Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 30 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hưởng ứng Tháng hành động Vì trẻ em và Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6

Cập nhật: 09:02 ngày 01/06/2018
(BGĐT) - Mới vào đầu hè, nhiều địa phương, cơ sở đoàn, đội trong tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hoạt động hè tạo sân chơi bổ ích, ý nghĩa cho thiếu nhi. Song để công tác này  mang lại hiệu quả cần sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể, đặc biệt là gia đình. 
{keywords}

Thành đoàn Bắc Giang tổ chức lớp dạy bơi cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn.

Mùa hè đến muộn

Năm học kết thúc cũng là lúc trẻ em có thời gian vui chơi, bồi dưỡng kỹ năng sống và rèn luyện sức khỏe. Thế nhưng việc tổ chức hoạt động hè ở một số địa phương còn chưa thực sự được quan tâm, thiếu hấp dẫn đối với đoàn viên, thiếu niên, nhi đồng. Em Lý Thu Thảo (SN 2006) ở thôn Mịn Con, xã Trù Hựu (Lục Ngạn) chia sẻ, nghỉ hè em chỉ quanh quẩn ở nhà, giúp bố mẹ một số công việc vặt. Mùa hè của Thảo cũng như nhiều trẻ nhỏ tại huyện Lục Ngạn có lẽ đến muộn hơn so với thiếu nhi ở địa phương khác. Bởi lẽ thời điểm này cũng là mùa vải thiều chín rộ, các gia đình, cơ quan, đoàn thể đều dồn sức cho việc thu hoạch, tiêu thụ vải. Các cơ sở đoàn trên địa bàn cũng tổ chức hoạt động thiện nguyện hỗ trợ người dân thu hoạch, bảo đảm an toàn giao thông. Chiến dịch tình nguyện này gần như kéo dài đến hết tháng 6, mất một nửa thời gian nghỉ hè của các em. Sau đó, mỗi đơn vị cũng chỉ thực hiện được 1 đến 2 hoạt động tập trung như: Giải bóng đá thiếu niên, thi văn nghệ, trại hè…

Không chỉ ở Lục Ngạn, nhiều phụ huynh ở các huyện như Lạng Giang, Yên Dũng, Tân Yên hay TP Bắc Giang cũng không khỏi băn khoăn về việc cho con chơi gì trong dịp hè. Chị Nguyễn Thị Duyên, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) nói: “Năm trước, con gái tôi nghỉ hè hơn một tháng ở nhà mà không thấy cơ sở đoàn tổ chức hoạt động nào. Để con ở nhà cũng lo nên tôi đăng ký cho cháu tham gia học thêm vài môn, bổ sung kiến thức cho năm học mới”.

Trao đổi về vấn đề này, anh Phạm Kiều Hưng, Bí thư Thành đoàn Bắc Giang cho biết, ở TP, việc triển khai hoạt động hè thường muộn (cuối tháng 6) nên khi đó một số phụ huynh đã đăng ký cho con học thêm. Vậy nên khi đã bận rộn, mệt mỏi với lịch học thì các em nhỏ khó hứng thú với các hoạt động hè.

Tổ chức những hoạt động phù hợp

Hè này, nhiều đơn vị, tổ chức mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng dẫn chương trình, sáng tạo mỹ thuật, thẩm mỹ nghệ thuật, thể dục thể thao cho trẻ em. Ví như: Nhà Văn hóa Thiếu nhi tỉnh, Nhà Văn hóa Thể thao đa năng huyện Lục Nam mở hơn 20 lớp các bộ môn vào tất cả các ngày trong tuần; một số trường như: Tiểu học Song Mai (TP Bắc Giang), Tiểu học Ngọc Châu (Tân Yên) dạy bơi miễn phí, giảm phí cho trẻ em. Đoàn xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng) dạy Wushu, võ cổ truyền...

Trao đổi với chị Đào Thị Hường, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh được biết, toàn tỉnh hiện có hơn 208 nghìn em ở lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng đang học tập tại các trường tiểu học, THCS. Năm nay, trước khi nghỉ hè, Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các đơn vị bàn giao, tiếp nhận các em về tham gia sinh hoạt hè tại nơi cư trú. Với mỗi cấp học, việc bàn giao được thực hiện theo hai bước: Các trường lập danh sách đoàn viên, thiếu niên, nhi đồng về sinh hoạt tại địa phương; thống nhất với cơ sở đoàn, đội địa phương để tiếp nhận học sinh. Các đơn vị sẽ đánh giá thái độ tham gia hoạt động, sau đó kịp thời biểu dương hoặc nhắc nhở phê bình với những em chưa tích cực.

Để đổi mới hoạt động hè, thu hút trẻ em, các cấp bộ đoàn, đội ở nhiều địa phương chủ động tổ chức một số chương trình. Đơn cử như Thành đoàn Bắc Giang chỉ đạo đoàn phường, xã lên lịch sinh hoạt hè cho thiếu nhi sớm hơn những năm trước; đa dạng hóa các hình thức như: Tập làm chiến sĩ, tham quan trải nghiệm làng nghề, dạy bơi miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; chuyển hình thức trại hè thành công viên hè trải nghiệm. Một số cơ sở đoàn cũng căn cứ tình hình thực tế ở địa phương để tổ chức hoạt động phù hợp như: Tại huyện Tân Yên, Đoàn xã Việt Lập phối hợp với Liên đội Trường Tiểu học Việt Lập mở cửa trường học từ cuối tháng 5, phục vụ thiếu nhi vào đọc sách. Không những vậy, Đoàn xã, Liên đội phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện về giảng dạy các môn thể thao như: Bóng chuyền, bơi lội, cầu lông hay võ cổ truyền, thu hút từ 20 đến 30 em/lớp.

Nhiều gia đình quan tâm đăng ký cho con em tham gia các khóa học kỹ năng, nghệ thuật, giáo dục thể chất. Ở TP, trung tâm các huyện, từ đầu hè, các lớp năng khiếu, bồi dưỡng kỹ năng thuyết trình; luyện khả năng nghe, nói tiếng Anh với người nước ngoài; dạy bóng đá, bóng rổ, cầu lông... thu hút nhiều thành viên.

Còn ở những nơi xa trung tâm, điều kiện khó khăn hơn thì nhiều gia đình lại có các hoạt động khác. Ví như anh Ngô Văn Dũng (SN 1967), thôn Cầu Phên, xã Dương Đức (Lạng Giang) vẫn thường đưa con gái út ra sông Thương vào những ngày hè oi bức để dạy bơi. Vài năm trở lại đây, không riêng anh Dũng, nhiều người khác cũng đưa con em đi tập bơi, góp tiền mua dây, cắm cọc khoanh vùng khu vực bơi an toàn; tự trang bị phao bơi, thay phiên nhau trông các con.

Ông Đào Hồng Song, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng: “Để làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em, UBND các huyện, TP cần bố trí kinh phí xây dựng các thiết chế văn hóa cho trẻ em như: Nhà văn hóa, điểm vui chơi an toàn, bể bơi trong trường học góp phần giảm thiểu tai nạn thương tích. Mỗi gia đình cũng nên dành thời gian giáo dục kỹ năng sống, tạo điều kiện cho con vui chơi lành mạnh, an toàn trong dịp hè”.

Tường Vi - Thu Vân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...