Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nghĩ và cảm từ một áng thơ xưa

Cập nhật: 07:00 ngày 18/04/2020
(BGĐT) - Trong khi cả nước đang tiến hành cuộc “kháng chiến” toàn dân để cùng thế giới đuổi dịch Covid-19, tôi bỗng nảy sinh những so sánh thú vị về không khí chống dịch những ngày này với hoàn cảnh ra đời của bài thơ Nguyên Tiêu (Rằm Tháng Giêng) của Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác năm Mậu Tý (1948). 

Bài thơ tứ tuyệt bằng chữ Hán Nguyên Tiêu được nhà thơ Xuân Thủy dịch ra thể lục bát:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi,

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân;

Giữa dòng bàn bạc việc quân,

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

Hiếm có bài thơ chữ Hán nào có bản dịch mượt mà và sáng tạo như tác phẩm này. Bản dịch đã lột tả hồn cốt của cả cảnh lẫn tình trong nguyên tác.

{keywords}

Minh họa.

Trước hết là bức họa ghi lại một khoảnh khắc tuyệt diệu của đêm rằm trên sông nước khu căn cứ địa.

Trong câu thơ đầu, ghi rõ thời khắc nhân vật trữ tình ngắm trăng. Từ trên thuyền, thi nhân cảm nhận hình ảnh của trăng đang độ tròn trịa nhất, sáng láng trên nền trời. Phải là một nền trời cao trong lắm thì người ngắm trăng mới nhận thấy trăng tròn vành vạnh như thế.

Nếu câu đầu tả nền trời xuân thì câu thứ hai tả mặt sông xuân. Ánh trăng lan đến đâu là nét xuân hiện rõ đến đấy. Nước trời như liền một dải mênh mang vô tận. Sự nối kết ấy khiến không gian tuy bao la nhưng không trống vắng, lạnh lẽo. Cả vầng trăng, dòng sông và bầu trời như đan kết, gắn bó trong một mối giao cảm ấm áp, ngời sáng đến kỳ lạ. Đây cũng là một trong những đặc điểm tiêu biểu của thiên nhiên trong thơ Hồ Chí Minh.Câu thứ ba thực hiện đúng chức năng của câu chuyển, là cái bản lề khép mở mối quan hệ giữa cảnh và người. Câu thơ “Giữa dòng bàn bạc việc quân” lại mang đến một luồng sinh khí khác. Những con người xuất hiện ở nơi sâu thẳm mông lung, bồng bềnh khói sóng kia không phải những ẩn sĩ lánh đời mà là những chiến sĩ đang luận bàn việc quân để thay đổi cuộc đời, số phận cả một dân tộc. Lược đi những yếu tố thi vị thì bài thơ vẫn mang dấu ấn của một thời điểm đáng nhớ trong lịch sử - Khi chiến dịch Việt Bắc Thu – Đông vừa thắng lợi nhưng con đường phía trước của Cách mạng còn cam go. Sự kiện “bàn việc quân” được diễn ra tại nơi khói sóng mịt mờ là để bảo đảm tính bí mật, an toàn, tránh tai mắt của kẻ thù. Hiểu như thế thì phải chăng cái không khí thơ mộng, yên tĩnh, vắng vẻ của đêm Nguyên Tiêu cũng là khoảng lặng tạm thời giữa những cơn bão sắp tới của cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại? Và từ nơi đây sẽ tạo ra tâm bão để quét sạch quân thù?

Câu thơ cuối cùng hội tụ lại tất cả vẻ đẹp của cảnh và người, ghi lại khoảnh khắc con thuyền từ giã khói sóng mịt mù mang theo đầy ắp ánh trăng trở về. Có thể dành rất nhiều lời hay ý đẹp để bình về câu thơ này vì nó mang nét đẹp gần gũi với hình ảnh thuyền chở trăng quen thuộc trong thơ xưa; vì nó như một thông điệp khẳng định chất thi sĩ trong tâm hồn nhân vật trữ tình. Song ở đây, tôi muốn nói đến hàm nghĩa sâu xa hơn. Đây là con thuyền chở những lãnh tụ tối cao của lực lượng Cách mạng tìm nơi bí mật để họp bàn việc quân. Hiểu như thế thì chất xuân, nét xuân trong bài thơ vừa mang nghĩa thực nhưng cũng có thể hiểu là biểu tượng của hy vọng vào tương lai.

Bài thơ đã diễn tả được sự viên mãn ánh trăng của con thuyền chở trăng, sự viên mãn của đất trời ở độ giữa xuân và nhất là sự viên mãn tràn đầy thi hứng của con người sau khi đã tạm bàn xong việc quân. Điều đáng cảm phục nhất ở vị lãnh tụ tối cao Hồ Chí Minh lúc này là tâm thế. Trong những thời khắc cam go của đất nước, Người vẫn bình thản, lạc quan. Hơn thế nữa, như trong nhiều bài thơ khác, vẫn đắm mình trong những xúc cảm về vẻ đẹp của thiên nhiên, tạo vật. Không để những khó khăn của hoàn cảnh không làm nhiễu động tâm hồn thanh cao, yêu cái đẹp của Người. Đó chỉ có thể là tâm thế bàn thạch của một bậc đại trí, đại dũng và phải là tâm thế ấy mới tạo nên bức tường thành vững chắc về tinh thần cho lực lượng kháng chiến để làm nên những chiến thắng sau này.

Trở lại với đại dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp như hiện nay, chúng ta học được gì từ bài thơ này của Bác? Tôi nghĩ đó là học cách nghĩ, cách cảm tích cực về cuộc sống từ Người. Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 lần này, hãy học thi sĩ - chiến sĩ Hồ Chí Minh ở sự lạc quan, bình thản, bình tĩnh đối mặt với khó khăn. Chỉ khi đó, chúng ta mới có một lí trí sáng suốt, phát huy sức mạnh tập thể để ứng phó với mọi biến cố. Trong mọi hoàn cảnh, Hồ Chủ tịch luôn tìm ra một ý nghĩa tích cực nào đó để tạo nghị lực cho mình và cho người khác. Ngay trong những thời khắc cam go nhất của cuộc kháng chiến, Bác luôn bình thản và lạc quan và sáng suốt chèo lái con thuyền Cách mạng. Tôi nghĩ đến hình ảnh con thuyền trong bài thơ Nguyên Tiêu và muốn gán cho nó một biểu tượng - dù đó không phải ý của tác giả: đó là con thuyền chèo lái đưa đất nước vượt qua sự khốc liệt của cuộc chiến và con thuyền ấy vẫn là biểu tượng của hy vọng giúp chúng ta nỗ lực hành động chiến thắng dịch bệnh trong năm Canh Tý 2020.

Hà Thị Thanh Tâm,

 Trường THCS Lý Tự Trọng, TP Bắc Giang

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...