Thứ năm, 02/05/2024
Bắc giang 23 °C / 23 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ưu tiên bảo tồn tối đa yếu tố gốc cấu thành di tích khi tu bổ, tôn tạo

Cập nhật: 15:59 ngày 26/07/2018
(BGĐT) - Thảo luận giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong tu bổ, tôn tạo di tích là nội dung được đề cập sâu tại buổi tọa đàm “Thực trạng và giải pháp trong thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn hiện nay” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức ngày 26-7. 
{keywords}

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Đánh giá thực trạng công tác tu bổ di tích trên địa bàn tỉnh thời gian qua, lãnh đạo Sở VHTTDL cho rằng nhiều nơi không tuân thủ các quy định của pháp luật làm biến dạng, mất yếu tố gốc cấu thành di tích và ảnh hưởng đến cảnh quan, không gian công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng. Thời gian tới Sở sẽ tăng cường hướng dẫn, kiểm tra và xử lý đối với những trường hợp vi phạm. 

Tại đây kiến trúc sư Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VHTTDL) chia sẻ những kinh nghiệm trong hoạt động tu bổ di tích của một số quốc gia trên thế giới và các tỉnh, TP trong nước; những căn cứ pháp lý cần tuân thủ trong lĩnh vực này như Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng và các quy định khác. Trong đó, ông đặc biệt lưu ý: Bảo tồn tối đa yếu tố gốc cấu thành di tích, hạn chế can thiệp làm giảm, thay đổi đặc điểm, giá trị di tích, đồng thời ưu tiên bảo quản, gia cố, sau đó mới đến tu bổ, tôn tạo. Trước khi thực hiện cần có nghiên cứu, khảo sát, đánh giá toàn diện di tích, ưu tiên sử dụng vật liệu truyền thống, chỉ sử dụng vật liệu, công nghệ mới khi không ảnh hưởng đến đặc điểm, giá trị di tích…

{keywords}

Đại biểu trao đổi tại buổi tọa đàm. 

Trao đổi về ý kiến của đại biểu, kiến trúc sư Lê Thành Vinh gợi mở các địa phương cần chủ động huy động nguồn kinh phí từ nhân dân, không nên trông chờ ỷ lại vào nguồn kinh phí của nhà nước cho hoạt động tu bổ di tích. 

Để đơn giản hóa thủ tục hành chính trong phê duyệt hồ sơ tu bổ di tích, các địa phương có thể vận dụng xây dựng các quy định phù hợp với thực tiễn song không trái luật, nghị định, thông tư và các văn bản khác của T.Ư. Hạn chế việc dịch chuyển vị trí, thay đổi kiểu dáng kiến trúc di tích, nếu thực hiện cần phải thận trọng, có nghiên cứu đánh giá kỹ từng phương án để bảo đảm hài hòa không gian, cảnh quan công trình. Bài học kinh nghiệm cho thấy khi tu bổ di tích các địa phương nên thực hiện bài bản dưới sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và cần có sự đồng thuận cao của cộng đồng dân cư. 

Theo kiến trúc sư Lê Thành Vinh, hiện nay có tình trạng năng lực thẩm định thiết kế công trình tu bổ di tích của cơ quan quản lý nhà nước còn thiếu và yếu nên ngành văn hóa tỉnh cần tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên môn các cấp. 

Đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL cho biết, việc quy định phân cấp quản lý di tích hiện đang cấp thiết, vừa qua có tình trạng buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm trong hoạt động tu bổ nhưng khi xử lý có sự đùn đẩy trách nhiệm. Hiện Sở đang tham mưu cho UBND tỉnh dự thảo quy định phân cấp quản lý di tích trong đó nêu rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp, ngành trên địa bàn tỉnh.

                                                                                       Nguyễn Hưởng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...