Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thị trường lao động cuối năm: Nhiều cơ hội việc làm phổ thông, thời vụ

Cập nhật: 11:02 ngày 11/12/2017
(BGĐT) - Do mở rộng sản xuất, kinh doanh, hoàn thiện các đơn hàng phát sinh nên nhiều doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tuyển lao động phổ thông, thời vụ dịp cuối năm. Đây là tín hiệu vui của thị trường, người lao động (NLĐ) có thêm cơ hội tìm việc làm.
{keywords}

Sinh viên làm thêm tại nhà hàng nướng và lẩu không khói BaiKing BBQ, số 26, đường Nguyễn Thị Lưu (TP Bắc Giang).

Nhu cầu tuyển dụng tăng cao

Theo thống kê của Phòng Tư vấn, giới thiệu việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ tháng 11 đến nay, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông, thời vụ của các DN tăng gần gấp đôi. Ví như tại phiên giao dịch việc làm định kỳ mới nhất (ngày 7-12), có 40 DN tham gia trực tiếp và đăng ký tuyển hơn 2 nghìn người. Trong số này có tới hơn 90% nhu cầu tuyển công nhân ngành may, lắp ráp điện tử, nhân viên bán hàng, phục vụ tại siêu thị, cửa hàng...

Trong bối cảnh hiện nay, lao động phổ thông, thời vụ được các nhà tuyển dụng săn đón bằng nhiều chế độ ưu đãi. Công ty TNHH Hansol Vina, sản xuất hàng may mặc với 100% vốn Hàn Quốc (KCN Song Khê - Nội Hoàng) cần tuyển gấp 150 công nhân để hoàn thành các đơn hàng cuối năm. “Dù đã đăng ký tuyển người với Trung tâm DVVL, treo băng - rôn thông báo tại cổng Công ty và một số lối ra vào KCN; đăng thông tin trên các trang mạng xã hội nhưng số người tuyển được vẫn rất hạn chế. Nếu không có đủ công nhân thì việc bị phạt khi không hoàn thành hợp đồng là điều khó tránh”, chị Thân Thị Thu Hiền, cán bộ nhân sự nói. Trước những khó khăn trên, Công ty TNHH Hansol Vina và nhiều DN khác đang hạ thấp yêu cầu về kỹ năng nghề và áp dụng những chính sách đãi ngộ. Cụ thể như: Độ tuổi có thể trên 35 đến ngoài 45 tuổi; có sức khỏe và nhiệt tình trong công việc, không cần có tay nghề; thử việc một tháng với mức lương hấp dẫn hơn 5 triệu đồng; nhiều chính sách hỗ trợ về ăn ca, đi lại, chuyên cần...

Cũng trong dịp này, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng cũng đang có nhu cầu thuê thêm lao động thời vụ. Tìm hiểu thực tế, hầu hết thu nhập của nhóm này được trả cố định theo tháng hoặc theo tuần, một số nơi theo giờ. Vì thế, đây sẽ là dịp nhiều sinh viên mới ra trường nhưng chưa tìm được việc làm hoặc tranh thủ làm thêm có cơ hội trải nghiệm thực tế, bổ sung kỹ năng nghề trong tương lai. Chị Vũ Thị Thúy, Quản lý Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên, chi nhánh Bắc Giang (TP Bắc Giang) chia sẻ: “Chuỗi cửa hàng đang cần 20 nhân viên bán hàng thời vụ (hợp đồng ngắn hạn ba tháng). Nếu lao động thử việc tốt thì chúng tôi không chỉ nhận tạm thời mà ký hợp đồng dài hạn với chế độ ưu đãi phù hợp”.

Giúp DN giải bài toán “khát” nhân lực

Để chủ động về nhân lực phục vụ các đơn hàng cuối năm, ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng: “DN nên sử dụng cả lao động nam và nữ, tạo cơ hội việc làm bình đẳng theo giới tính, lứa tuổi; đồng thời quan tâm cải tạo môi trường làm việc, bảo đảm đời sống cho công nhân để giữ chân họ. Sở sẽ tích cực tuyên truyền, mở rộng hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm ở khu vực nông thôn, miền núi".

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm DVVL được biết, tình trạng khan hiếm lao động phổ thông, thời vụ vẫn thường diễn ra vào dịp cuối năm. Nguyên nhân do thời điểm này, DN thường có những đơn hàng phát sinh nên cần người để kịp hoàn thành hợp đồng với đối tác, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng đột biến vào dịp Tết. Thêm nữa, một số DN mở rộng nhà xưởng cần tuyển gấp lao động. Việc cầu tăng – cung giảm đang là một tín hiệu vui cho thị trường lao động bởi chứng tỏ kinh tế đang có dấu hiệu khởi sắc. Nhân lực ở các công ty dần ổn định khi giới chủ cải thiện môi trường làm việc, chăm lo tốt hơn cho đời sống công nhân nên không còn hiện tượng “nhảy việc” nhiều như những năm trước.

Thời điểm này có hơn 50 DN đăng ký tuyển lao động tại Trung tâm với hơn 5 nghìn vị trí việc làm. Dự báo nhu cầu từ nay đến cuối năm còn tăng cao hơn nữa, phần lớn là lao động phổ thông, thời vụ trong ngành may mặc và lắp ráp điện tử. “Để hỗ trợ DN tìm nhân lực, ngoài dự báo tăng, giảm cung - cầu lao động, đơn vị tập trung nhân lực tối đa cho hoạt động rà soát, kịp thời nắm bắt nhu cầu của từng công ty trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giới thiệu vị trí việc làm trên trang thông tin điện tử, phiên giao dịch việc làm định kỳ, lưu động về khu vực nông thôn, miền núi, vùng cao, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN thời điểm cuối năm”, ông Huế cho biết. Về phía DN cần áp dụng đúng các điều kiện, chính sách đã đăng ký khi tuyển người để thu hút và giữ chân lao động; đồng thời, chuẩn bị trước cho thời điểm cuối năm khan hiếm lao động bằng hình thức nhận người vào học việc, đào tạo tay nghề rồi ký hợp đồng.

Mặt khác, Trung tâm hiện kết nối với hai trường cao đẳng gồm: Nghề công nghệ Việt - Hàn và Kỹ thuật Công nghiệp để tổ chức các đợt học sinh, sinh viên trải nghiệm thực tế tại những công ty có nhu cầu tuyển dụng theo ngành nghề đào tạo phù hợp. Hoạt động này không chỉ cung ứng nhân lực phổ thông, thời vụ cho DN mà còn giúp lao động trẻ được thực hành, có thêm kinh nghiệm và kỹ năng nghề sau khi tốt nghiệp.

Đỗ Quyên

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...