Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 35 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để cải thiện sức khỏe cộng đồng

Cập nhật: 15:47 ngày 03/12/2018
(BGĐT) - Nhờ thụ hưởng chính sách ưu đãi của Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (gọi tắt là Chương trình), những năm gần đây, nhiều hộ nghèo, gia đình hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Bắc Giang được sử dụng nhà vệ sinh hợp chuẩn, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi vệ sinh, bảo đảm sức khỏe.

Chuẩn “Vệ sinh toàn xã”

Đến Trạm Y tế xã Phồn Xương (Yên Thế) những ngày này, chúng tôi thấy không khí thi công sôi nổi. Toán thợ người chở cát, nhóm đảo vữa... nhanh tay chuẩn bị cho việc đổ trần công trình nhà tiêu hợp vệ sinh của trạm. Trao đổi với bác sĩ Nguyễn Văn Hùng, Trạm trưởng được biết, xã Phồn Xương là một trong 12 đơn vị của huyện Yên Thế tham gia Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”. 

{keywords}

Bà Nguyễn Thị Hiệp, thôn Chẽ, xã Phồn Xương (Yên Thế) hướng dẫn cháu rửa tay bằng xà phòng.

Để đạt các tiêu chí “Vệ sinh toàn xã”, ngoài 100% các thôn đạt “Vệ sinh toàn thôn”, trạm y tế và trường học phải có nước, nhà tiêu hợp vệ sinh, điểm rửa tay. Hiện 8/8 thôn đạt chuẩn theo yêu cầu, xã có 86,9% hộ dân có nhà tiêu đạt chuẩn, 100% gia đình có điểm rửa tay bằng xà phòng. “Được thụ hưởng từ chương trình, mới đây chúng tôi khởi công công trình với diện tích 20m2 chia buồng, phòng tắm và lắp đặt điểm rửa tay, thiết bị theo quy định. Dự kiến công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng giữa tháng 12 tới”, ông Hùng cho hay.

Dịp này, gia đình bà Nguyễn Thị Hiệp và 55 hộ ở thôn Chẽ, xã Phồn Xương có chung niềm vui khi được hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà vệ sinh mới. Bà Hiệp nói: “Công trình giúp gia đình tôi thuận lợi hơn trong sinh hoạt, nhất là mấy đứa trẻ”.

Sau hai năm, xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa) có thêm 125 hộ xây mới từ nguồn hỗ trợ của Chương trình (1,1 triệu đồng/hộ thuộc đối tượng nghèo, cận nghèo, chính sách chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh). Phong trào lan tỏa, nhiều gia đình tự bỏ kinh phí tu sửa, cải tạo lại. Đến nay 97,1% hộ dân có nhà tiêu hợp chuẩn. Hiện xã đang khẩn trương hoàn thành công trình nhà vệ sinh của Trạm y tế để đạt các tiêu chí “Vệ sinh toàn xã”.

Theo Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Ngữ, Trưởng Khoa sức khỏe cộng đồng (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh), quá trình triển khai xây dựng mô hình “Vệ sinh toàn xã”, Ban chỉ đạo ưu tiên hỗ trợ các địa phương sẵn có nguồn nước, xây dựng nông thôn mới, có đội ngũ cán bộ quan tâm chỉ đạo và tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh đạt từ 45% trở lên. Đến nay, qua đánh giá điều kiện vệ sinh ở các địa phương đều được cải thiện. Từ khởi điểm có khoảng 50% gia đình có nhà tiêu, nơi rửa tay hợp vệ sinh, đến nay 26 xã đều đạt hơn 70% hộ có nhà tiêu đạt chuẩn, 85% -100% hộ có điểm rửa tay bằng xà phòng. Năm 2018 sẽ có 9 xã đạt chuẩn “Vệ sinh toàn xã”.

Từ năm 2016 đến nay, Chương trình hỗ trợ hơn 4,7 nghìn hộ dân và 5 trạm y tế xã xây nhà tiêu hợp vệ sinh ở hai huyện Yên Thế và Hiệp Hòa.

Tăng cường tuyên truyền, mở rộng phạm vi chương trình

Bắc Giang là một trong 21 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, Nam Trung bộ tham gia Chương trình. Trên địa bàn tỉnh triển khai ba hợp phần do Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế tổ chức thực hiện tại 50 xã ở 6 huyện (Hiệp Hòa, Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên, Lạng Giang, Yên Dũng). Trong đó, Sở Y tế đảm nhận hợp phần vệ sinh nông thôn và thay đổi hành vi vệ sinh.

Quá trình thực hiện, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh khảo sát, đánh giá thực trạng cho thấy, số hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh chưa cao, còn tình trạng phóng uế ra môi trường. Nhiều người chưa ý thức được việc rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau vệ sinh, dọn dẹp. Xác định công tác tuyên truyền là khâu then chốt nên Trung tâm phối hợp với các huyện, xã mở lớp tập huấn chuyên môn và phát hàng nghìn tờ rơi, sổ tay. 

Cùng đó, các đoàn thể thôn tổ chức truyền thông trên loa truyền thanh; đến từng hộ vận động tự xây dựng, sửa chữa nhà vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng. Tổ chức thành lập các đội thợ xây, cửa hàng tiện ích cung cấp dịch vụ xây nhà tiêu hợp vệ sinh... Một số thôn ở các xã: Châu Minh, Danh Thắng (Hiệp Hòa), Tân Hiệp, Tiến Thắng (Yên Thế) còn bổ sung quy định sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh trong các hộ gia đình vào quy ước, hương ước.

Với mục tiêu cải thiện hành vi vệ sinh, tăng cường tiếp cận bền vững nguồn nước sạch, vệ sinh môi trường, năm 2019, Chương trình tiếp tục triển khai ở 14 xã của huyện Tân Yên, Yên Dũng và Việt Yên. Đến năm 2020 thực hiện ở 9 xã của huyện Lạng Giang. Ông Trần Văn Sinh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Thời gian tới Sở tiếp tục chú trọng công tác truyền thông về sự cần thiết phải sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và thay đổi hành vi vệ sinh nhằm nâng cao nhận thức của người dân về thói quen sinh hoạt, thực hiện nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường”.

Bao giờ học sinh hết sợ nhà vệ sinh trường học?
Bẩn, bốc mùi, không dám đi vệ sinh là ấn tượng của nhiều học sinh về nhà vệ sinh trong trường học. Câu chuyện này không chỉ có ở những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa, mà ngay các tỉnh, thành phố, đặc biệt ngay tại các đô thị lớn cũng còn khá phổ biến.
 
Nhiều nhà vệ sinh trường học không đạt chuẩn
(BGĐT)- Nhà vệ sinh (NVS) là hạng mục không thể thiếu trong trường học, góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh. Thế nhưng ở vùng nông thôn, miền núi hay khu vực trung tâm huyện, TP hiện vẫn có tình trạng một số NVS bẩn, không mái che, nền ẩm thấp, đường ống bục vỡ, rò rỉ...
 
Đưa nước sạch, nhà vệ sinh thân thiện đến trường học: Thiết thực vì sức khỏe học đường
(BGĐT) - Thời gian gần đây, hàng nghìn học sinh ở những trường còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất vui mừng được sử dụng nguồn nước sạch, công trình vệ sinh thân thiện, hiện đại. Kết quả này có được là do ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) toàn tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền làm tốt công tác xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tài trợ.
 

Khôi Nguyên

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...