Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

eMagazine
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vững vàng trong đại dịch

Cập nhật: 07:18 ngày 01/01/2022
 
{keywords}

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn động viên đoàn cán bộ y tế Bắc Giang vào miền Nam hỗ trợ chống dịch Covid-19.

Dịch bệnh nguy hiểm, lây lan nhanh khi chưa có kinh nghiệm tổ chức chống dịch diện rộng, nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật, kinh nghiệm điều trị bệnh nhân Covid-19 đều thiếu là thử thách quá lớn đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế. Trong tình huống ấy, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 tỉnh đã thể hiện bản lĩnh, bình tĩnh đối diện với khó khăn tổ chức chống dịch khẩn trương, quyết liệt và hiệu quả. Cũng qua thử thách, ngành y tế Bắc Giang đã được tôi luyện và thêm vững vàng, khẳng định vai trò nòng cốt trong cuộc chiến bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trước đại dịch.

{keywords}

Năm 2020, trên địa bàn tỉnh mới xuất hiện lác đác một số cụm dịch nhỏ lẻ, chủng virus Alfa lúc đó có thời gian ủ bệnh dài, tốc độ lây lan chậm. Tháng 5/2021, đại dịch ập đến đặt cả tỉnh trước muôn vàn khó khăn vì xảy ra trong khu công nghiệp là nơi tập trung rất đông người, biến chủng virus mới đẩy số ca nhiễm tăng nhanh hằng ngày. Để tầm soát, ngăn chặn nguồn lây đòi hỏi công tác xét nghiệm phải thực hiện thần tốc.

Tuy vậy, khâu này lại bị nghẽn do việc lấy mẫu, mã hóa, nhập liệu thời gian đầu chủ yếu thực hiện thủ công dẫn đến thời gian trả kết quả lâu, áp lực trong công tác xét nghiệm rất căng thẳng. Trong khi đó yêu cầu tầm soát F0 rất cấp bách. Nhân lực huy động trong toàn tỉnh cùng với sự hỗ trợ của các đoàn tình nguyện do Bộ Y tế điều động lấy được số lượng mẫu cần xét nghiệm lên đến hàng trăm nghìn mỗi ngày.

{keywords}

Niềm vui của cán bộ, đoàn viên xã Tăng Tiến khi huyện Việt Yên chuyển từ cách ly xã hội sang thực hiện giãn cách xã hội (ngày 1/7/2021). Ảnh: Hoài Thu

Bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, những khó khăn trong xét nghiệm dần được tháo gỡ. Đến nay, phần mềm PC-Covid trên điện thoại thông minh và mã QR cod đã cho phép việc khai báo y tế, phục vụ truy vết thuận lợi, nhập dữ liệu, mã hóa mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm và trả kết quả nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm đáng kể thời gian, nhân lực. Nếu như trước đây một kíp để xử lý 1 nghìn mẫu cần 4 đến 5 người thì nay chỉ cần 2 người.

Thời gian trả kết quả rút ngắn được một nửa, thậm chí chỉ còn 1/3 so với trước. Công suất xét nghiệm khi mới xảy ra dịch bệnh tháng 5/2021 tối đa được 1,5 nghìn ống mẫu/ngày đêm thì nay đạt 10 nghìn đến 12 nghìn, có thể huy động tối đa đạt 20 nghìn ống mẫu/ngày đêm. Sự chuyên nghiệp, hiệu quả trong công tác xét nghiệm đã phục vụ đắc lực cho công tác PCD của tỉnh suốt thời gian qua, trở thành mô hình để một số địa phương học tập.

{keywords}
{keywords}

Trước đây khi xuất hiện một số chùm ca bệnh tại Lục Nam, Sơn Động, các cơ sở y tế của tỉnh chưa từng điều trị bệnh nhân nào, toàn bộ các ca F0 được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Khi bỗng chốc trở thành tâm dịch của cả nước với hàng nghìn ca nhiễm Covid-19 lúc cao điểm, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, chỉ trong ít ngày, toàn tỉnh gấp rút thành lập 18 cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân.

Do đặc thù Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhiều người nhiễm ban đầu ở thể nhẹ nhưng sau đó chuyển nặng rất nhanh, nếu không được cấp cứu, xử trí kịp thời có thể nguy hiểm tính mạng. Trong khi đó, bác sĩ có chuyên môn hồi sức tích cực rất ít, chưa có người đảm nhận được việc vận hành hệ thống ECMO (chạy tim, phổi nhân tạo).

{keywords}

Xét nghiệm Covid-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Mặc dù vậy, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, hỗ trợ của Bộ Y tế về chuyên môn, sự chung tay giúp đỡ của các bệnh viện đầu ngành trung ương và một số địa phương trong cả nước, hệ thống y tế Bắc Giang đã nhanh chóng khắc phục những khó khăn, lúng túng ban đầu để tổ chức tiếp nhận, chăm sóc toàn diện, điều trị tích cực cho người nhiễm Covid-19. Chưa bao giờ, tỉnh Bắc Giang huy động lực lượng triển khai xây dựng các cơ sở điều trị nhanh, phù hợp để ngăn chặn dịch hiệu quả như vậy.

Cùng với các bệnh viện dã chiến được gấp rút thành lập, từ nhiều nguồn lực hỗ trợ, các đơn vị hồi sức tích cực (ICU) đặt tại Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Tâm thần tỉnh với 159 giường có đầy đủ trang thiết bị chuyên sâu hiện đại nhanh chóng được lắp đặt, đưa vào vận hành với sự hỗ trợ của các kíp y bác sĩ đến từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Trung ương Huế...

Đợt cao điểm điều trị hàng nghìn bệnh nhân Covid-19, trong đó có các bệnh nhân nặng, đội ngũ y, bác sĩ của tỉnh được tiếp cận các kỹ thuật mới và khó, được học hỏi chuyên môn, nhất là lĩnh vực hồi sức và tiếp cận được kỹ thuật hỗ trợ tim, phổi nhân tạo.

{keywords}

Ngành y tế Bắc Giang đã thực hiện theo phác đồ của Bộ Y tế; thiết lập mô hình tháp điều trị ba tầng gồm thu dung, chăm sóc bệnh nhân không triệu chứng, bệnh nhân triệu chứng nhẹ, bệnh nhân nặng.

Cách làm này giúp tiết kiệm nhân lực, chi phí, sớm phát hiện và ngăn ngừa tình trạng bệnh nhân chuyển nặng để xử trí, hạn chế được số bệnh nhân chuyển nặng, nguy kịch và tử vong. Y học cổ truyền được kết hợp để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 đã giúp tăng hiệu quả điều trị. Với chiến lược điều trị chủ động, tích cực, số bệnh nhân chuyển nặng ở tỉnh Bắc Giang rất thấp, sau một thời gian nhập viện hầu hết đều khỏe mạnh trở lại, thậm chí có nhiều trường hợp từng phải hỗ trợ tim, phổi nhân tạo đã bình phục trong sự vui mừng của gia đình bệnh nhân và các y, bác sĩ.

Đối tượng mắc có nhiều nữ công nhân trong độ tuổi sinh đẻ, đã có nhiều sản phụ F0 sinh con tại khu điều trị cách ly được chăm sóc chu đáo, mẹ và con đều khỏe mạnh, an toàn xuất viện. Mô hình tháp ba tầng tại Bắc Giang được Bộ Y tế đánh giá là đáp ứng hiệu quả trong bối cảnh người nhiễm tăng cao; các tỉnh miền Nam sau đó học tập, linh hoạt áp dụng vào thực tế.

{keywords}

Trong đại dịch, năng lực ứng phó trước tình huống khó khăn, khẩn cấp như tổ chức lực lượng và biện pháp chuyên môn truy vết, khoanh vùng, dập dịch, giúp đỡ lẫn nhau, tinh thần hy sinh tận tụy vì nhiệm vụ, vì người bệnh của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế được thắp sáng hơn bao giờ hết.

Giữa lúc tỉnh nhà đang còn vô vàn khó khăn song với tinh thần sẵn sàng “chia lửa”, Bắc Giang đã cử 11 đoàn gồm 1.292 lượt cán bộ, nhân viên y tế đến hỗ trợ TP Hồ Chí Minh, các tỉnh: Long An, Bình Dương, Đồng Tháp, Tây Ninh; sau đó là TP Hà Nội và tỉnh Hà Nam chống dịch.

{keywords}

Cán bộ y tế tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh Trường THPT Ngô Sĩ Liên.

Với kinh nghiệm đã được tôi luyện từ cuộc chiến chống dịch, các đội quân “thiện chiến” của Bắc Giang đã hỗ trợ các địa phương lấy mẫu xét nghiệm, điều trị bệnh nhân Covid-19, tiêm vắc-xin phòng dịch rất khẩn trương và hiệu quả. Trong cuộc chiến chống đại dịch, lực lượng y tế của tỉnh đã có 44 y bác sĩ bị lây nhiễm Covid-19 song các anh chị đã sớm bình phục tiếp tục trở lại vị trí đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đại dịch đã đặt ngành y tế trước bao thử thách song đây cũng là môi trường để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ. Đến nay, các bệnh viện: Đa khoa, Ung bướu, Phổi, Phục hồi chức năng tỉnh và một số trung tâm y tế tuyến huyện đã có các kíp y bác sĩ tiếp thu, nắm bắt chuyên môn kỹ thuật, kinh nghiệm về cấp cứu hồi sức, hô hấp, tim mạch trong cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19 nhờ được chuyển giao trực tiếp từ các bác sĩ đầu ngành của cả nước.

Sau khi các đoàn chuyên gia hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ, lực lượng y tế tỉnh Bắc Giang đã từng bước áp dụng thuần thục và tự tin làm chủ công tác điều trị cho bệnh nhân nặng tại trung tâm ICU. Kết quả trong số hơn 7 nghìn ca mắc Covid-19 tính đến ngày 15/12, hầu hết đã được điều trị khỏi bệnh trở lại làm việc, học tập, công tác bình thường.

{keywords}

Các chuyên gia, y bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang. Ảnh: Trần Linh

Tỷ lệ ca tử vong rất thấp trên số ca mắc với 15 trường hợp. Tỷ lệ bao phủ vắc-xin đạt cao và hiện nay toàn tỉnh đang triển khai tiêm mũi tăng cường cho người dân. Hiện nay, khi dịch bệnh đang được kiểm soát tốt trên địa bàn tỉnh, ngành y tế tranh thủ thời gian, cơ hội để tiếp tục củng cố về nhân lực, cơ sở vật chất, xây dựng các phương án để thích ứng linh hoạt, an toàn, chống dịch hiệu quả. Nhờ những bài học kinh nghiệm, ngành y tế đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp biện pháp về chuyên môn để khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh nhanh chóng, rút ngắn thời gian dập các ổ dịch nhỏ lẻ xuất hiện gần đây; bảo vệ sự an toàn sức khỏe, ổn định đời sống nhân dân.

Kim Hiếu
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...