Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ngôi nhà trong rừng cọ

Cập nhật: 07:55 ngày 21/08/2017
(BGĐT) - Đang cố viết cho xong bài phóng sự thì chuông điện thoại reo vang, tôi vội nhấc máy: “A lô! Tâm hả?” Tiếng của Quyết, chủ tịch xã quê tôi. Tôi nhận ra giọng hắn ngay bởi cái giọng ồm ồm như lệnh vỡ và khẩu khí ào ào của hắn mỗi khi nói chuyện với ai.
{keywords}

Minh họa: Bảo Lâm.

“Phải rồi! Tâm đây! Có việc gì thế?” “Nghỉ lễ Quốc khánh này bằng mọi giá ông phải về quê nhé. Việc cực quan trọng, không có ông là không xong”. “Nhưng mà việc gì?” Tôi sốt ruột. “Tổng kết chương trình xóa nhà tạm của xã. Ông nghe rõ chửa?” Hắn nói một thôi một hồi rồi chuyển giọng: “À mà này! Nhà Bình - Nguyên cũng xong rồi nhé!”. Quyết đã chọc đúng tim đen của tôi. Tôi vồ vập: “Thế hả? Thế thì tôi sẽ về”.

Làng tôi nằm cheo leo bên bờ sông Lô toàn cọ với cọ. Đã một thời cọ là biểu tượng, là niềm tự hào của quê tôi. “Cọ xòe ô che nắng râm mát đường em đi...”. Bình hát câu hát ấy thuở học trò đến bây giờ vẫn như còn thánh thót mãi trong tôi. Tôi, Quyết, Nguyên, ba thằng chúng tôi mỗi khi nghe Bình hát, ngắm nhìn em với đôi mắt lúng liếng, đung đưa theo tán cọ xòe giữa một chiều trung du lộng gió thì đều mơ màng ngơ ngẩn. Chẳng phải là thi sĩ, không là họa sĩ, chúng tôi chỉ là những đứa trẻ chăn trâu học cùng một lớp thế mà thấy khung cảnh ấy cũng cảm thấy bâng khuâng.

Rồi chúng tôi lớn lên, mỗi đứa trong bộ tứ ấy bộc lộ dần tính cách. Bình càng ngày càng xinh đẹp. Ba thằng chúng tôi không ai bảo ai đều giấu đi những cái nhìn trộm mỗi khi gặp Bình. Khuôn mặt ấy, mái tóc ấy, đôi mắt ấy... khiến chúng tôi bồi hồi. Em không hát câu hát ngày xưa nữa, thay vào đó là “Rừng cọ xòe vẫy mãi khách qua đây”. Trời ạ! Vẫn là cọ. Có khổ cho chúng tôi không cơ chứ? Thằng Nguyên ngang tàng, lãng tử hơn, cặp kè bên Bình, luôn mồm nhận vệ sĩ cho Bình. Thằng Quyết tuy bỗ bã, bộc trực nhưng đứng trước con gái, nhất là Bình, thì lại  “lóng nga lóng ngóng như gà mắc tóc”. Tôi thì thâm trầm, kín đáo hơn. Trong các cuộc vui, tôi chỉ lặng lẽ quan sát rồi thỉnh thoảng góp đôi câu cho có chuyện và để cho cả bọn biết tôi vẫn đang tồn tại. Chết cái, tôi hay mượn những câu trong sách để nói nên nhiều khi đâm ra triết lý quá khiến cả bọn phải ngây ra giây lát mới hiểu. Chúng đặt cho tôi cái tên là “Tâm triết”. Ấy thế mà, khi chỉ còn tôi với Bình thì mọi ngôn từ bỗng bay đâu hết. Tôi ấp a ấp úng như ngậm hột thị, trông buồn cười hơn cả thằng Quyết.

Hết lớp 10, bộ tứ của chúng tôi có nguy cơ tan vỡ. Ba đứa Bình, Nguyên, Quyết đều thi trượt đại học. Tôi may mắn hơn cả, đỗ đại học báo chí. Con đường viết lách mở ra và gắn chặt với tôi từ đó. Ngày tựu trường, tôi buồn vui lẫn lộn. Thực lòng tôi yêu Bình da diết, yêu đến ngẩn ngơ mà không dám nói. Có lẽ Bình cũng đoán được tình cảm của tôi. Nhiều lúc tôi bắt gặp ánh mắt của Bình thoáng nhìn tôi ngơ ngác. Đêm trước nhập trường tôi quyết định đến nhà Bình để nói lời yêu em. Thế mà khi vào nhà em, tôi đã thấy Nguyên ở đó. Hắn đang thao thao với Bình. Tôi chết lặng. Lát sau, Quyết cũng tới. Quyết bảo: “Sang nhà cậu không gặp. Đoán là cậu đang ở đây. May quá, đủ cả bộ tứ. Mai ta liên hoan chia tay “Tâm triết” chứ?” Nguyên oang oang: “Hay lắm! Phải liên hoan mừng nhà báo chứ”. Hắn vui ra mặt. Chỉ có Bình là không nói gì. Em lặng lẽ nhìn tôi. Nguyên tiếp tục: “Quyết -  Tâm - Bình - Nguyên, bộ tứ chúng mình mãi mãi bên nhau”. Nguyên ba hoa và nháy mắt về phía Bình. Tôi cứng họng. Sau đó Quyết kéo áo tôi rủ về. Ra ngõ, hắn nói nhỏ vào tai tôi một câu đầy ý nhị: “Muộn rồi! Chúng mình về thôi”. Mãi sau này tôi mới biết, tối nào Nguyên cũng ở nhà Bình.

 Cuộc liên hoan bộ tứ, tôi vừa buồn vừa vui nhưng có lẽ buồn là hơn cả. Giữa lúc cao trào, Bình đứng dậy nói: “Ngày mai anh Tâm đi rồi...”.Trời ơi, lần đầu tiên em gọi tôi là anh! Trân trọng quá, thiêng liêng quá! Người tôi như mụ đi. Bình tiếp: “Em xin hát tặng anh bài hát”. Cả bọn vỗ tay. Bình cất giọng bài “Gửi Việt Trì thành phố ngã ba sông” đến câu “rừng cọ xòe vẫy mãi khách qua đây” thì em đột ngột dừng lại và nhìn sâu vào mắt tôi. Rồi em gục mặt xuống bàn nức nở. Ba thằng con trai chúng tôi ngơ ngác. Mãi sau này, và cả đến bây giờ nữa, tôi không thể nào quên được hình ảnh của em lúc đó và sự ngu ngốc của mình. Lẽ ra, tôi phải đến vỗ về, an ủi em đằng này tôi lại ngồi thộn ra để cho Nguyên đến bên ôm lấy đôi bờ vai nhỏ nhắn của em thả những lời ngọt ngào an ủi, làm cho cả tôi và thằng Quyết đều ngượng ngùng.

Học được một năm, tôi nhận được tin Quyết vào bộ đội. Năm sau nữa, Bình- Nguyên nên vợ thành chồng. Hôm nhận được tin đó, tôi phờ phạc rầu rĩ mất mấy ngày. Cũng phải thôi, chúng nó “Quyết Tâm Bình Nguyên” mà. Hai mươi tuổi, thế là em và Nguyên đã yên bề gia thất. Ngày cưới em, cả tôi và Quyết đều không có mặt. Quyết trong quân ngũ đã đành, tôi lại đang thực tập trong Nam nên cũng chịu.

Thời gian thấm thoắt trôi, tôi trở thành nhà báo. Mỗi năm đôi lần về quê. Làng đồi quê tôi cơ bản vẫn như xưa. Nguồn thu nhập chính là lá cọ. Thời buổi xi măng cốt sắt ai người ta lợp nhà bằng lá cọ nữa? Cọ vì thế mà mất giá. Rừng cọ xưa đẹp đẽ là thế, thơ mộng là thế, vậy mà người dân quê tôi đã chặt gần hết. Nhìn khoảng đồi xưa chúng tôi thường thả trâu, chạy trú mưa dưới tán cọ giờ trống huơ, trống hoác toàn cỏ may, cỏ tế mà buồn.

Gia đình Bình - Nguyên giờ cũng đông đàn dài lũ. Bốn đưa con lít nhít trứng gà, trứng vịt nheo nhóc bên nhau. Bình xuống mã trầm trọng. Em gầy đét như que củi. Đứa trước chưa kịp lớn, đứa sau đã ra đời. Một đàn con gái khiến Nguyên càng cay cú lao theo cơn khát qúy tử. Vừa khát con trai vừa lo kinh tế, hắn xoay xở mọi cách. Chết cái, đồng đất ấy, ruộng nương ấy với số miệng ăn như thế làm sao cho đủ được? Quẫn chí Nguyên lao vào đề đóm, cờ bạc đến nỗi ngôi nhà mà bố mẹ hắn làm cho cũng tiêu tan. Thế rồi, hắn bỏ đi bãi vàng. Mấy tháng sau Nguyên dặt dẹo trở về với vẻ bất cần đời. Túp lều mà hắn dựng lên trong rừng cọ để vợ con chui ra chui vào làm chỗ ở, lúc nào cũng có nguy cơ sụp đổ. Mới bốn mươi tuổi mà trông hắn như ông lão sáu mươi. Cả Bình cũng thế. Thấy họ vậy, tôi xót xa lắm.

Mấy lần, tôi bàn với Quyết (Quyết đã phục viên về làm chủ tịch xã) về việc giúp đỡ gia đình Nguyên. Có lần tôi còn mang tiền đến giúp Bình - Nguyên bảo hắn cố dựng cho vợ con ngôi nhà nhưng hắn không nhận. Thậm chí hắn còn mắng lại tôi: “Ông đừng coi khinh chúng tôi. Tôi không cần sự thương hại”. Quyết kể lại: “Thằng này giờ gàn lắm. Đã đói lại còn sĩ. Ông tưởng tôi không lo cho nó ư ? Bộ tứ ngày xưa vợ chồng nó chiếm một nửa để chúng nó đói ai mà chịu được. Ấy thế mà cứ có ý định giúp chúng nó thì nó chối đây đẩy. Lại còn lánh xa mình nữa chứ. Nó bắn tin rằng “không dám chơi với cán bộ, với nhà báo”. Ông bảo thế có ức không cơ chứ. Sĩ đến nỗi cho nó vay tiền Nhà nước về xóa đói giảm nghèo phải nói rằng cho vay để phát triển kinh tế thì nó mới chịu nhận. Nào ngờ hôm nhận tiền về, dọc đường, mấy tay trong quán thịt chó mời nó vào ăn cùng, nó giơ bọc tiền lên khệnh khạng: “Ai thèm ăn của các anh. Đây thiếu gì!” Nó vào quán gọi nhặng xị lên và mời lại cả bọn cùng đánh chén. Bữa đó mất cả triệu bạc. Thế đấy. Với vợ chồng nó, ăn còn không đủ nói gì đến nhà với cửa”. Nguyên trượt dài, buông xuôi. Thế mà bây giờ nghe tin nó có nhà mới bảo tôi không mừng sao được.

Tôi về quê sớm hơn hai ngày. Quyết vồ lấy tôi: “Có thế chứ, chiều nay tôi sẽ dẫn ông đi thăm hai chục ngôi nhà đại đoàn kết của xã. Tha hồ cho ông viết”. Tôi hỏi thẳng Quyết cái điều băn khoăn: “Này, làm thế nào mà các ông làm được nhà cho vợ chồng Bình - Nguyên?” Quyết cười to: “Thế mới tài!” Rồi anh thủ thỉ: “Tay Nguyên ngang lắm, sĩ lắm. Mới đầu hắn không nghe đâu. Sau đó, tổ chức đoàn thể, rồi cả họ hàng nhà hắn nữa cùng phân tích cho hắn rằng: Đây là vốn của trên (phải nói dối như vậy) và của cả dòng họ giúp đỡ để xóa nhà tạm cho tất cả các gia đình trong xã. Nếu xã không xóa xong nhà tạm thì còn lâu mới đạt danh hiệu xã văn hóa. Chẳng lẽ vì nhà hắn mà phong trào của xã yếu kém...? Lúc đó thì hắn mới chịu. Dần dần, trong quá trình xây dựng, người góp của kẻ góp công, hắn thức tỉnh dần”. Tôi rủ Quyết: “Ông đưa tôi đến nhà hắn”.

Chúng tôi kéo đến nhà Bình- Nguyên. Ngôi nhà xây ba gian lợp lá gồi giữa rừng cọ lấp lóa trong nắng thu. Gặp chúng tôi, Bình - Nguyên mừng rỡ. Lũ trẻ xúm đến “chào hai bác”. Nguyên kéo ghế mời khách. Bình lóng nga lóng ngóng chạy ra chạy vào giục con pha nước. Tôi tranh thủ quan sát toàn cảnh ngôi nhà rồi nửa đùa nửa thật: “Trưa nay, vợ chồng ông phải cho bộ tứ Quyết - Tâm - Bình - Nguyên liên hoan nhà mới chứ?” Nguyên vỗ vai tôi: “Nhất định rồi! Các ông không được đi đâu nữa cả”. Bình xởi lởi: “Cả đời chúng em mơ ước có ngôi nhà, bây giờ nhờ xã mới có được. Em cứ ngỡ mình trong mơ. Các bác phải mừng cho chúng em chứ?” Quyết bảo: “Lại không ư? Tôi phải điện lôi bằng được Tâm về đấy. Nhà mới, phải đổi mới, vợ chồng bảo nhau làm ăn nhé!” Nguyên cười: “Các ông cứ yên trí, tôi đổi mới rồi!” Quyết nói tiếp: “Khu rừng cọ này sẽ giao cho vợ chồng ông quản lý nộp sản cho xã. Phải giữ lấy rừng cọ cuối cùng này phải không nhà báo?” Tôi gật đầu: “Ông nghĩ như vậy là đúng. Cả vợ chồng ông nữa - Tôi quay sang nói với Nguyên - Xã cho cần câu mà ông không câu được cá là vứt!” Họ cùng cười. Trưa ấy, bộ tứ chúng tôi ngất ngư say.

Hôm sau, tại trụ sở xã, giữa đông đủ khách quan, các chủ gia đình đại đoàn kết, đại diện các dòng họ, Quyết hào hứng nói: “Kính thưa các qúy vị đại biểu, thưa bà con! Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập nước, hôm nay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã ta vô cùng phấn khởi vì đã xóa xong nhà tạm. Đây là việc làm rất có ý nghĩa thể hiện tinh thần đại đoàn kết của chúng ta...”

Quyết càng nói càng hay. Sau đó, đại diện Ủy ban MTTQ xã công bố danh sách các tổ chức, cá nhân ủng hộ qũy xóa nhà tạm. Tôi giật thót mình khi nghe thấy tên với mức ủng hộ năm triệu đồng. Đã bảo Quyết đừng nêu danh làm gì, thế mà... Quyết nói nhỏ vào tai tôi: “Ông thông cảm, quy chế dân chủ nó phải thế”. Nguyên đến bên tôi xúc động nói: “Cảm ơn Tâm "triết" nhiều lắm! Tha lỗi cho tôi, Tâm nhé”. Bình quay mặt đi. Hình như cô ấy khóc.

Tôi mơ màng nhìn về phía rừng cọ. Những tán cọ lấp lóa trong nắng thu và hình như chúng đang giơ tay vẫy chào ai đó. Bất chợt, tôi bỗng nghe tiếng hát của Bình từ thuở nào vọng lại. “Rừng cọ xòe vẫy mãi khách qua đây...”, tôi nhẩm hát một mình và lặng ngắm Bình từ phía sau. Cô ấy vẫn đẹp như ngày xưa.

Truyện ngắn của Đỗ Xuân Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...