Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 31 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Người bạn mới

Cập nhật: 16:56 ngày 26/05/2017
(BGĐT) - Quê tôi vào mùa vải thiều chín, những triền đồi phủ màu đỏ của quả vải. Hối hả, tất bật, người lớn, trẻ em chạy đua với thời gian để thu hoạch.

{keywords}
Minh họa: Thế Đại

Một sáng, mẹ đưa về một “oắt con” trạc tuổi tôi. Mẹ bảo với bố: “Không thuê thêm người làm thì nhà mình thu hoạch không kịp, vải chín rụng xuống đất xót ruột lắm”.

“Oắt con” dáng nhỏ, leo trèo như một con khỉ. Hải - em gái tôi lè lưỡi khi thấy cậu ta thoắt cái đã trèo lên đỉnh cây vải. Nhiều lúc mẹ tôi phải bảo quả nào xa, khó lấy quá thì bỏ nhưng hắn chỉ “vâng” rồi nhe răng cười. Hắn đã lấy thì cây nào cây ấy sạch những quả chín.

Từ ngày có người làm thuê, anh em tôi đâm lười, chỉ giúp bố mẹ một lúc rồi lại vào nhà say sưa với các bộ phim và những trò chơi trong máy vi tính. Trong khi “oắt” lúc nào người cũng đẫm mồ hôi.

Một hôm, trong lúc giải lao, tôi hất hàm hỏi:

- Này “oắt” tên gì, mấy tuổi?

- Tớ tên Trung, 12 tuổi.

- Cùng tuổi đấy! Năm nay lên lớp 7 hả?

- Không, lớp 6!

- Dốt nên đúp à?

- Không!

- Lại còn giấu!

“Oắt” chẳng nói gì chỉ nhe răng ra cười.

Có lần phát hiện trên đỉnh cây vải cao nhất có tổ chim, cái Hải mừng quýnh reo lên với tôi:

- Anh ơi, trên kia có tổ chim.

Theo tay nó chỉ, tôi nhìn thấy tổ chim có cái đầu chim mẹ thò ra sau chiếc lá, lắng nghe đã thấy tiếng chim con kêu chíp chíp. Hải nằng nặc đòi tôi trèo lên bắt chim con cho nó nuôi nhưng khốn nỗi trèo cao vốn không là sở trường của tôi nên đành phải cầu cứu tới “Oắt”. Nhưng mặc cho anh em chúng tôi nài nỉ thế nào, hắn chỉ trả lời mỗi một câu: “Cô giáo tớ bảo không được bắt chim, để chim còn ăn sâu bọ bảo vệ mùa màng". Hải thề lên thề xuống nào là sẽ chỉ bắt chim một lần cuối thôi, nào là nuôi chim cẩn thận không để chim chết nhưng hắn vẫn lặng thinh và lỉnh đi chỗ khác.

Nhận thấy khoảng cách tình cảm giữa anh em tôi với Trung có vẻ xa cách, mẹ bảo anh em tôi:

- Hai anh em con nên gần gũi Trung hơn, mà con cùng tuổi đừng gọi bạn là oắt con, gọi thế nghe không hay đâu. Các con phải biết rằng cùng tuổi, trong khi các con được chơi thì bạn phải đi làm lấy tiền giúp bố mẹ đấy.

- Nhưng con có gọi trước mặt bạn ấy đâu.- Tôi chống chế.

- Gọi trước mặt hay sau lưng bạn cũng không được, như thế là xấu - Mẹ nghiêm sắc mặt.

- Nhưng anh ấy không bắt chim trên tổ cho con. - Cái Hải phụng phịu.

- Không bắt là phải! Con có biết khi về, chim bố mẹ không thấy con sẽ buồn bã như thế nào không?

Được giải thích, cái Hải cũng phần nào nghe ra.

Tôi để ý nhiều hôm trong lúc giải lao đi qua phòng anh em tôi, thấy một bộ phim hay, một trò chơi trên màn hình, cậu ta cũng sà vào xem nhưng chỉ một lúc thôi lại ra làm ngay không đợi người lớn phải giục.

Sáng, trong khi anh em tôi còn nằm ườn trên giường thì cậu ta đã dậy quét dọn nhà cửa, ăn cơm xong còn tranh phần rửa bát của Hải. Đến nỗi có hôm bố tôi phải quát lên: “Các con ngày càng lười, không bằng một góc của bạn Trung”. Tôi lẩm bẩm: “Con có khiến đâu, nó tự làm đấy chứ!” Bố tôi có lẽ nghe được, lắc đầu nói: “Chiều cho lắm vào thêm hư!”

Tôi đâm ghét hắn ta vì mình bị so không bằng một góc của hắn. Hắn sao bằng mình được, người thì gầy choắt, đen nhẻm, học dốt, chả thế cùng tuổi lại học kém mình một lớp. Chắc không dốt thì cũng dạng cá biệt, như trường mình, cô giáo chẳng bảo chỉ có một đứa đúp là vì quá dốt là gì.

Một sáng, tôi nghe thấy bố mẹ nói chuyện với nhau trong buồng:

- Anh có thấy chiếc dây chuyền em để trong tủ quần áo không? Dịp này phải làm nhiều, thấy vướng víu em tháo ra cho vào trong hộp để vào tủ.

- Không, em tìm kỹ chưa?

- Em đã tìm đi tìm lại mấy lần rồi vẫn không thấy.

- Thử hỏi hai con xem chúng có để đâu không?

Không đợi bố mẹ phải hỏi, tôi kéo em gái vào trong buồng phân trần:

- Chúng con không thấy đâu, hay là... con thấy thằng Trung sáng nào quét nhà cũng ngó ngó, nghiêng nghiêng vào tủ. 

Bố gạt đi:

- Con đừng nghi cho bạn và bố cũng cấm con không được nói chuyện này cho Trung biết nhé!

- Nhưng nó chỉ là người làm thuê thôi mà.

- Chính là người làm thuê mình càng không nên nói chuyện mất của ra. Chắc lẫn ở đâu đấy để rồi bố mẹ sẽ tìm lại.

Nghi ngờ “oắt" con là thủ phạm, tôi lên kế hoạch bí mật điều tra. Đầu tiên là khám tư trang nhưng không thấy. Áo quần hắn tất cả chỉ có ba bộ để trong chiếc hòm nhỏ có bao giờ khóa đâu, dại gì mà lại để ở đấy. Trưa ăn cơm xong, hắn lễ phép nói với bố mẹ tôi:

- Thưa hai bác, cháu xin phép về thăm bố mẹ một ngày ạ!

Bố mẹ tôi thanh toán tiền công và đèo hắn ra tận bến xe cách nhà tôi chừng một cây số.

Tôi nói với em gái:

- Chắc vớ được chiếc dây chuyền rồi vội xin về chứ gì.

Hải tròn mắt nhìn tôi nói:

- Anh vẫn nghi nghờ anh ấy lấy à? Bố mẹ đã bảo thế rồi.

 - Ừ, không lấy thì nhặt được cũng thế, tại sao lại về hôm nay, mày ranh con thì biết gì.

- Vâng, anh người lớn, người lớn mà suốt ngày chỉ chơi chả giúp bố mẹ được gì, không bằng một góc anh Trung.

- Mày thì...

Tôi bỏ đi và thêm bực mình, đến em gái bây giờ cũng không còn là “đồng minh” của mình nữa.

 Sẩm tối hôm sau hắn trở lại nhà tôi, gặp ở cổng, hắn nhoẻn miệng cười, tôi làm thinh ngó mặt đi nơi khác.

Chưa kịp tắm rửa, thấy nhà cửa bề bộn, hắn vớ lấy cái chổi quét lấy quét để. Mẹ tôi bảo:

- Thôi cháu để đấy đi tắm rửa đi rồi nghỉ ngơi không mệt!

Hắn nhoẻn miệng cười bảo:

- Dạ có gì đâu, ở nhà cháu còn làm nhiều hơn ấy chứ.

Một lúc sau, Trung đến gần bố mẹ tôi lễ phép nói:

- Thưa hai bác!

Lại còn có đòi hỏi gì nữa đây? - Tôi nghĩ thầm như vậy. 

- Việc gì đấy cháu? - Bố mẹ tôi cùng hỏi lại.

- Dạ lúc nãy cháu quét nhà, có nhặt được vật này ở sau tủ đựng quần áo, chắc là của hai bác, cháu xin gửi lại.

- Sao cháu nhặt được ở gầm tủ à? - Mẹ tôi hỏi lại. Đón chiếc hộp nhỏ mầu hồng mở ra trong có chiếc dây chuyền năm chỉ vàng, kỷ vật mà ngày cưới ông bà ngoại tặng, mẹ kéo Trung vào lòng, tiếng nghẹn đi:

- Bác cám ơn cháu! Bác mất mấy hôm nay rồi, cho bác xin lại nhé. Cháu ngoan quá!

Rồi mẹ hỏi thăm tình hình gia đình Trung. Theo lời hắn kể thì bố bị tai nạn lao động năm cậu ta đang học lớp bốn nên phải nghỉ học mất một năm, rồi được nhà trường động viên đi học lại, miễn cho hết các khoản đóng góp. Nay sức khỏe bố yếu, thường xuyên phải điều trị thuốc men, mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều trông cả vào mẹ, dưới Trung còn một em đang học lớp năm.

Đêm ấy, tôi trằn trọc không sao ngủ được, tôi thấy hối hận vì lòng ích kỷ của mình và sự vội vàng trong đánh giá người khác mà suýt mất đi một người bạn tốt. Tôi phải nói hết với Trung. Tôi sang phòng của Trung, ôm chầm vai bạn: “Cho mình xin lỗi bạn nhé! Đã có lúc mình có ý coi thường bạn, có lúc mình đã nghi bạn lấy chiếc dây chuyền ấy đấy, thôi chúng mình là bạn nhé!” Trung ngớ người ra: “Ơ, thế vẫn là bạn đấy thây!” “Nào ngoéo tay”, “Ừ thì ngoéo!” 

Từ đó về sau, mọi công việc anh em tôi đều cùng làm với Trung. Những lúc rỗi rãi, tôi dạy Trung làm quen với vi tính, phải nói cậu ta là người sáng dạ nên tiếp thu khá nhanh.

Mùa vải thiều đã kết thúc, Trung về, cả nhà tôi đến thăm gia đình bạn, bố tôi tuyên bố sẽ cho Trung chiếc máy vi tính anh em tôi đang dùng và tất nhiên chúng tôi sẽ có dàn máy mới. Anh em tôi ôm chầm lấy Trung hét to “Hoan hô bố mẹ! Hoan hô bạn Trung!”. Còn Trung chỉ nhoẻn miệng cười.

Truyện ngắn của Vũ Hoàng Nam

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...