Thứ hai, 06/05/2024
Bắc giang 25 °C / 24 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xuất khẩu lao động: Từng bước phục hồi

Cập nhật: 14:29 ngày 15/04/2022
(BGĐT) - Hai năm vừa qua, xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), các địa phương, doanh nghiệp (DN) đang nỗ lực khôi phục. 

Hướng tới thị trường thu nhập cao

Năm 2021, Bắc Giang đã điều chỉnh chỉ tiêu đưa người đi làm việc ở nước ngoài còn 2,6 nghìn người, giảm 1 nghìn người so với năm 2020 nhưng do dịch bệnh, nhiều lao động phải hoãn lịch xuất cảnh khi đã được đối tác ký hợp đồng. Vì vậy toàn tỉnh chỉ có 1,6 nghìn người xuất cảnh, giảm 11,1% so với năm 2020, đạt 61,5% kế hoạch đề ra.

{keywords}

Học viên của Công ty cổ phần Tập đoàn An Dương bồi dưỡng kiến thức trước khi tham gia thị trường Nhật Bản.

Theo ông Hoàng Văn Thắng, Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐTBXH), sau nhiều tháng “đóng băng” vì dịch Covid-19, từ cuối năm 2021, các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... đã mở cửa trở lại. Trong đó, thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc được người lao động chờ đón nhất. Quý I năm nay, đã có gần 200 lao động trong tỉnh xuất cảnh, chủ yếu đến hai quốc gia này. Đây là tín hiệu khả quan, từng bước khôi phục hoạt động XKLĐ, tạo cơ hội việc làm với mức thu nhập cao cho nhiều lao động.

Là một trong 21 thực tập sinh của Công ty cổ phần Nhân lực Quốc tế ICO (TP Bắc Giang) xuất cảnh sang Nhật Bản trong chuyến bay đầu tiên (giữa tháng 3) sau thời gian dài quốc gia này hạn chế nhập cảnh, chị Nguyễn Thanh Vân (SN 1992), quê ở tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: “Tôi rất vui vì sau hơn hai năm chờ đợi, nay được cùng các bạn xuất cảnh theo đúng nguyện vọng, thực hiện ước mơ được học tập, làm việc, thử thách và tạo dựng tương lai”. 

Chị Vân và các thực tập sinh trong đợt này sẽ làm việc trong lĩnh vực chế biến thực phẩm (thủy sản, trái cây, làm cơm hộp) tại Nhật Bản với mức thu nhập khoảng 30 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Nhân lực Quốc tế ICO cho hay trong 1 tháng qua kể từ khi Nhật Bản mở cửa trở lại cho lao động nhập cảnh, DN đã tổ chức đưa được 60 lao động sang làm việc theo hình thức thực tập sinh, gần bằng kết quả của cả năm 2021.

Cùng tâm trạng phấn khởi khi vừa xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS (chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của chính phủ Hàn Quốc), anh Hoàng Văn Huân (SN 1996), ở xã Lệ Viễn (Sơn Động) cho hay: "Hơn một năm chờ lịch bay tôi sốt ruột và lo lắng. 

Trong thời gian chờ đợi, để có thêm cơ hội việc làm tốt hơn khi ở nước ngoài, kể cả sau này hết hạn hợp đồng về nước, tôi học thêm một khóa tiếng Hàn nâng cao. Mong là dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả để sắp tới có thêm nhiều người đủ điều kiện, đã được DN nước ngoài lựa chọn có thể xuất cảnh đúng lịch trình". Được biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 1,5 nghìn lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, thu nhập bình quân mỗi người từ 15-35 triệu đồng/tháng.

Nắm bắt nhu cầu, thực hiện nghiêm quy định phòng dịch

Ông Nguyễn Tiến Cơi, Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, hiện nhiều quốc gia đã thông báo tiếp nhận lại lao động Việt Nam sau thời gian dài hạn chế nhập cảnh do dịch bệnh. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Bộ LĐTBXH, vẫn cần thận trọng trong kết nối, tổ chức cho lao động xuất cảnh, nhất là thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. 

Để từng bước phục hồi hoạt động XKLĐ, hoàn thành kế hoạch đề ra, Sở LĐTBXH tăng cường hướng dẫn, yêu cầu các DN hoạt động dịch vụ đưa người đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh chủ động nắm bắt diễn biến dịch, nghiêm túc thực hiện quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch bệnh. Khi tổ chức xuất cảnh cho lao động, DN phải tuân thủ tuyệt đối các quy định, quy chế về phòng, chống dịch và quán triệt cho NLĐ chủ động, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về y tế của cơ quan chức năng Việt Nam và nước tiếp nhận lao động.

Theo Sở LĐTBXH, toàn tỉnh có khoảng 18 nghìn lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động; tập trung chủ yếu ở một số thị trường như: Đài Loan (10 nghìn người); Nhật Bản (3,5 nghìn người); Hàn Quốc (1,5 nghìn người); còn lại ở Malaysia, các nước Trung Đông. Sau hai năm (2020, 2021) bị đình trệ do đại dịch, năm 2022, tỉnh tiếp tục đề ra mục tiêu đưa 2,7 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Là một trong những DN được Bộ LĐTBXH cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh, hiện Công ty cổ phần Tập đoàn An Dương (TP Hà Nội) đang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh mở một lớp bồi dưỡng tiếng Nhật Bản với 50 học viên có nhu cầu tham gia thị trường này. 

Hiện nay, với lợi thế về tỷ lệ bao phủ vắc-xin mũi 3 đạt cao và nhu cầu tuyển dụng lớn từ Nhật Bản (khoảng 5 nghìn lao động) nên DN đang tập hợp hồ sơ, xin cấp visa tư cách lưu trú và đào tạo lại cho lao động đã thi đỗ từ năm 2020, 2021. 

Dự kiến ngày 20/4 sẽ có 20 lao động đầu tiên của Công ty xuất cảnh sau khi Nhật Bản mở cửa thị trường. Cùng đó, tổ chức tuyển dụng và triển khai đào tạo khóa mới, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đề ra năm nay là đào tạo, hỗ trợ xuất cảnh cho 1 nghìn lao động đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc.

Bà Khương Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết, mỗi thị trường lao động có những quy định cụ thể khi nhập cảnh, nhất là yêu cầu về thời gian kết quả xét nghiệm có hiệu lực, cách ly y tế, tiêm vắc-xin...

Vì vậy, bên cạnh thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch tại trung tâm đào tạo (chỉ tuyển học viên đã tiêm đủ 2 mũi trở lên, bố trí phòng học giãn cách, giám sát học viên đeo khẩu trang), DN phân công một bộ phận liên tục cập nhật các quy định về phòng, chống dịch của quốc gia tiếp nhận; rà soát hồ sơ, chuẩn bị đầy đủ, chặt chẽ các thủ tục liên quan của từng lao động. Từ đó, bảo đảm lao động nhập cảnh hợp pháp, an toàn về sức khỏe và kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh.

Theo khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, hiện có nhiều công ty cung ứng lao động xuất khẩu đang tuyển dụng từ vài trăm đến hàng nghìn lao động, chủ yếu cho thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan với ngành nghề đa dạng, mức thu nhập cao. Tuy nhiên, nhiều người hiện vẫn còn tâm lý e ngại về dịch bệnh nên số lượng đăng ký hạn chế, cung không đủ cầu. 

Vì vậy, thời gian tới, đơn vị phối hợp với các địa phương tăng cường hoạt động tư vấn, kết nối việc làm để người lao động ổn định tâm lý, lựa chọn công việc phù hợp theo hình thức XKLĐ. Về phía lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin, lựa chọn các DN được cấp phép để tránh những rủi ro về tài chính.

Bài, ảnh: Tường Vi

Xuất khẩu lao động từng bước phục hồi
(BGĐT) - Năm 2021, hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Để từng bước phục hồi, bảo đảm yêu cầu phòng dịch trong  trạng thái bình thường mới, thời điểm này, ngành lao động, thương binh, xã hội (LĐTBXH) tỉnh Bắc Giang, các địa phương, doanh nghiệp (DN) đang nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Hàn Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lao động hấp dẫn
Ngày 17/3, Hàn Quốc đã tiếp nhận gần 100 lao động Việt Nam theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (gọi tắt là lao động EPS) nhập cảnh tại Sân bay quốc tế Incheon. Đây là chuyến bay có số lượng lao động EPS nhập cảnh Hàn Quốc nhiều nhất kể từ thời điểm nước này nối lại việc tiếp nhận lao động EPS Việt Nam (tháng 5/2021) sau khi tạm dừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020.
Hoàn thiện quy định cho người đi "xuất khẩu lao động"
Sáng 13/7, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Xuất khẩu lao động: Một số thị trường đã mở cửa với lao động Việt Nam
Với kế hoạch đặt ra sẽ đưa 130.000 người lao động (NLĐ) đi nước ngoài làm việc, song 6 tháng đầu năm cả nước mới có 33.500 NLĐ đi xuất khẩu. Ảnh hưởng của dịch Covid-19, một loạt các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc... phải ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam. Mới đây, một số thị trường lao động đã có tín hiệu tốt tiếp nhận lao động nước ta.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...