẩu tán tài sản?
(BGĐT) - Ông Nguyễn Quốc Dân, tổ dân phố Giáp Nguột, phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) tố cáo thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) huyện Lạng Giang (Bắc Giang) cố tình chậm giải quyết vụ án dân sự mà ông là nguyên đơn để bị đơn tẩu tán tài sản phải thi hành án, gây thiệt hại cho gia đình. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...