Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nét đẹp Tết xưa

Cập nhật: 10:23 ngày 11/02/2018
(BGĐT) - Sống ở trung tâm huyện, thành phố có điều kiện thuận lợi, chỉ cần xách làn ra chợ là có đủ thực phẩm phục vụ ngày Tết nhưng nhiều người vẫn có sở thích thưởng thức không khí Tết qua việc tự gói bánh chưng, làm mứt, đụng lợn... Dù cách chuẩn bị khác nhau nhưng ai cũng mong muốn gìn giữ hương vị Tết xưa cùng ước vọng về năm mới an lành, hạnh phúc.
{keywords}

Gói bánh chưng đón Tết.

“Đụng” thịt lợn sạch

Vài năm gần đây, dù công việc kinh doanh bận rộn song nhiều gia đình ở thị trấn Chũ (Lục Ngạn) vẫn duy trì tục đụng lợn dịp Tết. Từ giữa tháng 9 âm lịch, các hộ đã rủ nhau tìm mua con lợn khoảng 50- 60 kg đưa về một gia đình có vườn rộng để nuôi. Thức ăn dân dã chỉ có cám ngô, gạo, rau xanh để lợn ít mỡ, thịt thơm, ngon. Năm vừa rồi, gia đình anh Hoàng Trường Giang, khu Hà Thị được chọn làm địa điểm để 8 hộ đụng thịt. Mỗi người một việc, tiếng nói cười rôm rả. Sau khi mổ, lợn được đặt trên chiếc phản phủ lá chuối xanh, các phần thịt được một người khéo tay chia đều theo số hộ. Một phần dành để tổ chức bữa cơm tất niên. Mọi người cùng thưởng thức, râm ran câu chuyện làm ăn năm qua cũng như dự tính cho năm mới. 

Cuối năm, ai cũng bận rộn nhưng các thành viên trong gia đình không quên phong tục truyền thống. Tuy tốn công, tốn sức một chút nhưng bù lại, cả nhà có dịp sum vầy.

Anh Giang kể: “Dịp Tết, nhà tôi ít khi mua thịt lợn ở chợ mà thường ăn đụng với một số gia đình trong khu phố, vừa có thực phẩm ngon, sạch, rẻ, lại thêm vui”. Cũng theo anh Giang, lợn đụng thường được làm thịt vào ngày 28, 29 Tết để buổi chiều có thịt làm giò, gói bánh chưng, làm cơm cúng Tất niên và chế biến các món ăn truyền thống như: Nem, chả, thịt rán, nấu đông... Năm nay, cả nhóm đã mua một con lợn hơn 60 kg, người lớn và trẻ nhỏ đều háo hức đợi đến chiều 29 Tết để làm thịt. Từ tục đụng thịt duy trì nhiều năm, không khí Tết ở khu phố Hà Thị vui hơn, tình cảm xóm phố thêm gắn kết, bền chặt.  

Vị ngọt tình thân

Với chị Nguyễn Phương Lan, giáo viên Trường THPT Hiệp Hòa số 4, đón Tết năm nay chị sẽ làm những gói mứt ngon đậm đà hương vị quê nhà, phù hợp với khẩu vị của gia đình. Chia sẻ về đam mê này, chị cho hay: “Ngày nay các loại mứt bán trên thị trường rất phong phú, cứ ra chợ hoặc lên mạng xã hội đặt là có ngay, giá cả phải chăng nhưng tôi còn e ngại về chất lượng nên quyết định tự làm. Cái gì chưa biết thì hỏi...  google, chỉ cần vào mạng xã hội là tôi được chị em nội trợ chia sẻ rất nhiều bí quyết làm mứt ngon”. 

{keywords}

Món mứt dừa tự làm để thưởng thức trong dịp Tết cổ truyền.

Thay cho dùng phẩm màu sẵn có trên thị trường, chị Lan kỳ công chọn các nguyên liệu tự nhiên như lá dứa, lá cơm, cà rốt, gấc, bột trà... để các loại mứt có màu sắc hấp dẫn. Chỉ cần khéo léo cắt tỉa, ngâm đường vừa với sở thích là có thể chế biến món ăn ngon, sạch. Với sở trường làm các loại mứt dừa, chị thường chọn mua dừa không quá non, cũng không già để sợi dẻo, vị thơm tự nhiên. Năm nay, chị sẽ làm thêm mứt gừng, mứt quất vì đây không chỉ là món ăn mà còn là vị thuốc dân gian trị ho khi tiết trời lạnh giá. Mỗi loại mứt, chị chia đều thành gói nhỏ, một phần để gia đình sử dụng, phần còn lại làm quà tặng người thân, đồng nghiệp. Khách đến chơi nhà anh chị trong những ngày đầu năm cùng uống chén trà nóng, thưởng thức món mứt của nhà làm ra để cảm nhận không khí ấm áp của mùa xuân.

Dẻo thơm bánh chưng xanh

Sinh sống ở thành phố, nhà không rộng song năm nào gia đình bà Hoàng Thị Nguyên, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) cũng gói bánh chưng đón Tết. Hai người con của bà nay đã trưởng thành, có gia đình nhưng cứ chiều 29 Tết đều có mặt tại nhà mẹ để cùng rửa lá dong, đãi đỗ, chẻ lạt... Trong khi ông bà, bố mẹ gói bánh thì con trẻ tập gói những chiếc bánh nhỏ cho riêng mình rồi háo hức chờ nhóm củi, bắc nồi luộc. Không khí gia đình rất ấm cúng. Chỉ sau vài tiếng, hương gạo nếp, đỗ xanh, thịt mỡ quyện với mùi đặc trưng của lá dong tỏa bay theo làn khói thơm ngậy.

Theo bà Nguyên, để có nồi bánh ngon, khâu nguyên liệu phải chọn kỹ lưỡng. Lá dong không quá non hoặc quá già, có màu xanh đậm, cuống nhỏ, rửa sạch, để nơi thoáng mát cho ráo nước. Chọn gạo nếp cái hoa vàng hạt đều, ngâm khoảng 10 tiếng sau đó vo sạch, trộn đều với một ít muối trắng vừa đủ để bánh chín có vị đậm đà. Đỗ xanh, thịt ba chỉ, hạt tiêu... cũng phải lựa kỹ. Cuối năm, ai cũng bận rộn nhưng các thành viên trong gia đình bà không quên phong tục truyền thống. Tuy tốn công, tốn sức một chút nhưng bù lại, cả gia đình có dịp sum vầy.

Khôi Nguyên - Hải Vân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...