Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức cấp xã: Khắc phục tình trạng cục bộ địa phương

Cập nhật: 09:24 ngày 05/03/2018
(BGĐT) - Thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức cấp xã theo Quyết định 63/2015/QĐ-UBND ngày 9-2-2015 của UBND tỉnh (gọi tắt là Quyết định 63) bước đầu đã phát huy hiệu quả. Bằng sự cố gắng của bản thân, đội ngũ này đã khẳng định được năng lực ở môi trường mới.
{keywords}

Hầu hết các công chức sau chuyển đổi công việc đều phát huy được năng lực. Ảnh: Công chức Địa chính-Xây dựng xã Đức Thắng (Hiệp Hòa) Ngô Văn Tuyền (ngoài cùng bên trái) trao đổi nghiệp vụ với đồng nghiệp.

Trưởng thành từ thực tiễn

Xã Cao Thượng giáp ranh với khu vực trung tâm huyện Tân Yên. Địa phương đang trong quá trình đô thị hóa, phát sinh nhiều giao dịch, đơn thư về đất đai nên công việc của cán bộ địa chính khá vất vả. Sau hơn một năm chuyển đổi vị trí công tác từ UBND xã Liên Sơn đến xã Cao Thượng làm cán bộ Địa chính-Xây dựng, anh Đinh Hữu Toán đã góp phần lớn trong công tác giải phóng mặt bằng. Là người sinh sống ở xã Cao Thượng nên anh có điều kiện thuận lợi trong khâu nắm thực địa, thông tin nguồn gốc đất đai. Phát huy năng lực bản thân, anh không ngừng học hỏi, sử dụng các kiến thức đã có vào công việc. Nhờ vậy, việc tham mưu với cấp ủy, chính quyền mang lại hiệu quả. Anh nói: “Mỗi khi tiếp nhận đơn thư, tôi luôn nghiên cứu, dành thời gian xem bản đồ thửa đất, đi thực tế, gặp gỡ các bên nguyên đơn, bị đơn, lãnh đạo thôn để tìm hiểu vụ việc, đề xuất với lãnh đạo UBND xã hướng giải quyết phù hợp". Trong năm 2017, xã Cao Thượng hoàn thành giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm. Tình trạng khiếu kiện vượt cấp ở lĩnh vực đất đai không còn.

Đảm nhận chức danh Kế toán - Tài chính của xã Đức Thắng (Hiệp Hòa) từ năm 2016, chị Đặng Thị Tuyết Hằng không ngừng học hỏi, trau dồi nghiệp vụ, kỹ năng quản lý tài chính. Kịp thời tham mưu cho lãnh đạo xã các kế hoạch về tiết kiệm chi, tăng thu ngân sách, qua đó từng bước giảm số nợ đọng xây dựng cơ bản. Ông Nguyễn Đức Khoa, Chủ tịch UBND xã Đức Thắng cho biết: “Thời điểm chuyển đổi, tài chính của xã gặp nhiều khó khăn do công tác quản lý trước đó không tốt. Tuy nhiên sau hơn một năm đảm nhận công việc, đồng chí Hằng đã khẳng định được năng lực chuyên môn, giúp địa phương hoàn thành các kế hoạch đặt ra”.

Theo đánh giá của Sở Nội vụ, việc chuyển đổi vị trí làm việc trên địa bàn tỉnh thời gian qua bảo đảm tuân thủ đúng quy định. Hầu hết các cán bộ, công chức đều sớm thích nghi với môi trường làm việc mới, phát huy được năng lực bản thân.

Sắp xếp hợp lý, tạo môi trường thuận lợi

Trong hai năm 2016, 2017, khối cơ quan, đơn vị cấp huyện và xã trên địa bàn tỉnh chuyển đổi vị trí 314 công chức, viên chức; trong đó cấp xã chiếm hơn một nửa. Các chức danh chuyển đổi gồm: Tài chính - Kế toán; Địa chính - Xây dựng; Văn hóa - Xã hội; Tư pháp - Hộ tịch. Một số đơn vị làm tốt là huyện Tân Yên, Hiệp Hòa và TP Bắc Giang.

Chuyển đổi vị trí công chức cấp xã nhằm khắc phục tình trạng trì trệ, chậm đổi mới tác phong; đồng thời tạo môi trường mới để các công chức rèn luyện và trưởng thành. Giải pháp này cũng góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, hướng đến xây dựng nền hành chính hiện đại, trong sạch. Hằng năm, các địa phương tiến hành rà soát chức danh đến thời hạn chuyển đổi; xây dựng kế hoạch bảo đảm nguyên tắc hoán vị, không làm tăng biên chế. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế, tồn tại. Theo bà Nguyễn Thị Sơn, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Sơn Động, khi sang nơi làm việc khác, nhiều cán bộ gặp khó khăn. Ví như công chức Địa chính - Xây dựng cần khoảng 2-3 năm để làm quen thực địa, nhất là tại các nơi có địa bàn rộng. Bên cạnh đó, một số địa phương còn tình trạng cục bộ, chưa thực sự giúp đỡ, tạo điều kiện cho cán bộ mới làm quen với công việc; vẫn có công chức chưa tích cực, chủ động, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ.

Khắc phục những hạn chế trên, thời gian qua, huyện Tân Yên triển khai Quyết định 63 theo tiêu chí “đưa về gần nơi cư trú” nhằm tạo môi trường làm việc tốt nhất cho đội ngũ này. Hay như TP Bắc Giang tổ chức gặp mặt lãnh đạo các phường, xã để trao đổi, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của công chức trong diện chuyển đổi. Từ đó có phương án phân công hợp lý. Hiện nay, các địa phương đang rà soát, lập danh sách công chức đến thời hạn chuyển đổi trong năm 2018.

Nhiều ý kiến cho rằng để Quyết định 63 phát huy hiệu quả, các địa phương cần chính sách khuyến khích, động viên cán bộ, công chức khi chuyển đến vùng sâu, vùng xa, nơi đặc biệt khó khăn. Cùng đó, lãnh đạo, cán bộ các cơ quan, đơn vị cần quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ mới luân chuyển sớm bắt nhịp công việc, phát huy năng lực, có nhiều đóng góp cho địa phương. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương nêu cao vai trò, trách nhiệm trong chuyển đổi vị trí công tác, đồng thời làm tốt công tác tư tưởng để người được chuyển đổi vị trí an tâm, không ảnh hưởng đến kết quả làm việc.

Theo ông Trần Văn Đông, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ và Tổ chức phi chính phủ (Sở Nội vụ), các cơ quan, đơn vị cần làm tốt công tác đánh giá, xếp loại đối với cán bộ, công chức hằng năm để làm cơ sở xem xét, chuyển vị trí công tác; bảo đảm công bằng, hiệu quả. Ngoài ra phải thường xuyên rà soát những vị trí thuộc danh mục định kỳ chuyển đổi để kịp thời triển khai, tránh tình trạng chậm muộn so với quy định. "Sở Nội vụ sẽ tham mưu với UBND tỉnh gắn việc chuyển đổi vị trí công tác với trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, coi đây là một nội dung tiêu chí trong đánh giá xếp loại thi đua cuối năm", ông Trần Văn Đông nhấn mạnh.

Khôi Nguyên

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...