Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhịp mùa

Cập nhật: 07:05 ngày 18/09/2021
(BGĐT) - Quê mình đẹp quá. Không ít lần ông Khiêm tự thốt lên như thế. Ông thốt lên như vậy là bởi nhiều bà con ở vùng cũng đã nói nhiều về sự đổi mới của quê hương mình rồi. 

Khi đó ông vẫn chưa thật sự ưng. Sáu năm qua, khi đường liên xã được mở rộng, ông bắt tay cùng bà con trồng đường hoa nông thôn mới trong làng, dẫn ra đường trẻ em đi học, dẫn ra đồng thì ông mới trọn vẹn tin là quê mình đẹp thật.

{keywords}

Minh họa: Đinh Hương 

Một số người bảo ông chịu khó, năng nổ nhưng cái gì cũng đặt yêu cầu cao quá nên mọi người khó theo. Ông cười bảo, ơ hay, đến xây dựng nông thôn mới, người ta cũng phải đặt các mục tiêu nâng cao nữa là. Những nơi đã về đích đâu phải là dừng ở đấy, mà phải không ngừng tiến lên, các tiêu chí cũng phải cao lên! Mọi người công nhận thế là phải lắm.

Sau ngày thống nhất non sông, ông Khiêm trở về với những vết thương chẳng bao giờ thôi nhức tấy. Nhưng thương tật chẳng làm khó được ý chí của người lính Bộ đội Cụ Hồ. Ông cùng vợ vẫn hăng say sản xuất, thầu khu đầm năm đó còn bỏ hoang để cải tạo, xây dựng mô hình phát triển kinh tế. Ngay cả vợ chồng ông cũng không biết mình đã đổ bao nhiêu công sức vào đấy. Sau hai năm cải tạo, vợ chồng ông Khiêm có một khu chăn nuôi, trồng cây ăn quả ưng ý. 

Đời là khúc quân hành. Ông tin khi người ta có nghị lực, khó khăn nào cũng vượt qua. Ông bà tằn tiệm, tăng gia, nuôi được ba con ăn học tử tế. Con trai cả làm ngân hàng, con gái thứ hai làm ngành y, con trai út học nông nghiệp, về quê tiếp nối bố mẹ làm trang trại, với ước mơ sau này có thể mở khu trồng rau sạch, cung cấp cho thị trường. Ông mãn nguyện về những tính toán làm ăn tiên tiến của các con.

Khi con trai út đã “đủ lông đủ cánh”, ông nhường vị trí chủ trang trại cho con để cậu chủ động công việc, mở rộng, tìm đầu mối tiêu thụ. Còn ông về lại ngôi nhà gần trường làng để trồng cây cảnh, đọc sách. Ông nghĩ, con cái đã đàng hoàng, không phải chật vật kiếm ăn nữa, đến lúc phải sống cho bản thân. Nhưng khi “sống cho bản thân” ông lại thấy mình an nhàn quá, trong khi đó trẻ em nông thôn lúc nào cũng cắm đầu vào các trò chơi điện tử. 

Ông muốn làm điều gì đó để giúp các em. Sách có thể giúp làm việc đó. Vậy là ông kết nối, mua, xin, tìm các nguồn ủng hộ về sách để đưa về nhà, sửa sang lại phòng làm thư viện, mời mọi người đến đọc miễn phí. Với trẻ em, ông tìm kiếm các loại truyện thiếu nhi, truyện tranh hấp dẫn. Đọc sách bồi bổ tâm hồn, mở rộng tầm nhìn, nếp sống cho cả trẻ em, người lớn. Chỉ trong ba tháng, ông đã có một thư viện làng với hơn hai nghìn đầu sách. 

Sự luân chuyển của các mùa cũng nhịp nhàng, giao thoa, tạo nên sự tiếp nối đẹp đến thuần phác của cuộc sống. Khi ông còn đằm lòng nghĩ đến thuở xa xưa, thì có tin nhắn của hai đứa trẻ: “Ông ơi, chúng cháu đến mượn sách của ông về đọc ạ…”. Ông nhắn lại “ông về ngay đây”. Rồi cười. Phải thế chứ, đọc đi, khi ham đọc sẽ tìm được những lẽ sống đẹp và có thể hiểu được ngôn ngữ của hoa.

Ban đầu, người đến thư viện vì tò mò, sau đó thấy sự hữu ích rõ nét thì động viên con cháu đến mượn sách. Hiệu quả rõ nét là nhiều trẻ em đã tìm đến sách. Nhiều người hỏi vì sao ông lại nghĩ đến thư viện? Ông trả lời: “Tôi đã xem trên vô tuyến nhiều tấm gương lập thư viện. Tôi nghĩ, gần mực thì đen, gần sách cũng sẽ sáng. Cứ gần cái gì thì người ta ảnh hưởng bởi cái đó. Gần sách chẳng phải tốt gấp ngàn lần các trò chơi điện tử hay sao? Con chữ linh thiêng lắm, con chữ biết xui khiến những cái đầu trở nên sáng láng”.

Không chỉ thế, ông Khiêm thấy Ủy ban nhân dân xã phát động xây dựng nông thôn mới, động viên người dân làm đẹp xóm làng, bảo vệ môi trường, trồng hoa ven đường. Ở gần hoa con người cũng sẽ sáng, sảng khoái. Hoa là một phần của thiên nhiên. Hoa biết cách nói với con người những điều ý nhị và rộng lượng, hiến dâng tận cùng. Ông Khiêm cùng cán bộ thôn, đoàn thanh niên trồng hơn hai cây số hoa ven đường. 

Nào chiều tím, dừa cạn, mười giờ, cúc. Tất cả tiền giống ông tự nguyện đầu tư. Đoạn đường nào có nhà dân, ông phối hợp cán bộ thôn vận động người dân đặt các chậu hoa giấy, sử quân tử, nguyệt quế và các hộ dân tự bỏ tiền. Việc sắp xếp các chậu hoa được tính toán hợp lý sao cho ngăn nắp và phát huy được vẻ đẹp của từng loài. Điều đó cũng thành hiện thực, khi người dân quyết tâm xây dựng vùng quê đáng sống. Đáng sống không chỉ là giàu có, cơm ngon áo đẹp, mà còn bởi không khí và những sắc hoa cười.

***

Đang chuẩn bị các chậu nguyệt quế tặng người dân thì ông Khiêm nghe tiếng gọi. Ông Khiêm nhìn ra:

- Ai gọi tôi đấy?

Ông Khiêm thấy một người chạc tuổi mình, đứng cạnh chiếc xe máy, dong dỏng cao, đôi mắt sáng. Sững ra một hồi, rồi ông Khiêm òa lên:

- Ôi, ông Cung! Ông Cung phải không?

- Là tôi đây. Cung đây!

Ông Khiêm đẩy xe cho ông Cung vào sân, rồi mời ông Cung ngồi ở bàn trà, xung quanh là cây cảnh và nhiều loại hoa. Phía sân trong còn có cây thị, đang mùa quả thơm nức.

- Cơn gió nào đưa ông đến đây thế này?

Ông Cung bảo mình có một nỗi canh cánh mà sau nhiều năm đằng đẵng nghĩ suy, đến nay mới dám tìm đến để nói chuyện, gọi là cho nhẹ cõi lòng.

Ông Cung và ông Khiêm vốn cùng làng, lên đường nhập ngũ cùng ngày. Khi xuất ngũ trở về địa phương thì cả hai đều muốn cưới bà Hảo, vợ ông Khiêm bây giờ. Ngày xưa ở làng, những người trẻ chơi chung với nhau. Bà Hảo quý cả hai nhưng khi các ông hoàn thành nghĩa vụ với đất nước, cả hai đều ngỏ lời, bà chỉ được chọn một. Bà đã chọn ông Khiêm để phần nào bù đắp cho những vết thương của ông, chăm sóc ông. 

Còn ông Cung là người khỏe mạnh, “lấy ai mà chẳng được”. Khi bị từ chối, ông Cung tỏ ra hậm hực. Ngày cưới của hai người bạn, ông chỉ đến mừng rồi cáo ốm về. Sau đó ông Cung theo anh trai lên vùng Yên Thế lập nghiệp, rồi ở lại đó, xây dựng gia đình. Ông Cung cũng hiếm khi về lại nơi chôn nhau cắt rốn. Có chăng cũng chỉ chốc lát, ông lại về Yên Thế.

- Giờ đây cuộc sống của ông thế nào? - ông Khiêm hỏi.

- Vẫn tốt lắm ông ạ. Hai mươi năm qua, tôi cũng đã cố gắng nghiên cứu giải mã các phiên hiệu, ký hiệu trong giấy báo tử rồi vào những cánh rừng nơi chiến trường năm xưa và chiến trường nước bạn Campuchia để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, đồng đội mình. Từ đó cùng các cấp chính quyền và thân nhân gia đình đưa liệt sĩ ở các nghĩa trang trở về quê hương. Tôi làm vậy để trả ơn đồng đội.

Ông Khiêm rót thêm nước mời, rồi nắm tay đồng đội:

- Tôi đọc báo, cũng biết tin về ông. Đúng là một người có tâm, nhiệt huyết với đồng đội, với các liệt sĩ. Sự vất vả của ông, tôi rất nể. Tôi mong có dịp lên thăm ông. Nhưng phần vì công việc, phần vì ngại ông vẫn còn giận tôi.

- Vâng, tôi hiểu - ông Cung nói rõ từng lời - Hôm nay tôi về đây cũng vì việc đó đây. Thực ra tôi cũng biết tin về tấm gương ông. Ông tâm huyết với quê hương lắm. Tôi muốn chúng ta không còn hiềm khích gì nữa. Chuyện cũng lâu quá rồi. Ngày đó đúng là tôi không phải. 

Hai chúng ta đều thương quý bà Hảo, nhưng chọn ai là quyền của bà ấy. Tôi không có quyền giận bà ấy và trách ông. Nhưng tôi thực sự đã ôm trong lòng sự căm ghét và quyết theo anh trai ra đi. Nói thật, tôi yêu bà ấy hơn ông nhiều, nhưng có lẽ đó là ý trời.

Ông Khiêm hơi lặng đi, ông Cung tiếp:

- Nhưng tôi cũng may mắn lắm ông ạ. Về Yên Thế, tôi gặp vợ tôi bây giờ. Bà ấy là người chất phác, chịu hy sinh. Bà ấy ủng hộ tôi trong việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ. Nếu không có sự thông cảm, hy sinh, làm sao tôi làm việc nghĩa được.

Ông Khiêm thở phào:

- Vậy là, cả hai chúng ta đều may mắn. Chúng ta đều có được người phụ nữ đồng cam cộng khổ.

Lúc này, bà Hảo vợ ông Khiêm đi chợ về, nghe đến những từ “người phụ nữ đồng cam cộng khổ”, và nhìn thấy ông Cung, bà lặng đi. Nhưng rồi bà tự xua tan ngại ngùng.

- Ông Cung, ông Cung đó phải không?

Cả hai người cựu binh nhìn bà Hảo. Ông Cung đứng lên:

- Bà đi chợ về đấy à? Đúng là tôi đây. Có tuổi rồi mà bà vẫn đẹp lắm.

- Gớm, cái đói cái khát những năm xưa nó chả vắt kiệt sức rồi còn đâu. Nay thì hom hem lắm rồi ông ạ. Chẳng hay, ông vẫn khỏe chứ?

Ông Cung cười khơ khớ, ông vỗ vào ngực mình:

- Khỏe chứ, không thì sao hôm nay đi xe máy về đây gặp đồng đội cũ được!

Bà Hảo xin phép đi nấu cơm, nhường không gian tâm sự cho hai ông, suốt mấy chục năm nay mới tìm gặp nhau. Ông Cung khen ông Khiêm tốt phúc, nhưng cũng khen số mình may mắn.

- Tôi đến để xin lỗi ông bà vì đã có ý giận dỗi, mang một chút thù hằn với những người mình đã quý mến, tôn trọng. Ông bỏ quá cho để tôi cũng đỡ ngại khi trở về quê và để còn thoải mái gặp ông.

Ông Khiêm từ tốn:

- Vâng, không vấn đề gì đâu mà phải xin lỗi. Chúng ta là đồng đội, người cùng làng. Từ nay cứ thoải mái mà trò chuyện, gặp gỡ. À này ông ơi, dịch giã ở quê hương chúng ta khống chế được rồi, nhưng nhiều tỉnh, thành phố còn phức tạp, tôi cũng đã ủng hộ số tiền khá lớn cho Quỹ Vắc - xin phòng Covid-19. Nhưng còn đồng đội chúng ta, hiện đang ở những vùng phong tỏa, cách ly, ông có cách nào liên hệ…?

Ông Cung vỗ mạnh hai bàn tay vào nhau. Đó là điều ông cũng đang nghĩ đến và muốn bàn với ông Khiêm. Ông Cung mở điện thoại, tìm những đồng đội ở tận Bình Dương rồi xin số điện thoại người ở Đồng Nai, Đà Nẵng…Chẳng bao lâu, các ông đã có số của hơn mười đồng đội hiện còn sống.

Chiều đó, sau khi tiễn ông Cung trở lại nhà một người họ hàng cùng làng, ông Khiêm đi trên đường làng hoa đang khoe sắc. Ông Cung bảo: “Tôi sẽ hỏi thăm từng người để xem hoàn cảnh thế nào, rồi tôi báo ông để bàn phương án hỗ trợ”.

Mùa thu đã về trên quê hương với mùa quả thơm ngát. Ông nghĩ về những ngày trẻ, mùa xưa trong quá vãng, nay trỗi dậy với bao kỷ niệm đẹp. Người đồng đội đã giải tỏa cho ông nỗi canh cánh rất nhiều năm. Có lúc ông từng nghĩ mình sẽ đi tìm bạn nói chuyện, vậy mà, hôm nay ông ấy đã tìm đến… 

Ông Khiêm dừng bên đầm sen. Mùa thu sen đã tàn nhưng thi thoảng vẫn còn những chiếc lá xanh, những bông hoa như đốm lửa nhỏ. Hoa cỏ thật tuyệt diệu, cứ như con người, lúc nào cũng muốn bừng lên sức sống. Sự luân chuyển của các mùa cũng nhịp nhàng, giao thoa, tạo nên sự tiếp nối đẹp đến thuần phác của cuộc sống. 

Khi ông còn đằm lòng nghĩ đến thuở xa xưa, thì có tin nhắn của hai đứa trẻ: “Ông ơi, chúng cháu đến mượn sách của ông về đọc ạ…”. Ông nhắn lại “ông về ngay đây”. Rồi cười. Phải thế chứ, đọc đi, khi ham đọc sẽ tìm được những lẽ sống đẹp và có thể hiểu được ngôn ngữ của hoa.

Truyện ngắn của Nguyễn Văn Học

Cây đa hồn làng
(BGĐT) - Tin đồn về việc xã quyết định chặt bỏ cây đa giữa làng để mở con đường trong chương trình xây dựng nông thôn mới loang ra làm nóng lên khắp làng trên xóm dưới. Ai cũng tỏ ra thạo tin. Ai cũng có chính kiến của mình. Đến cả trẻ con chúng cũng tranh khôn rằng phải thế nọ, phải thế kia. Quán nước bà Huê dưới gốc đa trở nên rôm rả hơn bao giờ hết.
Hồn xoan
(BGĐT) - Sớm mai, nhà ông Khắc có tiếng khởi động của cái xe máy cóc ghẻ, con cub 81 cổ nhất còn sót lại của làng Cổ Cò. Ngày trước nó long lanh lắm. Kim vàng giọt lệ. Cúp tôm, yếm trắng. Vỏ nhựa màu cọ rêu bóng loáng... 
Vị muối
(BGĐT) - Nhiều người bảo biết gì khổ nấy. Ông Hỏa không công nhận. Thế ông biết buôn kiếm tiền nuôi vợ con cũng khổ à? Mấy chục năm bươn bả bán muối khiến mùi mồ hôi túa ra cũng xè xè mặn. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...