Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 28 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hạnh phúc là được yêu thương và chia sẻ

Cập nhật: 10:13 ngày 28/06/2017
(BGĐT) - Từng nhiều năm gắn bó với công tác gia đình, Thạc sĩ Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã để lại ấn tượng tốt đẹp với cán bộ, học viên trong tỉnh thông qua những lớp truyền thông về lĩnh vực này. Nhân Ngày Gia đình Việt Nam, phóng viên Báo Bắc Giang phỏng vấn Thạc sĩ Hoa Hữu Vân.
{keywords}
Ông Hoa Hữu Vân.

Thưa ông, gia đình Việt Nam hiện nay có những biến đổi gì so với gia đình truyền thống trước đây?

So với truyền thống, gia đình Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang có cả yếu tố tích cực lẫn thách thức. Về mặt tích cực, các gia đình được thụ hưởng thành quả của quá trình đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng cải thiện, hàng triệu hộ đã thoát nghèo. Vị thế của phụ nữ trong gia đình, xã hội và quyền của trẻ em được nâng lên. Hiện nay cấu trúc gia đình đang biến đổi theo xu hướng tăng tỷ lệ gia đình hạt nhân hai thế hệ (chiếm khoảng 68%), các gia đình 3 đến 4 thế hệ ngày càng ít đi. Bên cạnh đó, gia đình đang bị tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường, nhịp sống thời hội nhập trở nên gấp gáp hơn khiến thời gian dành cho nhau giữa các thành viên ngày càng ít. Con người lệ thuộc nhiều hơn vào công nghệ thông tin.

Sự biến đổi đã tạo ra những cơ hội, thách thức gì, thưa ông?

Cấu trúc gia đình hạt nhân tạo điều kiện cho các cá nhân năng động, khả năng thích ứng với nhịp sống thời hội nhập tốt hơn. Họ dám thể hiện, dám chịu trách nhiệm với bản thân mình. Đó là yếu tố tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế của gia đình cũng như đất nước. Mọi người không chỉ khuôn tròn trong phạm vi làng xã mà sẵn sàng di cư lao động để đến những vùng đất mới, các khu công nghiệp để có cơ hội việc làm tốt hơn. Nhưng ngược lại cũng nảy sinh những khó khăn trong vấn đề giáo dục, chăm sóc con cái. Một nghiên cứu mới đây của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, có tới 11,6% người lao động ở các khu công nghiệp tập trung phải gửi con về cho ông bà chăm sóc nên con trẻ rất thiệt thòi. Thêm nữa, nhiều làng quê giờ chỉ còn toàn người già, trẻ em, sự thu nhỏ quy mô gia đình đã gây khó khăn cho việc chăm sóc người già khi xã hội chưa có nhiều dịch vụ đáp ứng nhu cầu. Khi con người quá lệ thuộc vào công nghệ thì mối quan hệ gia đình trở nên lỏng lẻo, ít gắn kết, giao tiếp trực tiếp với nhau, nhiều người già cô đơn trong chính gia đình có đông đủ con cháu. Chính sự thiếu gắn kết là nguyên nhân gặm nhấm, bào mòn sự ấm áp trong hạnh phúc gia đình. Mà hệ quả của nó là tình trạng ly hôn, ly thân, tảo hôn, sống thử, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em có chiều hướng tăng, tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình ngày càng tinh vi khó lường... Phác thảo một số nét như vậy để thấy rằng trước những tác động ấy, mỗi gia đình cần nhận diện và tự điều chỉnh cho tốt hơn.

{keywords}

Hội thi nấu ăn "Cả nhà cùng vào bếp" của cán bộ, công chức, người lao động ngành giao thông vận tải Bắc Giang.

Ông nhìn nhận giáo dục đạo đức gia đình hiện nay có gì đáng bàn?

Dù là gia đình truyền thống hay phi truyền thống thì giá trị cốt lõi của gia đình Việt Nam trong mọi thời đại vẫn là yêu thương, tôn trọng, bình đẳng, chia sẻ, kính trên nhường dưới, thủy chung, hiếu nghĩa, anh em hòa thuận. Trong nhiều cuộc hội thảo tôi đã nêu đạo đức xã hội đang xuống cấp mà nguyên nhân bắt đầu từ chính gia đình. Việc giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho trẻ em bấy lâu nay chưa được quan tâm đúng mức. Thậm chí nhiều gia đình giáo dục trẻ một cách lệch chuẩn. Nếu trước đây, cha mẹ giáo dục con tỉ mỉ, từ “học ăn, học nói, học gói, học mở”, người con ngoan trước tiên phải biết “đi thưa, về chào”, lễ phép với ông bà, cha mẹ, kính thầy, yêu bạn... thì nay các tiêu chí ấy dường như mờ đi. Rất nhiều gia đình đồng nhất khái niệm trẻ ngoan phải là học giỏi, có nhiều điểm 10 và giấy khen. Thậm chí để chúng mang về những kết quả học tập tốt, bậc phụ huynh sẵn sàng phục vụ con cháu vô điều kiện và chấp thuận cả những đòi hỏi thái quá của trẻ. Cách dạy như vậy kéo dài dẫn đến hậu quả là con trẻ thiếu kỹ năng sống, vô cảm và vô tình tạo ra một bộ phận không nhỏ những công dân ích kỷ. 

Vậy giáo dục đạo đức lối sống gia đình nên bắt đầu từ đâu?

Việc này đang được toàn Đảng, toàn dân thực hiện nhưng có lẽ phải bắt đầu từ chính gia đình. Đặc điểm của giáo dục gia đình là phi trí thức nhưng lại có tác dụng rất lớn qua lời ăn, tiếng nói, bữa ăn, giấc ngủ, giao tiếp. Chúng ta hãy nhớ, trước khi dạy con mình trở thành thần đồng hay nhân tài thì hãy dạy chúng thành người bình thường, tử tế và muốn như vậy thì phải chú trọng đến giáo dục văn hóa ứng xử như: Đi thưa, về chào, lòng hiếu kính, yêu thương, biết ơn, chia sẻ...

Nhân Ngày Gia đình Việt Nam, ông muốn nhắn nhủ điều gì đến bạn đọc Báo Bắc Giang?

Theo tôi hạnh phúc không hẳn là yêu thương nhưng được yêu thương và được chia sẻ sẽ làm lên hạnh phúc. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta hãy luôn biết yêu thương, chia sẻ và tôn trọng nhau ngay trong phạm vi gia đình mình, từ đó sẽ lan tỏa những điều tốt đẹp ra toàn xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hưởng (thực hiện)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...