Thứ bảy, 04/05/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

eMagazine
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Có một nghị quyết của Đảng khơi dậy sức dân

Cập nhật: 17:36 ngày 30/10/2020
 
{keywords}
{keywords}
{keywords}

Nhìn nhận, đánh giá thành công ngoài mong đợi của nghị quyết về làm đường ở Bắc Giang là cơ sở để các cấp uỷ rút ra bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng. Với tinh thần thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, kinh nghiệm rút ra cùng với những giải pháp mới đáp ứng với tình hình thực tiễn sẽ góp phần đưa nhanh nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào cuộc sống.

{keywords}

Những tuyến đường giao thông nông thôn ở Bắc Giang được hình thành từ nghị quyết của Tỉnh ủy về làm đường đã thiết thực góp phần làm thay đổi hẳn diện mạo nông thôn, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Tại nhiều tuyến đường sau khi được cứng hóa, nhân dân tổ chức trồng hoa; định kỳ vệ sinh, phân công đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội người cao tuổi quản lý. Một số tuyến nhân dân góp thêm kinh phí lắp đèn chiếu sáng để người dân đi lại thuận lợi vào ban đêm và giữ gìn an ninh trật tự, phòng ngừa xảy ra tai nạn giao thông.

Ai đến xã Xương Lâm (Lạng Giang) hẳn không khỏi tấm tắc khen ngợi tuyến đường hoa sặc sỡ sắc màu của các loại hoa mười giờ, chiều tím. Hay như ở xã Tân Dĩnh (Lạng Giang), tuyến đường dài vào thôn Liên Sơn vốn nhỏ hẹp đã được mở rộng lên 7m, trong thôn là những nhà vườn xây kiểu biệt thự xây dựng khang trang. Vậy mà ít ai hình dung, cách đây không lâu, tuyến đường này là đường cấp phối nhỏ chỉ đủ cho phương tiện nhỏ qua lại, nhiều đoạn đã xuống cấp ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất, vận chuyển hàng hóa của người dân; các cháu ngày hai buổi đến trường cũng rất vất vả. Được hỗ trợ của cấp trên, người dân trong thôn đã chung sức chung lòng, góp công góp của làm nên con đường to đẹp như hiện nay. Hay như ở xã Thượng Lan - một trong những xã khó khăn của huyện Việt Yên, cũng từ cách thức hỗ trợ của nhà nước và công sức, tiền của của nhân dân, toàn bộ các tuyến đường xã, thôn, nội đồng đã được cứng hóa, nhiều tuyến đường có đèn đường thắp sáng.

{keywords}

Tại đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020- 2025, nhiều tham luận tại diễn đàn đại hội đã khẳng định nghị quyết về làm đường đã góp phần quan trọng thay đổi hẳn diện mạo nông thôn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở các địa phương. Ảnh: Đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Vậy, điều gì đã làm nên sự đổi thay nhanh, kỳ diệu như thế? Thực tế, trước đây nhiều địa phương đã có chủ trương làm đường giao thông song do thiếu cơ chế hỗ trợ của chính quyền, ở nhiều nơi người dân chưa đồng thuận một phần do số tiền đóng góp đối ứng lớn, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chưa tập trung, người dân chưa nhận thức được vai trò chủ thể của mình nên kết quả chưa như mong đợi. Nói thế để thấy sự đổi mới trong phương thức lãnh đạo, tổ chức thực hiện qua kết hợp đồng bộ giữa chủ trương của cấp uỷ với cơ chế hỗ trợ của chính quyền, nhiệm vụ sát đúng với tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân đã thu được kết quả rõ nét.

{keywords}

Với chủ trương đúng, có cơ chế hỗ trợ kịp thời, nhân dân các địa phương trong tỉnh ra quân làm đường giao thông.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái đánh giá: “Nghị quyết về làm đường ở Bắc Giang được chỉ đạo, triển khai thực hiện rất thành công. Qua ba năm triển khai thực hiện, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã rút ra một số bài học kinh nghiệm nhưng điều quan trọng nhất vẫn là sự tập trung cao trong lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo sâu sát của chính quyền và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Cùng đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân biết được, thấy được mình là chủ thể, làm là làm cho mình, vì mình và tự giác tham gia. Muốn vậy, yêu cầu đặt ra là phải thực hiện triệt để phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân quyết định, dân thụ hưởng. Khi thực hiện, lãnh đạo, cán bộ các ngành, địa phương trực tiếp bám nắm cơ sở, thực sự có trách nhiệm trước công việc, trước nhân dân, kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh”.

Cũng từ kinh nghiệm cán bộ gần dân, sâu sát cơ sở mới giúp cấp uỷ, chính quyền kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về kinh phí đối ứng, cách thức tổ chức thi công trên cơ sở đó kết hợp tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Cũng qua nắm bắt nhân dân, tỉnh kịp thời có thiết kế mẫu, định mức thi công, giảm thủ tục hành chính song vẫn bảo đảm trình tự trong đầu tư xây dựng các công trình. Sở dĩ cần có thiết kế mẫu là vì làm đường giao thông nông thôn là kỹ thuật đơn giản, từ thiết kế mẫu mới có định mức, định lượng để các địa phương làm cơ sở triển khai thực hiện bảo đảm thống nhất, thuận lợi.

{keywords}

Xác định chủ trương đúng nhưng khâu tổ chức thực hiện là rất quan trọng. Qua nghị quyết về làm đường cho thấy, để nhân dân sẵn sàng đóng góp ngày công, kinh phí; sẵn sàng chặt bỏ những vườn cây ăn trái là nguồn thu nhập chính của gia đình, sẵn sàng hiến đất, nhà ở cho địa phương làm đường với tổng giá trị hơn 1.800 tỷ đồng là không dễ. Và mấu chốt của vấn đề là người dân thấy được lợi ích của mình, từ đó đồng thuận cùng cùng cấp ủy, chính quyền.

{keywords}

Người dân huyện miền núi Lục Ngạn đổ bê tông đường giao thông.

Để giải “bài toán” lợi ích của nhân dân, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên đến từng địa bàn, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, những đề xuất, kiến nghị của nhân dân, kiểm tra tình hình cụ thể, kịp thời có giải pháp chỉ đạo quyết liệt, sát sao; kịp thời biểu dương những điển hình, đồng thời phê bình những nơi vào cuộc thiếu tích cực. Ngay như trong giai đoạn đầu, trong khi nhiều địa phương đồng loạt ra quân làm đường thì lượng xi măng cung ứng có hạn, qua kiểm tra thực tế ở các địa phương, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố đã đôn đốc, chỉ đạo ngay biện pháp xử lý. Yêu cầu Công ty cổ phần Xi măng Bắc Giang (đơn vị được giao cung ứng) bào đảm đủ xi măng cho các địa phương làm đường, đồng thời rà soát các nguồn cung ứng khác để bảo đảm nguồn cung, kịp tiến độ ở các địa phương. Các địa phương hoàn tất kế hoạch điều chỉnh theo hướng tăng cường hỗ trợ xi măng cho những nơi làm tốt, giảm nguyên liệu tại những nơi triển khai khó khăn. Khâu kiểm tra, quản lý chất lượng xi măng được chú trọng, tỉnh chỉ hỗ trợ những công trình bảo đảm đủ theo tiêu chí.

Về kỹ thuật, UBND tỉnh giao ngay cho Sở Xây dựng, Sở Giao thông - Vận tải có trách nhiệm cử cán bộ bám sát cơ sở, đặc biệt chú trọng khuyến cáo người dân bắt buộc làm khe co giãn để bảo đảm độ bền của tuyến đường. Sở Tài chính hướng dẫn về thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thanh toán, giải ngân vốn các công trình đã hoàn thành. Hằng năm, các địa phương phải xây dựng kế hoạch sớm, dự kiến cụ thể thời điểm triển khai, tránh xảy ra tình trạng khan hiếm xi măng. Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh và các Sở liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện ở các huyện. Uỷ ban MTTQ tỉnh thành lập đoàn giám sát qua đó đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đồng thời cũng đánh giá được những mặt được, chưa được để các huyện rút kinh nghiệm.

{keywords}

Một tuyến đường mới được nâng cấp ở thị trấn Kép (Lạng Giang).

Cùng với cấp tỉnh, các huyện cũng sát sao hướng dẫn các xã, thị trấn từ công tác rà soát, lập danh mục, xây dựng chi tiết kế hoạch thực hiện, tổ chức thi công cũng như kiểm tra, nghiệm thu, lập hồ sơ công trình. Ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết: “Ngoài phân công các đồng chí Huyện ủy viên trực tiếp theo dõi, đôn đốc cụ thể đối với từng xã, thôn, hằng tuần báo cáo tiến độ, kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, huyện giao cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng phối hợp với Công ty cổ phần Xi măng Bắc Giang xếp lịch phân bổ xi măng hợp lý, không để xảy ra tình trạng khan hiếm dẫn đến bức xúc trong nhân dân.

Để bảo đảm công khai, minh bạch, kinh phí, nguyên vật liệu được sử dụng đúng mục đích, các xã, thị trấn bầu Ban Giám giám sát cộng đồng và cử cán bộ đến từng thôn kiểm tra, hướng dẫn thực hiện. Ở cấp thôn, xóm cũng bầu ban giám sát cộng đồng, quá trình thi công bố trí, cắt cử người giao nhận xi măng, vật liệu, giám sát quá trình phối trộn bê tông, đổ bê tông mặt đường để bảo đảm chất lượng công trình... Sau khi hoàn thành thi công, cán bộ chuyên môn huyện, xã cùng với các thôn tổ chức nghiệm thu công trình và hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ theo quy định, không để tồn đọng, phát sinh khiếu kiện. Với cách làm bài bản, phát huy quyền làm chủ và trách nhiệm của người dân, qua đánh giá của cơ quan chức năng, trong quá trình làm đường không phát sinh kiếu nại, tố cáo trong nhân dân.

{keywords}

Tại các diễn đàn đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020- 2025 vừa qua, nhiều tiếng nói tại đại hội khẳng định, hiếm có phong trào nào người dân lại hưởng ứng với tâm thế chủ động, tích cực như phong trào làm đường, nhiều hộ khó khăn dù được miễn đóng góp vẫn hăng hái tham gia; hộ không có tiền thì góp công. Ngoài ra, dựa vào điều kiện cụ thể, mỗi nơi có một cách làm sáng tạo huy động nguồn lực.

{keywords}

Đường giao thông ở xã Tiên Lục (Lạng Giang) được đổ bê tông, lắp đặt đèn chiếu sáng.

Bí thư Chi bộ thôn Cai Vàng, xã Đông Hưng (Lục Nam) kể, khi nghe thôn thông báo làm đường, ai nấy chăm chú lắng nghe, đón nhận như niềm vui lớn. Vì thôn có diện tích rừng kinh tế lớn, địa thế trắc trở, nếu có đường thì giá gỗ sẽ tăng nên nhân cơ hội được Nhà nước hỗ trợ người dân tích cực đóng góp thi công công trình. Nếu không đến nơi, nhiều người sẽ khó hình dung một nơi heo hút, sóng điện thoại chập chờn như Cai Vàng lại có những con đường đẹp, trải dài, bao quanh những quả đồi như vậy. Xe ô tô chở gỗ đi băng băng trên những cung đường uốn lượn theo triền đồi, thuận lợi cho thu hoạch, tiêu thụ gỗ. Lợi thế lớn khi có đường rộng, đổ bê tông chắc chắn, gia đình chị Nguyễn Thị Hường ở thôn Cai Vàng có hơn 160 ha rừng kinh tế, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm đã đóng góp hàng chục triệu đồng cùng cấp ủy, người dân trong thôn làm đường.

Từ thành công trong thực hiện nghị quyết về làm đường, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy Bắc Giang hướng tới ban hành Nghị quyết chuyên đề để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội địa phương; thu hút, huy động các nguồn lực xã hội, khuyến khích các thành phần kinh tế cùng phát triển… Dù là nghị quyết nào thì cũng phải làm cho người dân thấy được, hiểu được và tham gia một cách đầy đủ, toàn diện thì mới phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái

Bên cạnh huy động sức mạnh to lớn của nhân dân thì vai trò của cán bộ chủ chốt ở cơ sở cũng rất quan trọng, nhất là người đứng đầu. Thực tế cho thấy ở đâu cấp ủy, chính quyền quan tâm, người đứng đầu, đảng viên gương mẫu, trách nhiệm, bám sát thực tiễn, vận dụng sáng tạo thì trong cùng hoàn cảnh khó khăn như nhau vẫn có hướng để tạo sự khác biệt bằng kết quả trong công việc. Ông Hoàng Minh Đức, Bí thư chi bộ thôn Cẩm Trang, xã Mai Trung (Hiệp Hòa) phấn khởi “khoe”, thôn có 97 đảng viên, hơn 730 hộ, Chi bộ phân công mỗi đảng viên phụ trách tuyên truyền từ 15-20 hộ. Đảng viên phải chịu trách nhiệm trước chi bộ về việc vận động nhân dân. Để nói dân nghe, làm dân tin, các đảng viên chủ động hiến đất, đóng góp ngày công, kinh phí. Khác với những địa phương khác, thôn Cẩm Trang không bổ đầu mức kinh phí đóng góp mà trên tinh thần tự nguyện của người dân. Đảng viên Nguyễn Văn Bá, Tổ trưởng tổ đảng Đồng Dương hiến hàng trăm m2 đất, tự bỏ kinh phí xây lại tường rào và góp hơn chục triệu đồng. Các đảng viên khác cũng đều tích cực, gương mẫu, là tấm gương để người dân nhìn vào làm theo, kể cả hộ kinh tế khó khăn vẫn góp sức, đồng lòng. Từ cách làm trên, thôn Cẩm Trang cứng hóa được 100% đường thôn với chiều dài 7km, trong đó 5km mặt đường rộng 7 m, tổng kinh phí hàng tỷ đồng.

{keywords}

Từ phong trào thi đua làm đường, hiện ở Bắc Giang cơ bản các tuyến giao thông nông thôn đã được cứng hóa tạo thuận lợi cho người dân đi lại và thiết thực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Được biết, từ thành công của nghị quyết về làm đường, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy Bắc Giang đã giao các ngành, ban xây dựng Đảng nghiên cứu, tham mưu đề xuất trên cơ sở đó ban hành Chương trình hành động toàn khóa và cụ thể hoá theo các chuyên đề để chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Nhiệm vụ trước mắt là tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội địa phương; thu hút, huy động các nguồn lực xã hội, khuyến khích các thành phần kinh tế thúc đẩy sự phát triển; hướng tới cải thiện môi trường sống, điều kiện sống, sinh hoạt của người dân, trong đó nhiệm vụ ưu tiên vẫn là tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó có vấn đề giao thông và môi trường.

“Dù là nghị quyết nào thì từng cấp uỷ, tổ chức đảng cũng phải làm cho người dân thấy được, hiểu được và tham gia một cách đầy đủ, toàn diện thì mới phát huy được hiệu quả, nghị quyết của Đảng mới đi vào cuộc sống. Sở dĩ nghị quyết về làm đường được nhân dân ghi nhận, đặt tên là bởi thiết thực với quảng đại quần chúng nhân dân. Thành công của nghị quyết càng củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, cấp ủy, chính quyền các cấp. Đây cũng là bài học kinh nghiệm để các cấp uỷ đảng trong tỉnh triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và nghị quyết đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020- 2025”, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái nhấn mạnh.

Thế Phương - Trịnh Lan
Ngọc Nhi
{keywords}
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...