Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vàng

Cập nhật: 07:00 ngày 20/07/2019
(BGĐT) - Nghĩa vàng tôi bắc lên cân/Bên vàng nặng chín, bên ân nặng mười. (ca dao)
“Thôi, cứ chờ ông nhà báo về”. Ông Duyệt từ sân bước vào cười nói oang oang át tiếng nói ầm ĩ trong đám người ở nhà anh Vững trưởng thôn Mới. Ông nhà báo mà ông Duyệt nói chính là ông Đài ở thôn này đang ở thủ đô chơi với con.

“Bao giờ ông ấy về?” - Một người hỏi.

“Chỉ vài ngày nữa thôi. Ông hẹn với tôi rồi”.

Ông Đài hay viết tin bài trên báo chí nên nhiều người ở đây vẫn gọi ông như thế.

Bà Lễ, vợ ông Lưu, xoe xóe:

“Tôi không chờ đợi ai hết. Mai tôi phá tường ấy”

“Bà cứ giỏi mà phá! - Bà Mơ gầm gào - Dễ tôi không biết phá nhà bà!”

Vững nhăn nhó:

“Em xin hai bác, đừng có to tiếng với nhau nữa. Hàng xóm láng giềng…”

{keywords}

Minh họa: ĐH 

Hai bà vẫn cãi vã nhau, chả ai can được. Vững bất lực. Anh được cái nết hiền lành, thật thà, tốt bụng nhưng không quyết đoán việc gì nhất là chuyện này. Chồng hai bà đây lại là họ hàng gần với anh, đều là bề trên. Thôn này được đánh giá yếu nhiều mặt trong xã. Các cuộc xích mích trong thôn đều trông cậy vào ông Đài. Ông được nhiều người phong là "vua" hòa giải. Cứ chuyện khó gì về bất hòa của dân trong thôn lại phải trông cậy vào ông. 

Cũng vì ông có cách khéo léo, đã vậy lại là cựu chiến binh gương mẫu, một người có uy tín cao trong xã đã được tuyên dương nhiều lần ở huyện, tỉnh, xuất hiện cả trên ti vi. Ông Duyệt tiếng là trưởng chi hội người cao tuổi thôn nhưng ca dao, hò vè thì giỏi chứ làm trọng tài giải quyết bất hòa thì cũng chẳng hơn gì Vững.

Đúng là chỉ có trăm mét vuông đất giáp ranh mà hai nhà Lưu, Trung xích mích hơn tháng nay. Hàng xóm khuyên can mãi vẫn không xong. Ra xã đôi lần cũng chẳng giải quyết nổi. Có lẽ phải đưa lên huyện.

Cách đây mấy chục năm, người ở thôn đây và cả xã chả ai để tâm đến đất cát giáp ranh nhà nhau. Người ta cho nhau vài ba chục mét đất là chuyện bình thường. Còn cái đất vùng núi heo hút này toàn cây, sỏi đá có giá trị gì.

Gần năm nay, đất ở thôn Mới tự dưng có giá. Ấy là Nhà nước mở con đường cao tốc qua một phần đất thôn. Đã thế theo quy hoạch, năm tới tỉnh sẽ lập khu du lịch sinh thái ở xã này sau khi phát hiện một hang động ẩn trong cánh rừng nguyên sinh trong núi. Sẽ có nhiều nhà nghỉ, cửa hàng ăn uống và cả đình, chùa. Bỗng nhiên đất lên giá, cái giá mà người dân có nằm mơ cũng không dám. Nay mới thực, tấc đất tấc vàng. Cả xã sôi động về đất. Ai cũng háo hức mong đợi. Mọi chuyện hàng ngày đều quanh về đất.

Vững thì thầm với ông Duyệt:

“Việc này lằng nhằng quá. Cháu ít tuổi, cũng có nghe việc đất cát đây từ bố mẹ cháu nhưng đúng sai thế nào cháu chịu. Đến là phải nhờ ông Đài”.

Ông Đài trước ở thôn Lái trong xã, lấy vợ, mới chuyển ra đây.

Cách đây bảy, tám chục năm thôn này vẫn thuộc thôn Lái, chỉ có vài ba nhà, đó là nhà ông Luyến - bố ông Lưu, ông Trong - bố ông Trung, ông Cải. Mãi sau này người trong xã tách ra rồi người miền xuôi lên đây xây dựng kinh tế, thôn mới đông dân như giờ. Cái tên xóm Mới là có ý vậy.

Ông Lưu giống tính bố, ít lời, điềm đạm, trái lại bà Lễ vợ ông bốp chát, nóng nảy, đã nói là khó nghe, được cái ruột để ngoài da, dễ nóng mà cũng dễ nguội. Ông bà Trung được cả hai, ấy là tham lam, keo kiệt nên nhiều người không ưa. Trước đây dẫu bà Lễ, bà Mơ bằng mặt nhưng không bằng lòng nhưng cũng chưa bao giờ cãi vã ầm ĩ như dạo này. 

Cũng là vì đất cát. Bà Lễ cho rằng ông bà Trung chây ì, lật lọng. Bà Mơ rêu rao ông bà Lưu định giở trò cướp đất, vu khống. Bà nào cũng đưa ra lý sự của mình. Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay. Việc tưởng rõ mười mươi, ai ngờ cứ mờ mờ tỏ tỏ, nhập nhà nhập nhèm cho tới tận bây giờ.

Ông Đài đã về. Lũ trẻ reo lên từ xa: “Quà chúng cháu đâu?” Chúng chạy đón ông từ đầu thôn. Bao giờ đi xa dài ngày về, ông cũng cho những đứa trẻ xung quanh nhà mình không kẹo, bóng bay thì cũng một lô sách tranh vẽ. Với những đứa bé ở thôn bản heo hút này đó là những thứ thích thú nhất.

Nghỉ đôi hôm, ông đến nhà ông Lưu, đi cùng là ông Duyệt và Vững nhân nhận được tin tại nhà ông Lưu hai gia đình Lưu, Trung lại đang ầm ĩ.

Ông Đài vừa ngồi lên ghế, bà Lễ sồn sồn:

“Ông phải làm cho rõ ngô, rõ khoai, chứ thế này em không chịu được. Dứt khoát em phải làm đơn kiện lên huyện.”

Ông Trung sừng sộ:

“Bà chỉ được cái to mồm, cả vú lập miệng em. Có kiện lên trời cũng chả được”.

Ông Đài cười khà khà. Ông có giọng cười rất sảng khoái. Ai bảo, người ta hơn nhau cái tiếng cười. Cười lúc nào, cười ra sao, cười để làm gì quả là không dễ. Chả hiểu ông Đài đã sắp xếp từ trước hay là tự dưng buột miệng cái câu hỏi lạc lõng, ông Duyệt vui vẻ quay sang ông Đài:

- Tôi nghe ai nói, ông đã nhận lời viết lịch sử Đảng bộ xã nhà?

Vững tiếp lời:

- Ông là nhà báo viết lịch sử là đúng quá rồi. Xã chọn mặt gửi vàng đấy ạ.

Ông Đài gật gù:

- Cả nhóm người biên soạn chứ có phải mình tôi đâu.

Trước những con mắt mong chờ phán xử đất cát tranh chấp của hai gia đình, ông Đài như chẳng để ý, chậm rãi kể chuyện thời kháng Pháp ở xã này. Ông Luyến, ông Trong cùng đội du kích, thân nhau lắm, đều có tiếng gan lỳ, mưu mẹo. Biết thằng Côi Việt gian hay lén lút đi tắt qua đồi Nốc thôn Lái để lên bốt gặp sếp tây, hai ông nấp trong bụi cây rậm ven đường để bắt sống hỏi tội. Ông Luyến ở đằng trước, ông Trong ở đằng sau. 

Thằng Côi cao to vẫn gọi là Côi tây, biết chút ít võ vẽ, nếu một chọi một, có khi chọi hai, nó cũng hạ gục. Cả ông Luyến, ông Trong đều thấp bé, nhẹ cân. Chờ nó đến thật gần, ông Luyến lao vọt ra húc bụng, ông Trong lao đến giáng chày giã cua mang sẵn vào đầu hắn. Cũng vì hai ông tự động làm, không báo trước cho xã đội trưởng, để lộ người mật báo của ta trong bốt nên tuy được huyện tuyên dương nhưng vẫn kèm khiển trách, không được giấy khen. Cả hai ông bà Lưu, Trung đều biết chuyện này từ lâu nhưng vẫn muốn nghe vì ông Đài kể chuyện hấp dẫn quá.

“Nào bây giờ chuyển sang mảnh đất của ông bà Trung - ông Đài tươi cười - Sổ đỏ của bà không có mảnh đất ấy, đúng không?”

“Gia đình nhà em ở đây bốn, năm chục năm rồi. Ông Luyến đã cho nhà em.” Bà Mơ nói.

Ông Đài giơ tay ngăn không cho bà Lê nói.

“Đã cho thì không được đòi. Người lớn chứ có phải trẻ ranh đâu”. Ông Trung xẵng giọng.

Ông Lưu to tiếng:

“Ông đừng bịa đặt. Trước khi mất, bố tôi bảo chỗ đất đó dành cho em gái tôi đang ở trong Nam. Chính ông Trong nhiều lần nói, lúc nào ông Luyến cần, sẽ trả ngay. Cũng vì em gái tôi sống xa quê nên phần đất đó cứ để nguyên, sau này được giá sẽ bán cho nó.”

Ông Đài ôn tồn:

“Ông Trung có giấy chuyển nhượng mảnh đất ấy không?”

“Kh…ô…ng. Nhưng mà…”

“Đấu lý, ông bà Trung thua vì mảnh đất đó nằm trong sổ đỏ của ông bà Lưu. Thôn này ai cũng biết chuyện ông Luyến cho ông Trong mượn nhờ đất làm chuồng trâu, và ông Trong đều nói vậy. Đấu tình, ông bà Trung cũng không được. Giá ông bà có nhời nhẽ đầu cuối gì đó chắc hai nhà không bất hòa.

Phải, mảnh đất ấy của ông bà Lưu. Xa xưa ông Trong có mượn ít đất ông Luyến để làm dãy chuồng trâu. Hai ông vốn thân thiết từ thời du kích, việc nhờ ít đất thật dễ dàng. Rồi cả hai ông đều mất. Sổ đỏ của ông Lưu vẫn có rành rành mảnh đất ấy.

Ông Trung ngồi im. Thực ra ông biết mình trí trá. Ông dự định nay mai ra thị trấn ở với con trai duy nhất đang công tác ở đó. Nó vừa tậu được khu đất rộng, nhà cửa bề thế, cứ khăng khăng bảo bố mẹ ra trông nhà, trông cháu. Có người đến dạm mua đất vườn nhà của ông. Ông hy vọng với mảnh đất chuồng trâu xưa sẽ có thêm tiền.

Ông Đài chậm rãi:

“Không ngờ đất lên giá quá. Nhiều nhà sẽ khá giả. Cái gì chứ chỉ vàng mét vuông là nắm chắc. Ngẫm ra, vàng, tiền rồi cũng hết, thì tiêu mãi phải thế. Các ông, các bà nhỉ? Còn mỗi cái vàng khác không bao giờ mất, không bao giờ hết.”

Ông cười sảng khoái, chuyển sang dăm ba chuyện trong nhà rồi thong thả về cùng với ông Duyệt. Anh Vững vốn ngồi im từ lâu.

Bà Mơ thì thầm với chồng:

"Còn vàng gì nữa, hở ông?"

Ông Trung vẫn ngồi tư lự trên ghế. Chả hiểu ông không nghe rõ tiếng vợ hay là đang mải nghĩ một chuyện gì…

Bìm bìm nở muộn
(BGĐT) - Bố cháu gọi cô lên.Thằng Hoàn lên tiếng gọi. Mùi nghĩ là mình ù tai nên nghe nhầm. Cô tiếp tục đảo thuốc. Tiếng đũa cọ vào thành chảo loạt xoạt. 
Hạnh phúc giản dị
(BGĐT) - Hảo năm ngoái 21 tuổi. Hớn 22. Ban đầu họ bị anh em trong phân xưởng trêu chọc, do hai cái tên ghép lại thành ra một từ nghe muốn bấm bụng cười. Ấy vậy mà họ nên duyên chồng vợ thật.
“Quả ngọt” của người thầy
(BGĐT) - Dự cuộc gặp mặt với học sinh cũ Trường THPT Lục Ngạn số 1 (tỉnh Bắc Giang) xong, còn lâng lâng niềm vui, tại nhà Ngân, tôi nói với Thoòng, học sinh cũ:

Đỗ Nhật Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...