Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 30 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bão dừng sau cánh cửa

Cập nhật: 07:00 ngày 01/06/2019
(BGĐT) - Hân ơi, mở cửa cho tớ với! - Ai đấy? Từ trong nhà, Như ngạc nhiên nghe giọng trẻ con gọi với ngoài cổng ngõ. Hân, con gái lớn của cô đang học lớp 2 ló đầu ra khỏi cửa sắt nhìn ra rồi đáp: Bạn Nam và cô Thường mẹ ạ! Để con ra mở cửa.

Giọng chị Thường hốt hoảng: "Nhanh lên Hân! Mở cửa rồi đóng lại kẻo ông ấy tìm tới đánh nữa bây giờ". Chị dựng chiếc xe đạp cà tàng gọn ở một góc sân, miệng không ngừng thúc giục con trai nhanh vào trong nhà. Chị chỉnh lại bộ áo quần xộc xệch, cột lại mái tóc rối bù, vội giơ ống tay áo lên quệt nước mắt rồi lật đật bước vào nhà.

{keywords}

Minh họa: Đinh Hương

Như mở rộng cánh cửa và nghe rõ giọng xuýt xoa, run run của người đàn bà nhỏ thó. Chị Thường đứng tần ngần, Như phải giục đến lần thứ ba chị mới ngồi khép nép ở cái ghế nhựa bên chiếc bàn gỗ đặt giữa phòng khách. Như chưa kịp mở lời, chị Thường đã sụt sùi: "Xin lỗi vợ chồng em vì cuối ngày rồi lại còn tới làm phiền thế này…”.

- Có phải… anh ấy lại đánh mẹ con chị? Như hiểu được phần nào chuyện gia đình chị Thường nên mới hỏi vậy.

Vợ chồng Như quen chị Thường cũng đã gần hai năm. Nguyên do là bởi cái Hân học chung lớp với thằng cu Nam, con trai của chị. Các con chơi thân với nhau, Như và chị Thường cũng từ đó mà trở thành thân thiết như chị em. Anh Can, chồng chị Thường chẳng có nghề nghiệp và cũng chẳng muốn làm gì, suốt ngày chỉ biết đến rượu và mượn rượu để giải tỏa nỗi buồn đời vì nghèo. Nhà còn mỗi chị Thường, người đàn bà gần 40 tuổi phải gánh vác trọng trách chèo chống, bươn chải.

Chị Thường vốn không đẹp. Dáng người nhỏ thó, tóc rối cằn, răng hô, mặt gầy guộc. Khuôn mặt khắc khổ của chị khiến bất kỳ ai đứng đối diện đều mong muốn chị cười, vì khi chị cười mới thấy chị còn sức sống. Nhà nghèo quá nên chị Thường phải nghỉ học từ sớm. 

Chị xin đi làm ở xưởng gỗ cuối làng. Một lần gặp gỡ khi đi chơi cùng đám bạn, đôi ba câu tỏ tình vu vơ, thề thốt, thế rồi chị phải lòng anh Can. Cũng vì tiếng sét ái tình, lỡ trót dại mang thai với người mình yêu, nên dù hai bên gia đình can gián, chị vẫn quyết giữ cái thai và đến với Can.

Có ai ngờ từ ngày bước chân về làm con dâu bà Hà, làm vợ của Can, cuộc đời chị Thường chỉ toàn nỗi buồn và nước mắt. Ban đầu, Can cũng tử tế, chăm chỉ làm ăn. Nhưng vài lần làm ăn thua lỗ, Can đâm ra thối chí rồi sa vào rượu chè. Thêm nữa, đám bạn xấu nó ra nói vào, rằng tuổi của chị Thường và thằng Nam "xung" với Can nên làm ăn mới lụn bại. 

Buồn vì cảnh nghèo, Can càng rượu chè và mượn rượu trút nỗi chán chường lên người vợ tội nghiệp. Suốt 8 năm, chị sống cam chịu cũng vì nghĩ cho con, vì không muốn con phải sống thiếu cha hoặc mẹ. Thành ra, chị cũng đã "quen" với cách hành xử bạo lực của chồng.

Thấy chị Thường ngồi bơ phờ, Lâm- chồng Như liền hỏi: Sao anh ấy lại đánh mẹ con chị? Chị nâng vạt áo, lén quay đi lau nước mắt. Nhìn chị, Như thấy thương cảm vô cùng. Cũng là phận đàn bà, vậy mà...

- Anh ta lại uống rượu. Ngày nào anh ta cũng ngồi uống rượu một mình với chuối xanh, khế chua. Say lại đem vợ đem con ra hành hạ. Sống với anh ta, có ngày mẹ con chị chết lúc nào chẳng biết. Đây này… Chị quay một bên má, vén tay áo lên cho vợ chồng Như xem. Toàn là vết lằn của bàn tay, của dây thắt lưng khiến da thịt chị tím tái. Thằng bé Nam ngồi thất thần giữa nhà, hình như nó vẫn chưa hết sợ. Nó im lặng, đôi mắt thơ ngây ánh lên vẻ tội nghiệp.

Như kéo ghế ngồi sát bên chị Thường, giọng ân cần: Sao mẹ con chị không về nhà ngoại ở?

- Chị cũng muốn lắm. Nhưng nghĩ lại mỗi lần chạy về, thấy ba mẹ khóc lóc, đau khổ, chị đành thôi...

Ngừng một lát, chị nói tiếp: "Nhiều lần anh ta hứa thay đổi em à. Anh ta bảo sẽ bỏ rượu, sẽ tìm việc làm. Nhưng đi làm được dăm bữa lại gặp cạ, lại uống, lại say, lại về chửi bới, đánh đập vợ con". Nghe chị kể, vợ chồng Như chỉ biết lắc đầu và càng thấy thương cho chị.

Chị Thường để thằng cu Nam ở lại nhà Như rồi bảo mình phải về nhà xem chồng đã ngủ chưa. Chị phải lấy cái chìa khóa cổng chứ chẳng may Can khóa luôn cổng như mấy lần trước thì mẹ con chị chỉ còn nước ngồi ôm nhau ngoài ngõ. Trời tối đen, mưa phùn lất phất. Bóng tối trùm lên tấm thân mảnh dẻ, nhỏ bé của người đàn bà kém may mắn. Trên đoạn đường chỉ hơn một cây số, lòng chị Thường cứ thấp thỏm nghĩ tới những bão giông đang đón đợi bên trong cánh cửa nhà mình.

Mấy hôm sau, mới sáng sớm, miệng Can đã nồng nặc mùi rượu, và rồi gã lại kiếm cớ đánh chị Thường. Thằng bé Nam nhiều lần chứng kiến cảnh mẹ chịu đựng ba đánh nên nó cũng trơ lì theo. Chị bảo nó chạy đi, nó lại cứ đứng trơ ra bên mẹ:

- Con đứng đây, không đi đâu hết. Ba cứ việc đánh con đi. Ba đánh chết con cũng được. Ba đừng có đánh mẹ nữa.

Thấy vậy, gã lè nhè: "Mày học con mẹ mày đúng không? Gan to nhỉ…", rồi gã cứ thế giáng tới tấp những đòn roi tay xuống đầu, xuống má, xuống lưng hai mẹ con. Chị Thường ra sức bảo vệ con. Còn thằng bé cũng cố gắng nhô mình lên hứng đòn thay mẹ. Mẹ chồng chị đứng trong cửa nhìn ra. Bà vốn dĩ chẳng ưa gì con dâu, người gì vừa xấu lại vừa nghèo. Nhưng chứng kiến cảnh con trai cứ trút giận lên mẹ con Thường như vậy, bà cũng mềm lòng:

- Mày đánh thế thì vợ con mày sống sao nổi. Tao già rồi cũng chết. Lúc đó mày biết sống với ai, mày cũng sẽ chết theo rượu thôi!

Nhưng kẻ đang say bét nhè thì làm sao nhận ra được lẽ phải để dừng lại...

Dịp này, xưởng gỗ bỗng nhiên đứt hàng. Việc không có nên mấy bữa nay chị Thường đành phải ở nhà. Chị nghĩ bụng, dành mấy hôm nghỉ để kèm con học bài chuẩn bị thi học kỳ. Mấy bữa lên trường, cô chủ nhiệm bảo Nam dạo này học sa sút, hay ngồi một mình buồn buồn trên lớp. Chị hiểu chuyện. Chị muốn dành thời gian bên con, an ủi, động viên để con bớt tủi thân. Nhưng gã chồng chẳng để chị yên vì không có tiền uống rượu.

Trời còn mờ hơi sương, tay vẫn còn đau do trận đòn hôm qua của gã chồng nát rượu, chị Thường đã đạp xe đi làm. Tối qua, xưởng gỗ gọi, chị thấy vui vui. Cửa nhà im ỉm đóng. Can ngủ chán ngủ chê đến khi mặt trời hong khô hết những giọt sương đọng trên mấy lá sung non trước ngõ mới chống lưng, vươn vai trở dậy. Mắt nhắm mắt mở, gã réo tên con trai nhưng mãi không thấy nó trả lời. Gã nghĩ sẽ cho nó một trận ra trò vì cái thói lì lợm, gọi không thèm lên tiếng. Gã thất thểu bước ra nhà ngoài. Cũng không thấy thằng bé. Gã lầm bầm:

- Quái! Mới sáng sớm mà nó đi đâu nhỉ. Lâu nay, nếu không đi học, nó vẫn ngồi đây xem ti vi cơ mà. Mắt gã liếc nhìn một lượt quanh nhà rồi chợt dừng lại trên bàn học của con trai. Có tờ giấy phẳng phiu với đôi ba dòng chữ nắn nót. Gã tiến lại gần, cầm tờ giấy lên, gã hoảng hồn khi đọc nó. 

“Ba ơi, ba không cần con và mẹ nữa. Ba không thương con và mẹ nữa. Ba chỉ thương rượu và làm bạn với rượu thôi. Vì con mà mẹ phải đi làm kiếm tiến vất vả suốt ngày. Vì con mà lúc nào mẹ cũng bị ba đánh. Nếu con chết thì ba đừng đánh mẹ nữa, ba nhé!”. 

Gã cuống lên đi tìm điện thoại. Gã gọi cho vợ. Rồi gã chạy xồng xộc ra khỏi nhà. Gã chạy sang nhà mẹ gã. Nói dăm câu gì đó rồi lại chạy đi. Mặt gã cắt không còn hột máu. Chân vắt lên cổ. Gã chạy ra phía gò mả gần nhà rồi chạy quanh xóm. Không thấy, gã lại chạy ra con mương dưới đồng. Cứ thế, chân gã chạy, miệng gã mếu máo gọi “Nam ơi! Con ơi!”.

Can chạy đến ôm chầm, bế thốc con trai lên tay khi thấy nó đang ngồi bên bờ mương, toàn thân ướt đẫm, run bắn vì lạnh. Nó chỉ kịp bật lên tiếng “ba” rồi im bặt. Gã bế con đi một mạch về nhà.

Chị Thường dựng xe đạp ngoài sân, hớt hải chạy vào nhà, miệng không ngừng gọi tên con. Chị sững lại khi thấy con đang ngồi trên giường, toàn thân được quấn bởi tấm chăn ấm. Bên cạnh là mẹ chồng chị đang đút cháo cho nó ăn. Chị nhìn xuống bếp, gã chồng chị đang lo dọn dẹp lại đồ đạc, che chắn lại cái bếp đã lủng dột nhiều chỗ. Thấy chị về, gã đưa tay lên gãi đầu cười gượng:

- May quá, suýt chút nữa thằng cu Nam…! Cũng tại tôi chẳng ra gì. Tôi… tôi thấy mình có lỗi với hai mẹ con nhiều quá… À, sáng nay đài báo sắp tới sẽ có bão, tôi sợ bão sẽ làm căn bếp đổ sập, nên…

Giọng Can lộ rõ vẻ ăn năn xen lẫn ngượng ngùng. Thế rồi Can lấy hết can đảm hướng cái nhìn về phía Thường nở một nụ cười thật tươi. Đã rất lâu rồi, Thường mới thấy chồng cười. Cái cười hiền lành, thương thương quen thuộc như lần đầu chị gặp và yêu Can. Lòng Thường dấy lên một cảm giác ấm áp, rộn vui trở lại.

Truyện ngắn của Thu Đình

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...