Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tiếng còi tàu

Cập nhật: 16:11 ngày 05/02/2021
(BGĐT) - Mùa đông, đêm ập xuống rất nhanh. Nghe rất rõ tiếng gió xào xạc trong vườn cây, tiếng nước chảy róc rách ở cống đầu ngõ. Trong nhà, Phượng vẫn thao thức. Như thường lệ mọi đêm cô chờ đợi những tiếng còi tàu quen thuộc vẳng từ sau núi Đinh. 

Cứ tầm mười giờ đêm từ phía ấy rộn rã vang lên ba hồi còi dài. Anh ấy bảo: “Một hồi còi để báo cho mọi người đi lại trong đêm được biết, một hồi còi tiếp theo để báo cho mẹ và hồi còi cuối cùng là dành cho em”. Nhưng mấy đêm nay rồi bắt đầu từ những ngày mưa to, lũ lụt lớn kèm theo sụt lở đồi núi làm nhiều người chết và bị thương, đổ cả tàu xe thì những tiếng còi tàu âm vang và rất đỗi thân yêu ấy đã vắng lặng. 

Thế là bắt đầu từ ngày đó nằm nghỉ ở nhà chờ sinh nở, Phượng bồn chồn lo âu. Không hiểu chuyện gì đã xảy ra với chồng mình. Bao năm nay anh ấy có lãng quên tiếng còi tàu đâu. Ví thử nghỉ lái hay chuyển việc anh đều điện báo về nhà. Tết sắp đến. Cô cũng sắp tới ngày sinh con. Bao việc gia đình trông cậy vào anh. Cô gầy đi trông thấy. Bà cụ ít nói hẳn, chỉ thỉnh thoảng nhắc con dâu: “Con đã sảy thai hai lần trước rồi, giờ lại đang ốm, chớ có nghĩ ngợi lại hại đến đứa con trong bụng”. Phượng để ý bà cụ ngủ và ăn uống ít đi, hay chạy sang nhà anh Thi ở xóm bên. Chả là anh ấy chạy công văn, thư từ, báo chí của xã.

{keywords}

Minh họa: Đinh Hương

Chiếc đồng hồ đặt ở trên mặt tủ vẫn vội vã vang lên những tiếng tích tắc sắc gọn. Trong đêm, cái tiếng ấy nghe mới rành rọt và gấp gáp làm sao. Thỉnh thoảng cái thai trong bụng lại khẽ cựa mình, đạp nhói lên. Nó đạp khỏe thế này, có lẽ là con trai. Phượng mỉm cười với ý nghĩ lặp lại bao lần của mình. Nhưng anh ấy lại thích con gái cơ. “Con gái tình cảm chứ con trai chỉ tổ nghịch, lêu têu, bộ dạng gì.” Anh trông chờ đứa con từng tháng từng ngày và bao giờ cũng quả quyết rằng đứa con sinh ra nhất định là con gái và sẽ giống mẹ như đúc. 

Lần nào về nhà, anh cũng dặn vợ phải hết sức giữ gìn sức khỏe, không được nghĩ ngợi nhiều. Anh biết Phượng là người cả nghĩ, dễ xúc động mà lại mắc bệnh tim. Lần sảy thai đầu, nghe tin cậu em bị dập xương phải đi cấp cứu khi ngã xe máy, Phượng đã ngất. Và thế là bị sảy thai. Hoàn cảnh của Phượng cũng khổ. Bố Phượng là một tài xế giỏi, ấy thế mà chỉ do sơ ý đã bị thiệt mạng khi lái xe tải qua đèo Gió. Mẹ Phượng sau cái tang ấy cứ ốm quặt ốm quẹo mấy tháng trời rồi mất. Hồi đó Phượng lại bị sảy thai lần nữa. Anh Phượng đã hy sinh ở chiến trường biên giới từ năm 1979, giờ gia đình chỉ còn mỗi hai chị em.

Bên kia giường, bà cụ vẫn nằm im, chẳng hiểu thức hay ngủ. Bà cụ đã ngoài bảy mươi, chồng mất đã lâu. Bao nhiêu việc lớn nhỏ trong nhà đều do bà cụ lo toan hết. Suốt ngày bà không lúc nào ngơi tay ngơi chân. Được cái, bà còn khỏe. Xa không nói chứ độ một hai cây số thì bà vẫn gánh băng băng ba bốn chục cân. Ao ước của bà là sớm được bế bồng cháu nội. Cái Mừng thì lấy chồng xa, tít tận Hà Giang. Cái Vui lấy chồng gần hơn nhưng cũng cách đây hơn chục cây số. 

Thấy Chúc đã hai bảy, hai tám tuổi đầu vẫn chưa tính chuyện vợ con, bà cụ sốt ruột quá. Cụ biết ý anh lấy vợ phải là giáo viên cơ. Khổ, gần ba chục tuổi đầu mà vẫn nhát gái lắm. Cứ để cậu ta tìm hiểu thì có năm mùng thất. Thế là bà cụ bắt đầu xem mặt, thăm dò ý tứ mấy cô giáo trường làng. Cuối cùng bà ưng ý nhất vẫn là Phượng. Cô này mặt mũi xinh xắn, có tiếng là tận tình với học trò, ăn nói dễ nghe. Chẳng bao lâu căn nhà ngói năm gian của bà cụ đã trở thành nơi học nhóm ngày nghỉ của lũ trẻ xóm Trại. Chính nhờ có chỗ học ổn định như thế, cô Phượng đến thăm, bảo ban các em. 

Ý bà cụ cũng chỉ mong vậy. Bà được trò chuyện tự nhiên với cô giáo không phải kiếm cớ đến trường nữa. Thỉnh thoảng Chúc về thăm nhà. Bất chợt gặp Phượng, lòng anh cũng thấy xôn xao, ao ước, chỉ tội ngồi trò chuyện anh cứ ngượng ngập thế nào, giọng cứ khô như ngói, chẳng đâu vào đâu. Một buổi, bà cụ bảo con trai: “Tao muốn vun vén mày với cô giáo Phượng. Ý mày thế nào?". Chúc đỏ bừng mặt. Nếu được như vậy thì anh hạnh phúc quá nhưng chắc khó thành. Chúc mặc cảm với mình. Cô ấy xinh đẹp là thế, đâu thèm để ý anh chàng lái xe lửa có nước da đen nhẻm, vụng ăn vụng nói. Nhưng từ lần mẹ nói câu ấy, Chúc năng về nhà. Anh đâm ra nhớ Phượng. Rồi một lần anh thổ lộ lòng mình trong lá thư nhờ đứa cháu họ đang học chuyển tới cô...

Phượng trở mình. Ở ngoài kia trong vườn, gió vẫn lào xào thổi, lũ côn trùng rỉ rả kêu. Bỗng từ sau núi Đinh, ba hồi còi dài gióng giả vang lên. Phượng bồi hồi lắng nghe. Cái âm thanh ấy sao mà thân thương ấm áp đến thế. Ơ, nhưng mà hồi còi đầu sao lại ngắn đến thế? Còn hồi còi thứ hai, thứ ba lại lâu và gấp gáp như vậy? Chả lẽ ai lại kéo thay? Vớ vẩn chưa. Phượng mỉm cười. Ai người ta biết chuyện vợ chồng mình. Chắc là đêm nay anh ấy nghe tin mình đã nóng ruột lắm nên mới kéo còi khác thường. Hay là tại mình nghe không kỹ, cứ tưởng tượng như vậy? Dẫu sao anh ấy đã kéo còi tàu. Cô chợt thấy ở giường bên, có tiếng kêu cọt kẹt khe khẽ… Những hồi còi đã tắt, giờ chỉ còn nghe tiếng tàu xa dần. Phượng mỉm cười rồi ngủ lúc nào không biết.

Xế trưa. Một thanh niên phóng xe máy vào đường xóm Trại. Chiếc xe dừng lại đầu ngõ vào sân căn nhà ngói năm gian.

Trong nhà, bà cụ hỏi vọng ra: - Ai đấy?

- Đố mẹ biết.

Bà cụ nghe giọng nói quen quen nhưng không nhận ra ai. Bà ra bậc của, kêu toáng lên:

- Thằng Độ ! Mẹ cái Thảo ơi, anh Độ về đây này. Thế thằng Chúc đâu?

- Cứ từ từ mẹ ơi. Con sẽ bẩm báo sau.

Phượng đang nằm trong buồng vội ôm con trở ra:

- Anh Độ à. Lâu quá rồi bà với em mới được gặp anh. Nhà em không về cùng ạ?

Bỗng chốc nỗi bồn chồn, lo lắng về chồng cộm lên trong lòng cô, dẫu nửa tháng nay tiếng còi tàu vẫn đều hằng đêm. Chả lẽ anh ấy bận công việc đột xuất.

Bà cụ nhỏ nhẹ:

- Cái hồi mẹ cái Thảo sắp sinh, tôi lo quá. Tàu vẫn qua đây mà cấm có còi. Thì thằng Chúc đã bảo tôi: “U cứ nghe ba tiếng còi là biết con vẫn khỏe mạnh và công tác tốt. Đêm nào vào tầm giờ ấy, con cũng làm vậy.” Độ ấy chỉ vắng tiếng còi vài ba đêm mà cả mẹ con tôi đều lo quá. Nghe đài nói bão lũ lụt lở đất lở cát, đổ cả tàu, xe cứ nghĩ quẩn nghĩ quanh. Nói thực, dạo đó mà không có tiếng còi về sau thì tôi và cái Phượng lăn ra ốm mất. Lo nhất là cái Phượng.

Độ cười ha hả, nói oang oang:

- Mấy hôm ấy Chúc có việc gấp phải chở hàng vào Nam nên không đi ngược Bắc. Dạo này cậu lại được giao vào Nam với công việc mới, phải tuần nữa mới trở lại việc cũ. Chúc nhận được điện thoại của Phượng phấn khởi quá. Hì, ao sâu lợn nái không bằng gái đầu lòng. Đúng là cầu được ước thấy. Nào, bé Thảo đâu - Độ đón đứa bé từ tay Phượng - Chà, trắng lắm. Về khoản nước da thì đích thị của mẹ, còn cái mũi, cái môi đúc từ bố rồi...

Đã đến lúc phải trở về, Độ lôi trong cặp ra gói giấy báo dày cộm:

- Bà ơi, Chúc gửi cháu gói quà đặc biệt này. Hình như tiền và thư từ gì đấy cho cả bà và Phượng. Chốc nữa Phượng mở ra sẽ biết…

Độ vui vẻ dắt xe máy ra đầu ngõ. Thế là anh đã làm trọn với bạn. Giữa tuần sau Chúc mới ra viện. Cũng lâu thật. Hẳn Chúc nóng ruột ghê lắm, nhất là đã cuối năm. Tết đến nơi rồi, nằm bệnh viện cũng nửa tháng rồi...

Không có trận lũ lụt khủng khiếp nào như trận lũ lụt vừa rồi. Xế chiều, khi đoàn tàu chở đầy ắp hàng hóa vừa dời ga Đặng thì mưa tầm tã, mưa như trút. Bầu trời đen kịt. Mưa tứ bề. Nhưng khác mọi lần, nước lũ dâng lên rất nhanh. Ào ạt nước. Sùng sục nước. Núi lở. Cây cối đổ ngổn ngang và cứ thế lừng lững cuốn theo nước. Rồi gió bão. Gió nổi lên dữ dội, quay quắt, gầm rú. Đoàn tàu dài dằng dặc ngâm trong nước dâng cao ngập đường ray, ráng sức đi. “Phải vượt lên đèo”. Chúc hét váng lên. Đoàn tàu cố vượt khỏi vùng đất trũng.

Trời đã tối mịt. Xung quanh tàu chỉ thấy những vật đen sì lậm lừ trôi và tiếng sóng vỗ oàm oạp.

- C…ứ…u tôi v…ơ…í....

Nghe tiếng thất thanh của ai đó ở mạn đầu máy, Chúc cúi xuống nhìn. Bỗng anh “ối” một tiếng và ngã nhào xuống nước. Trong lúc hoảng loạn, người đàn bà lâm nạn đã kéo giật tay Chúc làm anh rơi xuống. Vừa lúc ấy một khúc gỗ to méo mó lao vào anh. Độ kéo Chúc và người đàn bà bị lũ cuốn lên tàu và thay Chúc lái tàu. Ngay sau đó, Chúc được đưa vào bệnh viện trên đường.

Hôm sau, Độ tới thăm Chúc. Vết thương khá nặng, phải mất nhiều ngày điều trị. Trong lúc tỉnh táo, dù người vẫn nóng hầm hập, băng quấn quanh, Chúc dặn Độ nhớ kéo ba hồi còi như mọi hôm. Độ hiểu vì sao phải làm như vậy khi biết vợ bạn sắp đến ngày sinh lại mắc bệnh tim, rất dễ xúc động.

Thế là sau mấy ngày im lặng, tiếng còi tàu đêm lại rành rọt vang lên sau núi Đinh. Buổi đầu tiên kéo còi, Độ nóng ran người, bồi hồi, thân thương quá. Anh kể cho người phụ lái trẻ tuổi của mình vì sao qua một vùng quê miền núi ven chân núi Đinh vắng vẻ, yên tĩnh này lại kéo ba hồi còi…

Truyện ngắn của Đỗ Nhật Minh
Trong làn gió mỏng
(BGĐT) - 1.Trời ấm dần. Góc quê bình yên. Phía xa dòng khói mỏng vấn trên lũy tre. Không khí chuẩn bị cho cái Tết tất bật mà thú vị. Từ lâu mẹ đã xăng xái chuẩn bị măng, đậu xanh, gạo nếp Phì Điền, miến, mỳ Chũ. Ba tháng trước mẹ mua giống gà đồi Yên Thế về nuôi để dành dịp Tết.
Nhịp cầu chốn Ải xa
(BGĐT) - Từ khi nghỉ hưu, tôi không có nhiều cơ hội như thời chân cứng đá mềm để ngược đèo leo dốc. Dẫu vậy, bằng đôi chân ấy, hành trang mang theo hôm nay ngoài những vật dụng quen thuộc là những ký ức xa xăm một thời Sa Lý, Lục Ngạn (Bắc Giang). 
Giọt máu đào
(BGĐT) - Khi bà nội tôi sinh đến người con trai thứ ba thì họ hàng, làng xóm đều bảo: “Ông bà Tâm cố mà đẻ thêm một cô công chúa kẻo tam nam bất phú”. Ông tôi bảo bà tôi: “Đẻ thì đẻ sợ gì. Trời sinh voi khắc trời sinh cỏ. Bà cứ đẻ hết trứng cho tôi, thể nào cũng được con gái”. 
Chợt thấy thương ai
(BGĐT)- Công ty sẽ tổ chức đoàn công tác đi Hà Giang. Quý Hương thấy lòng có chút gờn gợn. Cô biết chắc thành phần đoàn công tác không thể nào vắng mình - với tư cách sếp phó phụ trách chuyên môn và cô ta, chuyên viên trong lĩnh vực đó.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...