Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 33 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Gian nan bảo tồn ca trù

Cập nhật: 13:37 ngày 22/07/2014
(BGĐT) - Bắc Giang đang chuẩn bị tham gia Liên hoan Ca trù toàn quốc được tổ chức vào tháng 8 tới tại Hà Nội. Đây là cơ sở để đánh giá kết quả bảo tồn sau hơn 5 năm ca trù được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Thực tế cho thấy công tác bảo tồn ca trù còn không ít khó khăn.

{keywords}

Nhiều thách thức


Ca trù có thời gian dài bị gián đoạn tại Bắc Giang, đáng mừng là mấy năm gần đây đã được khôi phục trở lại tại một số địa phương. Trong số 9  câu lạc bộ (CLB) ca trù toàn tỉnh, CLB Ca trù Bắc Giang (trực thuộc Nhà hát Chèo Bắc Giang) tiêu biểu hơn cả. Đến nay CLB đã truyền dạy được hơn chục làn điệu, đào tạo được một số ca nương, trống chầu, kép đàn có chuyên môn vững như: Quỳnh Mai, Mai Hương, Tiến Mạnh, Đắc Huấn, Bích Thủy… 

Năm 2009, lần đầu tiên CLB Ca trù Bắc Giang tham gia hội diễn toàn quốc tại Hà Nội và giành 1 HCV, 1 HCB. Hiện trong số 6 ca nương của CLB thì 5 người có thể vừa hát vừa gõ phách và thể hiện thành thạo những làn điệu khó như: Cung Bắc, Thiên Thai, Bắc Phản, Gửi Thư, Thét Nhạc…

NSƯT Trần Thông, Giám đốc Nhà hát Chèo Bắc Giang, Chủ nhiệm CLB cho biết: Mới đầu CLB chỉ có 2 kép đàn và 3 ca nương nhưng đến nay đã có 11 người. Đa số thành viên là nghệ sĩ chèo nên khi tiếp cận ca trù có phần nhanh hơn. Tuy nhiên, đây là loại hình nghệ thuật kén khán giả, lại không có nhiều "đất diễn” nên nghệ sĩ ít có cơ hội khoe tài, dẫn đến một số thành viên xin ra khỏi CLB, lãnh đạo Nhà hát phải động viên họ ở lại hoặc tìm hạt nhân mới thay thế. 

Ở CLB Ca trù Bắc Giang đã vậy, tại CLB Ca trù Sông Thương (thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh) và các CLB ca trù địa phương còn khó khăn hơn nhiều. Ở CLB Ca trù Sông Thương, thành phần tham gia là các nhạc công Trung tâm văn hóa các huyện, TP và những hạt nhân văn nghệ cơ sở, mỗi năm CLB tập trung chừng nửa tháng thông qua lớp tập huấn. 

Nhiều người học xong nhưng cũng chỉ để đó nên kiến thức rơi rụng dần. Hay như CLB Ca trù Yên Dũng, dù đã rất cố gắng nhưng cũng gặp phải tình trạng người hát được thì không thể gõ phách, người biết gõ phách thì lại chưa thạo lề lối, trong đó khó khăn nhất là khuyết kép đàn.

Hướng đi nào? 

Năm 2009, ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Mặc dù việc bảo tồn tại Bắc Giang đã có những khởi sắc nhưng vẫn chưa thể tìm lại đỉnh cao của môn nghệ thuật này. 

Ông Dương Hồng Cơ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Hằng năm ngành đã mời nghệ nhân ca trù có uy tín về truyền dạy cho các CLB, cùng đó là hỗ trợ các CLB về trang phục, nhạc cụ, một số địa phương đã đưa ca trù vào hội diễn, hội thi tạo sự phong phú cho phong trào văn nghệ, trong đó đáng mừng là đã thu hút được một số bạn trẻ tham gia. 

Thế nhưng đây là loại hình nghệ thuật đặc thù và chuyên biệt đã thất truyền lâu, nghệ nhân Bắc Giang không còn nên việc truyền dạy phải mời các nghệ nhân từ Hà Nội, công chúng hiểu và yêu thích ca trù hiện rất ít, khi các CLB biểu diễn không cuốn hút được đông đảo khán giả khiến người biểu diễn nản chí. Vì vậy việc bảo tồn vẫn chỉ dừng lại ở mức duy trì chứ chưa phát triển được. 

Để tránh cho ca trù rơi vào tình trạng thất truyền như trước đây, thời gian tới, ngành văn hóa tỉnh xác định đây là nhiệm vụ lâu dài và thường xuyên, trước mắt cần tăng cường và đổi mới các hoạt động truyền dạy, tích cực tổ chức nhiều sân chơi bổ ích hơn nữa cho các CLB ca trù. Dự kiến cuối năm nay sẽ tổ chức liên hoan hát ca trù nhằm tạo sân chơi cho các CLB. Cùng đó mở rộng hệ thống CLB ca trù tới các huyện trong tỉnh. 

Theo ông Dương Hồng Cơ, Nhà nước vẫn phải đóng vai trò chủ đạo để đầu tư kinh phí hơn nữa cho ca trù, trong đó ưu tiên và có chế độ đãi ngộ tốt hơn đối với người theo học. Về lâu dài, ngành văn hóa và các địa phương có thể xây dựng các tụ điểm sinh hoạt ca trù, qua đó kết hợp tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn người xem. Để làm được điều này, công tác tuyên truyền cần làm tốt hơn để mọi người có thể hiểu, yêu thích và tìm đến ca trù.

Nguyễn Hưởng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...