Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hồn Việt xứ người

Cập nhật: 07:00 ngày 07/02/2019
(BGĐT)- Người Việt ở xứ người nhớ món ăn Việt không chỉ là nhớ cái ngon của vị, của hương tác động trên lưỡi, trên những giác quan hữu hình của cơ thể mà còn nhớ hồn xứ sở tác động vào tâm lý và cảm xúc tạo nên ký ức của đời mình. 

Ở Mỹ, tôi thấy nhiều gia đình Việt trong khi chọn nơi ở đã chú ý nhiều đến những vị trí có chợ Việt, là những siêu thị bán thực phẩm Việt. Thường chỉ vùng có cộng đồng Việt mới có chợ Việt như ở California, Texas hay các TP như: Philadelphia, Atlanta, New York, Washington... Những vùng thưa người Việt, khi một gia đình Việt lọt thỏm trong cộng đồng người nước khác thì ắt sẽ không có chợ Việt. Các bà, các ông nội trợ đành tìm thực phẩm đồng dạng ở chợ Hàn Quốc, Trung Hoa, gọi chung là chợ châu Á.

{keywords}

Các bạn trẻ Việt tổ chức gói bánh chưng, bánh tét đón Tết Nguyên Đán tại Mỹ.

Chợ châu Á không có thực phẩm thuần Việt nhưng được cái có nhiều thứ “thủ giống thủ, xôi giống xôi” với món nhà mình: Đậu phụ, vừng, lạc, một ít rau dưa. Cũng cầm cự được cho cơn nhớ món thường ngày nhưng đến ngày Tết, nỗi nhớ món ăn Việt lại bùng lên trong tâm trí người Việt xa nước thế hệ một, là thế hệ sinh từ trong nước, sống một thời gian trong nước, từng vui xuân, đón Tết ở quê nhà, từng biết “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” thì mọi nhà phải cất công đi xa nửa ngày lái xe để đến các khu chợ Việt mà lùng tìm thực phẩm cho cỗ Tết. Đôi khi phải nhờ bà con, bạn bè ở vùng có chợ Việt sầm uất gửi giò chả, bánh chưng qua đường xách tay hay theo đường bưu điện. Diệu vợi và tốn kém, nhưng không thể khác.

Tết Nguyên đán ở Mỹ đánh dấu vào tâm trí bà con ta bằng những món ăn truyền thống của quê nhà. Sống ở xứ người, nhiều ký ức rơi rụng nhưng ký ức nấu ăn hình như không mất đi mà lại được bổ sung. Bổ sung về lượng món và cũng bổ sung về chất ngon. Ăn Tết là ăn với cộng đồng. Những gia đình Việt ở lẻ, những cháu sinh viên du học ở ký túc xá tìm cách liên hệ với nhau. Người nọ mách bảo người kia để cùng đến gia đình nào đó vào một ngày nghỉ cuối tuần, giáp Tết (vì đúng ngày Tết ta, công sở và trường học Mỹ đâu có nghỉ), cùng tổ chức một bữa tiệc đứng với các món ăn thuần Việt của cả Bắc- Trung- Nam. Món ăn phong phú, đa dạng hơn bất cứ mâm cỗ Tết nào ở quê nhà vì đây là cỗ của nhiều nhà làm mang đến.

Di chuyển ở Mỹ đều bằng xe hơi riêng, bưng đi những món Tết không khó lắm. Cỗ Bắc: Món Bắc Giang, Hải Dương, món Hà Nội, Nam Định đã nhiều khác biệt. Các món của Thanh- Nghệ, Huế, rồi xứ Quảng lại càng đặc thù, Nam bộ thì phong phú và lạ miệng với người Bắc, người Trung. Các bà sành nấu nướng gặp món lạ, thấy hợp khẩu vị là để tâm học hỏi. Buổi họp mặt thành lớp ẩm thực sinh động. Vợ tôi từ Hà Nội sang lại học được cách làm bánh khúc ở New York, làm bánh dày ở Atlanta, muối dưa nhanh và nướng thịt bò ở San Jose.

Những party (tiệc) đón Tết thường diễn ra trong già nửa ngày, từ trưa cho đến khuya. Khi trẻ em đã nguội cuộc chơi, nhiều đứa đã gà gật hoặc say tít trên đi-văng thì bố mẹ cũng phải dừng hàn huyên mà bưng chúng ra xe, chở về nhà, một hai tiếng lái xe êm ả. Những người ở quá xa, nửa ngày đường, và nhất là nhiều niềm tâm sự thì mới ngủ lại qua đêm. Nhà ở Mỹ rộng, sưởi toàn thể nên có đến hàng chục vị khách cũng không thiếu chỗ nằm. Vả lại, với người Việt mình, “rộng bụng hơn rộng nhà” là phương châm xử thế sâu sắc.

Ở những vùng có đông người Việt, đã có gia đình tổ chức buổi chúc Tết dòng họ vào sáng mùng Một. Có lúc tập hợp tới cả trăm con cháu, dâu rể (có cả Tây, Tàu), anh em, chú bác tứ đại đồng đường. Có lẽ sống ở xứ xa, những bậc cao niên thường nặng nỗi niềm hồi cố. Cái thuở ra đi có gì thì muốn lưu giữ nguyên dạng như một hiện vật trong bảo tàng tâm hồn. Không biết giữ được đến bao giờ nhưng những cuộc họp ấy là một đặc sắc của các cộng đồng châu Á. Người Trung Hoa rất sở trường. Ở nhiều thành phố lớn bên Mỹ hay Âu châu, người Trung Hoa lập những khu ở riêng gọi là khu phố Tàu. Ngày Tết bước vào đó ngỡ đang đi ở Quảng Đông, Phúc Kiến, nhạc Tàu, tiếng Tàu, mái nhà, ô cửa sổ... - một vị Tàu không lẫn được. Người Việt ta chưa làm được như thế mà cũng chẳng cần thiết làm thế. Co cụm hay hòa nhập đều có lý do riêng, chỉ có điều không nên để mất bản sắc. Nước Mỹ là quốc gia dung nạp nhiều bản sắc.

Có người hình dung văn hóa Mỹ như cái nồi lẩu, tiếp nhận đủ loại nguyên liệu từ các nền văn hóa Phi, Úc, Á, Âu. Mọi thứ khác biệt cứ song song tồn tại tạo nên một phong vị văn hóa rất phong phú, thu nạp được tinh hoa của nhiều dân tộc. Tết Việt, ẩm thực Việt đã thành một đặc sắc của văn hóa Mỹ. Nhiều món ăn Việt ở Mỹ lại giữ được “bản sắc” hơn cả ở nơi phát sinh ra nó. 

Món bánh cuốn Thanh Trì tôi ăn ở San Jose lại thấy nó Thanh Trì hơn bánh Thanh Trì ở Hà Nội hôm nay. Phải chăng người thợ bánh xa quê ký thác nỗi nhớ quê của lòng mình vào phong vị và cung cách chế biến món ăn này (?). Với họ, món bánh ấy đâu chỉ là một vị quà mà còn là ký ức, là hình ảnh quê hương, là lòng nhớ thương ông bà, cha mẹ từ thuở ấu thơ. Nhưng mặt khác món ăn Việt cũng tựa vào nguyên liệu xứ người mà phát triển.

Ở Philadelphia- cố đô của nước Mỹ- nơi cộng đồng Việt cũng khá lớn, tôi đã được nhà báo Trần Đông Đức mời đi ăn món phở sâm ở cửa hàng chị Ba. Chị Ba người Nam Bộ có tài nấu phở Bắc, kiểu phở Bắc Pasteur Sài Gòn. Gần đây chị đưa loại bạch sâm của Mỹ vào nồi phở tạo nên một vị thơm đắng rất quyến rũ, giá thành chỉ tăng lên một đô-la, tạo thêm một phong vị mới cho phở, có thể bổ sung trở lại cho quê nhà. Cũng ở Philadelphia, một người Việt khác đã lai giống con gà chạy (không phải gà công nghiệp) với con chim trĩ thành một thứ gà dai thịt, ngọt hơn và có vị thơm đặc biệt, gọi là gà trĩ. Gà trĩ đã thành món đặc thù trong cỗ Tết tại nhiều gia đình Việt và đã thâm nhập vào siêu thị Mỹ ở địa phương này.

Đêm Giao thừa, chùa là nơi bà con ta hay tới, kể cả bà con Công giáo. Tới chùa để tìm hương vị quê nhà, để truy lĩnh kỷ niệm. Tiếng chuông, tiếng mõ ở đây, lúc ấy hình như không thoát tục mà lại gợi về đời, cho hồn người ly hương tìm về xứ sở, tìm lại những kỷ niệm đầu đời của chính mình, bờ tre mái xóm, ấm cúng hương vị gia đình thân thuộc... Tất cả đã thành trầm tích trong tâm hồn mỗi chúng ta.

Lối sống Việt, phong vị văn hóa Việt ở nơi xa thường giàu sức gợi với người xa nước. Những ngày áp Tết ở quận Cam, ở San Jose, trong các khu thương mại Việt, tưng bừng nhất là những nhà hàng làm món ăn ngày Tết. Người ta nhận đặt gói bánh chưng, làm giò chả, mứt, bánh. Phong bao lì xì đỏ thắm, các loại hoa thật hoa giả rực rỡ, đôi chỗ có cả câu đối chữ Hán, chữ Việt. Chợ không to, người đến không chỉ sắm Tết mà chủ yếu kiếm cho mình một vị quê hương. Đêm Giao thừa, ngày Nguyên đán, chùa là nơi bà con ta hay tới, kể cả bà con Công giáo. Tới chùa để tìm hương vị quê nhà, để truy lĩnh kỷ niệm. Chùa thường là mới dựng. Nhiều ngôi chùa từ nhà ở mà cải tạo thành. Nhưng chỉ bóng dáng một thân cau, cây đại, mái đầu đao hay một dáng đứng thành kính trước tam bảo... cũng đủ gọi về hồn vía những tháng năm xa.

Tôi đã dự một Giao thừa ở ngôi chùa mặt phố ở San Jose. Tiếng chuông tiếng mõ ở đây, lúc ấy, hình như không thoát tục mà lại gợi về đời, cho hồn người ly hương tìm về xứ sở, tìm lại những kỷ niệm đầu đời của chính mình, bờ tre mái xóm, ấm cúng hương vị gia đình thân thuộc... Tất cả đã thành trầm tích trong tâm hồn mỗi chúng ta.

Vui Tết Việt tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Ngày 8-2 tới, lúc 9 giờ, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, sẽ diễn ra chương trình 23 tháng Chạp với chủ đề “Tết Việt”, có sự tham gia của các em học sinh đến từ một số trường tiểu học và THPT trên địa bàn TP Hà Nội. Các em sẽ được nghệ nhân dân gian hướng dẫn để tự trải nghiệm Tết truyền thống của dân tộc thông qua các hoạt động:
 
“Tết Việt” rực rỡ tại Hoàng thành Thăng Long
Chiều 22-1, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị làng nghề tổ chức chương trình “Tết Việt” tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. 
 
Bắc Giang trưng bày chuyên đề “Mừng Đảng, mừng Xuân Kỷ Hợi 2019”
(BGĐT) - Nhân kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và đón chào năm mới, ngày 26-1, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang tổ chức trưng bày chuyên đề “Mừng Đảng, mừng Xuân Kỷ Hợi 2019” tại khuôn viên của đơn vị.
 
Bắc Giang: Nhiều hoạt động tại Lễ khai mạc Hội báo Xuân Kỷ Hợi 2019
(BGĐT) - Sáng 26-1, tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang diễn ra Lễ khai mạc Hội báo Xuân Kỷ Hợi 2019 do Hội Nhà báo tỉnh, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND TP Bắc Giang phối hợp tổ chức.
 
Kính mời bạn đọc cộng tác với Báo Bắc Giang Xuân Kỷ Hợi 2019
(BGĐT)- Đón xuân Kỷ Hợi 2019, Báo Bắc Giang xuất bản các ấn phẩm đặc biệt, gồm: Báo Tết Dương lịch, Báo Tết Âm lịch, Bắc Giang cuối tháng Xuân Kỷ Hợi; ngoài ra còn có số báo Tất niên và Tân xuân.
 

Nhà thơ Vũ Quần Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...