Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 35 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thiếu cơ chế quản lý thanh đồng, cung văn

Cập nhật: 08:00 ngày 07/10/2017
(BGĐT) - Thanh đồng, cung văn là đội ngũ chủ chốt tạo ra nét đặc sắc trong nghi lễ hầu đồng song hiện nay thiếu cơ chế quản lý rõ ràng. Hoạt động hầu đồng bộc lộ không ít bất cập.
{keywords}

Đền Tân Ninh, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) là một trong những nơi thu hút đông các thanh đồng, cung văn đến hầu đồng.

Hoạt động "lệch chuẩn"

Anh Nguyễn Văn Hữu, 48 tuổi ở thôn Vàng, xã Huyền Sơn (Lục Nam) có gần 30 năm theo hầu đồng - nghi lễ không thể thiếu trong tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, tứ phủ của người Việt. Hiện anh Hữu là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) hát văn, diễn xướng hầu đồng huyện Lục Nam. Do tiếp cận lâu năm với nghi lễ này nên anh phần nào hiểu được cái hay, cái đẹp của tín ngưỡng cũng như một số hạn chế hiện nay. Anh Hữu chia sẻ: "Quản lý thanh đồng, cung văn - lực lượng chính trong nghi lễ hầu đồng rất cần thiết. Bản thân tôi tận mắt chứng kiến các thanh đồng ở một số nơi dọa nạt, yêu cầu gia chủ sắm mâm cao, cỗ đầy, thậm chí đưa ra mức tiền cao ngất ngưởng cho mỗi giá hầu".

Trước đây, có thời gian hầu đồng không được hoạt động công khai do lo ngại liên quan đến hoạt động mê tín, dị đoan. Tháng 12 - 2016, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cũng từ đây, hoạt động của các thanh đồng, cung văn tại các đền, phủ, điện... được thừa nhận và lan truyền rộng. Trên địa bàn tỉnh, đội ngũ này tập trung nhiều ở các huyện: Lục Nam, Yên Thế và TP Bắc Giang. Dù chưa có thống kê đầy đủ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) song qua khảo sát thực tế, tại huyện Lục Nam, ước tính có hơn 400 thanh đồng, cung văn đang hoạt động. Ông Trần Văn Hòa, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện Lục Nam cho biết: Kể từ khi UBND huyện thành lập CLB Hát văn, diễn xướng hầu đồng cách đây gần một năm, hoạt động của các thành viên trong CLB có định hướng. Tại các đền, miếu, nhất là dịp diễn ra lễ hội Suối Mỡ, nhìn chung việc thực hành tín ngưỡng được thể hiện tôn nghiêm, tạo hình ảnh tốt đẹp đối với người dân địa phương và khách thập phương. Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận nhỏ thanh đồng, cung văn có biểu hiện thương mại như: Yêu cầu con nhang mang lễ đến cúng tế tốn kém, trục lợi cá nhân; đưa ra mức phí cho mỗi giá hầu, canh đàn hát văn đắt đỏ...

Không chỉ ở huyện Lục Nam, một số nơi khác, hoạt động này cũng chưa được quản lý bài bản dẫn đến "lệch chuẩn". Bà Nguyễn Thị Hương, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) cho biết, năm ngoái, bà có đi xem hầu đồng tại một ngôi đền ở TP. Trong quá trình diễn xướng, thanh đồng chủ động "rỉ tai" những người hầu (tức người thay trang phục, trang điểm cho thanh đồng ở mỗi giá) đưa tiền cho người này, người kia với mệnh giá khác nhau. Thường người quen biết hoặc có "máu mặt" họ đưa 100-200 nghìn đồng, thậm chí 500 nghìn đồng, những người khác chỉ 5-10 nghìn đồng. Đặc biệt, tốp cung văn hát một số bài cải biên nghe rất lạ, mặc áo vua màu vàng, thêu rồng không đúng với tín ngưỡng, văn hóa dân gian. "Đã vậy có người cắt tóc ngắn, nhuộm màu vàng, màu đỏ nhìn rất phản cảm", bà Hương chia sẻ. Mặt khác, ở một vài ngôi đền do thanh đồng đến hầu đông nên phải chờ đợi mới đến lượt, canh hầu kéo dài thâu đêm suốt sáng, ảnh hưởng đến sức khỏe của không ít người tham gia cũng như an ninh trật tự tại địa phương...

Không làm biến tướng tín ngưỡng

Theo ông Nguyễn Hữu Phương, Trưởng phòng Di sản văn hóa, Sở VH-TT&DL, hiện nay vấn đề quản lý hoạt động của các thanh đồng, cung văn gặp khó khăn bởi Bộ VH-TT&DL chưa có cơ chế quản lý và cũng chưa ban hành văn bản nhận diện chuẩn đối với những người tham gia hầu đồng, từ cách lựa chọn trang phục, lối hát, ca từ, số lượng lễ vật; cách bài trí mỗi giá hầu, thời gian tối đa tiến hành nghi lễ... Chính vì lẽ đó, ở nhiều nơi, thanh đồng, cung văn hoạt động tự phát. Thực trạng sắm lễ nghi tốn kém, tung tiền lộc, tự chế lời hát, y phục chưa chuẩn, phán truyền vẫn diễn ra. Việc làm này đã tác động tiêu cực tới giá trị văn hóa nghệ thuật của nghi lễ hầu đồng. Ông Phương cho biết thêm: "Điều quan trọng, chúng ta phải xây dựng được văn bản mang tính pháp quy để làm căn cứ, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ giám sát  hoạt động của các thanh đồng, cung văn sao cho hiệu quả".

Từ thực trạng trên, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng nên sớm tham mưu, đề xuất, kiến nghị với cấp thẩm quyền ban hành cơ chế quản lý để bảo đảm thực hành tín ngưỡng đúng pháp luật, tránh biến tướng làm mất đi những giá trị tốt đẹp.

Phương Ngân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...