Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cảnh báo tai nạn giao thông mùa cưới

Cập nhật: 17:40 ngày 01/12/2018
(BGĐT)- Đám cưới là chuyện vui của cô dâu, chú rể và hai họ. Thế nhưng dường như nhiều gia chủ và khách mời không mấy quan tâm đến yếu tố bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) khi mà những thói quen xấu dẫn tới tai nạn vẫn hiện hữu. 

Chình ình rạp cưới, dềnh dàng rước dâu

Vào mùa cưới, không khó để nhận thấy tại nhiều tuyến giao thông chính, gia chủ “trưng dụng” mặt đường để bắc rạp, quây bếp nấu cỗ; phương tiện của khách đến dự để chật kín vỉa hè, thậm chí choán phần lớn lòng đường. Rõ nhất là ở TP Bắc Giang, có gia đình dựng rạp chiếm trọn cả trăm mét đường, cắm biển “Nhà có việc, xin vui lòng đi hướng khác”. 

{keywords}

Rạp cưới lấn đường Nguyễn Văn Mẫn, phường Trần Phú (TP Bắc Giang).

Ngày 21-11 vừa qua, một rạp cưới hoành tráng dựng trên đường Huyền Quang (phường Hoàng Văn Thụ) chiếm hết 2/3 lòng đường, chỉ chừa khoảng trống vừa đủ cho xe tải nhẹ chạy qua. Tiếng nhạc xập xình chói tai phát ra từ chiếc loa trong rạp nên các phương tiện qua lại đều phải bấm còi inh ỏi. Do khu vực này có nhiều xe chở vật liệu xây dựng nên liên tục ùn tắc. Xe téc chở xăng dầu phải quay lại đi đường khác gây khó chịu cho người tham gia giao thông. Nhìn xe ô tô chạy áp sát rạp cưới, người ngồi ăn cỗ chỉ cách phương tiện một tấm rèm mà thấy lo. Nhỡ không may xe mất lái lao vào thì hậu quả sẽ khôn lường.

Dựng rạp lấn chiếm lòng lề đường là vi phạm Luật Giao thông đường bộ, mà đã vi phạm phải bị xử phạt theo quy định. Tuy nhiên do tâm lý gia đình đang có đại hỷ, cả nể nên chính quyền địa phương còn nương nhẹ hoặc xuê xoa cho qua. Địa bàn phường Hoàng Văn Thụ rộng, có nhiều tuyến đường chính đi qua như: Lê Lợi, Hùng Vương, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Minh Khai… nên việc tổ chức tiệc cưới ở khu vực này diễn ra nhiều. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường cho biết: Các cặp đôi đến trụ sở đăng ký kết hôn đều được cán bộ phường quán triệt, yêu cầu gia đình chấp hành các quy định về tổ chức lễ cưới văn minh, an toàn, tiết kiệm theo Chỉ thị số 05 ngày 10-4-2018 của Chủ tịch UBND tỉnh. Mặc dù đã có các quy định cấm sử dụng lòng, lề đường để đảm bảo trật tự ATGT nhưng vì điều kiện, hoàn cảnh và cả tâm lý “đường là của chung” nên nhiều hộ tổ chức đám cưới bắc rạp ra giữa đường. Cán bộ địa phương có biết nhưng do nể nang nên cũng chưa xử phạt trường hợp nào. Tới đây, phường tiếp tục giao cho đội trật tự đô thị phường tăng cường kiểm tra ngay từ khi gia chủ tổ chức dựng rạp, nếu vi phạm yêu cầu phải khắc phục, thu hẹp rạp lại.

Không chỉ dựng rạp lấn chiếm lòng đường, sử dụng rượu bia trong đám cưới cũng là nguyên nhân dẫn đến TNGT. Có người dự tiệc cưới uống bia, rượu quá đà, khó kiểm soát. Ăn cỗ xong cũng là lúc hàng trăm người đã có hơi men điều khiển xe máy, ô tô trên đường, nguy cơ tai nạn là khó tránh. Nhiều lái xe đi đám cưới thường lấy lý do chả mấy khi gia đình có việc đại hỷ, cảnh sát giao thông sẽ dễ thông cảm nên ít xử phạt, vì vậy cứ thỏa sức tăng tốc, thậm chí chở 3 đèo 4 trên xe mô tô, vừa đi vừa chụp ảnh, bắn pháo giấy hoặc trêu đùa nhau rất dễ xảy ra tai nạn.

Lan tỏa thông điệp về ATGT

Để hạn chế tai nạn trong mùa cưới, trước hết cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đám cưới theo nếp sống mới, hạn chế ,thậm chí nói không với rượu bia trên bàn tiệc. Ngay trong lễ cưới, nếu gia chủ ngại ngần có thể nhờ người dẫn chương trình hoặc những người có uy tín trong dòng họ có cách nhắc khéo thực khách về tác hại của bia, rượu khi lái xe. Một cách làm khác là in thêm dòng chữ vào thực đơn như "Đã uống rượu bia thì không lái xe" hoặc “Đã lái xe thì không uống rượu bia”… nhằm lan tỏa thông điệp ATGT, xóa bỏ tư tưởng "đã ăn cỗ là phải vui hết mình".

Ở một số địa phương như TP Bắc Giang, huyện Tân Yên, Lục Nam… đã có những mô hình đám cưới văn hóa được tổ chức giản dị, tiết kiệm và bảo đảm ATGT. Tuy nhiên những mô hình này chưa được nhân rộng trong cộng đồng do tâm lý “Cả đời chỉ có một lần”, phải tổ chức hoành tráng cho “bằng chị, bằng em”. Vì vậy, cần huy động các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, người có uy tín cùng vào cuộc để tuyên truyền, nhân rộng. Khuyến khích người dân tổ chức tiệc cưới ở những địa điểm rộng, có chỗ để xe như nhà văn hóa, trường học, trụ sở UBND xã vào ngày nghỉ. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) cho biết thêm: “Chúng tôi khuyến khích các gia đình thuê địa điểm tổ chức sự kiện hoặc sử dụng nhà văn hóa (hiện 10/10 tổ dân phố đều có nhà văn hóa khang trang, rộng rãi đủ sức chứa hàng trăm người cùng lúc) để tổ chức tiệc cưới”.

Ngoài ra, ngành chức năng cần nghiêm túc thực hiện việc xử phạt đối với các trường hợp vi phạm như: Lấn chiếm lòng đường, vỉa hè dựng rạp, để xe; uống rượu bia vượt quá nồng độ cồn cho phép khi tham gia giao thông; không đội mũ bảo hiểm hoặc những hành vi khác làm cản trở giao thông của đoàn người rước dâu.

Cưới văn minh, tiết kiệm
(BGĐT) - Đã vào mùa cưới. Thành phố Bắc Giang vừa vận động một gia đình ở phường Trần Nguyên Hãn tổ chức đám cưới theo nếp sống mới. Đơn giản, trang trọng, tiết kiệm mà vẫn vui, song để nhân rộng mô hình như vậy là điều không đơn giản.
 
Cưới văn minh gọn nhẹ mà vui
(BGĐT) - Cưới theo nếp sống văn minh đang được nhiều người dân Hiệp Hòa (Bắc Giang) quan tâm, hưởng ứng. Với hiệu quả mang lại, mô hình này cần được nhân rộng ở các địa phương.
 
Nhân rộng mô hình cưới văn minh, tiết kiệm
(BGĐT) - Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 74 của UBND tỉnh Bắc Giang quy định "Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và một số lễ nghi, sinh hoạt cộng đồng khác", nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tiến bộ. Để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn, ngành văn hóa, các đoàn thể cần tiếp tục quan tâm xây dựng và nhân rộng các mô hình.
 

Tuấn Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...