Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 27 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Những gia đình trên thuận dưới hòa

Cập nhật: 14:11 ngày 20/03/2018
(BGĐT) - Trước những tác động của kinh tế thị trường, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều điển hình về gìn giữ nền nếp gia phong, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc 20-3, Báo Bắc Giang giới thiệu một số gia đình tiêu biểu.
{keywords}

Gia đình cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành giao thông vận tải Bắc Giang tham gia hội thi nấu ăn. Ảnh tư liệu.

Trọn đạo làm con

Ở thôn Chiền, xã Nội Hoàng (Yên Dũng) nhiều người khen ngợi gia đình ông Thân Văn Thiết (50 tuổi) vì lối sống hòa nhã, kinh tế phát triển, các con thành đạt. Vợ chồng ông Thiết cùng các con nhiều năm sống chung với bố mẹ là cụ Thân Văn Ngọc, 88 tuổi và cụ Dương Thị Phố, 83 tuổi. Gia đình đoàn kết, con cháu hiếu thảo, ngoan ngoãn nên không khí gia đình luôn đầm ấm, hòa thuận và đầy ắp tiếng cười. Năm 2017, gia đình nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Ông Thiết chia sẻ: “Gia đình tôi có truyền thống cách mạng, nhà có 3 đảng viên, bố mẹ tôi đều là du kích chống Pháp, tuy cao tuổi nhưng các cụ vẫn tích cực tham gia phong trào văn hóa, thể thao, động viên, khuyên nhủ con cháu chăm lo phát triển kinh tế, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sống có ý thức, trách nhiệm. Các con tôi đều đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định”.

Theo ông Thiết, để giữ hạnh phúc gia đình, các thành viên phải biết kính trên, nhường dưới, vợ chồng hòa thuận, bình đẳng, giúp đỡ nhau, xứng đáng là ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền. Bên cạnh đó cũng phải biết vươn lên làm giàu, nuôi dạy con cái ăn học đến nơi, đến chốn. Vài năm trước, dù gia đình xây dựng căn nhà mới ba tầng rộng rãi hơn nhưng cụ Ngọc vẫn quyết tâm giữ lại căn nhà bằng gỗ để làm nơi thờ cúng tổ tiên, bởi đó là kỷ niệm giúp con cháu nhớ về gốc rễ, nguồn cội. Cả gia đình ba thế hệ mỗi lúc rảnh rỗi lại quây quần bên nhau trò chuyện, chia sẻ tâm tư, tình cảm.

{keywords}

Cụ Thân Văn Ngọc, Dương Thị Phố sống chung với gia đình con trai Thân Văn Thiết và được chăm sóc tận tình chu đáo.

Đầu tư cho tương lai của con

Dù làm nông nghiệp nhưng vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Phượng, 57 tuổi, ở thôn Chằm, xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang) từng cùng lúc nuôi ba con học đại học. Khó khăn, tốn kém như thế song vợ chồng ông vẫn luôn tự nhủ và động viên các con phải cố gắng học tập để sau này có cuộc sống khấm khá hơn. Không phụ lòng bố mẹ, các con ông rất vâng lời, cố gắng học tập, đến nay họ đã tốt nghiệp đại học, làm việc cho những doanh nghiệp lớn trong, ngoài tỉnh, trở thành niềm tự hào của gia đình.

Không những nuôi dạy con chăm ngoan, hộ ông Phượng còn là hình mẫu làm kinh tế giỏi ở địa phương với mô hình trồng bưởi, đinh lăng, nhãn kết hợp chăn nuôi lợn, gà cho thu nhập cao. Hiện trung bình mỗi năm thu khoảng 200 triệu đồng từ chăn nuôi, trồng trọt. Cùng đó, bằng sự nhiệt tình, trách nhiệm, 5 năm qua ông được nhân dân thôn Chằm tín nhiệm làm Trưởng thôn. Ông tâm sự: “Làm nông nghiệp, nếu chịu học hỏi, cần cù lao động và nhạy bén thì vẫn có thể làm giàu. Sau khi kết thúc chiến tranh biên giới phía Bắc, tôi xuất ngũ trở về, xác định cho mình hướng phát triển kinh tế nên đã mua hơn 1 mẫu vườn đồi để cải tạo trồng hoa màu, cây ăn quả. Nhờ đó, gia đình có tiền nuôi con ăn học”. Mặc dù lo làm kinh tế nhưng ông vẫn luôn quan tâm dạy bảo, chăm sóc con cháu, từ việc lễ phép với mọi người, ứng xử có văn hóa đến quý trọng lao động cũng như những sản phẩm từ mồ hôi, công sức làm ra.

Vun đắp tình yêu thương

Với chủ đề "Yêu thương và chia sẻ", Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3) năm nay mang nhiều thông điệp như: "Hãy để tình yêu thương sưởi ấm ngôi nhà bạn", "Bảo vệ trẻ em bằng gia đình hạnh phúc, bình yên", "Hãy xây dựng ngày càng nhiều gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc" nhằm vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng, tôn vinh những giá trị nhân văn, tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Nhiều năm qua, vợ chồng chị Chu Thị Ngọc (SN 1972) - Đinh Quang Hùng (SN 1971) thôn Tam Sơn, xã Thường Thắng (Hiệp Hòa) luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con làng xóm đánh giá cao về đức độ, trọng nghĩa tình. Năm 2017, hộ anh chị được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, là gia đình văn hóa tiêu biểu.

Ngay từ nhỏ cả hai anh chị đều được những người thân dạy bảo về tình thương yêu anh em, bạn bè, chịu khó làm ăn, kính trên, nhường dưới… Chính vì vậy, qua năm tháng, anh chị đã rèn luyện cho bản thân ý chí kiên cường vượt qua khó khăn, sống hiếu thảo. Sau khi kết hôn (năm 1990), anh Hùng tham gia quân ngũ và liên tục xa nhà từ đó đến nay. Ở quê, chị Ngọc tần tảo cáng đáng mọi việc. Không quản ngại sớm hôm, mưa nắng, chị lo toan chu đáo việc đồng áng, nội trợ; việc dòng họ, xóm làng.

Thành quả hai vợ chồng gây dựng qua tháng năm thật đáng tự hào. Khi ra ở riêng, anh chị chỉ có vài thúng gạo, căn nhà ba gian nhỏ hẹp. Nay cuộc sống đủ đầy, có ngôi nhà gỗ bốn gian khang trang. Hai người con của anh chị đều chăm ngoan, hiếu thảo và chịu khó lao động. Chồng chị dù công tác tại tỉnh Lạng Sơn nhưng tháng nào cũng về thăm gia đình một đôi lần.

Chị Lê Thị Lan, Công chức văn hóa xã hội xã Thường Thắng và là hàng xóm nhiều năm của gia đình anh chị cho biết: Chị Ngọc luôn sống đoàn kết, thân ái, có hiếu với ông bà, cha mẹ hai bên. Ngoài thăm hỏi, động viên, có món gì ngon chị đều biếu các cụ. Hiện nay, dù đời sống đã được cải thiện song hằng ngày chị vẫn tích cực lao động, sản xuất, vừa thâm canh hơn 7 sào ruộng, vừa chăn nuôi tại nhà.

Vài năm gần đây, dù ở xa nhưng các thành viên trong gia đình chị vẫn thường xuyên trao đổi thông tin nên kịp thời chia sẻ những khó khăn, nhân lên niềm vui, hạnh phúc. Con thi được điểm cao, bố mẹ đều nắm được. Ở nhà chị bán được đàn gà, xuất lứa lợn, chồng và con cũng biết chúc mừng thành quả… Chia sẻ bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình, hòa thuận với làng xóm, chị Ngọc cho rằng: "Điều quan trọng là các thành viên trong gia đình phải thực sự yêu thương và có trách nhiệm với nhau. Sống có nghĩa tình và luôn nỗ lực trong mọi công việc, hoàn cảnh".

Ông Nguyễn Đắc Hồng, Trưởng Phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch):

Cán bộ, đảng viên cần gương mẫu

{keywords}

Theo số liệu thống kê, hiện nay Bắc Giang có 426.467 hộ gia đình, phần lớn đều phát huy được truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Bên cạnh đó, vẫn còn một số gia đình coi trọng giá trị vật chất quá mức dẫn đến mất đoàn kết; đối mặt với nạn bạo hành, bất bình đẳng giới.

Để thúc đẩy sự yêu thương, chia sẻ trong gia đình và trong cộng đồng cần sự quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau ngay từ chính những thành viên trong từng gia đình; sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự tham gia hưởng ứng của đông đảo quần chúng nhân dân. Tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Quan tâm làm tốt việc hỗ trợ các gia đình nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ngăn chặn kịp thời tình trạng cha mẹ thiếu trách nhiệm, bỏ rơi hoặc hành hạ con cái. Việc đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá cần gắn với bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Cán bộ, đảng viên gương mẫu xây dựng gia đình hoà thuận, nuôi dạy con tốt.

Chị Thân Thị Thu Thủy, Bí thư Đảng ủy phường Thọ Xương (TP Bắc Giang):

Dành sự quan tâm cho mọi người

{keywords}

Sự yêu thương, chia sẻ không chỉ cần để xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc mà còn cần để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Trong gia đình, các thành viên biết yêu thương, chia sẻ với nhau thì mọi khó khăn, trở ngại đều vượt qua. Với cộng đồng xã hội, sự yêu thương, chia sẻ chính là quan tâm đến những người xung quanh mình, thấu hiểu hoàn cảnh và nắm bắt kịp thời những khó khăn mà họ đang phải đối mặt, có hành động giúp đỡ phù hợp để những cảnh đời kém may mắn không bị đơn độc trong cuộc sống. Từ năm 2012 đến nay tôi đã 33 lần hiến máu; mỗi năm tôi đều nhận giúp đỡ 5 người, trong đó có một người già neo đơn và 4 trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Giá trị vật chất đem đến cho họ không lớn song tôi thấy việc làm của mình được mọi người ủng hộ, có sức lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân của phường. Chồng và các con tôi rất ủng hộ mặc dù thu nhập của hai vợ chồng không cao, nhờ đó, tôi thấy mình có động lực để sống và làm việc.

Chị Nguyễn Thị Như, thôn Tự, xã Bích Sơn (Việt Yên):

Xây dựng gia đình văn hóa

{keywords}

Trong thời đại ngày nay, việc nâng cao trình độ hiểu biết cho các thành viên của gia đình là hết sức cần thiết. Vợ chồng tôi luôn nhắc nhở các con biết chắt lọc những tri thức bổ ích; giáo dục con làm việc trong giới hạn cho phép, theo quy định pháp luật; sống khiêm tốn, vui vẻ với mọi người. Các thành viên trong gia đình đều sống yêu thương, có trách nhiệm với nhau; tham gia các hoạt động của đoàn thể ở địa phương và nơi công tác; có trách nhiệm với xã hội, chung vai gánh vác công việc của cộng đồng. Chúng tôi luôn dạy con đọc sách để nhận lấy những điều lý thú. Gia đình tôi trang bị một máy tính nối mạng Internet để tra cứu thông tin, tìm hiểu kiến thức thuận lợi. Nhờ nỗ lực học hỏi, sống tích cực mà kinh tế gia đình tôi ổn định, các con trưởng thành, sống có ích; được bà con lối xóm và cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu.

Kim Hiếu - Thanh Hải - Nguyễn Hưởng (thực hiện)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...