Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tiệm hoa Chi-ko

Cập nhật: 07:00 ngày 20/08/2017
(BGĐT) - Tiệm hoa Chi-ko ở trong con ngõ nhỏ và vắng. Cái tên tiệm gắn với những loài hoa lụa, hoa đất sét nhập về từ xứ Phù Tang (Nhật Bản). 

{keywords}

Mùa thu, con dốc trải dài vàng rực nắng. Lá khô nhè nhẹ rơi, từng lớp, từng lớp phủ lên mặt đường. Tiệm hoa là điểm đến cho những ai sống chậm, những ai biết thiết tha tận hưởng cuộc sống vốn vô thường. Căn nhà hai tầng có giàn hoa đỗ quyên nở quanh năm, buông xuống khiêm nhường. Tầng một bày những chậu hoa lụa, bình hoa đất sét được bài trí gọn gàng, hấp dẫn. Dọc cầu thang, trên tường treo những cây sáo trúc đủ kích thước dài ngắn khác nhau. Trên gác hai luôn có tiếng dương cầm thánh thót. Cuối tuần, đám học trò thường xếp xe đạp ngay ngắn ở vỉa hè bên kia đường ùa vào tiệm hoa. Chúng đến gói hoa và học hát. Người lớn thường nhận xét: “Chỉ lũ trẻ con mới thích hoa giả thôi”. Nhưng hình như không phải thế, nhiều người lớn thích sự bền lâu, bất tử của một nhan sắc mình yêu, thậm chí có người còn không thể chịu nổi cảm giác chứng kiến từng cánh hoa tuyệt đẹp phai tàn, rụng rơi.

Anh là người như thế. Từ ngày người đàn bà của mình bay khỏi trần gian này, anh không bao giờ mua hoa tươi về cắm. Anh không thể tin được trên cái kệ gần bàn làm việc của anh có một bình hoa hồng dần héo rũ. Vợ anh đã cắm hàng ngàn ngày như thế. Và khi hơi ấm mà anh ôm ấp hằng đêm đi về cõi khác, anh thấy sợ, sợ kinh hoàng khi phải vứt ra đường một nắm hoa tươi. Có những lúc ngồi nhìn con gái ngủ, đứa con có nhiều nét giống mẹ, anh chột dạ, anh chỉ sợ một ngày nào đó nó cũng sẽ lấy chồng, đi xa anh. Vậy nên, từ ngày con gái Hoài An, 17 tuổi đi học hát, anh luôn chở con đi, cùng con đi bộ dọc cái ngõ vắng có tiệm hoa Chi- ko. 

Anh thường đứng rất lâu nhìn những bông đỗ quyên xòe nở trên cửa sổ và lắng nghe tiếng dương cầm loang trong không gian. Chắc tiếng đàn ấy là của chủ nhân ngôi nhà này, anh đoán thế và cứ tự hình dung ra một phụ nữ đẹp, tóc dài, váy trắng thướt tha. Chưa khi nào con gái anh kể về cô giáo. Hình như giữa cô và bọn trẻ có quy ước riêng. Anh cũng chưa có dịp gặp cô giáo lần nào. Đôi lần anh mua hoa đất, đều do một cô bé chừng 15 tuổi gói cho. Cô bé có đôi mắt như bầu trời sao vậy, lấp lánh sáng. Hoài An chỉ kể rằng, cô giáo con tuyệt lắm, hát hay lắm, đàn giỏi lắm, cuộc đời cô có thể viết được tiểu thuyết, nếu con làm nhà văn con sẽ viết. Có lần anh hỏi phải cô giáo là chủ tiệm hoa không, con anh nhí nhảnh nói rằng: “Đố bố biết đấy”. Anh cũng không hỏi thêm, thấy con tiến bộ, anh không tiếc tiền cho con theo đuổi sở thích.

Công việc một kỹ sư điện tử cuốn anh đi như chạy bão. Anh cũng dường như chưa mở lòng để bắt đầu một sự bắt đầu nào riêng tư, dù nhiều hẹn hò, gặp gỡ được bạn bè dàn xếp. Nhưng thật lạ, anh thích cảm giác đưa con đi học, đứng một mình bên đường ngắm cái tiệm hoa nhỏ, nghe tiếng đàn buông lúc nhặt lúc khoan. Anh thấy dịu lòng. Bao kỷ niệm tuổi thơ đồng quê lam lũ hay tình yêu tuổi trẻ như cuốn phim hiện về. Cũng lấy làm lạ, chưa khi nào anh gặp cô giáo của con ra ban công ngắm phố phường. 

Chiều nay, sau thất bại của một dự án, anh đưa con đến sớm. Chờ con vào tiệm hoa, anh chọn một góc nhỏ trong quán bên kia đường ngồi lơ đãng. Anh bỗng chợt nhận ra, hình như mình chờ đợi tiếng đàn trong ngôi nhà kia, hy vọng nó xua đi tâm tư rối bời của anh. Bà cụ đưa anh chén trà hỏi một câu rất lơ đãng: “Nhà anh gần đây phỏng?” Anh khẽ cười. Bà cụ đi vào, mình anh trôi dạt cùng bao ý nghĩ. Tiếng đàn nhẹ như hơi sương phả vào tóc anh, làm rung ngân trong đầu anh ngàn vạn dây thần kinh xúc cảm đã lãng quên. “Bố ơi, sang đây”- chợt tiếng gọi của Hoài An làm anh sực tỉnh. Anh dụi mắt, không tin mình vừa trải qua cực cảm hết sức chân thực. Thân xác và tinh thần nhẹ bỗng. Hình như, tuổi trẻ đã quay lại. Phải ngơ ngác mất một lúc anh mới trả được tiền trà rồi bước đi. Anh tự thấy xấu hổ khi mình có vẻ si mê tiếng đàn nơi này.

- Bố ơi, con được chọn đi biểu diễn giao lưu ở Nhật đấy, bố đến chào cô giáo của của con đi - Hoài An níu tay anh. Cô gái ngạc nhiên khi khuôn mặt cha mình vui tươi hẳn so với mọi ngày.

- Thế cô giáo con đồng ý gặp phụ huynh rồi à?

- Vâng, cô bảo đã đến lúc phải gặp ạ!

Anh được con gái dẫn vào phòng khách. Căn phòng ấm cúng được bài trí tinh tế. Lọ hoa lụa sáng ngời bên bức chân dung thiếu phụ tóc ngắn, đeo kính. Có nét nào đó thật quen. Anh chưa kịp nghĩ xem mình gặp người này chưa thì cửa mở. Cô bé bán hoa hôm nọ dắt tay người đàn bà chừng ngoài 40 tuổi bước vào. Ôi, người đàn bà trong bức ảnh kia - anh thầm thốt lên. Anh đứng dậy đưa tay ra trước: "Chào cô giáo, tôi là bố cháu Hoài An". Người đàn bà không đưa tay ra mà nhẹ nhàng nói: "Vâng,  mời anh ngồi đi". Anh thoáng tự ti. Nhưng kìa, có vẻ như cô giáo không nhìn rõ thì phải, cô đưa tay sờ vào mép sa lông rồi ngồi xuống. Anh sững người. Chẳng lẽ? Một giây thoáng qua anh bỗng đỏ hết mặt, xấu hổ vô cùng. Giờ thì anh nhận ra, người này anh đã  gặp ở đâu.

Hôm ấy, tại buổi ra mắt nhóm hát của con ở trung tâm văn hóa, gần đến giờ con gái biểu diễn, nó bỗng đau bụng. Anh sấp ngửa chạy lên cầu thang tầng hai mang cho con lọ dầu. Vừa lên sảnh, quá vội, anh và một phụ nữ va vào nhau. Anh đánh rơi lọ dầu. Không hiểu sao anh buột nói: “Cái chị này, mắt để đâu không biết”. Người đàn bà đeo kính đen, tóc ngắn lắp bắp xin lỗi rồi nép vào một bên hành lang. Anh chạy vội nhưng vẫn nhận ra chị ta đẹp. Trời ơi, ai nghĩ được người ấy là cô giáo dạy con, đang đứng trước mặt anh đây. Anh ngượng nghịu điếng người. Cô giáo ngồi xuống rồi từ tốn: 

- Anh uống nước đi, cháu Hoài An và 5 cháu nữa được đi biểu diễn giao lưu ở Nhật, tôi muốn nhờ anh lo cho các cháu.

Anh không cất lời nổi, một lúc sau mới thốt được: 

-Dạ ... vâng, cô… tôi xin lỗi cô giáo, hôm ấy, tôi đã va vào cô ở hành lang, thật không ra sao…

- Không sao, tại anh vội quá. Hoài An xin lỗi giúp anh rồi. Nhưng chắc anh không biết, tôi không nhìn thấy…

- Vậy sao? Hoài An…

Con gái anh đi vào ngồi bên cô giáo và ra hiệu cho bố là nó đã chứng kiến chuyện đó, đã xin lỗi cô thay bố rồi. Người đàn bà khẽ mỉm cười. Anh ngạc nhiên hỏi:

- Cô nói sao cơ? Mắt cô ?... 

- Tôi bị mù từ hai mươi năm nay rồi anh ạ. Chuyện dài lắm, khi nào có thời gian tôi sẽ nói chuyện. Nay gặp anh, biết anh là người quan tâm đến con, tôi muốn nhờ anh đi làm thủ tục cho nhóm của các con để kịp biểu diễn. Nếu anh sắp xếp được, anh đưa các con đi nhé.

Quá bất ngờ, anh ấp úng như gà mắc tóc: - Vâng, có gì cô cứ bảo, tôi sẽ cố gắng giúp.

Cô bé bán hoa cho anh mọi khi mời anh ăn táo rồi bảo: "Chú này hay mua hoa nhà mình nhất đấy mẹ". Ra vậy, cô bé là con gái cô giáo. Chắc hẳn mẹ nó từng có đôi mắt như trời sao kia… Anh không thể tả được tâm trạng mình lúc này, rối bời, lúng túng, bị động và ngờ nghệch. Nhất là anh đã từng trải qua cơn mê đắm trong tiếng đàn của người đàn bà này. Anh như người ăn vụng bị tóm cổ tay. Cô giáo lên tiếng: 

- Tôi nghe kể về anh nhiều rồi, chia sẻ với anh về việc chị mất sớm, cháu Hoài An có tài, anh nên cho cháu theo học lâu dài.

- Vâng, cảm ơn cô! 

Buổi nói chuyện chỉ dừng ở đấy khi cô giáo có điện thoại. Hoài An kéo tay bố đi ra. Anh chào mẹ con cô giáo rồi đi như bước trên không trung. 

Anh chở con đi dọc phố. Cô con gái cười:

- Bố, khi nãy nhìn bố buồn cười lắm.

- Thì tại bố quá bất ngờ. Sao con không kể cô giáo con bị khiếm thị?

- Lẽ ra bố phải hỏi con chứ. Bố thích nghe cô ấy đàn còn gì. Nay cô còn bảo, có phải mỗi lần đưa con đến đây, bố đều đứng dưới kia nghe đàn không?

- Sao cô biết?

- Gì cô giáo con cũng biết. Cô ấy từng học bên Nhật đấy, sau một trận ốm nặng cô ấy bỗng không nhìn thấy. Cô kể nhiều chuyện lắm. Cô làm giáo viên dạy hát cho trung tâm người khuyết tật đấy bố ạ.

- Ừ. - Thì ra, lúc xin cho con gái học, vợ anh từng nói, cô giáo này là người đặc biệt. Thói thờ ơ của anh đã khiến anh bơ đi. 

- Cô bé lúc nãy có đánh đàn không con?

- À, con của cô giáo. Em Minh giỏi lắm, được giải Piano quốc tế đấy bố ạ. Nhưng cô giáo làm mẹ đơn thân.  

Sau mấy ngày đi lại nhà cô giáo làm giấy tờ cho bọn trẻ, đón cốc trà ấm tự tay cô pha, anh thấy mình thay đổi. Anh nghe thấy tiếng chim hót quanh nhà, để ý đến những chiếc lá đang nhuộm vàng sắc thu. Anh bỏ ra mấy ngày tìm hiểu về người đàn bà ấy. Không hiểu sao, tiếng đàn của cô đã bóp nghẹt tim anh. Hình ảnh cô ngồi điềm tĩnh bên khung cửa đã vén mắt anh lên. Anh phải nhìn khác đi về đời sống này. Thì ra, cô là con gái út của một thầy giáo nổi tiếng ở một làng quê ven sông Thương. Sau khi theo học về nghệ thuật, cô đi tu nghiệp bên Nhật. Trở về, gặp nạn, cô đã âm thầm vượt qua số phận nghiệt ngã. Đứa con là báu vật trời ban. Cha cô bé là ai chắc mãi mãi là bí mật. Người thân quen cô thì bảo, người ấy ở rất xa, không bao giờ trở về… - Anh bắt đầu ngộ ra. Những mất mát của anh so với người đàn bà này chưa là gì cả. Nhưng tại sao tiếng đàn của cô lại thanh thoát, lắng đọng và dồi dào năng lượng thế? 

Cô giáo đón anh ở cửa nhà. Bình hoa đất sét ở phòng khách được thay bằng màu vàng rực rỡ.

- Anh uống gì em pha? Nghe tiếng “em” gần gũi mà anh như ngưng thở.

Anh ngượng nghịu trao cho cô món quà đầu tiên sau một tháng đi xa. Một tháng ấy, nỗi nhớ tiệm hoa này nhiều như gió trời. Con gái và nhóm hát được giải cao. Anh cũng không thể biết, một tháng ấy, người chơi đàn luôn mong ngóng một bóng người dưới phố. Chỉ cần nghe tiếng chuyển động của đám dây leo, cô biết, anh đã đứng đó suốt bao ngày. Cô giáo nhận hộp quà có bản nhạc “So nát ánh trăng” của Mozat. Tiếng nhạc tràn ngập căn phòng. Anh lấy hết sức bình sinh nắm bàn tay cô giáo: "Hãy cho anh được chăm sóc em". Người đàn bà im lặng mỉm cười và để yên bàn tay trong tay anh. Khi anh chuẩn bị ra về, cô gọi con gái mang xuống một bó hoa đất vừa nhập về: "Anh mang về cắm ở phòng anh nhé. Anh đừng sợ hoa tàn. Có những thứ còn mãi!".

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Mai Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...