Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hình tượng Hồ Chí Minh-nguồn cảm hứng cho sáng tác điện ảnh

Cập nhật: 07:00 ngày 19/05/2018
(BGĐT) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là một đề tài lớn của văn học nghệ thuật (VHNT). Hình tượng Bác Hồ là niềm cảm hứng sáng tạo của các thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam và nhiều bạn bè quốc tế, trong đó có các nhà làm phim. 
{keywords}

Nghệ sĩ Tiến Hợi (bên trái) thể hiện vai Nguyễn Tất Thành trong phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”.

Từ những năm kháng chiến cứu nước gian khổ, điện ảnh Việt Nam tuy còn non trẻ và thiếu thốn nhưng đã có những bộ phim tư liệu về Bác Hồ kính yêu. Đó là những thước phim vô cùng quý giá về mặt tư liệu lịch sử. Năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 100 năm sinh nhật Bác Hồ, điện ảnh Việt Nam mới xây dựng và hoàn thành được bộ phim truyện nhựa đầu tiên về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là bộ phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” của đạo diễn Long Vân. Bộ phim kể lại những năm tháng tuổi trẻ của Bác Hồ cùng gia đình sống và học tập ở Huế. Trước cảnh nước mất nhà tan, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã nung nấu hoài bão đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của thực dân. Trước khi lên tàu bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã để lại lời hẹn ước với người bạn gái miền Nam và cũng là với đất nước: “Hẹn gặp lại Sài Gòn”.

Thành công của bộ phim trên đây đã khích lệ các nhà làm phim Việt Nam tiếp tục sáng tạo hình tượng Bác Hồ. Năm 1997, bộ phim “Hà Nội mùa Đông năm 46” của đạo diễn Đặng Nhật Minh ra đời được dư luận chú ý. Đặc biệt, hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, một loạt bộ phim truyện nhựa màu về hình tượng Bác Hồ được xây dựng thành công: “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi và Viên Thế Kỷ (năm 2003); “Nhìn ra biển cả” của đạo diễn Vũ Châu (năm 2010); “Nhà tiên tri” của đạo diễn Vương Đức (năm 2015); “Thầu Chín ở Xiêm” của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng (năm 2015). “Vượt qua bến Thượng Hải” của đạo diễn Triệu Tuấn và Phạm Đông Vũ (năm 2016)...

Những bộ phim trên đây xây dựng hình tượng Bác Hồ ở những giai đoạn cụ thể trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, cũng là những giai đoạn quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam. Bộ phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” tái hiện bối cảnh đất nước những năm đầu thế kỷ XX, nhân dân ta “một cổ hai tròng” dưới áp bức của thực dân và phong kiến, nhiều phong trào yêu nước chống Pháp bị đàn áp dã man hoặc lâm vào bế tắc về đường lối. Bộ phim “Nhìn ra biển cả” cũng có bối cảnh lịch sử trên đây nhưng chỉ tập trung vào thời gian Bác Hồ dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết). Từ đây, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết ra đi tìm đường cứu nước với ý chí: Phải hướng ra biển lớn để thực hiện hoài bão lớn!.

Bộ phim “Thầu Chín ở Xiêm” kể về giai đoạn Bác Hồ ở Thái Lan (1928-1929) với tên gọi là Thầu Chín. Người tuyên truyền, giác ngộ bà con Việt kiều, bồi dưỡng thanh niên Việt kiều và những thanh niên ưu tú trong nước sang học tập, nghiên cứu về chủ nghĩa cộng sản, hình thành những tổ chức cách mạng tiền thân, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Phim “Hà Nội mùa Đông năm 46” phản ánh tình thế của đất nước sau Cách mạng Tháng Tám thành công, thù trong giặc ngoài ra sức chống phá, vận nước “ngàn cân treo sợi tóc”. Và dân tộc ta một lần nữa buộc phải cầm súng, bởi “chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng nhưng chúng ta càng nhân nhượng kẻ địch càng lấn tới, vì chúng cam tâm cướp nước ta một lần nữa” (Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch).

{keywords}

Nghệ sĩ Bùi Bài Bình (người ngồi) thể hiện vai Bác Hồ trong phim “Nhà tiên tri”. Ảnh tư liệu.

Bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” kể về vụ án thực dân Anh cố tình khép tội Nguyễn Ái Quốc tại một phiên tòa ở Hồng Kông (Trung Quốc) để giao Người cho thực dân Pháp ở Đông Dương xét xử, trong khi phong trào cách mạng trong nước do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo đang bị đàn áp khốc liệt. Cùng bối cảnh trên đây, bộ phim “Vượt qua bến Thượng Hải” kể về giai đoạn sau khi thoát khỏi phiên tòa của thực dân Anh, Nguyễn Ái Quốc từ Hồng Kông tới Thượng Hải, tìm đường sang Liên Xô để tránh sự săn lùng của mật thám Pháp và chính quyền Tưởng Giới Thạch. Phim “Nhà tiên tri” kể về những ngày Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, cùng Trung ương Đảng và Chính phủ lãnh đạo cuộc trường kỳ kháng chiến chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng.

Đối với các diễn viên, được thể hiện hình tượng Bác Hồ trên màn ảnh là một vinh dự lớn trong cuộc đời nghệ sĩ. Bởi vậy, ai cũng nỗ lực lao động sáng tạo để hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình. Khi được giao đóng vai thầy giáo Nguyễn Tất Thành trong phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, nghe nói các trắc thủ phòng không thường được ưu tiên ăn gan lợn cho mắt sáng để quan sát, nghệ sĩ Tiến Hợi đã “ép” mình ăn gan lợn hàng tháng ròng để đôi mắt mình thể hiện được ánh mắt tinh anh của Bác Hồ. Và từ đó về sau, anh kiên quyết không nhận các vai phản diện để giữ mãi hình tượng thiêng liêng về Bác Hồ mà mình đã vinh dự được thể hiện. Cũng trong phim này, diễn viên Thu Hà đã tự “nhốt” mình trong phòng kín hơn chục ngày chỉ để nghiền ngẫm về vai diễn trước khi bấm máy, để tình cảm không bị chi phối về những chuyện khác ngoài phim. Và toàn bộ ê-kíp sáng tạo bộ phim trên đây đã không nhận thù lao, để dành cho các chi phí làm phim. 

Nghệ sĩ Bùi Bài Bình khi được chọn thể hiện hình tượng Bác Hồ trong phim “Nhà tiên tri” đã tập luyện thể thao và điều chỉnh khẩu phần hằng ngày để có thân hình giống Bác Hồ hồi ở Việt Bắc. Đồng thời anh phải tranh thủ học tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga... để khi diễn có khẩu hình khớp với những câu thoại lồng tiếng nước ngoài. Bên cạnh những nghệ sĩ danh tiếng như Tiến Hợi, Bùi Bài Bình, Trần Lực... các diễn viên trẻ như Minh Hải, Minh Đức, Nguyễn Mạnh Trường... khi được vinh dự giao thể hiện hình tượng Bác Hồ, cũng đã có những nỗ lực vượt bậc để hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình, được công chúng đánh giá cao.

Sáng tạo hình tượng Bác Hồ trong VHNT nói chung và trên màn ảnh nói riêng là niềm vinh dự, tự hào và là niềm cảm hứng lớn nhưng cũng là một thách thức nghệ thuật đối với các thế hệ văn nghệ sĩ nước ta. Bởi bên cạnh những đòi hỏi khắt khe của các bộ môn nghệ thuật, thì nguyên mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân vật đặc biệt, một nhân cách lớn, một tấm gương mẫu mực.

Niềm vinh dự tự hào và tinh thần lao động sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ là những yếu tố quan trọng làm nên thành công của các bộ phim về Bác Hồ. Hầu hết các bộ phim trên đây đều đoạt giải thưởng cao trong các kỳ Liên hoan phim Việt Nam và giải thưởng hằng năm của Hội Điện ảnh Việt Nam. Tiêu biểu như bộ phim “Hà Nội mùa đông năm 46” đã giành 6 giải thưởng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12 năm 1999: Giải Bông Sen Bạc cho tác phẩm; 4 giải xuất sắc cho đạo diễn, quay phim, họa sĩ, nhạc sĩ và Giải thưởng Bộ Quốc phòng dành cho phim xuất sắc về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng. Các bộ phim: “Vượt qua bến Thượng Hải”, “Nhìn ra biển cả”, “Nhà tiên tri”, “Thầu Chín ở Xiêm”... đều được giải qua các đợt trao giải thưởng cuộc vận động sáng tác các tác phẩm VHNT và báo chí về đề tài học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...

Sáng tạo hình tượng Bác Hồ trong VHNT nói chung và trên màn ảnh nói riêng là niềm vinh dự, tự hào và là niềm cảm hứng lớn nhưng cũng là một thách thức nghệ thuật đối với các thế hệ văn nghệ sĩ nước ta. Bởi bên cạnh những đòi hỏi khắt khe của các bộ môn nghệ thuật thì nguyên mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân vật đặc biệt, một nhân cách lớn, một tấm gương mẫu mực. Phấn đấu thể hiện thành công hình tượng Bác Hồ trong VHNT nói chung và trên màn ảnh nói riêng, là thiết thực góp phần thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Mai Nam Thắng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...