Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hình tượng trâu trong văn hóa truyền thống

Cập nhật: 13:26 ngày 30/01/2021
(BGĐT) - Ông cha ta từ xưa đã có câu: “Con trâu là đầu cơ nghiệp” để nói lên vị trí, vai trò quan trọng của trâu đối với đời sống nông dân. Ngày nay, nông dân có nhiều phương thức lao động sản xuất cho năng suất cao, tuy nhiên, hình ảnh con trâu vẫn không thể phai mờ trong tâm thức của họ, đặc biệt trâu còn là một biểu tượng trong văn hoá truyền thống ở Bắc Giang.

Ở Bắc Giang hình ảnh con trâu xuất hiện từ lâu đời. Trên mặt trống đồng Bắc Lý (Hiệp Hòa) có chạm khắc cảnh lễ hội đâm trâu của người Việt cổ. Trong lao động sản xuất, người nông dân còn đúc kết kinh nghiệm dân gian từ hình tượng con trâu, vào thời khắc đón giao thừa, giữa không gian trời đất giao hòa thiêng liêng ấy người ta ra xem trâu nằm hay trâu đứng, trâu ngoảnh đầu ra cửa hay vào trong để biết năm đó làm ăn có thuận lợi hay không.

{keywords}

Tượng trâu- gốm Thổ Hà thế kỷ XVII.

Theo các nhà nghiên cứu văn hoá, mô típ sừng trâu trong văn hóa người Việt còn là biểu tượng của hình ảnh vành trăng lưỡi liềm liên quan đến tín ngưỡng nông nghiệp, cầu mưa của người Việt. Da trâu bịt mặt trống, khi cầu mưa người ta đánh trống để giả tiếng sấm.

Sừng trâu còn là biểu tượng sức mạnh của nhiều đồng bào dân tộc. Người xưa đã chế tác sừng trâu thành chiếc tù và dùng để báo động và kích thích quân sĩ khi lâm trận. Đồng bào dân tộc Dao ở Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động còn dùng tù và để gọi Bàn Vương trong nghi lễ cấp sắc.

Trong lễ hội xuân ngưu của người Việt, trâu là biểu tượng của mùa xuân, của sự tái hồi. Lễ hội xuống đồng của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao… ở Bắc Giang thường có nghi lễ trâu kéo cày. Những đường cày đầu tiên báo hiệu một năm mới cho mùa vụ bội thu. Không chỉ có vai trò trong đời sống lao động sản xuất, trâu còn xuất hiện trong điêu khắc kiến trúc gỗ đình làng thế kỷ XVII-XVIII ở Bắc Giang. 

Đình Khả Lý Hạ, xã Quảng Minh (Việt Yên) được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2010. Ngôi đình xây dựng từ thế kỷ XVII, thờ đức Thánh Tam Giang. Trong đình còn lưu giữ bức chạm hình con trâu được chạm nổi trên cốn nách gian giữa. 

Tại nghè Mẫu Sơn (Lục Nam) cũng còn lưu giữ bức chạm trâu kéo cày. Đây là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc dân gian đẹp ở thế kỷ XVIII. Nhìn tổng thể bức chạm giống như một bức tranh “Canh nông chi đồ” thu nhỏ mà điểm nhấn là người đàn ông lực điền vạm vỡ và con trâu đang cày ruộng.

{keywords}

Chạm hình con trâu ở kiến trúc đình Khả Lý Hạ, xã Quảng Minh (Việt Yên).

Ngoài các bức chạm hình trâu trên kiến trúc đình làng, trong dân gian còn xuất hiện nhiều tượng ông trâu bằng gốm thế kỷ XVII-XVIII, một sản phẩm của làng nghề truyền thống sản xuất gốm ở Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên) xưa.

Trong lễ hội dân gian, con trâu xuất hiện với vai trò là vật tế lễ linh thiêng cũng phản ánh tín ngưỡng nông nghiệp của người nông dân ở Bắc Giang. Tục thờ trâu, tế trâu, trong các lễ hội truyền thống cho thấy nét văn hoá dân gian độc đáo này. Hội làng Phú Khê, xã Quế Nham (Tân Yên) xưa có lệ tế Thần bằng trâu sống. Đình, đền làng Phú Khê thờ Quận công Nguyễn Công Luận, người có nhiều công lao với dân với nước, ngày 10 tháng 11 âm lịch hằng năm làng có lệ tế Thần bằng trâu sống. 

Vào ngày sự lệ, dân làng chọn một con trâu đen làm vật tế. Trâu tế được nuôi trong điều kiện đặc biệt và được làng tắm bằng nước gừng sạch sẽ. Khi tế, con trâu này được dân làng dắt ra phía trước cửa đình, đền, nơi có bia đá và phiến đá to dùng làm bệ tế trâu. Trâu tế được dắt đi ba vòng quanh tấm bia đá. Dân làng đứng xung quanh làm lễ vái trâu và bia đá, tỏ lòng thành kính tưởng nhớ tới công lao của ông Nguyễn Công Luận.

Con trâu từ cuộc sống thực tế gắn với người dân nông nghiệp đã đi vào lĩnh vực văn hóa tinh thần tâm linh. Việc thờ trâu, tế trâu trong lễ hội dân gian ở Bắc Giang còn nói lên vị trí vai trò quan trọng của con trâu trong nền văn hóa cổ truyền của người dân Bắc Giang. Với vai trò ấy mà biểu tượng trâu đã đi vào năm, tháng, ngày, giờ trong lịch mười hai con giáp của người Việt.

Hội làng Nội Ninh (Việt Yên) cũng có tục tế Thần bằng trâu sống. Làng Nội Ninh thờ Đức Thánh Tam Giang và hậu Thần Phạm Đức Tiến, người có nhiều công lao với dân làng. 

Ngày hội lệ làng chọn một con trâu sống làm vật tế Thần. Trâu tế được buộc ở gốc đa trước cửa đình. Quan viên trong làng mặc trang phục tế truyền thống đi vòng quanh trâu làm lễ tế Thần theo hiệu lệnh của quan cai đám...

Nghi lễ tế trâu trong lễ hội dân gian ở Bắc Giang ngoài mục đích tạ ơn Thần linh, còn mang tính chất triết lý vũ trụ âm dương, luân chuyển giữa mùa khô và mùa mưa. Đó là ước vọng của người làm nông nghiệp cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Như vậy con trâu từ cuộc sống thực tế gắn với người nông dân đã đi vào lĩnh vực văn hóa tinh thần tâm linh. Việc thờ trâu, tế trâu trong lễ hội dân gian ở Bắc Giang còn nói lên vị trí vai trò quan trọng của con trâu trong nền văn hóa cổ truyền của người dân Bắc Giang. Với vai trò ấy mà biểu tượng trâu đã đi vào năm, tháng, ngày, giờ trong lịch mười hai con giáp của người Việt. 

Đồng Ngọc Dưỡng

Bắc Giang: Dừng hoạt động lễ hội, văn hóa, thể thao, giải trí để phòng, chống dịch Covid-19
(BGĐT) - Thực hiện kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn tại Hội nghị trực tuyến bàn biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn ra ngày 28/1, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa có văn bản gửi các cơ quan, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Xây dựng cơ quan, doanh nghiệp văn hóa: Rõ tiêu chí, gắn thi đua
(BGĐT) - Hưởng ứng phong trào xây dựng "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa", thời gian qua, nhiều nơi trong tỉnh Bắc Giang có những cách làm sáng tạo. Cũng từ phong trào này đã tạo môi trường làm việc văn hóa, văn minh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả công việc ở mỗi cơ quan, đơn vị.
Bắc Giang: Tiếp tục quan tâm phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng
(BGĐT)-Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác thư viện năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 do Thư viện tỉnh Bắc Giang tổ chức chiều 21/1.  
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...