Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 33 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Đại biểu nhân dân với cử tri
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Tuấn thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia

Cập nhật: 12:06 ngày 07/01/2023
(BGĐT)- Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 7/1, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại đây, đồng chí Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang phát biểu tham luận. Báo Bắc Giang điện tử trân trọng đăng nội dung tham luận của đồng chí Trần Văn Tuấn. 
{keywords}

Đại biểu Trần Văn Tuấn phát biểu.

Tôi cơ bản nhất trí với tờ trình và báo cáo của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Có thể khẳng định, Quy hoạch đã được xây dựng khá công phu; bảo đảm theo đúng quy định của Luật Quy hoạch và các luật có liên quan, cụ thể hoá được các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Quy hoạch là bản thiết kế tổng thể quốc gia, được thông qua sẽ là cơ sở nền tảng phát huy tối ưu tiềm năng xây dựng, phát triển đất nước một cách hiệu quả, bền vững trong thời gian tới.

Để góp phần hoàn thiện Quy hoạch trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, tôi xin tham gia vào 2 nội dung: Về định hướng hành lang phát triển kinh tế và định hướng xây dựng, khai thông các tuyến đường sắt liên vận quốc tế, cụ thể như sau:

1. Đề nghị bổ sung vào Quy hoạch định hướng phát triển Hành lang kinh tế Lạng Sơn- Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh. Trong dự thảo Quy hoạch xác định có một số hành lang kinh tế; trong đó, khu vực phía Bắc chỉ có 3 hành lang kinh tế (gồm Hành lang kinh tế Bắc – Nam; Hành lang kinh tế Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng- Quảng Ninh và trong dài hạn sẽ từng bước hình thành Hành lang kinh tế Điện Biên-Sơn La-Hòa Bình-Hà Nội). 

Tôi cho rằng, định hướng một số hành lang kinh tế nêu trên là chưa tương xứng với tiềm năng về mạng lưới giao thông trong khu vực (kể cả hệ thống giao thông hiện tại và theo quy hoạch). Vì vậy, đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung vào Quy hoạch định hướng hình thành và phát triển thêm 1 hành lang kinh tế nữa là: Hành lang kinh tế Lạng Sơn- Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh. Đây cũng chính là hành lang kinh tế đã được quy hoạch và được phê duyệt tại Quyết định số 98/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 

Việc hình thành, phát triển hành lang kinh tế này dựa trên cơ sở các tuyến đường bộ quan trọng và các tuyến đường sắt Hà Nội- Bắc Giang- Lạng Sơn, Hà Nội- Hải Phòng, Hà Nội- Quảng Ninh. Nếu có thêm hành lang kinh tế này sẽ góp phần quan trọng trong liên kết vùng, nhất là sự kết nối giữa các địa phương với Vùng động lực quốc gia phía Bắc (Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh) và kết nối với các hành lang kinh tế khác theo Quy hoạch; qua đó tạo động lực thúc đẩy sự phát triển không chỉ đối với các địa phương trong phạm vi hành lang kinh tế này mà còn thúc đẩy sự phát triển của cả nước.

2. Đề nghị xác định ưu tiên đầu tư, sớm xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội- Lạng Sơn tốc độ cao, để kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc. Những định hướng lớn trong dự thảo Quy hoạch về hình thành, phát triển các vùng động lực quốc gia, các hành lang kinh tế và hệ thống mạng lưới giao thông đều định hướng rõ phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại. Tập trung phát triển hệ thống giao thông đường sắt, bao gồm cả những tuyến kết nối nhằm khai thông tuyến liên vận quốc tế với Trung Quốc, Lào và Campuchia. 

Đây là định hướng rất quan trọng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giảm chi phí logistics (đến 2030, chi phí logistics so với GDP tương đương với nhóm những nước đứng đầu trong khối ASEAN và đến 2050 tương đương với nhóm nước phát triển trên thế giới); đồng thời góp phần giảm tải cho hệ thống giao thông khác, nhất là giao thông đường bộ (qua thực tế các nước cho thấy, việc vận tải hàng hóa trên bộ chủ yếu qua hệ thống đường sắt, vận tải bằng đường sắt đóng vai trò quan trọng trong giảm chi phí logicstics do giá thành rẻ).

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, tôi đề nghị trong Quy hoạch cần định hướng rõ hơn về lộ trình đầu tư phát triển hệ thống đường sắt. Đối với các tuyến kết nối quốc tế cần xác định ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội- Lạng Sơn, để kết nối, khai thông tuyến đường sắt liên vận quốc tế với Trung Quốc. Trong Danh mục các dự án quan trọng quốc gia cũng cần bổ sung dự án đường sắt điện khí hóa, tốc độ cao, kết nối quốc tế Hà Nội- Lạng Sơn là dự án được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2030, xuất phát từ một số lý do sau:

Thứ nhất, việc bổ sung dự án đường sắt kết nối quốc tế Hà Nội- Lạng Sơn vào Danh mục các dự án được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 là phù hợp với Quy hoạch, nhất là định hướng phát triển Hành lang kinh tế Bắc- Nam (Lạng Sơn- Hà Nội- TP Hồ Chí Minh- Cà Mau) gắn với tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và đường sắt cao tốc Bắc- Nam.

Thứ hai, xuất phát từ nhu cầu thực tế. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường quốc tế lớn nhất của Việt Nam; giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam qua các cửa khẩu Lạng Sơn rất lớn. Mặc dù đường bộ cao tốc Hà Nội- Lạng Sơn đã được đầu tư song đã quá tải nên việc sớm đầu tư tuyến đường sắt này sẽ góp phần quan trọng cho việc khai thông, giúp doanh nghiệp và người dân thuận lợi hơn trong việc lưu thông hàng hoá, khắc phục tình trạng ùn ứ, ách tắc thường xuyên xảy ra tại các cửa khẩu đường bộ, nhất là tình trạng ùn ứ, ách tắc hàng hóa, nông sản thời gian qua (trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đường bộ tại Lạng Sơn gặp nhiều khó khăn, cộng với chi phí vận tải đường bộ cao, khiến nhiều doanh nghiệp muốn xuất nhập khẩu qua hệ thống đường sắt).

Thứ ba, đây là tuyến đường ngắn nhất kết nối giữa vùng động lực phát triển phía Bắc với khu vực phát triển nhất của thị trường Trung Quốc. Việc đầu tư tuyến đường sắt này sẽ góp phần mở rộng hơn thị trường quốc tế đối với hàng hóa của Việt Nam, không chỉ thị trường Trung Quốc mà còn vươn tới các thị trường các nước Trung Á, Trung Đông và châu Âu thông qua hệ thống đường sắt thay cho việc chủ yếu qua đường biển và đường không như hiện nay. Qua đó sẽ giảm đáng kể về thời gian và chi phí vận chuyển, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm hàng hoá cũng như năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và quốc gia.

Thứ tư, ưu tiên đầu tư sớm tuyến đường sắt này còn vì tính khả thi, do chi phí đầu tư không quá lớn, có thể sớm triển khai, hoàn hoàn thành đưa vào khai thác. Qua đó cũng là quá trình tích luỹ kinh nghiệm, kỹ thuật, chuẩn bị nhân lực cho việc triển khai các dự án đường sắt khác có quy mô lớn hơn. Mặt khác, đây là tuyến liên vận quốc tế, khi kết nối sẽ vận hành được ngay, do phía trung Quốc đã có hệ thống đường sắt khá hiện đại, đồng bộ và kết nối với nhiều nước trên thế giới.

TS

Khai mạc Kỳ họp bất thường thứ 2, Quốc hội khóa XV
Sáng 5/1, Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu khai mạc. Sau đây là toàn văn bài phát biểu:
Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV: Quy hoạch tổng thể để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Sáng 5/1, sau phiên khai mạc, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...