Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 33 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đón Tết ở những nơi đặc biệt

Cập nhật: 21:36 ngày 03/02/2019
(BGĐT) - Dọc phố phường, làng quê ngày 29 Tết, trong mỗi gia đình đều tràn ngập không khí vui tươi, nhộn nhịp khi các thành viên cùng nhau dọn dẹp, trang trí nhà cửa hoặc quây quần bên bữa cơm tất niên ấm cúng. Tuy nhiên với nhiều người lại đón Tết theo cách đặc biệt. 

Xuân sớm với những số phận kém may mắn

Chiều cuối năm, chúng tôi đến Cơ sở Bảo trợ xã hội (BTXH) tổng hợp tỉnh không chỉ để sẻ chia với những thiệt thòi của nhiều mảnh đời bất hạnh mà còn muốn cảm nhận không khí Tết ở một nơi đặc biệt. Những hình ảnh chúng tôi chứng kiến hoàn toàn khác xa với tưởng tượng ban đầu. Trong phòng sinh hoạt chung, các em nhỏ đang quây quần, tíu tít giúp đỡ các “mẹ” trang trí cây đào đón Tết. Dù ngây ngô, vụng về nhưng dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của cán bộ cơ sở, chẳng mấy chốc, cây đào trở lên lung linh, đầy màu sắc bởi đèn nháy, dây kim tuyến… 

Tại khu phòng ở của người già neo đơn, không nơi nương tựa, nhân viên chăm sóc đang tất bật dọn dẹp, tranh thủ ngày nắng ấm phơi chăn, gối. Trò chuyện với người lạ nhưng cụ Trần Thị Ngọ (85 tuổi) ở xã Cương Sơn (Lục Nam) cười tươi nói: “Đây là năm thứ bảy tôi ăn Tết ở đây rồi cô ạ! Cũng chẳng thấy buồn hay nhớ quê nữa vì cán bộ đâu có để chúng tôi thiếu thứ gì”.

{keywords}

Cán bộ Cơ sở BTXH tổng hợp tỉnh tặng quà Tết cho cụ Trần Thị Ngọ.

Trao đổi với ông Đỗ Văn Vinh, Giám đốc Cơ sở BTXH tổng hợp tỉnh được biết, năm nay, tại đây có khoảng 100/187 người già cô đơn, trẻ mồ côi, khuyết tật, người tâm thần… ở lại ăn Tết. Để chuẩn bị chu đáo cho các đối tượng đón năm mới, ngoài sự quan tâm, chăm lo của các cấp, ngành, những tấm lòng hảo tâm, đơn vị cũng xây dựng kế hoạch cụ thể. 

Ngoài kinh phí của tỉnh hỗ trợ tiền ăn Tết 300 nghìn đồng/người/ngày trong 3 ngày Tết, cơ sở còn trích kinh phí hỗ trợ quà và tiền cho các đối tượng (cả người ở lại và về quê). Cùng đó, với kíp trực 24/24, mỗi ca gồm 6 cán bộ sẽ bảo đảm tốt việc sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe của đối tượng. “Để các cụ, các cháu không cảm thấy tủi thân, trong mỗi bữa cơm, chúng tôi chuẩn bị đầy đủ các món mang hương vị ngày Tết như bánh chưng, thịt gà, giò lụa…”, ông Vinh nói.

{keywords}

Các em nhỏ mồ côi, khuyết tật trang trí cây đào đón năm mới.

Chia tay Cơ sở BTXH tổng hợp tỉnh, không khí của buổi chiều cuối năm thêm ấm áp bởi tiếng nói cười rộn rã của các em nhỏ. Dù còn nhiều khó khăn nhưng với tâm huyết, lòng nhiệt tình của cán bộ, nhân viên nơi đây, những số phận kém may mắn sẽ luôn đón những cái Tết ấm tình người.

Ăn Tết ở bệnh viện

Chiều 28 tháng Chạp, đến Khoa Cấp cứu điều trị hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh), chúng tôi không khỏi bùi ngùi khi nhìn thấy những bệnh nhi dù còn nhỏ song xung quanh phải chạy đủ loại máy và những khuôn mặt buồn rầu, lo âu của người thân. Đây là một khoa đặc thù, nơi có rất nhiều trẻ bị bệnh từ nặng đến nguy kịch, phải điều trị dài ngày. 

Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Lê, Trưởng Khoa, thời điểm này khoa có 30 bệnh nhân ở lại “ăn Tết”, chủ yếu là trẻ từ 1 đến 5 tuổi mắc các bệnh về viêm đường hô hấp. Để bảo đảm công tác chăm sóc, khám, chữa bệnh, khoa bố trí 4 nhân viên y tế trực 24/24 giờ, ngoài ra còn có đội ngũ bác sĩ thường trực. 

Anh Giáp Văn Tường (37 tuổi), xã Mỹ Thái (Lạng Giang) mệt mỏi bên giường bệnh. Nhắc đến bệnh trạng con, anh buồn rầu nói: Con gái tôi là Giáp Phương Chi mới được 4 tháng tuổi, bị viêm phế quản phổi, suy hô hấp độ 3. Nhập viện từ 22 tháng Chạp song các bác sĩ cho biết cháu vẫn phải nằm lại điều trị lâu dài. Năm nay sẽ là cái Tết đặc biệt của cả gia đình, khi hai cháu lớn phải sang ông bà nội, còn vợ chồng tôi đón năm mới ở bệnh viện. Buồn lắm nhưng chỉ mong con nhanh khỏi là vui rồi. 

{keywords}

Bệnh nhi đang được điều trị tại Khoa Cấp cứu điều trị hồi sức tích cực và chống độc  (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh)

Đến Khoa Sản 2 thời điểm này cũng có hơn 40 sản phụ đang nằm điều trị, chờ sinh... Chị Vũ Hồng Cúc ở thị trấn Lục Nam đang chờ đón đứa con đầu lòng cho hay: “Dù không được đón Tết cùng chồng nhưng chỉ cần có sức khỏe, đợi đón con chào đời thì đó là niềm hạnh phúc lớn nhất”. Hay như chị Lương Thị Vinh ở xã Tiền Phong (Yên Dũng) cũng đang mong chờ thời khắc “mẹ tròn con vuông”. 

{keywords}

Dù đón Tết tại Bệnh viện song chị Vũ Hồng Cúc vẫn vui mừng vì sắp được đón con đầu lòng. 

Do đặc thù là bệnh viện tuyến cuối về Sản - Nhi của tỉnh nên những ngày giáp Tết, lượng bệnh nhân đổ về càng đông. Các khoa luôn bố trí đủ lực lượng y bác sĩ chăm sóc tốt nhất cho người bệnh. Hơn nữa, còn tổ chức tất niên cho gia đình bệnh nhân, cũng có bánh kẹo quây quần để mọi người ngồi lại chia sẻ, động viên nhau vượt qua những khó khăn. 

{keywords}

Các y, bác sĩ Khoa Cấp cứu điều trị hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) chuẩn bị mâm quả cho ngày Tết. 

Dịp Tết là thời điểm nhiều ngành nghề được nghỉ ngơi, tuy nhiên với đội ngũ y, bác sĩ thì Tết lại là những ngày lao động vất vả hơn cả. Nữ hộ sinh Ngô Phương Thảo nói: “Dù không được đón giao thừa cùng gia đình nhưng thấy bệnh nhân, người nhà hạnh phúc khi đón đứa con chào đời khỏe mạnh thì mình cũng thấy vui”. 

Rời Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh khi trời đã tối song không khí làm việc nơi đây vẫn nhộn nhịp, đâu đó thấy bóng cành đào, cây quất bên những khung cửa sổ mới thấy Tết đến thật gần. 

Nhóm PVVX



Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...