Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tết ta

Cập nhật: 07:00 ngày 11/02/2018
(BGĐT) - Có một dòng chảy trong trẻo nối liền quá khứ xa xưa với hiện tại và chắc chắn sẽ kéo dài tới mai sau, đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn. Đạo lý tốt đẹp ấy mang đậm dấu ấn tình cảm sâu sắc của người dân Việt được biểu hiện rõ nét nhất trong Tết Nguyên đán. Dẫu rằng gốc cội xuất xứ của Tết cổ truyền không phải ở nước ta nhưng những gì thể hiện trong đó, cả về nội dung lẫn hình thức đều đã được Việt hóa từ rất lâu rồi.
{keywords}

Niềm vui sum họp gia đình.

Do có nguồn gốc từ Trung Hoa nên Tết theo lịch trăng được gọi là Tết Nguyên đán. Tuy vậy, dân Việt mình cho đến nay vẫn thường hay gọi là Tết cổ truyền, Tết âm hay Tết ta. Đối với tôi, thích cái từ Tết ta hơn cả vì nó thật mộc mạc dân dã mà chứa đựng nhiều gần gũi, yêu thương trong đó. Nó vang lên như một cặp âm tiết đánh dấu xứ sở cội nguồn thiêng liêng và cũng là chứng chỉ huyết thống của mỗi người dân gốc Việt dù đang ở trên quê hương đất nước hay sống xa Tổ quốc.

Thế đấy, Tết ta ! Tôi tin muôn đời con cháu không quên được bánh chưng, bánh dày. Theo dân gian, bánh chưng hình vuông, có góc cạnh, ngoài bọc lá xanh, trong có nhân thuộc thể âm tượng trưng cho Đất; bánh dày hình tròn màu trắng không nhân nhụy, có gì đó rất thuần khiết là thể dương, tượng trưng cho Trời. Gạo nếp dẻo thơm là chất liệu chủ yếu làm nên bánh chưng, bánh dày đặt thờ cúng thần linh, tổ tiên và dọn bữa trong mấy ngày Tết. Theo cách nghĩ của nhân dân thì giữa Trời cao Đất dày chẳng có vật gì quý giá bằng hạt gạo bởi nó nuôi sống con người. Thóc gạo chính là sản phẩm tiêu biểu cho nền văn minh lúa nước gắn với lịch sử thăng trầm của dân tộc này hàng nghìn năm. Bao nhiêu giọt mồ hôi mặn mòi rơi xuống ruộng đồng mới làm nên được những bông lúa chín vàng thơm. Trước câu ca dao óng ánh Thân em như chẽn lúa đòng đòng/ Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai phải là cặp lục bát lam lũ: Cày đồng đang buổi ban trưa / Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày... Không chỉ đơn thuần là ẩm thực, bánh chưng, bánh dày vừa phản ánh tư duy của người Việt cổ về vũ trụ Trời tròn, Đất vuông vừa thấp thoáng bóng dáng lịch sử lại còn in dấu đậm đà trong đó ứng xử rất mực hiếu thảo của các thế hệ sau với tiền bối. Đó cũng là lý do để cặp đôi bánh chưng bánh dày được gắn với truyền thuyết về vua Hùng Vương đời thứ mười sáu đã truyền ngôi báu cho hoàng tử chân đất Lang Liêu.

Câu chuyện ấy được lưu lại mai sau làm cho Tết ta mang một tinh thần nhân văn ấm áp. Tết ta, dù ở thời nào, cái cốt lõi của nó luôn được bén rễ vào nguồn cội, luôn hướng vọng tới sự biết ơn, tri ân từ bao la trời đất đến minh chủ, người hiền tài, người hy sinh cho đất nước và gần gũi hơn, không ai khác chính là tổ tiên, ông bà của mỗi dòng họ, của từng gia đình. Mâm cỗ cúng tất niên mang một ý nghĩa tâm linh sâu sắc là con cháu mời tổ tiên ông bà về ăn Tết. Những gì được gọi là xa xưa, là dĩ vãng, là hư vô được kéo lại gần, được phục sinh, được hiển linh trong hiện tại. Không còn cách xa nữa giữa tổ tiên và con cháu trong những ngày đầu xuân. Trong làn khói hương bảng lảng ta như thấy thấp thoáng những bóng hình xưa, gần gũi thương mến vô cùng. Tục Tết Việt có mâm cỗ cúng ngoài trời và trong nhà vào lúc giao thừa thật hay. Thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, nhà nhà dâng lên trời đất, thần linh, tổ tiên những thứ tinh khiết nhất, từ chén nước, ly rượu, lá trầu tới hoa quả, bánh trái, lời khấn bài bản hay nôm na cũng hướng tới cầu mong sự an lành, may mắn. Trời, Đất, con người luôn được đặt trong mối quan hệ liên thông; cái cao rộng sâu dày không tách rời với cái nhỏ bé mong manh, vô hình và hữu hình đan quyện. Minh triết tồn tại của người Việt luôn hàm chứa sự biết ơn vũ trụ và thể hiện bản lĩnh sống không dễ khuất phục: Còn non, còn nước, còn người... Ăn quả nhớ người trồng cây cũng là một phẩm chất đẹp trong tính cách người Việt. Tết nhất, giỗ chạp là sự biết ơn những người đi trước, cái đáng nói là dân ta không coi trọng mâm cao cỗ đầy mà chú ý tới sự thành tâm.

Cái sự hướng về cội nguồn, biết ơn tiền nhân còn thể hiện trong những câu đối Tết. Không phải tự nhiên người ta lại thích những câu đối thế này: Giao thừa hái lộc, cung kính ông bà, rượu rót đôi ly, nghe lời chúc / Mồng một đơm hoa, nhớ ơn cha mẹ, trà dâng ba chén, nhận lì xì hay với những người tha hương thì: Ngào ngạt mùi hương, dẫu tại đất người, không mất gốc / Lung linh ánh lửa, dù xa quê cũ, chẳng quên nguồn. Phúc, Đức là những điều người Việt hằng mong, tâm niệm trong cuộc đời: Xuân sang cội Phúc sinh nhành lộc / Tết về cây Đức trổ thêm hoa...

Tôi thích cái từ Tết ta hơn cả vì nó thật mộc mạc dân dã mà chứa đựng nhiều gần gũi, yêu thương trong đó. Nó vang lên như một cặp âm tiết đánh dấu xứ sở cội nguồn thiêng liêng và cũng là chứng chỉ huyết thống của mỗi người dân gốc Việt dù đang ở trên quê hương đất nước hay sống xa Tổ quốc.

Tôi yêu Tết ta ở sự đoàn tụ, sum họp. Đấy chính là biểu hiện rõ nhất của lòng yêu thương. Yêu thương, bắt đầu và trước hết với những người thân của mình. Xã hội bây giờ không còn mấy gia đình tứ đại đồng đường và sự gần gũi nhau quanh năm cũng là điều khó có. Vì mưu sinh, con người tỏa đi làm ăn muôn nơi, xa cách cũng là lẽ thường, chỉ dịp xuân về Tết đến mới có cơ hội hồi hương đoàn tụ với người thân. Chính vì lẽ đó nên những người đi xa mong muốn được về quê ăn Tết dù phải chịu cảnh tàu xe lắm khi chen chúc, đường dài mệt nhọc, hành lý lỉnh kỉnh, tay bồng tay bế. Cứ nghĩ đến cảnh được sum họp với người thân trong bữa cơm chiều Ba mươi Tết, được thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên, được mừng tuổi ông bà cha mẹ, các cháu vào sáng mồng Một, được nhận lời chúc từ người khác lòng đã xốn xang rưng rưng và đủ cảm hứng, tinh thần để chịu đựng gian khó vượt muôn dặm đường xa về đón xuân với gia đình. Cái bịn rịn, bìu ríu đáng yêu, đáng trân trọng của người Việt ta là đó.

Tết ở mỗi vùng miền có những phong vị màu sắc riêng, từ ẩm thực đến cúng bái, bài trí, trò chơi... nhưng vẫn chung cái cốt lõi xuyên suốt là mừng năm mới, hướng về cội nguồn, đề cao lòng yêu thương. Cội nguồn gắn kết muôn người thành đồng bào, nối những vùng miền thành đất nước. Tự hào con Rồng cháu Tiên đã và đang kết nối những người con đất Việt lại với nhau trong sự thương yêu và bao dung của nhiều thế hệ, nhiều cảnh ngộ. Tết ta mang trong nó những cảm thông, chia sẻ xa gần, rộng hẹp. Thời kinh tế thị trường như hiện nay, khi sự phân hóa giàu nghèo đã trở thành tất yếu với những khoảng cách, so le quá lớn nhưng theo tôi sự vô cảm không phải là ứng xử phổ biến trong xã hội đương thời. Chưa bao giờ cái từ thiện nguyện lại trở nên quen thuộc ở nước ta như bây giờ. Nhiều tổ chức, cá nhân hướng về người nghèo, người không may mắn với tấm lòng thông cảm và hành động thiết thực. Chính những việc làm như vậy đã làm cho Tết ta đậm đà thêm chất truyền thống có từ thời xa xưa là thương người như thể thương thân. Tôi nghĩ, không có lòng thương yêu thì cái Tết chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Một cái Tết chỉ biết xì xụp ăn uống, vui chơi dông dài cũng sẽ tẻ nhạt mà thôi. San sẻ cho người khó, kẻ khổ một cách thành tâm cũng là để tích góp phúc đức cho mình, cho nhà. Trong dịp Tết đến xuân về thì điều đó càng ý nghĩa. Khởi đầu của một năm mới bắt đầu từ sự thanh thản, nhẹ nhõm khi biết mình đã làm được việc tốt.

Mong cho đất nước mãi bình yên để mọi nhà có cái Tết giản dị, đầm ấm, tràn ngập yêu thương. Một cái Tết có từ hàng nghìn năm nay vẫn chưa hề cũ. Tết ta!

Nguyễn Hữu Quý

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...