Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 33 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Những nhà giáo làm văn chương

Cập nhật: 08:23 ngày 16/11/2018
(BGĐT)- Trong hàng ngũ sáng tác văn học (văn, thơ) tỉnh Bắc Giang, nhà giáo là lực lượng chủ yếu. Điều ấy không có gì lạ. Các thầy, cô giáo vốn được trang bị kiến thức văn học từ mái trường đào tạo, trực tiếp giảng dạy học trò, tiếp cận thực tế đời sống, luôn có ý thức tiếp thu kiến thức mới. Nhìn rộng ra đất nước, nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng đều xuất phát từ nhà giáo.

Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi không thể kể hết tất cả các nhà văn, nhà thơ tỉnh nhà là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh mà chỉ kể đôi điều về một số tác giả tiêu biểu, đã và đang là trụ cột của văn học Bắc Giang, có thành tựu đáng kể.

{keywords}

Các hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đi thực tế tại Suối Mỡ (Lục Nam). Ảnh: Thanh Hoàn

Đặng Tiến Huy có văn, thơ ngay từ hồi còn dạy học ở Lạng Sơn, về Bắc Giang vừa giảng dạy vừa tiếp tục sáng tác. Đến nay ông có hơn ba chục đầu sách cả văn lẫn thơ, trong đó chủ yếu là văn. Một thời tiểu thuyết “Chủ quán phù vân” đã gây xôn xao trong công chúng và giới văn chương cả nước, sau được sáng tỏ, trước khi về hưu là quyền Chủ tịch Hội VHNT tỉnh. Ông đã có nhiều giải thưởng ở T.Ư, địa phương.

Đỗ Nhật Minh quê gốc Nam Định, học ở Trường Hàn Thuyên (Bắc Ninh), trú tại TP Bắc Giang sau khi Bắc Ninh, Bắc Giang sáp nhập tỉnh Hà Bắc. Từ năm 1963 ông là nhà giáo, dạy nhiều năm ở Hà Tây (nay thuộc về Hà Nội), sau chuyển về huyện Yên Dũng (Bắc Giang). Từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước, ông đã có tác phẩm in ấn. Năm 1971, cùng với các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Phan Hách, Trần Ninh Hồ, Trần Anh Trang đã đi dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc tổ chức tại Hà Nội. Đến nay ông có chừng 20 đầu sách gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, được nhiều giải thưởng văn học của địa phương và T.Ư.

Nguyễn Thị Mai Phương quê ở huyện Tân Yên, vốn là giáo viên dạy ở Lục Ngạn, đã từng bộc lộ tài năng ngay từ những tác phẩm đầu tay. Hiện chị là Phó Tổng Biên tập tạp chí Sông Thương (Hội VHNT tỉnh) - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, là một cây bút chủ lực, sung sức, sáng tạo, có uy tín cao trong văn đàn.

Chu Ngọc Phan (tên thật là Chu Bá Phiếm) là một nhà giáo lâu năm. Ông đã tạo ra một phong cách riêng cho mình trong dòng thơ đương đại Bắc Giang khi viết về miền núi, về đồng bào dân tộc thiểu số. Ông là cây bút năng động, đầy nội lực, đạt giải thưởng cao về thơ ở T.Ư.

Nếu kể đến những nhà giáo làm văn chương không thể không nhắc tới Anh Vũ, Duy Phi, Đỗ Vinh. Trong đó Anh Vũ (tên thật là Vũ Công Ứng), quê gốc ở Từ Sơn (Bắc Ninh), nguyên là thầy giáo dạy họa ở một trường sư phạm. Thơ ông đằm sâu, níu giữ người đọc, vừa chân thực vừa bảng lảng, bay bổng. Ngoài thơ, văn, Anh Vũ còn là nhà điêu khắc. Ông là tác giả những bức tượng đậm dấu ấn: Hoàng Hoa Thám (Yên Thế), Ngô Sĩ Liên (Trường THPT Ngô Sĩ Liên), Nguyễn Khắc Nhu (Song Khê, TP Bắc Giang)… Ông thực sự là nhà thơ tài hoa, một người đa tài. Ông có nhiều giải thưởng cả văn, thơ lẫn điêu khắc.

Duy Phi (Nguyễn Duy Phi), quê ở Thuận Thành (Bắc Ninh), một thầy giáo dạy ở trường sư phạm, có thơ từ lúc mới 20 tuổi về công tác ở Hội VHNT tỉnh từ khi thành lập Hội (năm 1980). Ông viết nhiều thể loại (thơ, tiểu thuyết, sưu tầm, dịch…) nhưng thơ vẫn là thế mạnh. Ông là người chăm chỉ, ham học, ham hiểu biết, luôn vượt lên chính mình. Nhiều giải thưởng văn, thơ được trao cho ông.

Đỗ Vinh là nhà thơ nổi danh của tỉnh. Thầy giáo dạy văn của Trường THPT Yên Thế thuở trước khi đến với thi ca được giới văn chương trong tỉnh rất trân quý. Anh Vũ, Duy Phi, Đỗ Vinh đã mất nhưng tác phẩm của họ vẫn được nhiều bạn đọc ghi nhớ.

Nhắc đến tác giả cao tuổi nhất, đã từng có nhiều giải thưởng ở T.Ư, địa phương phải kể đến trước tiên là Tế Nhị Cẩn, nguyên là thầy giáo dạy học ở Hoàng Ninh (Việt Yên). Ông có tác phẩm đầu tay đăng trên tạp chí Văn nghệ quân đội từ những năm 60 của thế kỷ trước, được giới văn chương thời ấy đánh giá cao. Văn ông tạo một giọng điệu riêng, đầy ắp hơi thở đời sống, có sức lôi cuốn, hấp dẫn. Nay ông đã ngoài tuổi 80, sức khỏe suy giảm, buông bút nhiều năm nay nhưng tác phẩm của ông luôn là mốc son trong văn học tỉnh ta.

Ông Quách Đăng Khoa đã vào tuổi 85. Trước khi chuyển sang Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh, ông là thầy giáo dạy nhiều năm ở Tây Bắc. Ông đến với thơ khá muộn nhưng bạn đọc đã nhận ra ngay một giọng thơ thủ thỉ, chân chất, nền nã của một người chuyên viết về quan họ, và hình như người sao, thơ vậy. Còn rất nhiều thầy, cô giáo làm văn chương mà ai cũng có thể viết riêng nhiều trang. Có thể kể ra Ngô Văn Hiểu, Vũ Hoàng Nam, Vũ Kim Loan, Vương Đình Cốc, Kim Ô, Nguyễn Thị Ánh Nguyệt… Trong số họ có người đã mất, có người vẫn đang trực tiếp giảng dạy. Giá ngành giáo dục tỉnh nhà tập hợp, quy tụ họ để có những ấn phẩm về sáng tác văn học hẳn sẽ phong phú.

Đội ngũ kế cận văn chương lớp trước hiện ít ỏi. Ấy là nói riêng nhà giáo. Cho đến hôm nay trông cậy vào một số tác giả năng lực, nòng cốt, ví như Nguyễn Thị Mai Phương, Bảo Thương (Giáp Thị Thủy, giáo viên tại Lục Ngạn)… Không biết nay mai lực lượng nhà giáo là nhà văn, nhà thơ có đông và mạnh hơn không?

Sắp tới Ngày Nhà giáo Việt Nam. Bài viết này cũng là để bạn đọc hiểu thêm về nhà giáo tỉnh nhà và cũng góp phần nhỏ tư liệu cho một số trường giảng dạy tác giả văn học địa phương.

Đỗ Nhật Minh - Cây bút đa phong cách
(BGĐT) - Đỗ Nhật Minh là người viết văn chuyên nghiệp. Trong Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bắc Giang, ông thuộc thế hệ đầu tiên từ khi còn tỉnh Hà Bắc. Tính đến nay, thời gian cầm bút sáng tác của ông dễ cũng gần năm mươi năm. Có lẽ từ truyện ngắn đầu tay “Câu chuyện về một đội kịch” in năm 1971, một cú hích đưa ông một thầy giáo dạy văn trở thành một người viết văn, viết báo.
 

Giang Kế Nhân 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...