Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 33 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6: Dấn thân - cái đẹp và cái khó của nghề

Cập nhật: 03:14 ngày 21/06/2021
(BGĐT) - Mỗi dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, những người làm báo lại có dịp tâm sự về nghề. Dấn thân dường như là một câu chuyện không mới. 

Những năm 40, thế kỷ hai mươi, nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu/Dấn thân vô là phải chịu tù đầy”. Dấn thân là lao vào công việc với trí tuệ và lòng dũng cảm, cao hơn tất cả là lòng yêu nước thương dân. Mà xét đến cùng làm nghề nào muốn thành công cũng đều phải dấn thân. Trái chín ngọt lành không dành cho những người vụng làm, phất phơ, đánh trống qua làng.

{keywords}

Phóng viên phỏng vấn tại Công ty Newwing Interconect Technology, KCN Vân Trung - một trong hai công ty đầu tiên quay trở lại hoạt động trong các KCN của tỉnh Bắc Giang. Ảnh: DANH LAM

Nhưng dấn thân trong nghề báo, một nghề cao quý lại có những đòi hỏi đặc biệt. Vì đó là một nghề rất đẹp và rất khó, một nghề được cuộc sống lựa chọn, nghề chọn người. Ai thiếu lòng yêu nghề, ai thiếu sự kiên trì, ai không có chút ít năng khiếu thì sớm muộn cũng phải chia tay với nghề. Hoàn toàn không phải do mình làm nghề này thì mình tự tô điểm cho mình.

Dấn thân là chấp nhận sự nguy hiểm, là lòng can đảm, vững vàng. Thế giới có những điều tra cho rằng, nghề báo được xếp vào top 10 nghề nghiệp nguy hiểm nhất. Trong thực tế, các phóng viên, nhà báo gặp những tình huống bất ngờ, đe dọa đến sức khỏe, mạng sống. Đó có thể là tác nghiệp trong vùng chiến sự, thiên tai, dịch bệnh hay đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… Để có những thông tin chính xác, trung thực, nhất là khi phanh phui cái xấu, cái ác đòi hỏi phóng viên phải tìm hiểu cặn kẽ từng chân tơ, kẽ tóc, tìm kiếm cho được bằng chứng để thông tin có sức mạnh, được bạn đọc tin cậy. Con đường ngắn nhất để có được tác phẩm hay và đúng là lòng dũng cảm, sự khách quan, trung thực.

Không chỉ khi nguy cấp, tác nghiệp trong những điều kiện đặc biệt, ngay trong điều kiện bình thường cũng đòi hỏi sự lăn lộn để có được những bài viết lấm láp, mặn chát mồ hôi. Samuel G. Freedman - cựu phóng viên của tờ New York Times (Mỹ), dặn dò các nhà báo trẻ: “Trong lĩnh vực của chúng ta, nghề báo, tôi chỉ tin những người đi giày rách. Xi bong tróc, gót dính đất, bùn và bụi bẩn trên da giày, tất cả những điều này chứng nhận cho việc làm báo. Đôi giày rách chính là bằng chứng của công việc”.

Làm nghề báo có rất nhiều cám dỗ và cả những rủi ro, tai nạn nghề nghiệp. Một nhà báo càng say nghề, dấn thân với nghề thì rủi ro càng lớn, nhất là khi anh viết về mặt trái, đấu tranh chống tiêu cực. Một số tờ báo sau khi lựa chọn đề tài đã cử nhóm phóng viên vào vai “nhân vật trong tác phẩm” để thực hiện loạt bài điều tra: Người đi bán thận, người đi mua xăng (rởm)… Một điều rất cơ bản mà mỗi người khi hành nghề cần nắm vững là phải tự chăm sóc, bảo vệ nguồn tin của mình. Cái mà anh hơn người khác, nhanh hơn, độc quyền thông tin chính ở chỗ này. Nếu anh không có nguồn tin, không xây dựng được nguồn tin có nghĩa là anh đang mất dần quyền làm nghề.

Bây giờ bạn hãy cùng tôi nói tới những sự kiện đang diễn ra ở ngay tâm dịch Bắc Giang. Dịch Covid-19, “làn sóng thứ tư” diễn ra từ cuối tháng 4 vừa qua. “Làn sóng” là hình dung chung như vậy, còn sự thật như một trận lũ mà tâm điểm xoáy sâu nơi vùng quê đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa rất nhanh chóng. Gần hai tháng qua, các nhà báo trong nước và Bắc Giang đã thật sự là những người lính xung trận. Đương nhiên, đội ngũ bác sĩ, y sĩ, hộ lý… là những người trực tiếp khám và điều trị cho người bệnh. Nhiều anh chị lả đi vì kiệt sức. Một bác sĩ trưởng kíp nhắn tin cho nhà báo rằng “Quân của anh “gục” hết rồi! Anh đang cố gắng…”. Những tấm ảnh không lời nào nói thay được khiến người xem ứa nước mắt. Có lẽ chưa bao giờ thấy cảnh mấy chục bác sĩ trong những bộ quần áo bảo hộ kín mít như kén bọc tằm, giữa lúc nhiệt độ ngoài trời như chảo lửa, đứng thành hàng dài mặc niệm người cha của một đồng nghiệp vừa mất, vì anh/chị ấy không thể về chịu tang!

Bên cạnh các thầy thuốc là những cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, là các nhà báo… Chưa bao giờ hai tiếng “dấn thân” vang lên rõ ràng, kiêu hãnh và gần gặn đến thế! Trong bệnh viện, các bác sĩ và những người bệnh đứng trước lằn ranh mong manh giữa cái sống và cái chết, thấy rõ nghị lực của những người công nhân còn rất trẻ. Còn các nhà báo thì có một khoảng lùi nhất định để quan sát, lựa chọn, xâu chuỗi các sự kiện và suy ngẫm về những điều lấp lánh sau những sự kiện ấy, kiến nghị những yêu cầu cấp bách tại chỗ. 

Ở Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh cũng chia thành kíp, người vào khu cách ly tập trung, người đến bệnh viện, người đi viết về các nhà máy vẫn đang tiếp tục sản xuất, thực hiện “nhiệm vụ kép”, người đến vùng vải thiều đang mùa thu hoạch, người trực ở tòa soạn kịp thời đưa ngay những tin tức, những clip, những tấm ảnh nóng bỏng lên báo. Ở Hà Nội, giữa lúc dịch căng thẳng, tôi gọi điện hỏi thăm các đồng nghiệp, biết tin “pháo đài” báo chí Bắc Giang vẫn kiên cường chiến đấu.

Không chỉ là chuyện của làng báo nước mình, nhìn sang nước bạn cũng gian nan muôn nỗi. Những ngày này, sự nguy hiểm ấy của phóng viên khi tác nghiệp trong vùng dịch vẫn đang được báo chí cập nhật từng ngày. Đã có hàng trăm nhà báo ở Ấn Độ lâm nạn khi đi viết về chống đại dịch. Tiến sĩ thần học, nhà báo, nhà văn Ấn Độ Geetesh Sharma – Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ – Việt Nam cũng vừa mất vào tháng 5 vì nhiễm virus SARS-CoV-2.

Sự dấn thân của nghề báo là câu chuyện của mọi thời. Nhưng dấn thân thời nay gắn liền với một nền báo chí trí tuệ. Dấn thân cho lẽ phải, vì lẽ phải và vì sự phát triển của một xã hội hiện đại, một nền kinh tế tri thức mà Việt Nam chúng ta đang xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, chính quyền số. Một cuốn sách đang được giới truyền thông báo chí tìm đọc - cuốn "Hơn cả tri thức". Cuốn sách nêu quan điểm: Chất lượng báo chí của thế kỷ XXI không chủ yếu nằm ở việc các nhà báo xông xáo đến những nơi khó khăn, gian khổ, phát hiện các nguồn tin, xác minh và tái xác minh các dữ kiện. Thay vào đó, chất lượng của hoạt động báo chí thể hiện ở nội hàm khái niệm “báo chí trí tuệ”. Theo nghiên cứu của tiến sĩ, nhà báo Nguyễn Tri Thức, sự chuyển dịch hướng đi trong báo chí thể hiện rất rõ trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI. Báo chí trí tuệ còn được gọi là “Báo chí 5I”. 5I là những chữ viết tắt từ tiếng Anh, cụ thể là: Informed (am hiểu), Intelligent (thông minh), Interesting (thú vị), Insightful (sâu sắc) và Interpretation (sáng tỏ).

Sự dấn-thân-có-trí-tuệ vừa là đòi hỏi vừa như là phẩm chất tự thân của nhà báo trong thời kỳ bùng nổ thông tin hiện nay. Tác động của nền kinh tế số đến các loại hình báo chí, sự đa dạng, hội tụ, hòa tan trong một tòa soạn đa phương tiện… đang là những tranh luận sôi nổi và sẽ còn kéo dài. Một ngày đẹp trời, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, bạn và tôi có thể trở thành nhà báo tự do, tác nghiệp ở bất kỳ chỗ nào có “tin tức”. Công chúng đang trở thành nhà truyền thông cho chính họ; cho những cộng đồng mà họ muốn đưa thông tin, chia sẻ ý tưởng. 

Như vậy, để làm tròn vai của mình, cùng với lợi thế của thời đại thông tin số mang lại, các cơ quan thông tấn báo chí phải đối mặt với thách thức số hoá. Không vượt lên, tìm cách tiếp cận bạn đọc thì sẽ tụt hậu, dễ chạy theo mạng xã hội. Chỉ có một bộ não trí tuệ mới có thể “phát sáng”. Đúng như câu ngạn ngữ của người Tây Ban Nha: “Thứ khiến người ta phát ra ánh sáng không phải là châu ngọc trên quần áo mà là trí tuệ sâu trong tâm hồn”.

Đã và đang diễn ra cuộc cách mạng của báo chí – cuộc cách mạng nhỏ trong cuộc cách mạng lớn, cách mạng công nghiệp 4.0. Và như vậy, nghề làm báo sẽ ngày càng khó hơn nhưng cũng mang vẻ đẹp mới của tâm hồn và trí tuệ, tình yêu và bản lĩnh của mỗi người cầm bút.

Hải Đường
Kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6: Tin “nóng” nhưng chính xác, kịp thời
(BGĐT) - Đợt dịch này, Bắc Giang trở thành điểm “nóng” của cả nước. Tác nghiệp trong tâm dịch, tôi có bao chuyện muốn kể, nhưng có lẽ ấn tượng hơn vẫn là sự cởi mở thông tin với báo chí của lãnh đạo tỉnh và cả những câu chuyện giản dị mà chan chứa tình người.
Kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6: Tác nghiệp trong kỳ bầu cử đặc biệt
(BGĐT) - Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 ở Bắc Giang diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Những người làm báo Báo Bắc Giang cũng trải qua những ngày tác nghiệp không quên.
Kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6: Nhịp cầu kết nối niềm tin
(BGĐT) - Chưa bao giờ báo chí khởi sắc, muôn màu như ngày nay, “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”. Người được lợi hơn cả là bạn đọc. Tùy theo sở thích, điều kiện, bạn đọc có thể lựa chọn bất kỳ “món ăn tinh thần” nào, từ báo viết, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình. 
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái gửi thư chúc mừng các cơ quan báo chí và đội ngũ người làm báo
(BGĐT) - Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ngày 17/6/2021, đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh gửi thư chúc mừng các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương, các nhà báo, phóng viên, biên tập viên và những người làm báo. Báo Bắc Giang trân trọng đăng Thư của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...