Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 33 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong doanh nghiệp: Tạo sự đồng thuận, gắn kết

Cập nhật: 09:30 ngày 30/06/2017
(BGĐT) - Thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở có vai trò quan trọng trong xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa giữa doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ). Thời gian qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bắc Giang đã hướng dẫn, chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai hiệu quả nội dung này, từng bước nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức trong tình hình mới.
{keywords}

Anh Lê Văn Huân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sung Woo Vina (KCN Đình Trám) thường xuyên trao đổi với đoàn viên để đề xuất xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong DN.

Tăng cường đối thoại

Thực hiện Nghị quyết số 09b/NQ-BCH năm 2016 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở trong tình hình mới, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai tới từng công đoàn cơ sở, trong đó tập trung vào khối DN. Đầu năm, LĐLĐ tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn, yêu cầu các cấp công đoàn phối hợp với chính quyền, bộ phận chuyên môn tổ chức hội nghị NLĐ. Tại đây, cán bộ công đoàn cơ sở phải định hướng, gợi ý để công nhân đề xuất các ý kiến, tập trung vào việc cải tiến môi trường, lề lối, tác phong làm việc; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ qua việc bảo đảm chế độ tiền lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thai sản, an toàn lao động...

Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh kiểm tra tại 11 công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh; giám sát việc thực hiện tăng lương tối thiểu vùng năm 2017, kết quả 100% DN có tổ chức công đoàn trên địa bàn tỉnh chi trả đúng quy định.

Thực tế cho thấy, việc cụ thể hóa và đánh giá kết quả thực hiện QCDC trong DN được phản ánh rõ nhất thông qua các cuộc đối thoại giữa chủ sử dụng và NLĐ. Từ đó, kịp thời tháo gỡ vướng mắc về quyền lợi để đôi bên tìm được tiếng nói chung. Một trong những công đoàn cơ sở phát huy tốt vai trò là Công đoàn Công ty TNHH Sung Woo Vina (KCN Đình Trám). Anh Lê Văn Huân, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, là DN 100% vốn Hàn Quốc đi vào hoạt động từ năm 2009, trong ba năm liên tiếp sau đó, DN đều xảy ra ngừng việc tập thể. Đi sâu phân tích nguyên nhân và những hệ quả của tình trạng này, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở đã xây dựng QCDC, trong đó chú trọng vào khâu đối thoại. “Đối thoại không nhất thiết theo khuôn mẫu, định kỳ mà trao đổi ngay khi có mâu thuẫn phát sinh, dù là nhỏ nhất. Chúng tôi gọi đó là đối thoại “đầu chuyền”- anh Huân chia sẻ. Khi hai bên trong quan hệ lao động đã sẵn sàng chia sẻ, lắng nghe thì tại các hội nghị, buổi đối thoại, những chế độ, chính sách luôn được công khai; NLĐ được đóng góp ý kiến, kiến nghị quyền lợi hợp pháp và giám sát việc chủ sử dụng chấp hành các quy định pháp luật.

Gắn kết chặt chẽ

Ông Nguyễn Ngọc Việt, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, việc thực hiện QCDC ở cơ sở đối với DN, đặc biệt là DN có 100% vốn nước ngoài, được các cấp công đoàn, ngành chức năng, địa phương quan tâm. Nhiều DN thực hiện tốt việc minh bạch các chế độ chính sách - một trong những nội dung quan trọng của quy chế này.

6 tháng đầu năm nay đã có 327/404 DN (có thành lập công đoàn) tổ chức hội nghị NLĐ (đạt 80,94%); 391/404 DN (đạt 96,78%) tổ chức đối thoại định kỳ, đột xuất tại nơi làm việc; 328/404 DN sửa đổi, bổ sung, ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều nội dung, điều khoản có lợi hơn cho NLĐ.

Tuy vậy, việc triển khai QCDC cũng có hạn chế như: Tổ chức hội nghị lao động theo hình thức đối phó, chưa công khai hoặc chưa để công nhân được bàn bạc và kiểm tra, giám sát các quy định về chế độ lương, thưởng, thời gian nghỉ ngơi, thai sản...; ban thanh tra nhân dân hoạt động chưa hiệu quả. Còn tình trạng nợ và chậm đóng bảo hiểm xã hội; tai nạn lao động xảy ra do DN không chấp hành các quy định về an toàn lao động... Ông Ngô Đức Thắng, Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh cho biết: “Nguyên nhân do nhận thức của một số lãnh đạo DN chưa đầy đủ. Họ cho rằng, thực hiện QCDC sẽ tạo tiền đề cho việc công nhân liên tục đòi hỏi quyền lợi, ảnh hưởng đến lợi nhuận sản xuất, kinh doanh”. Thêm nữa, hiện nay chỉ có khoảng 20% DN trong tỉnh thành lập được tổ chức công đoàn; cán bộ công đoàn cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm (số chuyên trách chiếm chưa đến 1%), phụ thuộc nhiều vào chủ sử dụng nên khó chủ động, e ngại đấu tranh, đòi quyền lợi cho đoàn viên.

Nhằm tăng hiệu quả thực hiện QCDC trong DN, thời gian tới, các cấp công đoàn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nội dung này. Tăng cường hướng dẫn công đoàn cơ sở tổ chức hội nghị lao động thường niên và đối thoại định kỳ, đột xuất giữa hai bên; cán bộ công đoàn tích cực gặp gỡ, trao đổi để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ DN và NLĐ. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cử cán bộ tích cực rà soát, nắm tình hình từng DN để đề xuất biện pháp cụ thể, phù hợp, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn phát sinh thông qua đối thoại trực tiếp. LĐLĐ tỉnh thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ công đoàn cho đội ngũ cán bộ, nhất là tạo cơ hội cho họ chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng để làm tốt vai trò cầu nối.

Tường Vi

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...