Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Linh thiêng bàn thờ gia tiên

Cập nhật: 07:00 ngày 14/02/2018
(BGĐT) - Cũng như những gia đình Việt, bàn thờ gia tiên nhà tôi được đặt nơi cao ráo, sạch sẽ, nghĩa là nơi trang trọng. Từ khi còn bé, tôi đã nghe cha mẹ bảo: Bàn thờ là nơi linh thiêng nhất của nhà mình. Đó là nơi linh hồn tổ tiên, ông bà ở, gần gũi soi xét, giúp đỡ, phù hộ độ trì mình trong mọi suy nghĩ, việc làm.
{keywords}

Việc lau dọn bàn thờ được làm cẩn thận, tỉ mỉ.

Gần ngày Tết, cùng với việc quét dọn, sửa sang nhà cửa đón xuân, chúng tôi lau chùi bàn thờ. Công việc này bao giờ cha tôi cũng làm. Ông rất cẩn thận, cẩn thận đến mức như thực hiện một nghi lễ thành kính. Cha tôi cẩn thận chuyển từng thứ như đồ thờ, đỉnh đồng, giá nến, bát hương... xuống tỉ mỉ lau rửa. Nước rửa phải là nước trong sạch, khi đó không có nước máy như bây giờ, cha thường dùng nước mưa, còn khăn lau phải là khăn trắng còn nguyên cả miếng. Trước đó, ông đã chuẩn bị sẵn bó rơm nếp mượt dài, vàng đượm đem đốt để thay tro bát hương. Cha bảo làm vậy để tỏ lòng tôn kính tổ tiên, ông bà - người sinh thành, nuôi dưỡng mình!

Hoa cúng và trang trí bàn thờ gia đình tôi bao giờ cũng có cành đào – như người đem tin xuân tốt lành. Ngoài ra, bàn thờ gia tiên nhà tôi còn bày một lọ hoa huệ trắng muốt lan tỏa hương tinh khiết mà thanh cao và bó hoa cúc vàng rực tượng trưng cho phúc - lộc - thọ đầy nhà. Riêng mâm ngũ quả, mẹ tôi chọn mua toàn thứ tươi ngon: Nải chuối xanh mập, quả to dài giống bàn tay ôm trái bưởi vàng thơm thảo, xung quanh đan cài những trái hồng, quýt, táo tươi màu rực rỡ. Mẹ bảo: Ngũ quả là trái ngọt của trời đất. Sau này, tôi hiểu ngũ quả tượng trưng cho ngũ hành - năm thứ vật chất Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ tuy xung khắc đấy mà hòa hợp, cùng tạo dựng lên trời đất, vũ trụ. Tầng sâu mâm ngũ quả, tổ tiên, ông cha mình ngụ ý khuyên bảo nhắc nhở con cháu phải yêu thương, đùm bọc.

Bàn thờ gia tiên là cầu nối thế giới vô hình với thế giới hữu hình, cầu nối mọi thế hệ tổ tiên, ông bà, con cháu gia đình người Việt Nam.

Khi bàn thờ được lau dọn, chuẩn bị chu đáo, gia đình tôi mới đi tảo mộ. Khu mộ gia tiên nhà tôi ở trên một khu đất ruộng cách nhà ở hơn cây số. Hồi đó các mộ không xây to, hoành tráng như bây giờ mà chỉ giản dị đắp đất cao, tròn hình nấm. Việc tảo mộ của chúng tôi do vậy cũng đơn giản, đó là dọn sạch cho phong quang và vun, đắp đất cho mộ cao đầy, vững chãi rồi sau đó mới thắp hương khấn vái mời tổ tiên, ông bà về ăn Tết, sum họp cùng con cháu. Dù chỉ làm có vậy nhưng trước khói hương lan tỏa, tan dần giữa chiều cuối năm trầm lắng có phần thâm u, chúng tôi cảm thấy an lòng, vui vẻ lắm, sung sướng lắm vì được linh hồn tổ tiên, ông bà thấu tỏ lòng kính hiếu của mình!

Cơm cúng trong ba ngày Tết gia đình tôi luôn có 4 món chính âm dương đối nhau, thể hiện sự hòa hợp như mọi gia đình Việt mình. Đó là bánh chưng, cơm tẻ, thịt lợn và dưa hành. Giữa mâm cúng còn có thịt gà mổ để nguyên con đặt trên đĩa to như nằm phủ phục với đầu và mỏ hướng lên trông thành kính, ngưỡng vọng. Gà cúng đó được mẹ tôi chọn mua từ những chú gà con đẹp mã, rồi chăm bẵm từng hạt ngô, hạt thóc. Mẹ bảo: Cúng tổ tiên, ông bà phải bằng thứ ngon, quý để thể hiện lòng biết ơn, kính hiếu!

Bữa cơm chiều 30 Tết bao giờ cũng cảm động, rưng rưng nước mắt. Mọi người trong gia đình quây quần ở gian giữa, nơi đặt bàn thờ. Hồi đó, nhà chúng tôi vỏn vẹn ba gian tranh tre. Cha tôi khăn áo chỉnh tề đến trước bàn thờ trang trọng châm đèn, đốt đôi cây nến sáng rõ, thắp ba nén nhang cắm vào bát hương, thành kính khấn vái, mời tổ tiên, ông bà về ăn Tết, phù hộ cho con cháu một năm mới an khang, thịnh vượng, đạt được như ước nguyện. Mắt ông đăm đắm dõi theo từng làn khói hương lan tỏa, tan biến vào khoảng không mênh mông mà thăm thẳm. Sau đó, lần lượt anh em chúng tôi cũng bước vào trước bàn thờ để tổ tiên, ông bà chứng giám lòng thành và xin được độ trì. Bé thì xin “được hay ăn, chóng lớn”, nhỉnh hơn thì xin “chăm ngoan, học giỏi”. Riêng tôi hay gây gổ nên cầu xin được như ông bà nội, mẹ bảo ông bà hiền như đất ấy mà, cả làng, cả tổng ai cũng quý. Mãi bây giờ, khi quá nửa cuộc đời, tôi mới thấm thía như một chân lý: Tính cách người quý nhất ở hiền từ, phúc hậu! Anh Hai tôi xin “đá bóng giỏi”. Cũng lạ, cầu sao được vậy! Sau anh trở thành cầu thủ đội tuyển “chân giầy” trường sư phạm Đạo Ngạn đi thi đấu ở nhiều tỉnh trong vùng. Mẹ bảo, các con cứ một lòng thành tâm thì khẩn cầu gì đều được và còn dặn “có tâm có đức mặc sức mà ăn”.

Gần đây, cuộc sống khá hơn, tôi làm thêm bài vị ông bà, cha mẹ và bộ hoành phi, câu đối treo quanh bàn thờ. Bức hoành phi khắc chạm tứ quý - tùng, cúc, trúc, mai hóa tứ linh - long, ly, quy, phượng với đại tự chính giữa “Hư linh”, nghĩa: Con người ta khuất đi, thể xác tuy không còn nhưng linh hồn - phần linh thiêng vẫn mãi tồn tại bên con cháu, dòng tộc. Còn đôi câu đối thể hiện cách sống và hành xử mà ông bà, cha mẹ tôi răn dạy, đó là “Từ - Hòa sinh bản tổ tiên truyền”- nghĩa, Từ - Hòa hai phẩm cách, gốc sống đó, tổ tiên truyền cho và “Tĩnh - Kiệm hoạt căn phụ mẫu thụ” - nghĩa, Tĩnh- Kiệm, hai phẩm cách, cội rễ cách sống, cha mẹ dạy.

Và nay, Tết đến, trước bàn thờ gia tiên với khói hương lan tỏa giữa trời đất không cùng tôi lại cảm nhận, được như thấy cha mẹ đang ở bên với những lời khuyên răn giản dị mà sâu sắc, thấm thía.

Vũ Huy Ba

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...