Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chăm sóc người cao tuổi, ứng phó với già hóa dân số

Cập nhật: 13:50 ngày 11/07/2018
(BGĐT) - Những năm gần đây, cùng với sự phát triển KT-XH, việc chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng tốt hơn nên số lượng người cao tuổi tăng. Trong khi số trẻ em giảm dẫn đến tình trạng già hóa dân số đang diễn ra trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
{keywords}

Các y, bác sĩ khám bệnh cho người cao tuổi xã Hồng Thái (Việt Yên). Ảnh: Văn Vĩnh

Tăng tỷ lệ người già

Thời gian qua, các địa phương đều dành sự quan tâm, chăm sóc đến các bậc cao niên nhưng do nhiều lý do, không ít cụ vẫn sống trong điều kiện khó khăn, thiếu sự chăm sóc của người thân. Như hoàn cảnh của cụ Nguyễn Thị D (81 tuổi) ở xã Đức Thắng (Hiệp Hòa) làm mẹ đơn thân và sinh được duy nhất một người con trai. Do mải miết làm kinh tế, sống cách xa vài km nên gia đình anh con trai cũng không có nhiều thời gian qua lại chăm nom mẹ mặc dù vẫn chu cấp lương thực đều đặn. Cụ D tâm sự: “Năm tháng tuổi già thui thủi một mình, chẳng có ai bầu bạn. Lúc nào cũng chỉ mong con cháu về chơi, có người ra vào cho khuây khỏa”.

Các cụ có con, cháu còn vậy, nhiều trường hợp neo đơn không biết trông cậy vào đâu trong những năm tháng cuối đời ốm yếu, hưu quạnh nên vẫn phải bươn trải kiếm sống. Như hoàn cảnh của cụ Nguyễn Thị M (74 tuổi), phường Trần Nguyên Hãn hằng ngày ngồi bán trứng tại chợ Hà Vị.

Người già phải tự lao động kiếm sống vốn đã vất vả, với những người ở miền núi, vùng sâu, vùng xa lại càng khó khăn hơn. Theo ông Nguyễn Chí Thú, Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Lục Nam: Toàn huyện hiện có 23,4 nghìn người cao tuổi, trong đó có khoảng 14% thuộc hộ nghèo. Hơn nữa, phần lớn các cụ mắc bệnh mạn tính nhưng chưa có điều kiện chăm sóc, điều trị thường xuyên.

Theo thống kê của ngành y tế, tuổi thọ trung bình (73,5 tuổi) tăng nhưng số người cao tuổi mắc bệnh chiếm tỷ lệ cao. Toàn tỉnh có 4,8% người cao tuổi có sức khỏe tốt, còn 65,4% là trung bình và yếu. Trong khi 26,1% người cao tuổi không có bảo hiểm y tế; 68,2% người già ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa có thu nhập thấp, thậm chí không có thu nhập, sống dựa vào con cháu.

Trao đổi với chị Nguyễn Thị Hằng, Trưởng Phòng Dân số (Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình) được biết: Không có lương hưu, sống phụ thuộc vào con cháu nên nhiều người cao tuổi vẫn phải lao động. Tỷ lệ người cao tuổi vùng nông thôn, miền núi đang tham gia lao động cao hơn người già sống ở thành thị, nhất là phụ nữ cao tuổi phải làm việc nhiều hơn nam giới cùng độ tuổi. Trong khi, hiện nay, mô hình gia đình đang thay đổi từ truyền thống sang hạt nhân. Con cái ngày càng có xu hướng sống độc lập với cha mẹ.

Hiện nay, Bắc Giang có hơn 251,1 nghìn người cao tuổi, chiếm hơn 14% dân số toàn tỉnh. Được biết, già hóa dân số xảy ra khi tỷ lệ người cao tuổi tăng từ 10% trở lên. Không thể phủ nhận, người cao tuổi có nhiều đóng góp về tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong quá trình lao động, sản xuất, phát triển quê hương, đất nước. Nhưng đi cùng với đó là nhiều thách thức đặt ra đối với gia đình và xã hội.

Cần được sẻ chia

{keywords}

Người cao tuổi TP Bắc Giang tập thể dục tại Công viên Ngô Gia Tự.

Già hóa dân số tác động tới mọi mặt của đời sống KT-XH, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tích lũy, phân bổ ngân sách, xây dựng hạ tầng, lao động, chăm sóc y tế, an sinh xã hội.

Qua tìm hiểu, chi phí khám, chữa bệnh đang là gánh nặng cho người cao tuổi và gia đình bởi các cụ phải đối mặt với nhiều căn bệnh mạn tính như: Mạch vành, tăng huyết áp, đái tháo đường, đột quỵ, thoái hóa xương, khớp, suy giảm trí nhớ… Các bệnh này cần thời gian để điều trị, thậm chí điều trị suốt đời đã ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, tâm lý, đời sống của các cụ. Hơn nữa, đa số các cụ chưa có thói quen khám bệnh định kỳ, nhất là người cao tuổi thuộc hộ nghèo, sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa ít có khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu, khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn, khiến việc chữa trị khó khăn. Trong khi, hệ thống y tế chuyên về lão khoa chưa phủ rộng để đáp ứng nhu cầu giải quyết các bệnh mạn tính, đặc trưng mà người già thường mắc. Hệ thống an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi, đặc biệt chưa có hệ thống dưỡng lão chăm sóc dài hạn.

Ứng phó với thực trạng già hóa dân số, trước hết, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa tập trung tuyên truyền, vận động các gia đình duy trì mức sinh thay thế, bảo đảm quy mô dân số phù hợp với phát triển KT-XH của tỉnh. Đó là tiếp tục thực hiện chính sách mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con. Ông Dương Văn Trọng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh cho biết: Thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần cho người cao tuổi thông qua giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, xây dựng gia phong nếp nhà để các cụ có cuộc sống hạnh phúc, an yên lúc tuổi già. Các cấp hội phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, mừng thọ, khám sức khỏe miễn phí cho các bậc cao niên.

Cùng đó đa dạng hóa các mô hình câu lạc bộ văn hóa, thể thao để họ có nơi sinh hoạt, tâm giao, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tích cực tham gia hỗ trợ công tác chăm sóc người già. Khuyến khích phát triển các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng và gia đình bên cạnh các trung tâm dưỡng lão. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn kỹ năng phòng bệnh cho các cụ. Năm 2019 dự kiến thành lập Bệnh viện Lão khoa tại tuyến tỉnh. Tuyến huyện sẽ thành lập khoa lão học thuộc trung tâm y tế các huyện, TP.

Minh Thu


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...