Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 31 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Quản lý, sử dụng tiền công đức: Cần quy chế rõ ràng, giám sát chặt chẽ

Cập nhật: 08:50 ngày 02/04/2019
(BGĐT) - Hằng năm, tại các di tích lịch sử văn hóa, đình, chùa (gọi chung là di tích) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thu được nguồn kinh phí lớn thông qua việc thắp nhang, công đức của phật tử, du khách. Để quản lý, sử dụng hiệu quả tiền công đức, rất cần có một quy chế rõ ràng, sự giám sát thường xuyên của chính quyền địa phương và ban quản lý các di tích, bảo đảm công khai, minh bạch.

Số tiền tăng qua các năm

Sau khi cộng số tiền đặt ở các ban thờ, hòm công đức, người dân đăng ký đóng góp từ đầu năm đến nay, ông Vũ Văn Tăng, Phó Ban quản lý Khu di tích Y Sơn, xã Hòa Sơn (Hiệp Hòa) cho biết: "Tổng kinh phí từ hoạt động đặt lễ, công đức là 240 triệu đồng, cao hơn cùng kỳ năm trước 80 triệu đồng". 

{keywords}

Du khách công đức tại chùa Hạ Tây Yên Tử (Sơn Động).

Cũng theo thống kê của Ban quản lý di tích, ba năm gần đây, số tiền từ đóng góp của nhân dân, du khách tham quan, chiêm bái năm sau đều cao hơn năm trước.

Tương tự, tại chùa Bổ Đà, xã Tiên Sơn (Việt Yên) nguồn kinh phí cũng tăng hằng năm. Từ kết quả kiểm đếm cho thấy, từ đầu năm đến nay nhà chùa thu được hơn 1 tỷ đồng, cao hơn gần 400 triệu đồng so với năm trước. Có ngày chùa đón hơn 4 nghìn lượt khách tham quan, chiêm bái. “Đa số khách đến tham quan, chiêm bái đều ít nhiều ủng hộ kinh phí để nhà chùa tu bổ, tôn tạo di tích”, Thượng tọa Tự Tục Vinh, trụ trì chùa Bổ Đà nói.

Tìm hiểu được biết, vài năm gần đây, tại các cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh đều có đông người dân, du khách đến tham quan, chiêm bái, nhất là những di tích được xếp hạng cấp tỉnh, quốc gia và quốc gia đặc biệt. Thống kê của ngành chức năng, trong ba tháng đầu năm nay, các di tích trong tỉnh đón hơn 80 vạn lượt khách tham quan, chiêm bái. 

Nổi bật là chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Phượng Hoàng (Yên Dũng); Khu du lịch tâm linh- sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động); chùa Am Vãi (Lục Ngạn); Thắng cảnh Suối Mỡ (Lục Nam); chùa Bổ Đà (Việt Yên); Khu di tích Y Sơn (Hiệp Hòa)… Qua tổng hợp sơ bộ, những tháng đầu năm, số tiền du khách thắp nhang, công đức ở các cơ sở tín ngưỡng hơn 10 tỷ đồng.

Từ nguồn kinh phí trên đã giúp chính quyền địa phương, nhà chùa có điều kiện duy trì đèn nhang, mở lễ hội và tu bổ, tôn tạo di tích. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong ba năm (từ năm 2016-2018) tổng kinh phí huy động để tu bổ, tôn tạo di tích toàn tỉnh hơn 114 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa hơn 90 tỷ đồng.

Công khai, minh bạch

Qua kiểm tra, giám sát của HĐND tỉnh và thực tế đang diễn ra tại các địa phương cho thấy có nhiều chủ thể tham gia quản lý nguồn tiền ở các cơ sở tín ngưỡng. Tiêu biểu là hai chủ thể chính (Ban quản lý di tích và nhà sư trụ trì nơi thờ tự, thường là các chùa). 

Từ năm 2016 đến 2018 tổng kinh phí huy động để tu bổ, tôn tạo di tích toàn tỉnh là 114 tỷ đồng. Trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia 3,2 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 15,1 tỷ, còn lại hơn 90 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.

Dù đều chung nhiệm vụ quản lý kinh phí từ nhân dân, du khách đóng góp nhưng nơi nào thành lập được Ban quản lý thì việc thu, chi tài chính minh bạch, khách quan hơn. 

Thực tế mỗi Ban quản lý đều có các thành phần từ chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể đến đại diện nhân dân. Ví như Khu di tích Y Sơn (Hiệp Hòa), Ban quản lý gồm 17 người do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban. Thành phần là lãnh đạo các đoàn thể từ hội người cao tuổi đến đoàn thanh niên… 

Đáng chú ý, cùng với trưởng, phó ban, thành viên còn có kế toán, thủ quỹ và kiểm soát viên. “Tất cả kinh phí thu được đều được ghi chép cụ thể, được công khai với chính quyền và nhân dân”, ông Vũ Văn Tăng cho biết. 

Tuy nhiên những nơi không có Ban quản lý, việc quản lý, sử dụng còn những bất cập. Qua kiểm tra, giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh), đa số những di tích này, việc thu, chi đều do người trụ trì quyết định; hóa đơn thu, chi không đầy đủ, chi tiết. Khi mọi khoản thu, chi không được công khai thì ngành chức năng không thể giám sát được. 

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, với cách thu, chi ở các di tích có sư trụ trì như hiện nay chẳng khác gì “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Tình trạng trên dẫn đến nảy sinh những vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng kinh phí giữa người dân địa phương và nhà chùa như đã xảy ra ở một số nơi. 

Cũng qua kiểm tra, giám sát của HĐND tỉnh, việc tu bổ, tôn tạo ở một số di tích không đúng hồ sơ thiết kế, điển hình như ở chùa Trung Hòa (Hiệp Hòa); đình Hạ Long (Yên Dũng)…

Vì vậy, bên cạnh có quy chế quản lý rõ ràng, vấn đề công khai, minh bạch trong thu, chi và sử dụng kinh phí tại các di tích là rất cần thiết. Theo ông Hà Văn Bé, Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội (HĐND tỉnh), để quản lý hiệu quả kinh phí do nhân dân, du khách công đức, ủng hộ, tất cả các di tích, cơ sở tín ngưỡng đều cần phải thành lập Ban quản lý với các thành phần gồm đại diện chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương. 

Nhà sư cũng chỉ là một thành viên trong đó. Tất cả nguồn thu, chi đều phải được công khai, minh bạch. Người chủ trì không được quản lý tiền mà phải giao cho thủ quỹ, kế toán. Khi sử dụng phải theo kế hoạch, có hóa đơn, chứng từ. Bên cạnh đó, ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát và hướng dẫn việc sử dụng kinh phí đúng quy định.

Thanh Hải

Mở tài khoản tiếp nhận công đức đền Xương Giang
(BGĐT) - Sau khi làm việc với Kho bạc Nhà nước tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP Bắc Giang đã mở tài khoản tiếp nhận tiền công đức của các tổ chức, cá nhân hảo tâm đối với đền Xương Giang. 
 
Phá hòm công đức trộm tiền
(BGĐT) - Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm (TP Hà Nội) vừa làm rõ và bắt khẩn Trần Anh Dũng (SN 1991), trú tại xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) về hành vi trộm cắp tài sản.
 
Đại đức Thích Trúc Thái Minh chùa Ba Vàng xin lỗi phật tử cả nước
Đại đức Thích Trúc Thái Minh gửi lời xin lỗi lãnh đạo các cấp, ngành, phật tử, nhân dân cả nước sau lùm xùm ở chùa Ba Vàng.
 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...