Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Báo động tình trạng "thả nổi" các chương trình truyền hình thực tế

Cập nhật: 14:49 ngày 23/06/2017
Việc các gameshow (chương trình truyền hình thực tế) chiếm sóng ồ ạt trên truyền hình như hiện nay kèm theo đó là không ít những sự cố phản cảm, những tiếng cười vô duyên, những chiêu trò nhăng nhít… đã khiến dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý, giám sát nội dung, chất lượng các chương trình truyền hình thực tế (THTT) của những đơn vị, cá nhân tham gia thực hiện.
{keywords}

Các diễn viên hài đang cố chọc cười bằng những câu đàm thoại vô duyên, nhảm nhí trong một chương trình truyền hình thực tế (phunuonline.com.vn).

Nhảm và nhạt

Không khó để điểm mặt hàng loạt những chương trình THTT phát sóng gần đây đang lấy yếu tố nhảm, tục, thô làm tiêu chí hút khách. Khoảng 30 gameshow truyền hình có yếu tố hài được ưu ái xuất hiện trong khung giờ "vàng" nhưng phần lớn chỉ mang đến cái cười nhạt nhẽo theo kiểu "cù cười" cơ học bằng những lời thoại bốp chát bỗ bã, những tình huống cợt nhả dung tục. Trong chương trình "Chết cười", khán giả thường xuyên phải chịu đựng những cách nói ám chỉ đầy thô tục… 

Thay vì chú trọng yếu tố chuyên môn hay thực lực người chơi, các chương trình THTT tìm kiếm tài năng hiện nay còn thường xuyên lôi yếu tố đời tư của thí sinh ra khai thác để thu hút người xem. Ðáng chú ý phải kể đến "Tình bolero hoan ca" với việc sở hữu những câu chuyện "thâm cung bí sử" gây chú ý nhất. Nào chuyện một thời tuổi trẻ ăn chơi của Hà My được phơi bày từ mâu thuẫn cậu cháu với danh ca Thái Châu, nào chuyện cô úp mở chuyện tình nồng thắm thuở đôi mươi với danh hài nổi tiếng, rồi chuyện đời nhiều đau buồn của ca sĩ Yến Xuân… 

Trước thực trạng các chương trình THTT bùng nổ theo chiều hướng nhảm và loạn như hiện nay, nhiều người xem không khỏi lo lắng những sản phẩm mượn danh văn hóa phát sóng rộng rãi trên truyền hình sẽ tác động xấu tới nhận thức của một bộ phận công chúng, nhất là những người trẻ. Bởi tiếng cười dễ dãi dễ kéo thấp năng lực cảm thụ nghệ thuật của giới trẻ, dễ khiến họ ngộ nhận về những thứ gọi là nghệ thuật. Ðồng thời, những chiêu trò phản cảm, những lời lẽ thô thiển, tục tĩu cũng dễ tạo nên những tác động tiêu cực tới nhận thức, hành động của họ trong cuộc sống.

Vì đâu nên nỗi?

Nhiều nghệ sĩ bức xúc chia sẻ: Hiện nay, mỗi tác phẩm sân khấu muốn ra mắt công chúng của nhà hát/đơn vị mình đều phải qua sự kiểm duyệt nội dung, nghệ thuật gắt gao của sở văn hóa các tỉnh hoặc cơ quan quản lý nghệ thuật biểu diễn. Vậy tại sao những chương trình THTT phát sóng cho cả nước xem lại không được kiểm duyệt nội dung kỹ càng. Hơn nữa, hầu hết các gameshow đều không phải trực tiếp. Vậy lý do gì một chương trình thực hiện vài tiếng đồng hồ khi được biên tập thành vài chục phút vẫn lọt sạn? Việc nhà sản xuất tìm mọi cách, kể cả việc lợi dụng những chiêu trò, yếu tố nhảm, nhạt để nâng cao hiệu suất khán giả theo dõi, hút nhiều quảng cáo nhằm bảo đảm bài toán lợi nhuận cũng là điều không khó lý giải.

Trong bối cảnh còn nhiều bất cập của THTT, các nghệ sĩ khi tham gia cũng phải thật tỉnh táo để giữ mình, cũng để giữ tự trọng với nghề. Và trước mắt, khán giả-thành phần quan trọng quyết định sự sống còn của một gameshow cần trang bị cho mình khả năng tự vệ văn hóa để kịch liệt lên án, tẩy chay những chương trình nhảm nhí, vô bổ. Ðược biết, từ ngày 5-5-2017, Nghị định 28/2017/NÐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2013/NÐ-CP đã chính thức có hiệu lực, trong đó có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao du lịch và quảng cáo. 

Theo đó, ngoài việc nâng mức nộp phạt, Nghị định còn bổ sung hình phạt "Ðình chỉ hoạt động của 12 tháng đối với người biểu diễn tái phạm hành vi biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang có nội dung truyền bá tệ nạn xã hội, không phù hợp truyền thống văn hóa Việt Nam". Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nếu có vi phạm sẽ thuộc thẩm quyền xử lý của Thanh tra văn hóa. Trên môi trường mạng hay các chương trình phát sóng trên truyền hình nếu có vi phạm sẽ do thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý, vì thế nhà đài cũng cần rốt ráo, quyết liệt trong việc bảo đảm nội dung chương trình.

Những quy định này đang được kỳ vọng sẽ góp phần giảm những hành vi phản cảm trong môi trường biểu diễn nghệ thuật nói chung, trong đó có cả những chương trình THTT.

Theo Trang Anh/ND


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...