Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bóc tờ lịch mới hôm nay...

Cập nhật: 07:00 ngày 01/01/2018
(BGĐT) - Tôi cứ ngắm mãi con số 1 đỏ chót trên tờ lịch ở tấm bìa lịch năm nay in hình con chó đá ngồi chễm chệ trên vạt cỏ xanh mướt. 
{keywords}

Minh họa: Hà Mi

Không hiểu người ta chụp hình con chó này ở trước cửa nhà giàu có nào hiện nay hay là ở lăng miếu của một dòng họ quyền uy thời xa xưa? Con chó cũ kỹ, nhỏ thó trông có vẻ trang nghiêm pha chút lạnh lùng. Nghe nói việc đặt tượng chó đá để vừa phô trương thanh thế vừa có ý giữ của. Cũng có thể chỉ là ân nghĩa một con vật luôn trung thành với chủ. Chẳng hiểu có đúng thế không? Người xưa đem con vật nuôi này để làm linh vật trong năm là có ý thế chăng?

Tôi ngồi rõ lâu nhìn tờ lịch trước mặt. Một năm mới đến rồi ư? Ông cha ta thuở trước bảo, đời người ngắn gang tay, cuộc đời ở trần gian chỉ trong chớp mắt, rồi thời gian thấm thoát tựa thoi đưa, như một cơn gió thoảng. Thời trai trẻ, tôi chẳng hiểu rành mạch cái ý tứ sâu xa của những câu nói ấy, đôi khi còn phản bác, giễu cợt. Càng cao tuổi càng thấm thía những nhận xét bóng bảy, chí lý đó. Có lúc đang đêm tỉnh giấc bỗng thảng thốt, sao mình đã già thế này ư? Mới ngày nào ngồi trong thúng để mẹ gánh đi tản cư lên Thái Nguyên hồi đầu chống Pháp.  

Mới ngày nào chân trần, quần ống thấp ống cao vào học một lớp lợp mái gianh trong cửa rừng, chỉ có mấy tấm ván méo mó làm bàn, bê tảng đá, khúc gỗ làm ghế. Mới ngày nào trẻ trung đi bộ mười mấy cây số mỗi ngày để tới trường dạy học. Vậy mà… Vậy mà…

Quá khứ cứ âm thầm, chầm chậm trở lại trong tôi. Tự dưng những việc đã qua bỗng chốc thức dậy. Có việc vui, có việc buồn, việc hay, việc dở. Có những việc mà đến bây giờ nghĩ lại, không hiểu vì sao lại diễn ra như thế.

Trong tất cả sự lãng phí phải gay gắt, kịch liệt lên án, đó là lãng phí tuổi trẻ. Một năm khởi đầu là mùa xuân, đời người khởi đầu là tuổi trẻ. Mùa xuân chỉ kéo dài vài ba tháng nhưng tuổi trẻ kéo dài mấy chục năm. Thật tiếc và giận vô cùng những ai đang phung phí tuổi xuân vào những trò chơi vô bổ, vào ham muốn tầm thường, vào tệ nạn xấu xa. 

Những năm 60 của thế kỷ trước, lớp thanh niên chúng tôi luôn ghi nhớ tâm khảm câu nói nổi tiếng của nhà văn - chiến sĩ cách mạng Xô viết N.Ôxtơrốpxki trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy”: “Cái cao quý nhất của con người là đời sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí”. Rất rõ ràng, không cần nghi ngờ, bàn cãi, những con người cách mạng trong sách vở đã bước ra ngoài đời lay động, kêu gọi lớp lớp thanh niên đi bất cứ nơi đâu Tổ quốc cần, hăm hở vào chiến trường khi tiền tuyến gọi.

Không một ai sắp xếp lại quá khứ. Tự hào hay tiếc nuối, buồn phiền đều đã là dĩ vãng, chỉ có cái lợi duy nhất qua đó mà thay thế nhận thức, hành động để vững bước tới tương lai. Nếu chưa làm được mặt trời thì chớ tạo ra, góp nên đám mây đen. Tôi rất tâm đắc với câu nói của một nhà văn danh tiếng nước ngoài: “Xã hội loài người sẽ tuyệt vời biết mấy nếu ai nấy thêm củi của mình vào lửa thay vì sụt sùi bên đống tro tàn” và lời khuyên của P.Ăng ghen - nhà cách mạng vô sản vĩ đại: “Tôi nghi ngờ tất cả những gì tôi chưa rõ. Thà phải tìm hiểu sự thật suốt đêm còn hơn nghi ngờ nó suốt đời”.

Tôi chầm chậm, nhè nhẹ bóc tờ lịch mới. Bắt đầu từ hôm nay là một năm mới. Vậy là Xuân mới đã tới. Tự dưng văng vẳng đâu đây câu thơ của cố nhà thơ cách mạng lão thành Tố Hữu:

Bóc tờ lịch mới hôm nay

Biết là Xuân đến cầm tay lên đường.

Lại một mùa xuân mới với ước vọng, dự định, những công việc cụ thể để rồi ngày này năm tới lại ngồi bần thần, tự sung sướng hay khổ đau, hãnh diện hay ân hận. Tôi cứ vẩn vơ tự sự trải lòng, triết lý vặt với mình.

Tôi ngẩng đầu nhìn lên vòm trời qua cửa sổ. Trước mặt chếch bên cửa là cây hoa đào đang xanh biếc những búp non nõn nà, nụ xanh xám nhỏ xíu li ti trên khắp cành cây. Những hạt mưa như tơ lắc rắc nhè nhẹ ngập ngừng bay trong tiếng gió thì thầm…

Ôi, mùa Xuân đến rồi.

Tản văn Đỗ Nhật Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...