Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vẫn “nóng” khai thác đất san lấp mặt bằng trái phép

Cập nhật: 08:18 ngày 14/08/2021
(BGĐT) - Hơn một tháng trở lại đây, dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cơ bản được kiểm soát, các hoạt động kinh tế khôi phục trở lại, trong đó có hoạt động khai thác đất sét làm gạch, đất san lấp mặt bằng (SLMB). Tại một số địa phương, tình trạng khai thác khoáng sản sai phép, trái phép gây thất thoát tài nguyên diễn biến phức tạp. 

Còn nhiều vi phạm

Trước nhu cầu đất phục vụ SLMB các công trình ngày càng tăng, thời gian gần đây, nhiều tổ chức, cá nhân bất chấp quy định của pháp luật đánh cắp tài nguyên, trục lợi bất chính làm thất thu ngân sách, phá vỡ cảnh quan môi trường. Nhiều trường hợp còn tranh thủ múc đất vào buổi trưa, chiều tối, đêm hoặc ngày nghỉ để tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.

{keywords}

Hiện trường vụ việc khai thác đất SLMB trái phép tại xã Kiên Thành (Lục Ngạn).

Tại huyện Lục Nam, cách đây không lâu, qua tuần tra, lực lượng chức năng phát hiện tại khu đồi thuộc thôn Xuân Sơn, xã Cẩm Lý có một máy xúc đang múc đất đồi trái phép lên 4 xe ô tô. Trung tá Nguyễn Đức Tuân, Đội trưởng Đội Phòng, chống tội phạm về môi trường lĩnh vực tài nguyên, nông nghiệp, ngư nghiệp, đa dạng sinh học (Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh) cho biết, qua xác minh, đơn vị xác định người khai thác đất là ông Lương Ngọc Thức ở cùng xã. 

Ông Thức đã khai thác 56 m3 đất song không xuất trình được giấy phép và thừa nhận hành vi khai thác đất trái phép. Trước hành vi này, cuối tháng 7 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định xử phạt ông Thức hơn 138 triệu đồng gồm tiền phạt hành chính, tịch thu tang vật quy đổi bằng tiền và tiền tương đương giá trị phương tiện sử dụng trái phép vi phạm (1 máy xúc).

Tại một số địa phương khác cũng xảy ra tình trạng múc đất trái phép vận chuyển đi tiêu thụ. Đơn cử, ngày 27/7 tại thôn Bản Hạ, xã Kiên Thành (Lục Ngạn), cơ quan công an bắt quả tang ông Nguyễn Văn Khiêm điều khiển máy xúc múc đất đồi đổ lên xe ô tô BKS 98C-127.38 đưa đi tiêu thụ. Tại thời điểm kiểm tra, các cá nhân khai thác, vận chuyển 32 m3 đất đồi. Lực lượng chức năng đang tiếp tục xác minh, làm rõ hành vi vi phạm để xử lý theo quy định. Khảo sát thực tế , thời gian gần đây, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra tại hai huyện Sơn Động, Lạng Giang. Đó còn chưa kể có tổ chức được cấp phép mỏ hoặc thực hiện dự án cũng lợi dụng giấy phép múc vượt mốc giới quy định.

Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh phát hiện, xử phạt 62 trường hợp vi phạm trong hoạt động khoáng sản ở các huyện: Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Lạng Giang… Lỗi chủ yếu là khai thác đất san lấp trái phép với tổng số tiền phạt hơn 500 triệu đồng, tịch thu khoáng sản quy đổi khoảng 200 triệu đồng và thu hơn 1,4 tỷ đồng tương đương giá trị phương tiện sử dụng trái phép (máy xúc) vi phạm hành chính.

Quy trách nhiệm người đứng đầu

Ngày 27/7, UBND tỉnh ban hành văn bản về việc tăng cường công tác quản lý khoáng sản. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở TN&MT xem xét tham mưu đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đối với tổ chức, cá nhân vi phạm nhiều lần, không khắc phục tồn tại.

Tình trạng khai thác đất SLMB, đất sét trái phép, vi phạm giấy phép từng được phản ánh, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã vào cuộc kiểm tra, xử lý. Số vụ vi phạm tuy giảm nhưng vẫn có chiều hướng diễn biến khá phức tạp nếu không được ngăn chặn kịp thời, xử lý dứt điểm. Lý do là hiện nay nhu cầu đất SLMB các công trình khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, đường giao thông trên địa bàn tỉnh rất lớn, trong khi trữ lượng đất của các mỏ đã cấp phép chỉ 10 triệu m3, đáp ứng khoảng 65% nhu cầu nên có tổ chức, cá nhân ngang nhiên đánh cắp tài nguyên. Thực tế, tổ chức, cá nhân vi phạm trục lợi bất chính từ 18-20 nghìn đồng/m3 đất SLMB. Cũng vì lợi nhuận cao nên nhiều tổ chức, cá nhân bất chấp quy định của pháp luật, khai thác đất trái phép.

Nguyên nhân nữa còn do chính quyền cấp xã, huyện thiếu kiểm tra sâu sát, xử lý nghiêm vi phạm từ khi manh nha. Có nơi chỉ khi người dân báo, chính quyền sở tại mới kiểm tra, khi đó tài nguyên đã bị đánh cắp. Lo ngại hơn, công tác hậu kiểm của cơ quan chức năng không thường xuyên, có tình trạng phạt cho tồn tại, chưa đủ sức răn đe nên vi phạm tái diễn, gây nhờn “luật”.

Xung quanh việc để xảy ra tình trạng khai thác đất trái phép tại một số xã thời gian qua, đại diện lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn cho biết, do địa bàn rộng, một số đối tượng lợi dụng việc làm đường giao thông múc đất ở khu vực lân cận để tránh lực lượng chức năng. Lý giải như vậy chưa thỏa đáng bởi việc kiểm tra, giám sát hoạt động này đã được tỉnh giao rõ trách nhiệm cho người đứng đầu cấp huyện, xã. Thực chất, để xảy ra vi phạm do địa phương chưa làm tròn trách nhiệm quản lý. 

Liên quan đến hoạt động khai thác đất trái phép tại huyện Lục Nam, ông Hoàng Văn Toán, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm. Đối với các đơn vị có giấy phép mà vi phạm lần 2 (nếu có), huyện xử phạt, truy thu khoáng sản, thậm chí đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi giấy phép.

Tại Yên Dũng, mới đây Chủ tịch UBND huyện ban hành văn bản giao trách nhiệm cụ thể cho cấp xã, các cơ quan liên quan để siết chặt công tác quản lý khoáng sản. UBND cấp xã tăng cường kiểm tra, đặc biệt về ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ, kịp thời phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm. Trường hợp để xảy ra khai thác trái phép, Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm trước Thường trực Huyện ủy, UBND huyện. Công an huyện thành lập chuyên án nắm bắt tình hình, bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng vây bắt khi có lệnh, kiên quyết xử lý đối tượng cố tình chống đối... Nhờ vậy, hoạt động này đã được chấn chỉnh, nhiều tháng qua không phát hiện sai phạm mới.

Trước thực trạng thất thoát tài nguyên, Sở TN&MT vừa thành lập tổ công tác kiểm tra ranh giới, sản lượng khoáng sản tại các đơn vị đã được cấp phép có dấu hiệu vi phạm. Sở tham mưu UBND tỉnh xử phạt nghiêm tổ chức vi phạm, truy thu lượng khoáng sản thất thoát, tránh thất thu ngân sách. Cùng với giải pháp trên, mới đây tại văn bản ban hành ngày 27/7 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý khoáng sản, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương yêu cầu Sở TN&MT xem xét tham mưu tỉnh đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy phép đối với tổ chức, cá nhân vi phạm nhiều lần. Đồng thời đề xuất chấn chỉnh, kiểm điểm trách nhiệm, phê bình người đứng đầu địa phương để xảy ra vi phạm mà không ngăn chặn, xử lý, gây bức xúc trong nhân dân.

Bài, ảnh: Minh Linh
Bắc Giang: Khai thác đất san lấp mặt bằng trái phép
(BGĐT) - Qua kiểm tra, lực lượng chức năng huyện Lạng Giang (Bắc Giang) vừa bắt quả tang một trường hợp khai thác đất san lấp mặt bằng trái phép tại thôn Đình, xã Xuân Hương.
Khai thác trái phép đất san lấp mặt bằng: Kịp thời ngăn chặn, xử lý dứt điểm
(BGĐT) - Thời gian gần đây, hoạt động khai thác đất san lấp mặt bằng (SLMB) trái phép trên địa bàn tỉnh Bắc Giang diễn biến khá phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Đáng ngại là tình trạng này chưa được xử lý triệt để.
Khai thác đất san lấp mặt bằng tại Bắc Giang: Đổi mới quản lý, tăng nguồn cung
(BGĐT) - Kinh tế của tỉnh Bắc Giang đang trên đà phát triển, nhiều dự án xây dựng hạ tầng tiếp tục được triển khai thực hiện. Theo đó, nhu cầu đất san lấp mặt bằng (SLMB), sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) rất lớn. Trước thực tế này, UBND tỉnh đang có những giải pháp trước mắt và lâu dài để quản lý chặt chẽ tài nguyên nhằm vừa chủ động đủ lượng đất phục vụ SLMB, giảm chi phí đầu tư, tăng thu ngân sách, vừa không để thất thoát tài nguyên.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...