Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mạch nguồn Đồi Cháy

Cập nhật: 10:20 ngày 01/02/2019
(BGĐT) - Vào buổi sáng mùa đông hanh hảnh nắng vàng, hanh hao gió bấc ấy, trên chuyến xe cùng các đồng nghiệp báo Bắc Giang về thăm ấp Cầu Đen, tôi cứ vẩn vơ mường tượng tới hành trình của những văn nghệ sĩ kháng chiến về vùng đồi đã đi vào lịch sử văn hóa, nghệ thuật cách mạng Việt Nam này.

Ấy là từ lời kể của bà Ngô Thị Thanh Lịch, con gái út của cụ Ngô Tất Tố, một phụ nữ đã ở tuổi 80 nhưng nét tinh anh và trí nhớ mẫn tiệp của bà khiến chúng tôi những muốn vô phép mà gọi bà là chị. Bà Lịch kể, năm 1947, gia đình bà bắt đầu rời quê Mai Lâm lên đường tản cư. Ở tuổi ấy, bà đã cùng gia đình đặt bước chân đầu trên những dặm đường từ làng Lộc Hà quê hương lên vùng đồi trung du Nhã Nam, Yên Thế.

{keywords}

Người thân của Nhà văn Ngô Tất Tố, họa sĩ Tạ Thúc Bình trở lại ấp Cầu Đen.

Hành trình của gia đình Nhà văn Ngô Tất Tố cũng có thể coi là những dấu chân đầu tiên của văn nghệ sĩ cách mạng hướng về ấp Cầu Đen. Gia đình Nhà văn Ngô Tất Tố lên đầu tiên, ở nhờ nhà ông Ký Nhàn, một người được chủ Tây cho phép chiêu tập người dân, khai hoang, lập ấp ở vùng đồi này. Cũng bởi vậy, khi gia đình cụ Tố hạ gánh, nơi đây còn có tên là ấp Ký Nhàn. Tiếp theo là bầu đoàn các họa sĩ: Trần Văn Cẩn, Tạ Thúc Bình, các nhà văn Nguyên Hồng, Kim Lân… Tất cả quây quần làm nên cái ấp Cầu Đen mà sau này Nguyên Hồng gọi là xóm Đồi Cháy.

Ra đi từ nhiều ngả, gia đình các văn nghệ sĩ kháng chiến cùng chọn nơi đây làm chỗ an cư. Và cũng từ chốn này, dấu chân các văn nghệ sĩ tỏa đi khắp các nẻo đường của cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ. Và cũng những dấu chân ấy lại đưa các văn nghệ sĩ trở về cái ấp nhỏ thân thương này để “nằm ổ”, cho ra đời những tác phẩm không chỉ với mục đích phục vụ trường kỳ kháng chiến mà còn để đời cho các thế hệ mai sau.

Ấp Đồi Cháy ngày ấy cũng hội đủ những nét thân quen của cuộc sống làng quê. Nơi đây, trong suốt 9 năm kháng chiến, cuộc sống vẫn diễn ra như bao đời vẫn thế. Như Nguyên Hồng viết trong “Ấp Đồi Cháy”: “Nhà cất xong, bếp núc ngày cũng đỏ lửa ba lần như chung quanh. Những võng con thơ đã có chỗ mắc màn. Tiếng gà lợn đã nhộn nhịp ngoài sân. Canh khuya lại có cả những tiếng thở chèm chẹp của những con vện, con mực nằm dưới chân giường người ngủ mệt”.

Trước cổng trường THCS mang tên Nguyên Hồng, bà Lịch kể về lớp học ngày ấy được dựng chỗ mé đồi. Đứng lớp là ông giáo Lương Ngọc Thúy, với gần chục đứa trẻ lau nhau, nhiều lứa tuổi, trình độ. Có lẽ ngành giáo dục phải về đây mà dựng một tấm bia kỷ niệm lớp học ghép đầu tiên. Người ấp Cầu Đen ngày đó lo cho sự học của con trẻ. 

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa có quyết định công nhận Địa điểm Đồi Văn hóa kháng chiến tại xã Quang Tiến là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Như vậy, tiếp vào dấu chân những người đi trước sẽ lại có những dấu chân của thế hệ hôm nay và mai sau, đến và đi, góp phần lan tỏa giá trị tốt đẹp của một vùng đất đã đi vào lịch sử dân tộc.

Người ấp Cầu Đen cũng lo tạo dựng hạnh phúc lứa đôi. Đó là câu chuyện về đám cưới của Nhạc sĩ Đỗ Nhuận do Đoàn thanh niên của ấp đứng ra tổ chức, chỉ có nước chè xanh và câu hò điệu hát mà đầm ấm vui tươi. Người ấp Cầu Đen còn lo hậu sự cho người qua đời với đám tang tiễn cụ Tố về với tiên tổ sau hai năm ngã bệnh…

Và Đồi Cháy không chỉ đón những đứa trẻ ra đời. Nơi đây còn là cái nôi nuôi dưỡng những đứa con tinh thần của văn nghệ sĩ kháng chiến. Chính tại xóm đồi này, Kim Lân đã viết "Làng". Ngô Tất Tố viết "Buổi chợ trung du", "Anh Lạc", "Bùi Thị Phác"... Họa sĩ Tạ Thúc Bình sáng tác những bộ tranh phục vụ kháng chiến, những tác phẩm được giải tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc… 

Riêng Nguyên Hồng, đây là nơi ông cho ra đời những tác phẩm để đời, không chỉ trong những năm kháng chiến mà cả sau này, khi ông đưa gia đình từ Hà Nội về lại Nhã Nam như "Địa ngục và lò lửa", "Đất nước yêu dấu", "Đêm giải phóng" hay "Ấp Đồi Cháy". Đây là nơi ông sáng tác hai bộ tiểu thuyết đồ sộ "Sóng gầm" và "Cửa biển"…

Những dấu chân ra đi, lại có những dấu chân trở về. Khi cùng các bà Ngô Thị Thanh Lịch, Tạ Phương Thảo trò truyện với bà Loan, con dâu thứ hai của cụ Nguyên Hồng trong khu vườn rợp bóng cây xanh của gia đình nhà văn, tôi chợt nảy chút vân vi. Sẽ ra sao nếu không có những dấu chân trở lại của gia đình Nhà văn Nguyên Hồng sau vụ án văn chương Nhân văn giai phẩm với câu nói đặc Nguyên Hồng ngày ấy: “Ông đéo chơi với chúng mày nữa. Ông về Nhã Nam!”.

Ấy là Nguyên Hồng nói dỗi. Tuy nhiên ông vẫn tham gia công tác Hội, giảng dạy lớp đào tạo những người viết văn trẻ, và đặc biệt ông vẫn viết, viết cật lực để có những "Sóng gầm", "Cửa biển", "Núi rừng Yên Thế"… Nhờ những dấu chân trở lại ngày ấy của gia đình Nguyên Hồng mà ấp Đồi Cháy là nơi đồng nghiệp, bạn bè lui tới để giờ đây nó vẫn tồn tại như một địa chỉ văn hóa không thể nào quên.

{keywords}

Bà Ngô Thị Thanh Lịch (thứ 2 từ trái sang) về thăm nơi gia đình nhà văn Ngô Tất Tố sinh sống từ 1946-1956. Ảnh: VĂN ÁNH

Trở lại những năm kháng chiến, cùng những dấu chân đi về của các ông chủ gia đình ấp Đồi Cháy, nơi đây từng in dấu chân Tố Hữu, Trần Huy Liệu, Tú Mỡ, Trần Đăng, Nguyễn Đình Thi… Bà Lịch kể một kỷ niệm. Hôm ấy ấp Đồi Cháy có khách. Một nhóm văn nghệ sĩ ghé lại, bà nhớ trong đó có Nhạc sĩ Phạm Duy. Dịp đó, hình như Phạm Duy mới viết ca khúc "Nhạc tuổi xanh". Ca khúc lúc đầu có đoạn “Đường tan ta cứ đi, nhà tan ta cứ xây, ruộng tan ta cứ cày…”. 

Khi hát cho cụ Tố và các vị ở Đồi Cháy nghe, mọi người đề nghị sửa chữ “tan” thành chữ “ta”, nghe có lý mà lại thể hiện khí phách và sự quyết tâm. Nghe kể và vào mạng, tìm ca khúc "Nhạc tuổi xanh", lại thấy một tấm hình Phạm Duy mặc áo cánh nâu, cặp kính cận lấp lóa dưới vành mũ cát, chống cây ghi-ta chụp ảnh bên một gốc cây mà hậu cảnh là cả một vùng đồi. Không hiểu sao tôi cứ đinh ninh đó là tấm ảnh chụp ở ấp Cầu Đen năm ấy.

Và ngay trong những ngày kháng chiến gian khổ, đã có những dấu chân từ Đồi Cháy ra đi như một sự chuẩn bị, hướng tới tương lai. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên, học những chữ cái đầu tiên từ đây đã in dấu chân của mình ở các giảng đường đại học trong và ngoài nước, đã trở thành những người lính, những thầy giáo, nhà khoa học... Rồi đến thế hệ con cháu của họ. Đồi Cháy đã và đang đóng góp về người, về của cho đất nước như bao làng quê khác.

Cũng trong cái ngày mùa đông nắng nhạt ấy, tôi được biết một tin vui. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa có quyết định công nhận Địa điểm Đồi Văn hóa kháng chiến tại xã Quang Tiến là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Sự công nhận dù hơi muộn đó sẽ là cơ sở cho việc xây dựng Đồi Cháy- Cầu Đen thành một khu lưu niệm tôn vinh những người đã sống, làm việc và cống hiến cho nền văn học nghệ thuật nước nhà trên vùng đất này. Như vậy, tiếp vào dấu chân những người đi trước sẽ lại có những dấu chân của những thế hệ hôm nay và mai sau, đến và đi, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của một vùng đất đã đi vào lịch sử dân tộc. Cứ như thế, mạch nguồn Đồi Cháy tỏa khắp muôn phương…

Tùy bút của Tạ Việt Anh

Nhân 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyên Hồng 5-11 (1918 - 2018): Người về ấp Cầu Đen
(BGĐT)- Nhà văn Nguyên Hồng (1918-1982) không những là đại diện xuất sắc của nền văn học hiện thực tiến bộ trước Cách mạng Tháng Tám, mà còn là một trong những lớp người đầu tiên góp sức xây dựng nền văn học mới, nền văn học hiện thực Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. 
 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...