Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ngân vang chuông báu

Cập nhật: 08:00 ngày 23/09/2017
(BGĐT) - Nằm trong dòng minh văn chuông Việt Nam, minh văn chuông ở Bắc Giang là một thể loại ký sự văn học - lịch sử. Nội dung soạn khắc trên chuông thường kể lại những sự kiện diễn ra ở địa phương, là tài liệu chân thực phản ánh nhiều mặt về lịch sử, kinh tế, chính trị, văn học, tôn giáo… Vì vậy, khai thác những thông tin trên chuông là thu thập nguồn tư liệu lịch sử, văn học, khảo cổ, mỹ thuật độc đáo đáng tin cậy.
{keywords}

Hương lão làng Thành nổi chuông theo nghi thức truyền thống tại lễ hội Xương Giang  (TP Bắc Giang).

Từ xa xưa, chuông đồng liệt vào hàng "An Nam tứ đại khí" (bốn loại kim khí lớn của nước Nam). Ở các di tích cổ truyền của người Việt nói chung, Bắc Giang nói riêng, chuông được sử dụng chủ yếu tại các ngôi chùa nhưng trong quá trình phát triển cũng đã xuất hiện cả ở các ngôi quán đạo Lão, gần đây xuất hiện ở đền và phủ Mẫu, như đền Bến Nhãn (Bố Hạ-Yên Thế)… 

Hệ thống chuông phổ biến chia làm nhiều loại. Trong đó “Đại hồng chung” là loại chuông lớn và chính của chùa, thường treo ở gác chuông hoặc ở đầu hồi trong tòa tiền đường, nhiều khi cũng gọi là chuông U Minh, thường đánh vào lúc đầu hôm (chuông thu không) và cuối đêm rạng sáng. “Bảo chúng chung” cũng gọi là Tăng đường chung, là loại chuông nhỏ dùng để báo tin nhóm họp đại chúng hoặc thụ trai, khóa lễ… trong các tự viện. “Gia trì chung” là chuông gia trì thường được đặt ở trước bàn thờ, mang dáng dấp như chiếc bát khất thực, kê trên một đế tròn bằng vải cuộn, nhiều khi cũng có chuông treo.

Hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có hơn 600 ngôi chùa, trong đó 63 chùa còn lưu giữ chuông cổ có khắc minh văn. Đa phần các quả chuông được đúc bằng chất liệu đồng, một số ít được đúc bằng chất liệu gang.

Trong số 63 quả chuông có khắc văn tự Hán Nôm đa số có ghi dòng lạc khoản cho biết thời gian chế tác, qua những dòng lạc khoản này, đến nay xác định được 4 quả chuông thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII), gồm: Chuông chùa Thái Đào (Long Quang tự) tạo năm Chính Hòa thứ 14 (1693); chuông chùa Rào (Âm Dương tự) tạo năm Chính Hòa thứ 24 (1703); chuông chùa Tiên Lục (Phúc Quang tự) tạo năm Vĩnh Thịnh thứ 3 (1707); chuông chùa Hả (Thiên Đài tự) tạo năm Cảnh Hưng thứ 26 (1765). Chuông thời kỳ này có kích cỡ lớn, hình trụ tròn nhưng lớn dần từ vai xuống miệng chuông, chế tác cầu kỳ tinh tế.

Sang thời Tây Sơn (1778-1802), mặc dù bị triều đình nhà Nguyễn phế bỏ những văn vật mang niên hiệu nhà Tây Sơn nhưng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang còn tàng lưu 8 quả chuông đồng. Số còn lại đều được chế tác dưới thời Nguyễn (1802-1915). Nhìn chung, hình dáng chuông thời Tây Sơn và thời Nguyễn có sự tương đồng. Thân chuông dáng hình trụ đứng, đến gần vai mới thu lại. Miệng loe, trang trí theo mô típ thời Lê Trung Hưng.

Ý nghĩa của việc đúc chuông khắc ghi khá rõ trong nhiều bài minh văn trên chuông ở Bắc Giang: Minh văn đề cao âm thanh của tiếng chuông chùa Mẫu Sơn (Đính Long tự), xã Chu Điện (Lục Nam) cho biết: “Chuông là một thanh âm trong ngũ âm (cung, thương, giốc, chủy, vũ). Xưa kia, các bậc hoàng đế tạo đúc chuông để ghi lại âm hưởng cho muôn đời sau. Hạ Bá treo chuông để ngàn năm được hưởng điềm lành. 

Từ xưa đến nay, chuông luôn là pháp bảo phổ biến trong thiên hạ. Vì vậy, phàm nơi nào có các bậc Phật tử và chùa thì không nơi nào không có chuông để phụng thờ. Nay chùa Đính Long, thôn Mỹ Đại vốn là một danh lam cổ tích và từ xưa đã có một quả chuông lớn. Mỗi khi tiếng chuông cất lên đã đem lại niềm hạnh phúc cho muôn dân. Nay toàn thể nhân dân thấy vua Nghiêu có lòng với Thiền Phật, lại chăm làm việc phúc. Vì vậy, nhân dân vui vẻ, đồng tâm hiệp lực tạo đúc chuông lớn để lưu truyền muôn đời…”.

Đưa ra triết lý nhân sinh từ tiếng chuông chùa Dương Quan Thượng (Linh Sơn tự), xã Dương Đức (Lạng Giang): “Thường nghe: Phật có nhân quả, làm nhiều điều tốt thì sẽ được hưởng điều phúc… Người đánh tiếng chuông lớn có thể làm tiêu tan những nỗi cô đơn phiền muộn; người đúc chuông thì sẽ được phúc, được lưu danh… làm những việc tốt cứu độ chúng sinh sẽ được thành Phật. Đạo ấy, công đức ấy thật là vô cùng vô lượng; đáng được nêu gương khen ngợi, dâng lên Tam bảo chứng minh; vạn linh cùng soi xét…”.

Âm thanh những quả chuông trong di tích cổ ở Bắc Giang như một tiếng gọi “hòa quang đồng trần” (đem ánh sáng đạo pháp hòa vào cuộc đời bụi bặm), thúc đẩy thiện nghiệp, làm trong sạch hơn tâm hồn nhân thế.

Thu Hường

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...